Quốc hội Trung Quốc bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kì cho chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Quốc hội Trung Quốc bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kì cho chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước


Lời dịch giả: Các nghị gật đã bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi Hiến pháp để trao quyền lâu dài cho Tập Cận Bình. Đảng cộng sản Trung Quốc đang chuyển dần từ chế độ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân. Câu hỏi đặt ra là chế độc tài tập thể hay chế độ độc tài cá nhân sẽ dễ dẫn đến con đường dân chủ nhanh hơn?

Độc tài tập thể thường rất khó thay đổi vì nó cần có sự nhất trí cao của đa số trong cùng một tổ chức. Điều này thường rất khó xảy ra, trừ khi có những tác động mạnh do thời cuộc và hoàn cảnh, hay từ đòi hỏi ngày càng nhiều của nhân dân. Độc tài cá nhân có thể dễ thay đổi hơn vì khi quyền lực tuyệt đối được tập trung ở một người, người đó có thể dễ dàng thay đổi theo ý mình, hoặc bằng ảnh hưởng của mình để tác động đến con đường đi của đất nước. Tuy nhiên không loại trừ khả năng độc tài cá nhân sẽ làm cho tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Trung Quốc là đất nước có lịch sử khoảng 5000 năm, tuy nhiên người dân Trung Quốc trong suốt mấy ngàn năm chưa bao giờ có cơ hội được sống trong một đất nước tự do, dân chủ, tôn trọng quyền con người trong khi Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ, với khoảng 300 năm lịch sử, nhưng đất nước này đã thiết lập được mô hình dân chủ ngay từ khi mới thành lập.

Việt Nam là một nước nhỏ, nằm ngay cạnh Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, văn hóa… của Trung Quốc khá sâu sắc. Trong suốt thời kì chiến tranh và thời kì bao cấp, miền Bắc Việt Nam luôn rập khuôn theo mô hình của Liên Xô, Trung Quốc, hai nước cộng sản lớn. Tục ngữ Nga có câu: “Khi con bồ câu giao du với quạ, bộ lông của nó vẫn trắng nhưng tim nó đen”.

Kết quả là suốt thời kì đó miền Bắc không khác gì tình hình của Bắc Triều Tiên bây giờ. Từ nông dân, công nhân đến trí thức, ai cũng ngơ ngác, u mê, khắc khổ không thoát được cái vòng luẩn quẩn. Việt Nam cần thoát khỏi được vòng kiểm soát của Trung Quốc nhờ nội lực của mình thông qua cải cách chính trị để xây dựng nhà nước dân chủ cho tương lai.

Tập Cận Bình. Nguồn: Jason Lee / Reuters

Các đại biểu Quốc hội nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã đồng ý thay đổi một điều khoản trong Hiến pháp trước đây, qui định chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước không được vượt quá hai nhiệm kì, mỗi nhiệm kì kéo dài năm năm.

Chủ nhật ngày 11 tháng 3, Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp để bãi bỏ một điều khoản quy định nhiệm kì của chủ tịch nước và tổng bí thư không được vượt quá hai nhiệm kì. Sự kiện này ghi nhận ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, sẽ tiếp tục là người lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc sau khi kết thúc nhiệm kì vào năm 2023.

Với 2958 phiếu thuận, hai phiếu chống, ba phiếu trắng, Quốc hội nhân dân Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi Hiến Pháp, để trao quyền dài hạn cho ông Tập Cận Bình. Đa số các đại biểu Quốc hội đã tán thành điều này.

Đặng Tiểu Bình là người tạo ảnh hưởng để áp dụng điều khoản này vào bản Hiến pháp năm 1982. Điều này giới hạn chức vụ người đứng đầu đảng, Nhà nước không được phép vượt quá hai nhiệm kì, với mục đích giới hạn các nhà lãnh đạo không được phép cầm quyền quá lâu, như đã diễn ra vào thời kì cầm quyền của nhà độc tài Mao Trạch Đông (1949-1976).

Hãng thông tấn Pháp AFP đã tiến hành phỏng vấn nhà bất đồng chính kiến Hồ Giai qua điện thoại. Hiện ông đang ở phía Nam Trung Quốc, nhà cầm quyền đã đưa ông đến đó, buộc ông phải đi du lịch nghỉ ngơi cưỡng bức khi mà phiên họp toàn thể của Quốc hội nhân dân đang diễn ra tại Bắc Kinh. Ông Hồ Giai nhận xét về việc sửa đổi Hiến pháp: “Bốn hai năm đã trôi qua, bây giờ là kỉ nguyên của Internet và toàn cầu hóa, một nhà lãnh đạo mới, một bạo chúa mới theo kiểu Mao lại nổi lên ở Trung Quốc”.

Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào Hiến pháp

Điều 1 bản Hiến pháp sửa đổi có ghi thêm tư tưởng Tập Cận Bình và vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc. Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho việc đàn áp khốc liệt hơn đối với những người phản đối chế độ vì họ có thể bị buộc tội về những hành động vi hiến của mình khi phản đối sự lãnh đạo của đảng cộng sản được Hiến pháp bảo hộ.

Khi giữ vai trò người lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, và là người đứng đầu Nhà nước từ đầu năm 2013, Tập Cận Bình đã không ngừng tăng cường quyền lực cho chế độ, nhờ thúc đẩy công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nhà nước. Tập Cận Bình có mặt ở khắp nơi, với khẩu hiệu “Sự hồi sinh của dân tộc Trung Hoa vĩ đại”. Tập Cận Bình muốn xây dựng Trung Quốc thành một siêu cường hiện đại, được thế giới kính phục vào 2050, để có thể đương đầu với phương Tây.

Các quyền tự do cá nhân bị hạn chế. Luật pháp đàn áp nặng nề những tư tưởng trái ngược với đường lối của đảng. Những người đấu tranh cho nhân quyền bị kết tội bằng những bản án nghiêm khắc. Nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel hòa bình năm 2010 bị chết trong tù mặc dù đã có nhiều người kêu gọi từ nước ngoài yêu cầu Trung Quốc cần phải có các chính sách khoan dung, nhân đạo đối với ông.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông báo cách đây hai tuần. Ý tưởng này khiến công chúng sửng sốt. Đã có nhiều ý kiến phê bình trên mạng xã hội nhưng những điều bất bình này đều bị kiểm duyệt gắt gao.

Phan Thành Đạt
Le Monde
Nguồn: Chine : Xi Jinping pourra officiellement rester chef de l’Etat au-delà de 2023 - Le Monde

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad