Nguồn: DAVID HUTT, America’s debt diplomacy in Cambodia | Asia Times), JULY 1, 2021. Moralizing is all well and good but the Vietnam War era $700 million Phnom Penh owes Washington need not be a sticking point
Chính phủ Campuchia coi khoản nợ Mỹ từ thời Tướng Lon Nol là bất hợp pháp và đã nhiều lần thúc giục Washington xóa nợ.
Giữa Mỹ và Campuchia vẫn còn một "món nợ lịch sử" chưa được giải quyết: Đó là khoản vay 278 triệu USD từ thời chính quyền Tướng Lon Nol, nay cộng thêm lãi đã lên đến gần 700 triệu USD (theo thông tin của truyền thông Campuchia).
Chính phủ Campuchia coi khoản nợ này là bất hợp pháp, và đã nhiều lần thúc giục Washington xóa nợ vì đối với Phnom Penh, Mỹ còn nợ người dân Campuchia món nợ tinh thần to lớn.
Trong bài bình luận dưới đây, nhà báo chính trị David Hutt của tờ Asia Times đã phân tích về khoản tiền Campuchia nợ Mỹ từ thời Lon Nol và những được-mất cùng điều kiện để Washington xóa nợ hoặc giảm nợ cho Phnom Penh.
Sau đây là nội dung lược dịch của bài viết này.
MỸ ĐÒI TIỀN, CAMPUCHIA TỪ CHỐI TRẢ "NỢ BẨN"
Thủ tướng Campuchia Hun Sen coi đó là những đồng tiền "bẩn thỉu và đẫm máu". Nhưng đối với Mỹ, đó chỉ đơn giản là một món nợ mà Campuchia phải trả cho họ trên tư cách là một quốc gia có chủ quyền.
Trong nhiều năm qua, giữa Washington và Phnom Penh đã xảy ra tranh cãi về khoản tiền 278 triệu USD mà Campuchia đã vay từ Mỹ từ đầu thập niên 1970, và sau 4 thập kỷ hiện tiền lãi đã nhiều hơn cả khoản vay gốc.
Năm 2010, Quốc hội Mỹ định giá khoản vay của Campuchia là 444 triệu USD - bao gồm tiền lãi. Năm 2017, Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh thông báo với truyền thông địa phương rằng khoản nợ đã tăng lên 505 triệu USD với lãi suất ưu đãi 3%.
Hãng thông tấn Fresh News, cơ quan ngôn luận của chính phủ Campuchia, gần đây cho biết khoản nợ này đã tăng lên gần 700 triệu USD - tuy nhiên thông tin này chưa được xác nhận và có vẻ khá cao nếu tính theo công bố trước đó từ phía Mỹ.
Số tiền khổng lồ như vậy bắt đầu từ khoản tiền 278 triệu USD mà chính quyền Lon Nol vay từ chính phủ Mỹ sau khi lật đổ Hoàng thân Sihanouk.
Tuy nhiên, Cộng hòa Khmer của chính quyền Lon Nol đã sụp đổ vào năm 1975 do nạn tham nhũng, quản trị yếu kém; sau đó là những tháng ngày Mỹ giội bom Campuchia khi chính quyền Khmer Đỏ lên nắm quyền, và tiếp đến là cuộc diệt chủng kéo dài 4 năm.
Một lập luận thường được đưa ra là Mỹ nên xóa nợ cho Campuchia vì lý do đạo đức, vì Mỹ từng giội bom Campuchia vào đầu thập niên 1970.
"Tôi coi khoản nợ của Campuchia với Mỹ dưới thời chính quyền Lon Nol là nợ 'bẩn', vì Campuchia đã bị ép phải mua bom Mỹ rồi giội lên đầu chính người dân Campuchia, gây ra rất nhiều thương vong. Mỗi lần nhớ đến câu chuyện này, tôi đều cảm thấy đau xót cho tất cả người dân Campuchia", Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 4 đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden xóa nợ cho Campuchia.
Trong khi đó, như đã nêu trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện năm 2010, Washington vẫn coi khoản vay này là dành cho "hàng hóa nông nghiệp" chứ không phải là bom đạn.
Trong một bài xã luận được đăng tải gần đây, báo Khmer Times cho biết: "Mỹ vẫn đòi Campuchia trả món nợ thời chế độ Lon Nol, như thể 2 triệu tấn bom vẫn là chưa đủ."
Trước đó, năm 2017, Thủ tướng Hun Sen từng tuyên bố khi những cuộc tranh luận nổ ra sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền: "Thật khó cho chúng tôi để nói với người dân Campuchia chấp nhận một món nợ vốn dùng để mua bom đạn nhằm giết hại chính người dân Campuchia".
Nhưng nếu xét đến ngoài khía cạnh đạo đức, thì có thể một số quan chức ở Washington cho rằng việc xóa món nợ lịch sử của Campuchia sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các quốc gia khác, dù Mỹ đã từng xóa một số khoản nợ nước ngoài.
Trong một phiên điều trần của Quốc hội năm 2008, ông Scot Marciel, khi đó là Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã lưu ý rằng Campuchia có khả năng trả nợ: "Họ không muốn trả nợ, chứ không phải là không thể".
Gần đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) lưu ý rằng toàn bộ nợ công của Campuchia là nợ nước ngoài và dự báo sẽ tăng lên khoảng 9,6 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, khoản tiền này cũng chỉ chiếm 35,2% GDP của Campuchia, thấp hơn so với tỉ lệ nợ công của Thái Lan.
Như vậy, nếu thông tin của Fresh News về việc Campuchia nợ Mỹ 700 triệu USD là đúng, thì số tiền này cũng chỉ bằng 7% tổng nợ nước ngoài của Campuchia.
Tại phiên điều trần của Hạ Viện năm 2010, Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương vào thời điểm đó, ông Joseph Yun, đã lưu ý rằng "Trong khi Campuchia tiếp tục không trả nợ Mỹ, thì họ vẫn khi thanh toán đúng hạn cho các chủ nợ khác."
Theo thông tin cập nhật mới nhất vào tháng 6 của WB, Campuchia hiện đang nợ Trung Quốc 3,9 tỷ USD - tương đương 44% tổng nợ công của nước này - và phần lớn số tiền này đã được Phnom Penh vay Bắc Kinh từ đầu thập niên 2010.
MỸ CŨNG CÓ THỂ TẬN DỤNG KHOẢN NỢ LÀM ĐÒN BẨY NGOẠI GIAO
Xét về mặt địa chính trị, việc Campuchia từ chối trả nợ cho Mỹ vì lý do "đạo đức" đang đẩy nước này vào tình thế nguy hiểm và khó lường giữa cuộc xung đột Mỹ-Trung.
Nợ liên quan đến ngoại giao. Nhiều năm nay, chúng ta đã nghe thấy nhiều lần cụm từ "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc được nhắc tới. Trung Quốc cũng bị cáo buộc sử dụng các khoản cho vay để xây dựng ảnh hưởng ở nước ngoài.
Nhưng thực chất, đây là chuyện "có đi, có lại" (quid pro quo). Nếu Washington giảm nợ cho Campuchia, thì họ sẽ nhận được điều gì?
Câu hỏi này sẽ đơn giản hơn trước năm 2017 - thời điểm mối quan hệ Mỹ-Campuchia thực sự xấu đi sau khi Campuchia hủy các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ.
Vào đầu tháng 6 vừa qua, trước chuyến thăm Phnom Penh của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Thủ tướng Hun Sen đã đề nghị Mỹ cho Campuchia trả nợ chậm và cắt giảm lãi suất cho vay xuống còn 1%, hoặc chuyển đổi 70% khoản nợ này thành tiền hỗ trợ Campuchia phát triển lĩnh vực giáo dục và y tế.
Tuy nhiên, nếu Washington định xóa một khoản nợ lớn như vậy, thì họ sẽ chỉ thực hiện nếu họ tin rằng cử chỉ thiện chí của mình cũng sẽ được Phnom Penh đáp lại bằng thiện chí.
Sau chuyến thăm Phnom Penh của bà Sherman, chính phủ Campuchia đã cho phép tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ Marcus M Ferrara thăm căn cứ hải quân Ream, nơi các quan chức Mỹ từ năm 2018 đã nghi ngờ rằng căn cứ này có liên quan đến Trung Quốc. Nhưng khi đến nơi, ông Ferrara mới nhận được thông báo chỉ được thăm một phần của căn cứ. Phnom Penh không sai và có quyền làm như vậy, nhưng hành động của họ lại không thể giải trừ mối lo ngại của Mỹ rằng Campuchia có thể đang "che giấu" một bí mật gì đó.
Hơn nữa, nếu như Mỹ xóa nợ, thì Campuchia có thể tiếp tục vay từ Trung Quốc - một điều đi ngược lại các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thay vào đó, Mỹ có thể "sáng tạo" hơn với khoản nợ của Campuchia. Chẳng hạn, Mỹ có thể chuyển đổi một phần lớn số tiền này (theo đề xuất của ông Hun Sen là 70%) thành tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho Campuchia - một cách để cạnh tranh với các khoản đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại quốc gia Đông Nam Á này.
Mỹ cũng có thể chuyển số tiền tương đương 70% khoản nợ vào quỹ hỗ trợ phát triển xã hội dân sự của Campuchia, như một cử chỉ thiện chí trực tiếp đối với người dân Campuchia.
Dù bằng cách nào thì khoản nợ này cũng có thể được Mỹ sử dụng làm "đòn bẩy". Nếu Mỹ quyết định cứng rắn và nghiêm túc bắt Campuchia trả nợ, thì danh tiếng của Campuchia đối với các tổ chức cho vay quốc tế - bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - có thể bị đe dọa.
Như vậy, nếu Campuchia muốn được xóa nợ, thì họ phải cho Mỹ một điều gì đó. Còn nếu không thì Mỹ sẽ tiếp tục chờ khoản nợ này tăng lên./.
© Hồng Anh lược dịch
Soha
Nguồn: DAVID HUTT, America’s debt diplomacy in Cambodia | Asia Times), JULY 1, 2021. Moralizing is all well and good but the Vietnam War era $700 million Phnom Penh owes Washington need not be a sticking point
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét