Ấn bản điện tử của một trong những nhật báo lớn nhất Việt Nam hôm 16/7 đã phải “tạm biệt bạn đọc” theo quyết định công bố cùng ngày của Bộ Thông tin và Truyền thông (nhiều người gọi là Bộ 4T) vì bài viết "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" cũng như bình luận của độc giả.
Tuy nhiên, thông tin về bước đi trên đã râm ran từ ngày 9/7 tuần trước sau khi Bộ này tổ chức cuộc họp toàn ngành với sự chủ trì của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Ngoài bị coi là “thông tin sai sự thật” về tuyên bố của ông Trần Đại Quang, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, một người thạo tin ở Việt Nam, cho biết rằng Tuổi Trẻ Online “gặp hạn” còn vì bình luận về điều cho là "Nam Kỳ" đang bị người "Bắc Kỳ ngu dốt cai trị" dưới bài viết về dự án cao tốc Bắc - Nam.
Lời tạm biệt của báo Tuổi Trẻ Online. |
VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng được thông tin này, nhưng trong quyết định kỷ luật có nhắc tới chuyện trang web của tờ báo “gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận (comment)”.
Theo Facebooker còn có tên Cô Gái Đồ Long, bài viết này được đăng tải từ cuối tháng Năm năm ngoái nhưng nay mới được nêu ra để “xử một thể”.
Ngoài ra, theo bà Trà, một bài viết khác với tựa đề “Ba Đặc khu cần trả lời ba câu hỏi” của một nhà nghiên cứu gốc Việt ở Nhật Bản cũng bị coi là “vi phạm”.
Tin cho hay, nhận định của giáo sư Trần Văn Thọ từ Đại học Waseda ở Tokyo, trong đó được cho là có đề cập tới “hiện tượng tư bản nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, trong nhiều năm nay đã nhờ người Việt Nam đứng tên mua nhiều đất ở ven biển”, bị gỡ xuống không lâu sau khi đăng hôm 8/6. VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng được nội dung bài viết do nó không còn tồn tại.
Hôm 17/7, một ngày sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định và Tuổi Trẻ Online hoàn toàn không còn truy cập được, bà Trà viết: “Trong tình hình chính trị, an ninh xã hội đang rối ren, việc đình bản một thương hiệu báo chí lớn nhất nước ít người nghĩ sẽ xảy ra; nên cả làng báo đều sốc!”
Bà cũng nói thêm rằng “cái này mới là cú đầu, còn tiếp theo là kỷ luật các nhân sự của TT [Tuổi Trẻ] nữa đó”. Blogger Cô Gái Đồ Long không dẫn nguồn cho thông tin mà bà nói là tự “tìm hiểu”. VOA Việt Ngữ không thể xác nhận thông tin này.
Trên Facebook cá nhân, blogger Huy Đức (tức nhà báo tự do Trương Huy San) bày tỏ mong muốn rằng “các bên có thẩm quyền xử phạt, xét lại, để đối xử với Tuổi Trẻ không chỉ như một công cụ truyền thông mà còn như một doanh nghiệp”.
“Ai sai kỷ luật người đó, đình bản một tờ báo còn là thắt bao tử của hàng trăm con người”, người từng có thời gian công tác tại báo Tuổi Trẻ bình luận.
“Trong thời đại ngày nay, bản online, cho dù doanh thu trực tiếp có thể ít hơn, nhưng nó là một “chân” của tờ báo, nó giúp tờ báo in lan toả, giúp gia tăng giá trị (thương hiệu) và thu nhập. Tổn thất này của Tuổi Trẻ là vô cùng to lớn. Trong hệ thống thứ bậc chính trị, Tuổi Trẻ, tuy chỉ là một tờ báo cấp phòng nhưng sức lan toả của nó lớn hơn rất nhiều những tờ cấp bộ và cấp vụ khác”.
Facebooker này viết tiếp: “Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo báo chí nhất và chuyên nhiệp nhất. Nhưng, ở góc độ công cụ tuyên truyền cho chế độ, Tuổi Trẻ cũng là đắc lực nhất. Trong không gian thông tin ngày nay, đình bản bản online những tờ báo chính thống như Tuổi Trẻ tuy có gây thiệt thòi cho người đọc nhưng xét kỹ, chính hệ thống tuyên truyền của Đảng mới thiệt hại rất nhiều”.
Liên quan tới phát biểu của Chủ tịch Quang, theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt hôm 19/6, nhiều trang báo điện tử của Việt Nam cũng sửa lại tít và xóa các câu chữ đề cập đến việc ông nói “cần luật biểu tình”, chỉ một thời gian ngắn sau khi bài được đăng lên.
Hiện chưa rõ là báo Tuổi Trẻ có thực thi “quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định nêu trên theo quy định của pháp luật” như được nghi rõ trong thông báo với chữ ký của Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, “được giao cho ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Online”.
Ông Quang gặp mặt cử tri hôm 19/6, ít ngày sau khi xảy ra các cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh Mạng. |
Luật sư Trần Vũ Hải viết trên Facebook rằng “những nhân viên của báo Tuổi Trẻ có thể gửi kiến nghị lên Bộ 4T đề nghị xem xét lại quyết định xử phạt này, đặc biệt quyết định đình bản TTO [Tuổi Trẻ Online] 3 tháng".
"Bộ 4T cần có thái độ tôn trọng quyền lao động của 800 nhân viên của báo Tuổi trẻ. Không chỉ 800 người này, mà cuộc sống của 800 gia đình họ, lên đến hàng nghìn người, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ba tháng tới”, luật sư từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề xã hội viết, cho rằng đó là quyết định “trái luật và cần phải được huỷ bỏ”.
Ông viết tiếp: “Lỗi thứ nhất thực ra không quá nghiêm trọng và chỉ cần đính chính, nếu Chủ tịch nước không nói như vậy… Việc bạn đọc bình luận trên báo điện tử không thể quy kết báo cố ý đăng phát thông tin gây mất đoàn kết dân tộc, nếu có sai sót chỉ là sơ xuất để bình luận có nội dung không phù hợp hiện trên phần bình luận bài báo. Đây chỉ là đơn thuần một sơ xuất kỹ thuật và đã khắc phục”.
Bộ Thông tin và Truyền thông chưa thấy hồi đáp trước các bình luận của luật sư Trần Vũ Hải.
Viễn Đông
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét