Các nhà hoạt động kêu gọi Facebook không thỏa hiệp với chính quyền VN - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Các nhà hoạt động kêu gọi Facebook không thỏa hiệp với chính quyền VN


Nhà hoạt động Lã Việt Dũng và bức thư gửi cho ông Mark Zuckerberg, Hà Nội, ngày 10/4/2018.

Gần 50 nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động Việt Nam hôm 9/4 gửi thư cho Chủ tịch Điều hành Facebook Mark Zuckerberg phản đối việc trang mạng này gỡ bài và khóa tài khoản, đồng thời kêu gọi Facebook không thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc dập tắt những tiếng nói bất đồng.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân, một người ký tên trong thư ngỏ gửi nhà lãnh đạo Facebook, nói với VOA hôm 10/4:

“Chính tôi cũng là một nạn nhân bị Facebook gỡ bài và có những lần bị phạt treo Facebook 1 tuần, rồi sau đó là 1 tháng. Một ví dụ là tôi đưa clip cảnh sát lái một chiếc xe đặc chủng cán lên xe máy của hai người công nhân thì bị ‘report,’ rồi bị gỡ bài, phạt treo Facebook của tôi. Chính sách phạt của Facebook khi bị ‘report’ như vậy là không thỏa đáng, cho nên tôi ký tên vào thư phản đối để Facebook xem xét lại.”

Chính sách phạt của Facebook khi bị ‘report’ như vậy là không thỏa đáng, cho nên tôi ký tên vào thư phản đối để Facebook xem xét lại.

Nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân
Tương tự như trường hợp của blogger Nguyễn Thiện Nhân, trang Facebook của nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội cũng bị gỡ bài.

Ông Tường Thụy dự định sẽ ký tên vào thư phản ánh này và cho VOA biết thêm dường như có sự thỏa hiệp giữa Facebook và chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn và kiểm duyệt thông tin trên Facebook.

“Họ thỏa hiệp với nhà cầm quyền Việt Nam để ngăn chặn Facebook. Việc này làm mất uy tín đối với người sử dụng. Tôi không hiểu tại sao họ lại bị sức ép như thế. Họ đã ngăn chặn và xóa bài hết sức tùy tiện. Rất nhiều bạn bè của tôi đã kêu ca và bản thân tôi cũng bị như thế. Điều này thật khó hiểu.”

Ông Mark Zuckerberg tại Điện Capitol ngày 9/4/2018.

Hãng tin Reuters hôm 10/4 cho biết các nhà hoạt động Việt Nam đặt nghi vấn với ông rằng liệu Facebook có tiếp tay với chính quyền cộng sản trong việc đàn áp tiếng nói bất đồng.

Bức thư kêu gọi Facebook xem lại cách hành xử “mạnh tay của Facebook” như vừa qua vì có thể đang bóp nghẹt tiếng nói của giới hoạt động nhân quyền và các phóng viên độc lập tại Việt Nam.

Mức độ tháo gỡ nội dung ngày càng gia tăng và Facebook đã không còn hỗ trợ việc phục hồi tài khoản và nội dung. Trước và sau một phiên tòa lớn xử các nhà hoạt động nhân quyền vào ngày 5 tháng 4/ 2018, một số tài khoản và trang Facebook không đăng tin được.

Bức thư viết: “Chính quyền Việt Nam đã xác nhận là họ có một đội quân hơn 10 nghìn người, với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và bóp nghẹt đối kháng…. Có những nhóm dư luận viên nhà nước phối hợp để gửi báo cáo hàng loạt về tài khoản của các nhà hoạt động và reo hò chiến thắng mỗi khi có trang Facebook bị gỡ xuống.” Một thí dụ điển hình là trang “Thông tin chống phản động.”

Hãng tin Anh trích bức thư của các nhà hoạt động gửi cho ông chủ Facebook nói rằng “Lực Lượng 47 đang lợi dụng chính sách cộng đồng của Facebook và tung tin giả dối về các nhà hoạt động và tổ chức truyền thông độc lập.”

Việc chính quyền Việt Nam hạn chế thông tin xưa nay đã có, nhưng nhà báo Nguyễn Tường Thụy lại rất ngạc nhiên trước các hoạt động ngăn chặn bài viết gần đây của Facebook.

Ở Việt Nam hạn chế thông tin, bưng bít thông tin thì đã xảy ra từ xưa đến nay. Chính vì vậy họ mới thỏa hiệp và gây sức ép lên Facebook để gỡ bỏ bài viết theo ý của họ.

Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy.
Ông nói:

“Ở Việt Nam hạn chế thông tin, bưng bít thông tin thì đã xảy ra từ xưa đến nay. Chính vì vậy họ mới thỏa hiệp và gây sức ép lên Facebook để gỡ bỏ bài viết theo ý của họ. Tại sao Facebook lại làm như thế. Tôi thấy rất là ngạc nhiên.”

VOA đã liên hệ với bà Lê Diệp Kiều Trang, tân Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Facebook Việt Nam, nhưng chưa được hồi đáp.

Trong bức thư gửi cho nhà lãnh đạo cao nhất của Facebook, các nhà hoạt động Việt Nam viết: “Chúng tôi ngạc nhiên khi biết được người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monica Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn vào tháng 4/2017, và được biết là đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung.”



Các nhà hoạt động nhận định rằng dường như sau cuộc hội kiến nói trên để hợp tác với một chính quyền nổi tiếng là bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng.

Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng thật là một điều ‘đáng tiếc’ nếu như Facebook thật sự có thỏa hiệp với chính quyền Hà Nội.

“Bất luận là từ phía nào, việc ngăn chặn thông tin là xem như đã vi phạm nhân quyền, quyền biểu đạt, tự do thông tin và tư tưởng. Việc Việt Nam vi phạm nhân quyền là thấy rõ rồi. Còn Facebook có thật sự đã thỏa hiệp đến mức độ nào thì tôi chưa rõ nhưng các hoạt động có biểu hiện bị ngăn chặn. Rõ ràng là Facebook đã mất thiện cảm với người dùng. Nếu đúng là Facebook đã thỏa hiệp với Cộng sản thì đó là điều rất đáng tiếc cho chính Facebook.”

Nếu đúng là Facebook đã thỏa hiệp với Cộng sản thì đó là điều rất đáng tiếc cho chính Facebook.

Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến.
Theo các nhà hoạt động, chính quyền Việt Nam không chấp nhận đối kháng và phủ nhận thẳng thừng là không có tù nhân chính trị tại Việt Nam. Nhưng sự thật là chính quyền Việt Nam đã bỏ tù hơn 100 blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền, theo hồ sơ báo cáo của các tổ chức nhân quyền.

Vào tháng 4 năm ngoái, Việt Nam khiếu nại về những thông tin “xấu độc” chống chính phủ hay có nội dung khích động, bạo động xuất hiện trên Facebook và You Tube của Google. Việt Nam cũng tăng sức ép với các công ty ở trong nước để ngưng quảng cáo các trang mạng xã hội này cho tới khi nào họ tìm được một giải pháp.

Truyền thông trong nước nói rằng Facebook đã đồng ý gỡ bỏ các trang mạng giả danh, đồng thời xóa các “tin giả” nói về các quan chức cao cấp trong chính phủ.


VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad