Hiện tượng ‘tái xuất’ của Tất Thành Cang lại xảy ra trong bối cảnh ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang có phần nguội lạnh, mà đặc biệt là sự phân biệt giữa ‘củi nhà’ với ‘củi rừng’. Sự kiện gần đây nhất là vào gần trung tuần tháng Bảy năm 2018, Bộ Chính trị của ông Trọng đã chỉ thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo và ‘cho thôi giữ chức bói thư ban cán sự đảng’ đối với Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn – một động thái cho thấy dù Trương Minh Tuấn có thể bị gạt khỏi ghế bộ trưởng TT –TT thì vẫn được thuyên chuyển sang một vị trí khác ngang bằng hoặc thấp hơn một chút so với vị trí cũ, nhưng điều quan trọng nhất là ông Tuấn có được cơ hội không bị Bộ Công an khởi tố và bắt giam như vừa thi hành đối với Lê Nam Trà – cựu tổng giám đốc MobiFone và Phạm Đình Trọng – Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp của Bộ TT-TT.
Một tuần trước cuộc nhậu của Tất Thành Cang, một nữ quan chức là Thái Thị Bích Liên, Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM, đã bị Thành ủy TP.HCM thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách về vụ 32 ha đất Nhà Bè. Bà Liên phải chịu trách nhiệm vì đã tham mưu cho Thường trực thành ủy, mà cụ thể là Tất Thành Cang “ký lén” phê duyệt cho vụ mua bán 32 ha đất Nhà Bè theo đề nghị của Công ty Tân Thuận mà không thông báo cho các thành viên trong “Thường trực Thành ủy TP.HCM” – bao gồm bí thư và các phó bí thư, cũng không thông báo cho “Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM”.
Tuy chưa bằng chứng về việc bà Thái Thị Bích Liên có ‘ăn uống’ gì trong vụ 32 ha đất Nhà Bè, nhưng việc bà Liên chỏi bị khiển trách liên đới vụ việc gây dư luận rất tiêu cực này là quá nhẹ, rất giống với động tác cho vụ việc này ‘chìm xuồng’.
Trong khi đó, số phận của Tất Thành Cang vẫn đang chờ Ban bí thư – nơi quản lý diện cán bộ như Cang – quyết định. Nhưng với mức kỷ luật như thể cho ‘hạ cánh an toàn’ đối với bà Thái Thị Bích Liên, dường như Thành ủy TP.HCM đang tìm cách bao che cho Tất Thành Cang.
Vào đầu tháng Sáu năm 2018, Thành ủy TP.HCM có báo cáo gửi Ủy ban Kiểm tra trung ương và thông báo một phần nội dung của báo cáo này cho công luận biết. Theo báo cáo này, “Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang – ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy – vì những vi phạm: quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản, không bảo đảm quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ TP và thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình. Ban thường vụ Thành ủy giao Ủy ban kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ tài liệu có liên quan để gửi báo cáo Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng”.
Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM chỉ kết luận nhẹ nhàng và… trơn tuột: “Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 30 ha đất đã đền bù của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy trước khi quyết định. Đồng thời, ông Cang thiếu kiểm tra việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của mình, việc chuyển nhượng có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ TP”.
Trong thực tế, Tất Thành Cang bị một số dư luận nghi ngờ đã “nhúng chàm” và “ăn chia” trong vụ bán 32 ha đất trên.
Theo tính toán sơ bộ của báo chí, con số thất thoát trong vụ mua bán trên lên đến 2.400 tỷ đồng. Có một cơ sở để củng cố cho mối nghi ngờ về tình trạng “móc ngoặc” có thể đã xảy ra: theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, bà đã mua khu đất này với giá lên đến hơn 600 tỷ đồng chứ không phải 419 tỷ như thông tin ban đầu (theo hợp đồng của Công ty Tân Thuận).
Như vậy, đã có một giá trị chênh lệch đáng kể gần 200 tỷ đồng giữa hợp đồng và “ngoài đời”. Vì sao có số chênh đó, và số tiền chênh này “chui” vào túi ai?
Nghiêm trọng nhất là Tờ trình của Công ty Tân Thuận đề xuất là “hợp tác kinh doanh” nhưng Tất Thành Cang còn lộng hành “vượt đề xuất”, cho ý kiến chỉ đạo là chuyển nhượng luôn khu đất cho tư nhân.
Căn cứ vào hồ sơ vụ việc mua bán thì rõ ràng đã có sự vi phạm nghiêm trọng trong việc bán chỉ định tài sản Nhà nước này, trong đó việc không thực hiện bán đấu giá theo quy định đã gây ra thất thoát rất lớn đối với tài sản Nhà nước. Việc không cho các đơn vị thẩm định giá trị tài sản trước khi chuyển nhượng tài sản của Nhà nước là dấu hiệu sai phạm hết sức nghiêm trọng, có thể bị xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nội dung báo cáo của Thành ủy TP.HCM – đứng đầu là Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân – lại không hề làm rõ những sai phạm rất rõ ràng và hành vi cố ý làm trái trên của Tất Thành Cang. Cái cách báo cáo và công bố thông tin như thế đang khiến nhiều dư luận phải đặt dấu hỏi nghiêm khắc về một sự bao che có chủ ý của Ủy ban Kiểm tra thành ủy TP.HCM và Thường trực thành ủy TP.HCM đối với Tất Thành Cang. Đặc biệt, Ủy ban kiểm tra trung ương cần mổ xẻ vì sao Phó bí thư thành ủy TP.HCM là Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn khăng khăng cho rằng 30 ha đất Nhà Bè không phải là tài sản công – như một động tác ngụy biện rất lộ liễu cho người đồng cấp là Tất Thành Cang.
Quan điểm và mức độ xử lý đối với Tất Thành Cang đang phụ thuộc phần lớn vào Nguyễn Phú Trọng. Nếu xem Cang là ‘củi nhà’ và cũng xử lý nhẹ nhàng như đối với Trương Minh Tuấn, hiển nhiên chủ trương ‘chống tham nhũng’ của ông Trọng sẽ càng bị người dân xem là giả dối và chỉ nhắm đến mục tiêu thanh trừng phe phái chính trị trong nội bộ đảng.
Thiền Lâm
Calitoday
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét