Một tờ báo của Bộ Công an cho rằng có luồng dư luận đang hướng lái vụ Tịnh thất Bồng Lai và chính trị hóa vụ án này, tuy nhiên luật sư nhân quyền phản bác, cho là những quy kết như vậy nhằm răn đe người dân.
Trong vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” mà các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai là bị cáo, truyền thông Nhà nước đã được huy động để định hướng dư luận ngay từ đầu, một trong số đó có báo Công an Nhân dân.
Mới đây nhất, ngày 8 tháng 8, tờ báo này tiếp tục cho đăng tải một bài viết của tác giả Anh Tú, trong đó gọi những người phản đối việc truy tố các thành viên của cơ sở tu tại gia này là “đối tượng xấu”, và cáo buộc họ có ý đồ “chính trị hoá” vụ án.
Tờ báo trực tuyến của ngành công an nhắc đến Đài Á Châu Tự Do hay BBC News Tiếng Việt... và cho rằng các tổ chức báo chí này "liên tục tung ra những bài viết với các luận điệu sai trái."
Trao đổi qua tin nhắn với phóng viên RFA dưới điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, một luật sư nhân quyền từ trong nước cho rằng Bộ Công an thông qua bài báo trên đang muốn đe doạ dư luận:
“Việc báo Công An nói vụ án Tịnh thất Bồng Lai bị chính trị hoá chỉ là phương thức áp đặt nhằm đe doạ những người muốn phản đối hoặc bình luận về vụ án này mà thôi.
Ai cũng có quyền nói, bình luận về bản án của Toà Long An đối với phiên toà xử vụ Tịnh Thất Bồng Lai vì đây là quyền tự do ngôn luận.
Hơn nữa phiên toà này vốn dĩ được báo chí nhà nước thổi phồng, bóp méo nội dung vụ án nên dư luận có nhiều bình luận theo nhiều hướng khác nhau là lẽ thường tình."
Luật sư nhân quyền nhắc lại "vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông," và cho rằng hiện nay vẫn được báo chí Việt Nam nhắc lại như một dấu tích của nền Tư pháp liêm chính tại Hồng Kông.
Ngoài cáo buộc dư luận trái chiều với những tội trạng tày đình ra thì cơ quan ngôn luận của Bộ Công an cũng kết tội các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai với nhiều cáo buộc như “lợi dụng tôn giáo để trục lợi”, “xúc phạm đạo Phật”, “gây chia rẽ tôn giáo”, và “vu khống cơ quan chức năng”.
Bài báo viết: "Những sai phạm xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” diễn ra có tổ chức, trong một thời gian dài, đã xúc phạm trực tiếp đến uy tín, danh dự của nhiều cá nhân, tổ chức như: Công an huyện Đức Hòa, ông Trần Ngọc Thảo (Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Phật giáo quốc tế và trụ trì chùa Giác Ngộ)..."
Một lần nữa thì các cáo buộc của báo Công an bị bác bỏ thẳng thừng, và lần này là do chính luật sư đại diện của các thành viên của Thiền am. Trả lời phỏng vấn của đài RFA, luật sư Đặng Đình Mạnh nói:
“Đến nay thì tôi có thể khẳng định luôn những thông tin đó đều không có cơ sở pháp lý, cũng không có trên thực tế.”
Vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM cũng cho biết thêm rằng bản chất của Tịnh thất Bồng Lai, sau này đổi tên thành Thiền am Bên bờ Vũ trụ, không phải là một cơ sở tôn giáo chiếu theo các tiêu chuẩn được quy định trong luật pháp Việt Nam, cho nên không thể kết tội họ lợi dụng tôn giáo được.
Còn việc họ thực hành các hoạt động mang yếu tố tín ngưỡng thì theo luật sư là quyền tự do được hiến pháp 2013 bảo vệ.
“Việc mà gán ghép họ như là một tôn giáo, rồi thậm chí là mượn danh, mượn hình ảnh Phật giáo, theo chúng tôi là hoàn toàn vô lý. Và cái yếu tố cho rằng lợi dụng tôn giáo để trục lợi, tại vì họ không phải là một tôn giáo cho nên là không thể xem xét họ như là một tôn giáo để xem xét vấn đề trục lợi hay không.”
Sau phiên xét xử sơ thẩm diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 7, các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai đã bị xử tổng cộng hơn 23 năm tù giam, trong đó ông Lê Tùng Vân là người chịu mức án nặng nhất là 5 năm.
Tuy nhiên, tội duy nhất mà những người này bị cho là phạm phải lại là tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015, chứ không bao gồm các tội như báo Công an Nhân dân quy kết.
Cũng theo luật sư bào chữa thì cho đến nay toàn bộ các thành viên của Thiền am đều đã làm đơn kháng cáo, trong đó ông Lê Tùng Vân vẫn một mực cho rằng mình vô tội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đài RFA về quan điểm của các luật sư về đơn kháng cáo của thân chủ, luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay:
“Thực ra thì ngay từ khi tiếp cận vụ án, theo dõi quá trình điều tra, xét xử vụ án thì tôi tin rằng việc ông Lê Tùng Vân kháng cáo là hoàn toàn đúng đắn.
Tôi cho rằng gần như cả quá tình tố tụng có nhiều điểm, chúng tôi đã phản ánh tại toà 22 điểm, về phương diện tố tụng đã không được bảo đảm. Điều đó đưa đến hệ quả là chúng tôi nghi ngờ toàn bộ quá trình khởi tố và truy tố cũng như xét xử vụ án.”
Hiện chưa rõ khi nào thì phiên toà xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra, nhưng luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, ông và các đồng nghiệp của mình sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai ở giai đoạn tiếp theo.
Đây là một vụ án mà những bị cáo phải nhận án tù vì những gì họ nói trên mạng xã hội, bởi vì điều họ nói bị cho là “xâm phạm đến lợi ích” của cơ quan nhà nước, nhưng điều trái khoáy là bản thân các bị cáo lại là nạn nhân của hàng loạt cáo buộc vô căn cứ đến từ chính các cơ quan nhà nước, đơn cử như báo Công an Nhân dân.
© RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét