Việt Nam có thể nhân rộng ‘ý chí U23’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Việt Nam có thể nhân rộng ‘ý chí U23’?


Đội tuyển Việt Nam đá với Uzbekistan trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hôm 27/1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi “nhân rộng bản lĩnh, ý chí” của đội tuyển U23, trong khi “cơn sốt” bóng đá vẫn chưa hạ nhiệt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính quyền “cần có hành động thiết thực” và “không ‘vắt chanh bỏ vỏ’”.

  Có lẽ, do Việt Nam hiện nay có quá ít thứ để tự hào đối với bè bạn thế giới, nên thành tích thể thao hiếm muộn này trở thành một điểm sáng.

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà nói.
Dù để vuột cúp vô địch U23 châu Á vào tay Uzbekistan, các cầu thủ đội bóng trẻ Việt Nam vẫn được chào đón như những người hùng, và gây tốn không ít giấy mực của truyền thông cũng như gây “bão” trên mạng.

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà nhận định với VOA Việt Ngữ rằng cách người Việt ăn mừng cũng “giống như người dân nhiều nước đam mê bóng đá khác, và hoàn toàn không có sự phân biệt quan điểm, màu cờ hay chế độ chính trị”.

“Tất cả dựa trên tinh thần dân tộc và lòng ái quốc”, ông Hà nói. “Có lẽ, do Việt Nam hiện nay có quá ít thứ để tự hào đối với bè bạn thế giới, nên thành tích thể thao hiếm muộn này trở thành một điểm sáng”.

Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng bàn thắng gỡ hòa trong trận gặp Uzbekistan hôm 27/1.

Còn giáo sư Carl Thayer nói rằng “chiến thắng trong bóng đá giúp Việt Nam khẳng định bản thân”.

Nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam nói thêm: “Thi đấu và đánh bại các quốc gia trong khu vực giúp Việt Nam tự tin hơn về bản thân mình. Bóng đá còn là bản sắc của quốc gia từ khi Việt Nam bắt đầu tái hòa nhập với thế giới”.

  Thi đấu và đánh bại các quốc gia trong khu vực giúp Việt Nam tự tin hơn về bản thân mình.

Giáo sư Carl Thayer nói.
Luật gia Hà đặt câu hỏi về việc liệu “tinh thần dân tộc, sự tự hào trong thành tích thể thao như vừa qua liệu có bị lợi dụng, đẩy lên cao quá đà để khỏa lấp các vấn đề nóng khác trong xã hội như [trạm thu phí] BOT, ô nhiễm môi trường, chống tham nhũng hay không?” hoặc “có sự lợi dụng việc này vào các mục đích kiếm lợi hay không?”

Sau khi tiếp đón đội tuyển, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/1 bày tỏ hy vọng rằng “thành tích đạt được và bản lĩnh, ý chí của đội bóng đá U23 Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, nhân rộng trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền của đất nước, góp phần đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển…”

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn nói rằng “thật dễ hiểu” khi ông Phúc muốn tinh thần của tuyển U23 được lan tỏa rộng khắp.

“Sự kiện thành công của U23 thực sự đã truyền cảm hứng rất lớn trong lòng xã hội, và đã là chính khách thì càng phải nhận ra đâu đang là nguồn cảm hứng của xã hội”, ông Tuấn nói.

Thủ môn Tiến Dũng trong một pha cản bóng.

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà cho rằng “‘bản lĩnh, ý chí U23 Việt Nam’ mà ông Phúc nói tới chính là tinh thần đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn, thử thách, và sự kiên trì để vươn lên của lớp cầu thủ này”, nhưng phía chính quyền cũng cần phải “có hành động thiết thực để trọng dụng nhân tài, đối đãi nhân tài”, “đừng ‘vắt chanh bỏ vỏ’”.

“Trong các lĩnh vực khác, tinh thần và ý chí của người Việt luôn có, nội lực của quốc gia vẫn còn, nhưng những rào cản xuất phát từ thể chế chính trị còn nhiều hạn chế đã khiến cho đất nước trở nên tụt hậu. Do vậy, chính quyền cần thực hiện những gì họ hô hào, họ hứa hẹn và tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội phát triển trước khi yêu cầu người dân phải làm gì”, ông Hà nói.

Người hâm mộ xem trận chung kết giữa Việt Nam và Uzbekistan hôm 27/1 ở Hà Nội.
Trên mạng hiện đã xuất hiện những lời kêu gọi Việt Nam “ngưng lên đồng tập thể” và trở lại với những vấn đề thiết thực hàng ngày.

Khi được hỏi vì sao người dân có thể rầm rộ ra đường để cổ vũ bóng đá, nhưng lại có ít người xuống đường để phản đối Trung Quốc ở Biển Đông hay tuần hành về môi trường trong vụ Formosa, ông Hà cho rằng “bóng đá là một câu chuyện không nhạy cảm, không động chạm đến chính quyền”.

“Điều cần phải nhấn mạnh chính là sự giới hạn trong việc thực thi các quyền công dân, quyền con người căn bản trong các hoạt động chính trị - xã hội trong hàng chục năm qua, cùng với nền giáo dục thụ động, ảnh hưởng nặng nề của tư duy Khổng giáo, tư duy của thời bao cấp đã khiến cho một bộ phận lớn người dân Việt Nam không thể hiện chính kiến, quan điểm của mình một cách công khai, bằng hành động cụ thể, bởi họ sợ ‘thiệt vào thân’, gặp sự khó dễ do chính quyền mang đến”, ông Hà nói.

Người tham dự một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam năm 2014.

Còn nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nhận định rằng “dư luận không mặn mà với những chuyện chống Trung Quốc hay Formosa cũng dễ hiểu trong bối cảnh môi trường thông tin hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa lành mạnh”.

  ...câu chuyện mà U23 đã kể chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tích cực đến xã hội, và điều này, đến lượt nó, sẽ thúc đẩy nhiều người nghĩ về cái chung nhiều hơn...

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông nói: “Dù không phải tất cả nhưng khó có thể phủ nhận một bộ phận lớn những người định hình dư luận ở Việt Nam vẫn luôn muốn chọn một vị trí an toàn về mặt chính trị cho những phát biểu công khai của họ. Sự im lặng của báo chí nhà nước trong rất nhiều trường hợp trở thành dấu hiệu cho thấy một vấn đề là nhạy cảm, dẫn tới việc nhiều người ngần ngại lên tiếng”.

Ông Tuấn nói thêm rằng ông “tin là câu chuyện mà U23 đã kể chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tích cực đến xã hội, và điều này, đến lượt nó, sẽ thúc đẩy nhiều người nghĩ về cái chung nhiều hơn, có thể là cố gắng vượt lên khả năng của chính mình - như cách mà U23 đã thi đấu - để kể nhiều câu chuyện giàu cảm hứng hơn nữa”.


Viễn Đông
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad