Tiến trình dân chủ hóa của bất cứ một quốc gia nào, kể cả Việt Nam, nhất là trong thời đại toàn cầu hiện nay, đều chịu ảnh hưởng chung của nền chính trị quốc tế, quốc nội và các phong trào vận động dân chủ trong và ngoài quốc gia đó.
Trên bình diện quốc tế, trào lưu dân chủ khắp nơi đều gặp khó khăn, và suy thoái. Tạp chí Foreign Affairs số mới nhất tháng Năm/Sáu “Dân chủ đang dẫy chết? - Bản tổng kết toàn cầu”, có những nhận định sâu sắc về chủ đề này [1]. Tập trung quyền lực vào chính quyền (ngành hành pháp), chính trị hóa ngành tư pháp hay các định chế vốn hoạt động độc lập, tấn công vào sự độc lập của truyền thông, lợi dụng công quyền để gia tăng tư quyền/lợi v.v… là những dấu hiệu thoái trào của dân chủ.
Từ Hungary, Ba Lan thuộc Đông Âu cho đến Ý, Anh thuộc Tây Âu, và cả Hoa Kỳ, chủ nghĩa dân tuý và các xu hướng chuyên quyền đang vươn mình trổi dậy giành ảnh hưởng khắp nơi. Ngay cả Đan Mạch, Hòa Lan và Thuỵ Sĩ… cũng không nằm ngoài ảnh hưởng chung trên. Trong khi đó, các chế độ chuyên quyền như Nga, Trung Quốc không những ngày càng hung bạo đối với người dân của mình mà còn trở nên hung hãn, gây hấn qua sự can thiệp vào nội tình chính trị của Hoa Kỳ hay các quốc gia khác, hoặc qua các biện pháp có vẻ như mềm mỏng hơn, như văn hóa, chẳng hạn, điển hình là Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
Học giả Ronald Inglehart, trong bài “Thời đại bất an” (The Age of Insecurity) trong tạp chí trên, có đưa ra một nhận định đáng suy ngẫm. Inglehart cho rằng những người nghiên cứu dân chủ thường bất đồng nhau, nhưng điều họ gần như hoàn toàn đồng ý với nhau, là rằng “sự bất bình đẳng cực độ không thích ứng với dân chủ” (extreme inequality is incompatible with democracy). Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ hiện nay, thiểu số mười phần trăm dân số lại có thu nhập gần nửa tổng thu nhập của toàn quốc gia. Còn đối với tất cả ngoại trừ một nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), sự bất bình đẳng về thu nhập đã gia tăng từ năm 1980 đến năm 2009. Do đó mà xu hướng chuyên quyền đã tranh giành được nhiều ảnh hưởng tại các quốc gia này trong thời gian qua.
Ngoài ra, suy thoái dân chủ cũng do một số nguyên nhân khác. Một, suy thoái kinh tế hay tăng trưởng chậm chạp trong các nền dân chủ dễ làm cho người ta cảm tưởng và kết luận rằng dân chủ chưa chắc đã là giải đáp tốt hơn độc tài. Hai, khoa học kỹ thuật tiên tiến như tự động và trí tuệ nhân tạo dẫn đến mất việc làm của công nhân, cái mà một thời cuộc cách mạng kỹ nghệ đã mang lại, và tiến trình này ngày càng gia tăng chứ không gia giảm. Ba, mạng truyền thông xã hội, như facebook, chẳng hạn, bị các thế lực chuyên quyền và các công ty vì quyền lợi đã khai thác để tuyên tuyền và thổi phồng các tin giả/nhảm (fake news), gia tăng sự tràn lan thông tin nhiễu. Bốn, những người sống và hít thở dân chủ từ lúc lọt lòng chưa chắc đã hiểu được cái giá phải trả để có được dân chủ nếu không chịu tìm hiểu tiến trình lịch sử của nó, mà chỉ coi như được cấp sẵn (take it for granted); trong khi những người chưa hề sống trong dân chủ sẽ không nhận ra được các giá trị đích thực nó mang lại; cho nên dân chủ chưa chắc đã là giá trị hàng đầu để người ta bảo toàn hay đấu tranh để có.
Trên hết, theo tôi, là vì tính cả tin của con người nói chung. Vì dễ tin quá vào một cái gì đó, có thể do văn hóa, tôn giáo, gia đình hay ảnh hưởng của môi trường chung quanh, lại không có thói quen kiểm chứng, không có thời gian hay kiến thức để đối chiếu, không sở hữu suy nghĩ phê phán để truy tìm căn cốt của vấn đề, nên không quen tự suy nghĩ cho mình và không phân biệt được hư thực ra sao. Đây là điểm chung của đa số người dân thuộc mọi quốc gia. Họ đều có điểm yếu, đều dễ bị tổn thương, và các chế độ chuyên quyền đều biết khai thác điểm yếu này cho mục tiêu chính trị của họ. Tất nhiên tỷ lệ của mỗi quốc gia mỗi khác. Ở các nước có nền dân chủ lâu đời, có truyền thông độc lập và đa dạng, có nền tư pháp hoàn toàn độc lập và chuyên nghiệp, thì chất lượng của nền dân chủ cao vì người dân nói chung có sự hiểu biết và suy nghĩ thấu đáo. Tính cách suy nghĩ phê phán/triệt để (critical thinking) chính là nền tảng của các xã hội văn minh.
Tóm lại, yếu tố khác biệt lớn nhất giữa một thể chế dân chủ và độc tài ngày nay không còn là kinh tế/phát triển như suy nghĩ trước đây mà có lẽ nằm ngay ở chất lượng suy nghĩ phê phán của tỷ lệ công dân trong xã hội đó. Trong khi suy nghĩ phê phán được phát huy tối đa, bằng các phương thức chính thức của chính quyền/nhà nước qua giáo dục, chẳng hạn, hay qua không gian của thương mại và của xã hội dân sự trong thể chế dân chủ, thì ngược lại, trong chế độ độc tài, suy nghĩ phê phán bị hạn chế tối đa hoặc không hề hiện hữu trong diễn ngôn/truyền thông chính mạch của xã hội, nhất là chính trị.
Ngoài các yếu tố nói trên, dân chủ bị suy thoái khắp nơi vì nó có lắm kẻ thù, ở trong và ngoài quốc gia đó. Kẻ thù hàng đầu của dân chủ là tư duy chuyên quyền, độc đoán (lại có đủ khả năng, phương tiện và lý do để tấn công, gây hấn cho nền dân chủ); là văn hóa chính trị chuyên sử dụng bạo lực như là cứu cánh; là làm luật và dùng luật để kìm hãm và chế tài phía đối lập và người dân chứ không phải để pháp trị; là sự bất tài và bất lực để kinh tế và chính trị suy thoái làm mất niềm tin của dân chúng, vân vân…
Trên đây là một số yếu tố quốc tế ảnh hưởng đến trào lưu dân chủ toàn cầu hiện nay, kể cả các nền dân chủ lâu đời và ổn vững như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và nhiều quốc gia Tây Âu và Đông Âu. Xu hướng dân chủ tại Việt Nam, do đó, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực của tốc độ và mức độ suy thoái này.
Tuy nhiên ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất đối với xu hướng dân chủ tại Việt Nam vẫn do nền chính trị quốc nội. Nhà nước độc Đảng, Đảng Cộng Sản Việt Nam, vẫn chủ trương cai trị một cách toàn diện và tuyệt đối, và không hề có ý định chia sẻ quyền lực với bất cứ xu hướng chính trị nào khác.
Từ khi Nguyễn Phú Trọng lên nắm vai trò Tổng Bí Thư, các biện pháp thẳng tay đàn áp các nhà dân chủ hay thanh trừng các xu hướng khác biệt trong Đảng đã gia tăng đáng kể. Sử dụng chiêu bài Điều 79 hay 88 của Bộ Luật Hình Sự, hay luật về an ninh quốc gia như âm mưu lật đổ chế độ, vân vân…, để bỏ tù 21 người trong năm 2017, theo tổ chức Human Rights Watch [2]. Theo tổ chức Amnesty International thì Việt Nam hiện có khoảng 97 tù nhân lương tâm (được định nghĩa như là những người không sử dụng hay cổ võ bạo động nhưng bị tù đầy vì họ là ai và họ tin tưởng gì, chẳng hạn như tôn giáo, chính trị hay các vấn đề lương tri khác). Nguyễn Phú Trọng cũng sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để loại trừ các phe cánh khác, răn đe các mầm móng chống đối khác trong Đảng. Những chiêu bài của Đảng Cộng Sản Việt Nam gần như lập khuôn chiêu bài của Tập Cận Bình của Trung Quốc từ năm 2012 đến nay. Thật ra nếu quan sát kỹ thì chúng ta có thể thấy rằng từ thời Mao Trạch Đông đến nay, các chính sách lớn, có sức tàn phá khủng khiếp (như Cải Cách Ruộng Đất, Bước Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa), cho đến chính sách sửa chữa như Kinh Tế Thị Thường (theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa với Đặc Tính Trung Hoa) của Đặng Tiểu Bình và các chính sách kinh tế, chính trị và văn hóa về sau, ĐCSVN nghiên cứu học hỏi và áp dụng một cách tận tình nhưng thận trọng cho Việt Nam. Cho nên tìm hiểu kỹ lưỡng các chính sách của Trung Quốc hiện nay cũng là cách nghiên cứu các nước cờ và bước đi có thể có của ĐCSVN vậy.
Còn các phong trào vận động dân chủ trong và ngoài Việt Nam thì sao?
Ba năm về trước, trong bài “Dân chủ? Vẫn là mơ thôi” [3], giáo sư Cao Huy Thuần đã công nhận rằng xu hướng dân chủ trên toàn cầu đã trì trệ, khủng hoảng, và ông không khỏi bi quan cho triển vọng dân chủ trong tương lai. Bàn về Việt Nam, ông nhận định 40 năm rồi mà vẫn chưa đi được bước nào trên con đường dân chủ. Suy nghĩ về một giải pháp cho Việt Nam, ông đắc ý với quan niệm “bình thường” và “đồng thuận” của một trí thức uy tín của Singapore, ông Kishore Mahbubani, mà ông cho rằng có khả năng khai sáng con đường dân chủ hóa Việt Nam. Ông biện luận rằng xây dựng một văn hóa chính trị mới, lấy dung hòa làm căn bản thay cho mệnh lệnh, trong đó phát huy quyền tự do ngôn luận, là bước đầu tiên để làm nền tảng.
Ba năm sau bài viết của giáo sư Cao Huy Thuần, tưởng phong trào dân chủ Việt Nam tiến một chút, dù chưa là một bước, về phía trước, thế nhưng tình trạng không mấy sáng sủa chút nào qua bao cuộc bắt bớ tù đầy trong hai năm qua, mà đã nói trên. Trong bài “Cứu nguy phong trào dân chủ Việt Nam” vào tháng hai năm nay, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng ông và các bạn trong và ngoài nước nhận định phong trào dân chủ “đang ở trong tình trạng rất bi đát và cần được cứu nguy” vì một phần bị đàn áp một cách hung bạo, một phần vì “chia rẽ nội bộ ngay cả khi chưa bị đe dọa” [4]. Ông Kiểng trình bày một số trường hợp tiêu biểu qua đó cho thấy suy nghĩ chung của một số người, cho dù đầy thiện chí và lý tưởng cho mục tiêu chung, nhưng dễ dàng trở thành hằn học với người bất đồng quan điểm với mình; hoặc có những nhận định ngây thơ, thiếu hiểu biết căn bản về chính trị. Ông biện luận những thí dụ trên góp phần giải thích vì sao phong trào dân chủ bế tắc ngay cả nếu không bị đàn áp. Ba tuần sau đó, ông Việt Hoàng, qua bài “Tập Hợp đang làm gì và ở đâu trong phong trào dân chủ Việt Nam”, đã chia sẻ những khó khăn chung trong bước đường đấu tranh trong thời gian qua, và những nguyên do chưa xây dựng được một chính đảng dân chủ có tầm vóc [5].
Tóm lại ông Kiểng, ông Hoàng hay Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói chung quan niệm rằng không có nền tảng tư tưởng/triết lý lớn để vạch ra nguyên một lộ trình xây dựng dân chủ thành một dự án chính trị, không kết hợp được những người yêu chuộng dân chủ trong và ngoài Việt Nam thành một mối có tổ chức hẳn hoi, và không có lãnh đạo, thì mọi cuộc xuống đường rầm rộ bao nhiêu đi nữa, và các thách thức lẻ tẻ đối với chế độ hiện nay, sẽ không đi đến đâu cả.
Ngay cả khi chế độ độc tài, vì lý do nào đó mà sụp đổ, thì nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng thì tất nhiên sẽ không có gì bảo đảm là dân chủ sẽ đến.
Nhưng vấn đề chính hiện nay, theo tôi, là sự nhập nhằng hay, nói đúng hơn, là không ý thức phân biệt rõ ràng giữa mục tiêu chống cộng và mục tiêu xây dựng/vận động dân chủ.
Thoạt nhìn tưởng hai là một, nhưng không phải, nên mới có vấn đề lớn.
Rõ ràng chống cộng và vận động dân chủ đều có mục tiêu giống nhau: chống độc đoán chuyên quyền cộng sản. Nhưng có lắm điều khác nhau.
Phe chống cộng chống mọi thứ thuộc về chế độ hiện nay, từ lá cờ, chủ nghĩa, cho đến tất cả những gì trực tiếp thuộc về nó. Như các nhân vật lãnh đạo của ĐCSVN, hay các ban, ngành, cơ quan chính phủ, nhà nước v.v… ĐCSVN, như đã nói trên, lãnh đạo trực tiếp và toàn diện, cho nên hầu như không có cái gì mà không thuộc về nó trong xã hội Việt Nam, kể cả các tổ chức xã hội, kinh tế, văn hóa hay tôn giáo. Không những thế, một cách rất thâm độc, ĐCSVN ban hành nghị quyết 36, và sử dụng dư luận viên phản công lại những ảnh hưởng có thể có của Internet và truyền thông xã hội. Xu hướng chống cộng, vì thế, nhìn đâu cũng thấy bóng dáng cộng sản, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, thấy nghị quyết 36 đàng sau, kể cả sinh viên du học tự túc qua đây. Xu hướng chống cộng cũng chống nhau tơi tả, và chống luôn cả xu hướng dân chủ. Tóm lại, cái gì cũng chống, nhưng không có đủ lực. Và chống, theo các hình thức trước đây, chỉ có thể xảy ra ở hải ngoại, chứ không thể trong nước được. Cách chống như thế trong mấy chục năm qua ngày càng thưa thớt và mất hiệu quả.
Phe vận động dân chủ thì cũng tứ bề thọ địch. Lực của họ quá mỏng và họ quá cô đơn. Chung quanh họ là tư duy và cung cách hành xử, nếu không là kẻ thù, thì cũng là sự cản trở lớn cho tiến trình dân chủ: lười biếng và vô kỹ luật. Đấu tranh vô tổ chức và chỉ muốn thấy kết quả liền là các thái độ này.
Lười biếng suy nghĩ, nên không chịu tìm hiểu vấn đề rốt ráo, cộng với bao nhiêu thành kiến hay định kiến sẵn có, lại thiếu tinh thần bao dung khách quan và khoa học, trong khi đó không chịu mở lòng lắng nghe quan điểm khác biệt để tìm hiểu xem người khác nói có gì đúng và đáng để học hỏi không, cho nên lắm khi đi cãi nhau những chuyện nhỏ nhặt, lặt vặt chứ không hề biết văn hóa tranh luận là gì, do đó gây thù oán vì những lý do con kiến biến thành con voi. Nói chung, có tư duy “làm lớn chuyện”, không phải “làm chuyện lớn”.
Nên nhớ, dân chủ phải đi đôi với pháp trị. Không có nền dân chủ đích thực nào mà không phải là pháp trị cả, để kiểm soát và cân bằng quyền lực. Các chế độ độc tài cũng có hiến pháp và pháp luật, nhưng họ ngồi chễm chệ trên nó, coi nó thêm một phương tiện để áp chế. Trong nền dân chủ, ngay cả tổng thống hay thủ tướng nếu có vi phạm luật thì cũng bị phạt như thường, và không ai đứng trên hay ngoài pháp luật. Trong nền pháp trị, những người làm trong chính quyền phải đầu tiên và trên hết phải thể hiện sự hiểu biết, sự tôn trọng và sự làm gương cho các công dân khác. Luật pháp tự bản chất rất phức tạp do đó đòi hỏi tính chuyên môn rất cao. Một xã hội có nền văn hóa dân chủ cao, nền kinh tế tri thức tiên tiến, thì càng đòi hỏi tính chuyên môn trong mọi địa hạt. Hiến pháp và pháp luật chi phối mọi hoạt động của xã hội đó, nên nó phải cập nhật thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của xã hội tiên tiến đó. Cho nên không chịu tìm hiểu căn nguyên vấn đề vốn vô cùng phức tạp và đa chiều, không chịu động não suy nghĩ, mà lại suy nghĩ hời hợt hay cực đoan, thì sẽ không giúp ích gì cho sự phát huy của văn hóa dân chủ.
Người yêu chuộng dân chủ là người có khả năng thể hiện tinh thần kỹ luật cao. Họ biết nguyên tắc hành xử dân chủ và áp dụng nghiêm khắc với chính mình. Họ tôn trọng tối đa giá trị tự do, bình đẳng và công lý. Thay vì loại trừ, họ tìm cách dung hợp. Thay vì chụp mũ, vu khống, mạ lỵ, họ dùng lý luận và tinh thần khách quan khoa học để thuyết phục. Thay vì phản ứng, một cách thiếu tự tin, khi gặp phải chỉ trích hay phê bình, họ ôn tồn lý giải để trình bày quan điểm của mình, dùng nó như cơ hội để “cưỡi sóng”, để thuyết phục đối thủ và những người chung quanh. Tóm lại, dân chủ là đa nguyên, lắm khi trái chiều, cho nên người có tinh thần dân chủ thật sự là người phải biết sử dụng trí tuệ và lý luận để thuyết phục người khác quan điểm, chứ không phải đổ thừa hay gán nhãn hiệu cho nó là tin tặc, là phản động, hay tội đồ dân tộc v.v…
Dân chủ, vì thế, nên xây khó mà phá dễ. Một nền dân chủ vững ổn như Hoa Kỳ thì khó thể nào phá đổ bằng một, hay nhiều, cá nhân đặc biệt như Donald Trump, chẳng hạn. Nhưng một nền dân chủ non nớt, nền móng chưa vững, thì rất dễ đổ vỡ. Dân chủ không hoàn hảo, nên nó cần luôn được cải thiện. Thể hiện tính dân chủ không hề dễ, hay tự nhiên, mà là một ý thức tự giác cao độ. Ai cũng muốn quyết định nhanh chóng, hiệu quả để công việc được chạy cho tốt, trong khi đó dân chủ có nghĩa là tham khảo ý kiến, thảo luận rốt ráo và tôn trọng khác biệt và các quyết định chung. Tuy chậm nhưng chắc. Trong chính trị, mọi chính sách hay quyết định lớn đòi hỏi sự suy nghĩ và kế hoạch rốt ráo, sự thách thức thường xuyên giữa những người cùng chung trách nhiệm, giữa các đảng phái, công chúng và truyền thông và, quan trọng không kém, là sự phê bình hay chỉ trích nặng nề của công chúng, truyền thông hay đối lập. Không có một chính sách hay một kế sách nào hoàn hảo cả, dù được thiết kế bởi những đầu óc ưu tú nhất. Không có chính sách nào thoả mãn mọi ước vọng hay nhu cầu của xã hội đa nguyên cả. Nó chỉ mang tính tương đối và lắm khi đầy rủi ro. Phê bình là sự bình thường của xã hội, và chính là sức mạnh của xã hội đó.
Xu hướng vận động dân chủ của Việt Nam, vì các lý do trình bày trên, cũng chỉ là thiểu số so với xu hướng chống cộng trong và ngoài nước. Đồng minh của họ thì ngày càng ít và yếu trong khi đối thủ của họ ngày càng nhiều và mạnh. Nhưng không có gì là bất khả cả. Một khi đã nghĩ bất khả thì chỉ có thất bại, chưa đánh mà đã thất bại, nói chi đến thành công!
Tại sao phải là dân chủ? Bởi vì thể thế chính trị dân chủ tuy bất toàn nhưng nó đỡ tệ hại nhất trong tất cả các thể chế chính trị đã được thử nghiệm. Trong nền dân chủ, mạng sống con người được coi trọng tối đa, nhân phẩm được tôn trọng tối đa, và mọi người trong xã hội được tự do để phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Hơn tám mươi triệu người Việt trong nước nghĩ gì, muốn gì, có ai biết không? Sức dân là sức nước mà. Họ đưa thuyền và cũng lật thuyền.
Chỉ lo người dân Việt Nam không chịu mơ những giấc mơ lớn thôi. Nếu biết mơ, nếu có niềm tin, thì sẽ có hy vọng. Bởi không có thành công (lớn) nào mà không khởi đầu bằng giấc mơ (lớn).
Úc Châu, 30/04/2018
Phạm Phú Khải
Bạn đọc làm báo
Tài liệu tham khảo:
1. Foreign Affairs, “Is democracy dying”, a global report, May/June 2018, Volumn 97, Number 3.
2. Hunter Marston, “Vietnam’s crackdown on dissent could undermine its stability and growth”, Lowy Institute, 12/04/2018.
3. Cao Huy Thuần, “Dân chủ? Vẫn là mơ thôi?”, Thời Đại Mới, số 33, tháng 7 năm 2015.
4. Nguyễn Gia Kiểng, “Cứu nguy phong trào dân chủ?”, đăng trên trang mạng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, 04/02/2018.
5. Việt Hoàng, “Tập Hợp đang làm gì và ở đâu trong phong trào dân chủ Việt Nam?”, đăng trên trang mạng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, 24/02/2018.
1. Foreign Affairs, “Is democracy dying”, a global report, May/June 2018, Volumn 97, Number 3.
2. Hunter Marston, “Vietnam’s crackdown on dissent could undermine its stability and growth”, Lowy Institute, 12/04/2018.
3. Cao Huy Thuần, “Dân chủ? Vẫn là mơ thôi?”, Thời Đại Mới, số 33, tháng 7 năm 2015.
4. Nguyễn Gia Kiểng, “Cứu nguy phong trào dân chủ?”, đăng trên trang mạng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, 04/02/2018.
5. Việt Hoàng, “Tập Hợp đang làm gì và ở đâu trong phong trào dân chủ Việt Nam?”, đăng trên trang mạng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, 24/02/2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét