Nhưng còn có những dư luận viên không xuất trận bầy đàn, không xuất hiện ở quảng trường, đường phố, không mang áo máu, cờ máu thì không phải ai cũng nhận ra.
2. Chức bự, quyền to nhưng não bé, nghĩ cạn, lại muốn phô trương quyền uy với thiên hạ, ông cục trưởng cục nghệ thuật biểu diễn của bộ lớn mang tên Văn hóa liền ban lệnh cấm năm nhạc phẩm ra đời ở miền Nam trước năm 1975 đã được người tiền nhiệm của ông cho phép sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội.
Bài hát là sản phẩm của tâm hồn, tình cảm, là sáng tạo nghệ thuật. Sức sống, sức lan tỏa của tác phẩm nghệ thuật chỉ phụ thuộc vào chất lượng nghệ thuật của nó và sự cảm thụ, đồng cảm của công chúng. Câu ca dao về con cò, con vạc, bài dân ca bèo dạt mây trôi chẳng cần quyền uy nào cho phép, chẳng cần quyền lực nào bảo lãnh vẫn sống bền bỉ trong hồn người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác và nó sẽ tồn tại mãi mãi cùng sự tồn tại của dân tộc Việt Nam. Một bạo chúa, một quyền lực độc tài nào muốn giết chết câu ca dao về con cò, con vạc trong tâm hồn người Việt Nam, muốn cấm bài dân ca về những thân phận, những cuộc tình bèo dạt mây trôi cũng không thể giết được, không thể cấm được.
Dùng quyền lực hành chính cho phép sự tồn tại của một bài hát đã là sự vô lối. Càng vô lối hơn khi dùng quyền lực hành chính cấm đoán một sản phẩm của tâm hồn, tình cảm.
Sự vô lối, vô văn hóa của ông cục trưởng ở bộ mang tên Văn hóa gây kinh ngạc và phẫn nộ cho đông đảo người dân. Cả những người không hề biết những bài hát bị cấm giai điệu như thế nào, lời ca ra sao cũng bất bình. Vì hát hay không hát những bài hát đó là lí tưởng thẩm mĩ của họ, là quyền của trái tim họ, quyền của tâm hồn họ chứ không phải quyền của ông cục trưởng, ông bộ trưởng.
Dù vô lối nhưng lệnh cấm năm bài hát của ông cục trưởng là quyền uy của nhà nước cộng sản. Bảo vệ lệnh cấm vô lối của ông cục trưởng là bảo vệ quyền uy nhà nước cộng sản. Cả bộ máy truyền thông nhà nước cộng sản vội vã vào cuộc và những cái tên vẫn thường xuất hiện trên mặt báo lề đảng, những khuôn mặt vẫn thường xuất hiện trên truyền hình nhà nước cộng sản với danh xưng nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà lí luận phê bình âm nhạc như nhà báo Nguyễn L, nhà thơ, nhạc sĩ, “nhà lí luận phê bình âm nhạc” Nguyễn T. K. lại có bài trên báo lề đảng, lại có mặt trên truyền hình nhà nước cộng sản.
Trước đây họ xuất hiện trên mặt báo, trên màn hình televisions, mỗi người một giọng tạo thành dàn hợp xướng tụng ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tụng ca cuộc chiến tranh Nam – Bắc điêu tàn, tụng ca con người mang lí tưởng cộng sản và tụng ca thành tựu rực rỡ của nền văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Nay họ đồng loạt ỉ ôi phê phán, gay gắt lên án năm bài hát vừa bị cấm.
Không mặc áo máu, không mang cờ máu nhưng những người như nhà báo Nguyễn L, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà “lí luận phê bình âm nhạc” Nguyễn T. K. chính là những dư luận viên của nhà nước cộng sản ở lãnh địa văn hóa tư tưởng.
3. Mấy hôm nay người dân quan tâm đến đời sống văn hóa đất nước lại xôn xao bất bình về một sự việc do một cụ già 83 tuổi có khuôn mặt rất lão nông gây ra. Khuôn mặt lão nông vốn xuất thân trong gia đình có người tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp là thời trai trẻ của khuôn mặt lão nông hôm nay. Tuổi trẻ đó được tổ chức đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chín năm đưa sang nước Tàu cộng sản học tiếng Tàu, học văn hóa Tàu.
Cùng với việc viện trợ súng đạn cho những người cộng sản Việt Nam đánh Pháp ở Điện Biên Phủ, viện trợ cho hiện tại, nước Tàu Cộng sản còn viện trợ cả văn hóa Tàu Cộng, cả chữ nghĩa Tàu Cộng cho con em những người cầm súng Tàu Cộng chiến đấu chống Pháp nữa, viện trợ cả cho tương lai. Ngày nay với học hàm phó giáo sư, với vốn liếng chữ nghĩa có được trên chặng đường ngàn dặm xa nước đi nhận viện trợ văn hóa, cụ phó giáo sư 83 tuổi đề xuất việc “cải tiến” chữ viết đương đại của người Việt. Làm cho chữ Việt “cải tiến” xa lạ với chính người Việt. Làm cho thế hệ người Việt của tương lai học thứ chữ Việt “cải tiến” phải đoạn tuyệt với chữ viết của thế hệ cha anh, đoạn tuyệt với kho tàng văn hóa đồ sộ của của chữ Việt truyền thống để lại. Làm cho ngữ âm của thứ chữ viết “cải tiến” đơn điệu, thô thiển và xa lạ với ngữ âm tiếng Việt vốn vô cùng phong phú, uyển chuyển, tinh tế và có sức bao dung chấp nhận, nâng niu ngữ âm của mọi miền đất nước. Ngữ âm của thứ chữ Việt “cải tiến” xa lạ với ngữ âm tiếng Việt nhưng lại khá gần gũi, đồng điệu với ngữ âm tiếng Tàu!
Bài dân ca Bèo Dạt Mây Trôi không phải chỉ là khúc cảm thán của con người về thiên nhiên, về cuộc đời trôi nổi vô định. Bèo Dạt Mây Trôi là nỗi niềm, là thân phận những thảo dân vô danh nhỏ bé, mỏng manh trước thiên tai, giặc giã, trước bạo quyền hà khắc, trước biến thiên lịch sử. Bèo Dạt Mây Trôi tuy buồn man mác nhưng có sức sống mãnh liệt vì đó là hồn dân dã Việt Nam. Không thể vì nỗi buồn man mác đó mà phải cải biên, cải tiến, cải tổ, cải táng để bài dân ca Bèo Dạt Mây Trôi cũng có giai điệu hùng tráng như bài Quốc Tế Ca vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian.
Chữ Việt truyền thống tồn tại mấy trăm năm đã mang hồn vía của người Việt, là tài sản của mọi người Việt. Đó là tài sản của những nhà khoa học ở những tháp ngà chữ nghĩa. Nhưng đó cũng là tài sản của bác xe ôm ngồi chờ khách trong nắng bụi vỉa hè mở tờ báo ra đọc. Không thể vì chi tiết nhỏ chưa thật toàn bích, chưa thật hoàn thiện của chữ Việt mà đè ngửa nó ra giải phẫu thẩm mĩ, cắt bỏ chỗ nọ, thêm thắt chỗ kia, biến chữ Việt truyền thống đã mang hồn vía người Việt thành thứ chữ Việt dao kéo, lai căng, đầu Ngô, mình Sở, vô hồn.
Chữ viết đã mang hồn của người Việt bị “cải tiến” thành thứ chữ Việt vô hồn làm sao những người mang hồn Việt có thể thờ ơ, bình thản im lặng. Những đợt sóng lừng của sự bất bình ào ạt dâng lên chặn đứng bàn tay cầm dao bầu chọc tiết heo lăm le muốn giải phẫu thẩm mĩ chữ Việt, biến chữ Việt thấm đẫm hồn Việt thành thứ chữ Việt chết khô, vô hồn.
4. Nhưng cần bình tĩnh để nhận ra người đề xuất “cải tiến” chữ Việt có phải chỉ là một kẻ đốt đền hay là một người lính lĩnh ấn tiên phong đi mở một mũi xung kích mới đánh vào tâm linh, hồn cốt người Việt, đánh vào đời sống văn hóa tinh thần đất Việt, sau lần nổ phát súng thăm dò: Đưa chương trình giáo dục chữ Tàu và văn hóa Tàu vào bậc tiểu học.
Trước sự bất bình, phẫn nộ của người dân về ý đồ giết chết hồn Việt Nam trong chữ viết của người Việt Nam, kênh truyền hình chính thống của nhà nước cộng sản Việt Nam liền mau mắn cho xuất trận một dư luận viên quen thuộc có học vị tiến sĩ văn chương ra chống trả làn sóng phẫn nộ, bảo vệ người lĩnh ấn tiên phong đi mở mũi xung kích mới đánh vào một mảng hồn Việt.
Dư luận viên quen thuộc vì dù là nữ dư luận viên mà cả thanh và sắc đều là dấu trừ, lại đã luống tuổi, là tiến sĩ văn chương, tiến sĩ của văn hay chữ tốt mà nói năng cũng thiếu vắng ý đẹp lời hay nhưng lại xuất hiện khá thường xuyên trên kênh văn hóa nghệ thuật truyền hình nhà nước.
Nữ chiến binh dư luận viên này thường bắn thẳng những loạt đạn ngôn từ chát chúa như người lính trên chốt tiền tiêu quất những loạt AK quyết liệt. Mới cách đây chưa lâu, với giọng khàn khàn, rè rè, nữ chiến binh dư luận viên luống tuổi này đã quất loạt đạn ngôn từ thẳng căng vào những facebooker khi bà cay nghiệt và hồ đồ kết tội: Năm mươi phần trăm facebooker là những kẻ vô công rồi nghề!
Vì sao bà tiến sĩ dư luận viên lại hằn học nã đạn ngôn từ vào facebooker như vậy? Trước đây công việc cứu trợ những thân phận hẩm hiu, thiệt thòi đều do các tổ chức nhà nước đảm nhiệm. Dân ta vốn giàu lòng yêu nước thương nòi. Trong những tai họa của đất nước, người dân mở lòng đổ của ra cứu trợ rất lớn. Nhưng chiến dịch cứu trợ chỉ rầm rộ, ồn ào, thừa thãi ngôn từ về sự đùm bọc chia sẻ trên hệ thống truyền thông nhà nước. Còn của cải vất chất của những tấm lòng từ thiện đến với những người khổ hạnh là một ẩn số không thể nào biết được. Đồng tiền xóa đói giảm nghèo từ ngân sách quốc gia, có sự giám sát của cả bộ máy nhà nước còn đổ thẳng vào nhà quan tham. Đồng tiền cứu trợ của dân đi theo con đường nhà nước làm sao thoát được những quan tham đó. Những tấm lòng trắc ẩn trong dân đành phải trực tiếp tự đứng ra làm từ thiện.
Một tiến sĩ truyền thông hết năm này sang năm khác lặng lẽ, bền bỉ mang quần áo, sách bút, gạo tiền đến những bản làng xơ xác trên núi cao heo hút để những đứa trẻ quần áo tả tơi phong phanh trong gió rét, bữa cơm hàng ngày chỉ có lỏng chỏng vài hạt ngô chưa ăn đã hết từ nay có được manh áo ấm và có được bữa “cơm có thịt”. Tin tưởng ở những nhân cách, những con người cụ thể, người dân đã hồ hởi giao cho một nhà báo trẻ hàng chục tỉ đồng để anh trực tiếp mang đồng tiền thơm thảo tình người đó đến trao tận tay người dân vùng bão lũ miền Trung.
Nhưng việc làm từ thiện cao cả, kịp thời, hiệu quả và vô tư đó đã bị một chương trình truyền hình 60 phút của đài truyền hình nhà nước cộng sản cật vấn, nghi ngờ, dè bỉu “làm từ thiện với động cơ gì”. Trả lời sự cật vấn, dè bỉu xấc xược đó, facebookers đã lên tiếng. Lập tức, nữ chiến binh dư luận viên thiện chiến, có ý chí chiến đấu cao liền được kênh truyền hình kia đưa ra nghênh chiến và nữ chiến binh dư luận viên đã nghiến răng xả băng đạn ngôn từ vào facebooker: hạng vô công rồi nghề!
Lần này nữ chiến binh dư luận viên lạnh lùng ngạo mạn: Việc cải tiếng chữ viết là việc của các nhà khoa học, không phải việc của đám quần chúng không biết gì!
5. Đài truyền hình nhà nước cộng sản Việt Nam mau mắn đưa dư luận viên gạo cội ra bênh vực người đề xuất “cải tiến” chữ Việt đã xác nhận rằng ý đồ “cải tiến” chữ Việt nhằm làm cho chữ Việt xa lạ với người Việt, xa lạ với cội nguồn văn hóa Việt Nam không phải chỉ là ý đồ riêng của cụ phó giáo sư 83 tuổi.
Điểm mặt vài dư luận viên để xót xa nhận ra rằng với nhà nước cộng sản Việt Nam, tiến sĩ, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ cũng chỉ là những dư luận viên, công cụ tuyên truyền, công cụ đàn áp dân của nhà nước cộng sản. Nhà nước như vậy không thể có những trí thức, những nghệ sĩ đích thực, chân chính.
© Phạm Đình Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét