Thủ tướng nói về việc ký hai hiệp định với EU: "Mới là bước khởi đầu" - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

Thủ tướng nói về việc ký hai hiệp định với EU: "Mới là bước khởi đầu"


Lễ ký kết hiệp định EVFTA và IPA.

Việt Nam và EU chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vào chiều ngày 30/6/2019.

Thủ tướng nhận định ngay tại buổi lễ rằng, "hai hiệp định này mở ra chân trời mới cho sự hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên. "

Theo Thủ tướng, “Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt”.

“Hai hiệp định quan trọng này như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau". Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, việc ký hai hiệp định mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công.

Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện 2 Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, theo bà Cecila Malmstrom - Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu, Hiệp định này với những tiêu chuẩn cao về mua sắm Chính phủ, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại... sẽ tạo ra điều kiện để những trở ngại thương mại, đầu tư trước đây được gỡ bỏ. Đồng thời, chính doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ là chủ thể chọn lựa đối tác.

Cao uỷ thương mại của EU kỳ vọng, EVFTA và IPA được ký sẽ là nền tảng để EU hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN, khu vực mà Việt Nam năm sau sẽ là Chủ tịch.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, xuất nhập khẩu, tăng trưởng thương mại có thể lên tới 20% trong những năm đầu tiên. Việt Nam sẽ có động lực và cơ sở quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực thi các cam kết hội nhập.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đây là thỏa thuận thương mại tự do nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU ký với một nền kinh tế mới nổi, Hiệp định EVFTA và IPA được xây dựng dựa trên cam kết chung của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế theo hướng mở cửa, công bằng và tuân thủ luật lệ.

Do đó, thách thức từ hiệp định này sẽ không ít khi người dân Việt Nam với trình độ thấp hơn, doanh nghiệp và nền kinh tế có quy mô nhỏ.

Bộ trưởng cho rằng doanh nghiệp và người dân sẽ có thuận lợi trong việc cắt giảm thuế quan nhưng châu Âu là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thực thi pháp luật về đầu tư. Do đó, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với thị trường châu Âu. Nếu làm được thì còn có điều kiện để tiếp cận nhiều thị trường khác.

"Từng người dân, doanh nghiệp phải là chủ thể hưởng lợi của hiệp định thương mại này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU”, theo Bộ trưởng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ ký kết giữa 2 nước. Nguồn: Bộ Công thương.

Dòng vốn nhà đầu tư EU vào Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn

Bên cạnh Hiệp định về thương mại, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) cũng được ký kết với nhiều điều khoản, nội dung quan trọng, đồng thời thay thế 21 hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam đã ký với các thành viên EU trước đây.

Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, điểm khác biệt nằm ở việc đảm bảo an toàn nguồn vốn của các nhà đầu tư khi di chuyển nguồn vốn và tài sản.

Hiệp định IPA cũng đưa ra tiêu chí rõ ràng cho hành vi của Nhà nước mà không thể áp dụng được phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài;... Đặc biệt, Hiệp định bảo hộ đầu tư lần này cũng có cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế thường trực, thay vì cơ chế trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các thành viên EU trước đây.

Theo cơ chế này, tranh chấp đầu tư quy định trong IPA được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn.

IPA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử. Khi phát sinh tranh chấp đầu tư cụ thể, Chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ chỉ định các thành viên thụ lý vụ tranh chấp đó.

Ông Thắng khẳng định, thông qua IPA, sẽ có sự thay đổi lớn trong dòng vốn nhà đầu tư EU vào Việt Nam. Nhà đầu tư từ khu vực này sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang là trọng điểm trong đầu tư của EU.

Mặt khác, ông Vũ Đại Thắng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến đầu tư, bao gồm đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với các vụ kiện cũng như các vụ việc tranh chấp thương mại khác.

Sau ký chính thức EVFTA, EU và Việt Nam sẽ trình lên Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, dự kiến trong năm 2020. Sau bước phê chuẩn này, Hiệp định này sẽ chính thức hoàn tất, có hiệu lực. Trong khi đó, Hiệp định IPA cần sự phê chuẩn của các nước thành viên EU tuân thủ theo các tiến trình nội bộ của từng nước, dự kiến sẽ mất khoảng 2 năm.


Hạ Vũ
TheLeader

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad