Cử tri gốc Việt: không ai thắng rõ ràng trong tranh luận Clinton-Trump - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Cử tri gốc Việt: không ai thắng rõ ràng trong tranh luận Clinton-Trump


Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, Donald Trump và Hillary Clinton, được tổ chức tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York, ngày 26/9/2016.

Sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là bà Hillary của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa tối 26/9, hai cử tri người Mỹ gốc Việt nói với VOA Việt ngữ rằng họ không thấy có người chiến thắng rõ ràng trong cuộc tranh luận.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện sống ở bang Virginia, bờ Đông Hoa Kỳ, nói cuộc tranh luận không có gì hấp dẫn vì những câu hỏi và câu trả lời không có gì mới mẻ hay đặc biệt, và không gây tác động thay đổi suy nghĩ của các cử tri.

Ông nói:

“Những người họ chọn phía ông Trump là đã không thay đổi được cái sự nhìn của họ. Cái người họ chọn bà Clinton cũng không thay đổi được các ý kiến của họ. Còn những người đứng chính giữa, những câu hỏi này không có cái gì mới mẻ hết. Tối hôm nay, cuộc tranh luận này rất là chán, không có gì mới mẻ hết để mà có người lý thú”.

Ở bờ Tây, từ thành phố Oakland, bang California, ông Nguyễn Khoa Thái Anh, đưa ra nhận xét:

“Tôi nghĩ thì nó cũng một chín một mười. Tôi nghĩ là bà Clinton thắng thế hơn vì bà ấy đi vào vấn đề. Ông kia thì vẫn không trả lời vào vấn đề. Cái ấn tượng tốt nhất về bà Clinton là bà ấy giỏi về đối ngoại. Về những người trung dung, mình nghĩ là họ bị kẹt vì họ chán ngán cả hai, mà chẳng đặng đừng thì họ mới bỏ phiếu cho bà Clinton. Tôi nghĩ là bà ấy sẽ lấy được phiếu”.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Đại Phượng, một nhà bình luận quốc tế ở Việt Nam có 32 năm kinh nghiệm, nói với VOA rằng sau cuộc tranh luận tối 26/9, ông thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Mỹ có sức thuyết phục hơn. Ông cho rằng bà Clinton sẽ giành được thêm sự ủng hộ từ các cử tri trung dung. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng họ sẽ ngả về Hillary Clinton nhiều hơn, bởi lẽ trong suốt cuộc tranh luận trực tiếp này, Hillary Clinton tỏ ra là hơn hẳn, vượt trội. Bà trở nên xuất sắc hơn hẳn so với lại các vấn đề mà hai người đã từng đấu với nhau trực tiếp ở trong quá trình tranh cử trong suốt thời gian vừa qua. Các cử tri trung dung còn ở giữa thì tôi nghĩ là họ sẽ hướng về Hillary Clinton”.

Ông Thái Anh, gần 60 tuổi, nói với VOA ông ủng hộ ứng cử viên Clinton. Vị cựu nhà giáo từng dạy tại nhiều trường ở học khu San Francisco đưa ra lý do:

“Bà ấy đại diện được cho một nước Mỹ mà thế giới nói chung sẽ thích bà ấy hơn là để cho một người như ông Trump lãnh đạo nước Mỹ và làm cho các liên kết giữa các nước như là NATO hoặc Liên hiệp Âu châu, hoặc nói chung là thế giới bị xâu xé ra nếu có một người lãnh đạo như ông Trump”.

Ngược lại, Trung tá Hải quân Mỹ hồi hưu Nguyễn Anh Tuấn, năm nay 51 tuổi, nói rõ ông ủng hộ ông Trump.

Lý giải vì sao bản thân ông và nhiều người ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ông Tuấn cho rằng trước hết phải xét đến tâm lý chản nản, mệt mỏi của người dân Mỹ sau 8 năm qua với nền kinh tế chưa phát triển mạnh và đất nước vẫn dính líu vào một số cuộc chiến. Theo ông, ứng cử viên Trump đã làm nhiều người thấy lạc quan, có hy vọng trở lại khi ông tuyên bố sẽ làm cho “nước Mỹ này thịnh vượng trở lại”.

Một yếu tố nữa là cho dù ông Trump có nhiều phát biểu tranh cãi về vấn đề nhập cư, trong khi bản thân ông Tuấn và nhiều cử tri khác là người nhập cư, song họ thấy ông Trump có lý khi muốn hạn chế người nhập cư. Ông Tuấn lập luận:

“Ông Trump nói nếu mà cái nước mình mạnh thì mình mới giúp được những người nghèo. Còn nếu mình cứ đem những người nghèo vô để kéo thêm nghèo nữa thì mình không thể giúp được ai hết. Còn bên bà Clinton thì vẫn phải mở cửa ra cho bất cứ người gì ở trên thế giới này muốn tới đây thì cho họ vào đây. Chúng ta là những người tị nạn để qua Hoa Kỳ này để kiếm tự do, để cho cuộc đời tiến cao, qua đây để mình học hỏi, hấp thụ sự văn minh của đất nước này. Mình trở thành người Mỹ để tạo cơ hội cho thế hệ sau. Nhưng mà những người sau này họ vào đất nước này để họ trở thành những người gọi là, tôi có thể nói là những người ăn bám. Có nghĩa là cái gì cho tôi thôi chứ không phải là tôi cống hiến lại cho đất nước này”.

Vị cử tri ở bang Virginia đưa ra quan điểm cá nhân rằng có những nhóm người nhập cư trong thời gian gần đây có tâm lý rằng nước Mỹ dính líu vào chiến tranh ở nước họ nên nước Mỹ nợ họ. Khi những người tị nạn đó đến Mỹ, họ không muốn hòa nhập mà lại muốn nước Mỹ phải đi theo tôn giáo của họ. Ông Tuấn cho rằng lối sống như vậy gây ra khó khăn và nhiều vấn đề cho nước Mỹ và làm cho nhiều người ủng hộ ông Trump.

Vị trung tá Hải quân hồi hưu nói với VOA rằng yếu tố thứ ba làm nhiều cử tri ngả về ứng cử viên của đảng Cộng hòa là trong 8 năm qua nhiều sự kiện trên thế giới làm người Mỹ có cảm giác đất nước của họ mất đi vị thế cường quốc, trong khi ông Trump hứa hẹn sẽ mang lại thay đổi. Ông Tuấn nói:

“Trung Cộng hiện bây giờ cũng đàn áp các nước ở Đông Nam Á. Nước Nga Xô thì đi qua đảo Crimea để lấy lại cái đảo mà người Mỹ không đứng ra để nói gì hết. Nên cái tiếng nói của nước Hoa Kỳ này trong thời đại này rất là yếu. Không có ai có sự nể nang đất nước này. Nên những người đi theo ông Trump nghĩ rằng ông sẽ đổi đường hướng để tạo đất nước này thịnh vượng trở lại”.

Ông Tuấn nói thêm nhiều người Mỹ tin rằng bỏ phiếu cho ông Trump sẽ tốt vì ông là nhà kinh doanh, ông sẽ hành động nhiều hơn nói, không giống như các chính trị gia lâu năm chỉ giỏi hứa hẹn và thuyết phục nhưng các việc làm thực tế lại không nhiều.

Trong khi đó, nhận định về ai làm tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới sẽ phù hợp với lợi ích của Việt Nam hơn, ông Nguyễn Đại Phượng, cựu Trưởng ban Quốc tế báo Tiền Phong, phân tích:

“Donald Trump thì người Việt Nam ít hiểu biết ông ta, và những gì người ta hiểu biết được ông ta chủ yếu qua thời gian tranh cử vừa rồi, thì ông đưa ra một số tuyên bố thì tôi thấy nó cũng không thật phù hợp, nó không tương đồng với lợi ích của người châu Á và của người Việt Nam. Ví dụ, nếu ông lên làm tổng thống ông sẽ không hào hứng với các hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và với các nước ngoài. Nếu Donald Trump mà trở thành tổng thống quả thực ông sẽ thực hiện cái điều giống như ông từng tuyên bố, thì rõ ràng việc triển khai, đưa hiệp định TPP vào hoạt động cũng như là hoạt động một cách có hiệu quả chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với Hillary Clinton. Bởi vì Hillary Clinton là một trong những người tham gia vào xây dựng chính sách xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ, cũng như là tham gia vào chính sách tái cân bằng lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như chính sách TPP của chính quyền Barack Obama. Nếu Hillary Clinton trở thành tổng thống, thì rõ ràng nói riêng về người Việt Nam chúng ta, với các chính sách của bà và các chính sách của bà đưa ra trong thời gian vừa qua hầu hết là phù hợp với lợi ích của người Việt Nam chúng ta. Nếu Hillary Clinton lên làm tổng thống thì Việt Nam sẽ đón nhận dễ dàng hơn và sẽ chấp nhận các chính sách của bà dễ dàng hơn”.

Bà Clinton và ông Trump còn hai cuộc tranh luận nữa trước khi diễn ra bầu cử tổng thống. Cuộc tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 10.

An Tôn
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad