Tổng số tiền phạt được ghi nhận là 104 triệu đồng ($4,448) được chia đều cho ba tờ báo nêu trên.
Quyết định xử phạt này không nói rõ các website bị phạt vì những bài báo cụ thể nào.
Và theo “thông lệ” của làng báo Việt Nam, các tòa soạn bị xử phạt đều phải “nghiêm túc chấp hành” chứ không dám khiếu kiện lệnh phạt ra tòa.
Đến nay, Việt Nam trên danh nghĩa không có báo chí tư nhân, nhưng thực tế có nhiều báo giấy, báo điện tử “núp bóng” cơ quan ngôn luận của các hội, đoàn nhà nước và hàng tháng phải trả một khoản phí “quản lý” cho những cơ quan này.
Chẳng hạn, tạp chí điện tử TTV mô tả trên website rằng họ là “cơ quan ngôn luận của Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn Đá Quý Việt Nam và là tổ chức thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.”
Đa phần các tòa soạn này được cho là “kiếm sống” không phải nhờ tiền quảng cáo của doanh nghiệp mà là nhờ thực hiện các “chiến dịch truyền thông,” từ mô tả việc đưa thông tin có lợi cho doanh nghiệp hoặc bất lợi cho đối thủ của doanh nghiệp chi tiền.
Ngoài ra, một số tòa soạn còn kiếm sống nhờ tham gia vào các chiến dịch “đánh đối thủ” của quan chức “theo đơn đặt hàng,” điển hình là vụ ồn ào nhắm vào Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành Ủy ở Sài Gòn trong những tháng qua.
Trong một diễn biến khác, phiên bản điện tử của báo Tuổi Trẻ, tức Tuổi Trẻ Online đang chuẩn bị “tái xuất” vào hôm 17 Tháng Mười, sau khi bị phạt đình bản ba tháng vào hồi Tháng Bảy, 2018 do đăng bài nói Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang “ủng hộ Luật Biểu Tình” trong một cuộc “tiếp xúc cử tri” ở Sài Gòn.
Theo tìm hiểu của nhật báo Người Việt, ban biên tập tờ Tuổi Trẻ đã tìm mọi cách vận động “tứ trụ” để mong giảm nhẹ lệnh phạt nhưng không thành.
Nguồn tin từ nội bộ tờ Tuổi Trẻ cho hay trong suốt ba tháng bị phạt, những nhân sự của Tuổi Trẻ Online vẫn cập nhật bài vở trên website đều đặn nhưng không cho hiển thị ra bên ngoài. Do vậy, đến hôm 17 Tháng Mười, bạn đọc có thể xem lại toàn bộ những bài được đưa lên trong ba tháng mà báo này “bị treo giò.”
Đáng lưu ý, tất cả các tòa soạn báo ở Việt Nam đều có nguy cơ bị xử phạt khi để lọt các lời bình luận “nhạy cảm” của bạn đọc trên website hoặc fan page. Do vậy, để giảm thiểu nguy cơ này, các báo đều khóa bình luận của độc giả.
Việc Cục Báo Chí xử phạt bằng cách đình bản và phạt tiền hàng trăm triệu đồng đối với các trang tin và tạp chí điện tử lên đến cao điểm với cả chục tòa soạn bị phạt vào năm 2017. Thời điểm đó, báo Người Đưa Tin bị phạt 140 triệu đồng và đình bản tạm thời; tước quyền sử dụng giấy phép chuyên trang Phununews.vn, do tờ này đăng bài về người dân Bắc Hàn đập phá tượng lãnh tụ, lấy nguồn từ một trang lề trái.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét