Tô Lâm và một thoáng… thật thà! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Tô Lâm và một thoáng… thật thà!


Tờ Thanh Niên đã sửa tựa bài tường thuật buổi góp ý cho Dự luật Thi hành án hình sự từ: “Bộ trưởng Công an: Chế độ phạm nhân cao, có người sẽ tìm cách để đi tù” thành… “Bộ trưởng Công an: Quyền của phạm nhân phải phù hợp khả năng đáp ứng của nhà nước” (1).

Tướng Tô Lâm.

Cho dù tựa bài tường thuật vừa kể đã được sửa nhưng ý kiến ông Tô Lâm đóng góp cho Dự luật Thi hành án hình sự vẫn thế: Ông Tô Lâm không tán thành việc sửa luật thi hành án hình sự theo hướng minh định các quyền của phạm nhân.

Dự luật Thi hành án hình sự nhằm sửa Luật Thi hành án hình sự được ban hành năm 2010 nhằm chứng tỏ Việt Nam có nỗ lực thăng tiến nhân quyền đúng như đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Theo dự luật, tuy bị tước bỏ tự do nhưng phạm nhân có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo đảm điều kiện ăn, ở, gặp gỡ thân nhân,… sao cho ra hồn người. Cũng theo hướng đó, họ còn có quyền lao động, học hành, học nghề...

Tháng 11 năm ngoái, Dự luật Thi hành án hình sự được trình cho Quốc hội để nghe các đại biểu góp ý. Một số tán thành, một số phản bác kịch liệt. Giờ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy thêm ý kiến.

Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, một trong những đại biểu đại diện cho nhóm phản bác nói thẳng, dẫu dự luật minh định nhiều quyền dành cho phạm nhân giống như thiên hạ nhưng ở Việt Nam không phù hợp, không khả thi.

Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, chuyện ấn định mỗi phạm nhân được 17 ký gạo, 15 ký rau, bao nhiêm gram thịt, bao nhiêu gram đường trong một tháng, rồi quần áo thế nào,… là quá cao. Ông Lâm dùng chính thực tế để nhắc nhở, ở Việt Nam, nhiều công dân lương thiện dẫu cần cù vẫn không đạt được mức đó! Cũng vì vậy, ông cảnh cáo, không loại bỏ tiêu chuẩn này, sẽ có nhiều người cố tình phạm tội để được vào tù. Tình huống đó sẽ gây khó khăn cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.

***

Thiên hạ vẫn bảo giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giảo hoạt song ít nhất là lần này, khi góp ý cho Dự luật Thi hành án hình sự, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tỏ ra rất thẳng thắn.

Cải thiện môi trường giam giữ ở Việt Nam – dẫu là một trong những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, rõ ràng không phải là đã hứa thì sẽ làm. Ông Tô Lâm – nhân vật đặc trách giáo dục, cải tạo phạm nhân - không giấu diếm chuyện ông thay mặt toàn ngành không… ưng xóa bỏ tình trạng phạm nhân bị đối xử như những con vật.

Ông Tô Lâm còn hết sức thật thà khi so sánh tiêu chuẩn mà bộ phận soạn thảo Dự luật Thi hành án hình sự dự tính dành cho phạm nhân, với chuyện nhiều công dân lương thiện của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuy rất cần cù vẫn không thể đạt được mức dinh dưỡng tối thiểu là 17 ký gạo và 15 ký rau/tháng/người,…

Viễn cảnh mà ông Tô Lâm phác ra: Nếu cải thiện chế độ lao tù, cho phạm nhân được ăn no, mặc ấm, chỗ ở đạt các tiêu chuẩn tối thiểu dành cho một con người, sẽ khiến nhiều người lương thiện tìm cách này hay cách khác để được vào tù - chính là lời thú nhận chân thành về hiện trạng kinh tế - xã hội Việt Nam.

Hóa ra ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN nói… thật, khi nêu câu hỏi thay cho câu trả lời về hiện trạng kinh tế - xã hội Việt Nam: Đất nước đã bao giờ được như thế này chưa? Đã có rất nhiều người chế giễu ông Trọng vì hiểu “được” thuần túy là… được, trong khi “được” có thể hiểu theo nghĩa ngược lại.

Vâng, đúng là đất nước chưa bao giờ “được” như thế này! Sau bảy thập niên kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng, 17 ký gạo và 15 ký rau/tháng/người,… vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người. Ăn ở, mặc,… ở mức tối thiểu vẫn là giấc mơ chẳng biết khi nào mới có thể trở thành sự thật.

Thực tế ấy và con số đang phải sống dưới mức tối thiểu mà một phạm nhân nên được hưởng khiến Bộ trưởng Công an phát hoảng, phải huỵch toẹt, rằng cải thiện chế độ lao tù sẽ khiến người ta lũ lượt xin vào tù, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kham không nổi.

Thảm thay!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad