Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc từ khi ông nhậm chức vào tháng 4/2016.
Chuyến thăm cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm Trung Quốc sau cuộc chuyển giao lãnh đạo ở Đại hội XII đầu năm nay.
Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ hôm 10/9, trong chuyến thăm này, bên cạnh cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Phúc cũng sẽ dự Hội chợ Trung Quốc - Asean, Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc - Asean lần thứ 13.
Cùng ngày, báo South China Morning Post ở Hong Kong nhận định Thủ tướng Việt Nam phải đối mặt câu hỏi: Nên gần Bắc Kinh ở mức độ nào trong bối cảnh quan hệ song phương đang bị ảnh hưởng bởi tranh chấp trên Biển Đông?
“Ông Nguyễn Xuân Phúc dự kiến thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn và tiếp cận tốt hơn với thị trường đại lục.”
“Nhưng khi trở về, ông phải đối mặt với sự cảnh giác của người dân về mối đe dọa từ nước láng giềng”, báo này tường thuật lời các nhà quan sát.
Giới quan sát ngoại giao nhận xét rằng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam diễn ra ngay sau chuyến thăm nước này của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hồi tuần trước, cho thấy hai quốc gia cộng sản đang từ từ hồi phục niềm tin dù có những căng thẳng về tranh chấp hàng hải.
'Áp lực phải đối đầu'
Bài báo South China Morning Post dẫn lời Phương Nguyễn, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Washington cho rằng Bắc Kinh muốn dùng chuyến thăm này để đánh giá chính phủ mới của Việt Nam trong lúc ông Phúc mong muốn duy trì quan hệ xây dựng với Bắc Kinh, ngay cả trong bối cảnh hai nước còn quan điểm khác biệt về vùng biển tranh chấp.
"Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan vào Biển Đông năm 2014 làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin chiến lược giữa hai bên, và rất khó để mọi thứ quay trở lại như xưa. Nhưng trong năm qua, Bắc Kinh và Hà Nội đã nối lại kênh thông tin liên lạc cấp cao và tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin," chuyên gia này nói.
South China Morning Post cũng ghi nhận ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, bình luận rằng các nhà lãnh đạo hiện tại của Việt Nam, dường như tìm cách tách biệt tranh chấp Biển Đông khỏi mối quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc.
"Trung Quốc và Việt Nam sẽ tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chú trọng quan hệ giao thương và đầu tư và tham vấn song phương về Biển Đông theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp hàng hải", ông Thayer nói.
Joshua Kurlantzick, từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ được báo này dẫn lời: “Bắc Kinh chắc chắn lo lắng trước việc Hà Nội tăng cường quan hệ quốc phòng với Tokyo và New Delhi và thực tế là Việt Nam đang là một trong những nước mua vũ khí lớn nhất thế giới”.
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Việt Nam đang chịu áp lực phải đối đầu với Bắc Kinh trong bối cảnh người dân ngày càng mong muốn chống Trung Quốc.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thương mại song phương giữa hai nước đạt 32,3 tỷ đôla trong sáu tháng đầu năm 2016, tăng gần 2% so với năm trước.
Trang web Chính phủ Việt Nam hôm 10/9 nói chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một trang mới năng động hơn, thực chất hơn, tích cực tạo đà phát triển lành mạnh, có chiều sâu" cho quan hệ song phương.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét