Vì sao Trump nổi đóa về 'kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Vì sao Trump nổi đóa về 'kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’?


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại G20 ở Osaka, Nhật ngày 28/6/2019. Photo: Chụp từ VTV1

Chỉ ít ngày sau khi gọi Việt Nam là đối tác thương mại “thứ dữ” trong một bình luận mà có vẻ như một lời khen ngợi, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quay ngoắt sang một biệt danh khác: Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”!

Biệt danh mới

Nền kinh tế Việt Nam - lảo đảo như một kẻ say rượu trong suốt 11 năm suy thoái qua - vào lần này phải đối mặt với một nguy cơ thực sự: Việt Nam có thể trở thành đối tượng thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico, bị Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Biệt danh “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” được Trump thốt ra - một cách mỉa mai và có phần nổi đóa - trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business vào cuối tháng 6 năm 2019, chỉ vài tiếng trước khi ông lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị của Nhóm 20 cường quốc kinh tế.

"Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc" và "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người” - Trump chỉ trích gay gắt và cáo buộc Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.

Có thể cho rằng phát ngôn trên là góc cạnh và cứng rắn nhất từ trước tới giờ của Trump nhắm vào Việt Nam về vấn đề thâm hụt thương mại. Trong hơn hai năm rưỡi nắm quyền, Trump thường than phiền về thâm hụt mậu dịch của Mỹ trong quan hệ với nhiều nước và đang cố gắng thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng thương mại.

Thời hoàng kim của Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng thặng dư thương mại với Mỹ.

Sau gần hai chục năm hoàng kim từ thời tổng thống George Bush, Bill Clinton đến Barak Obama và cả thời của Donald Trump, Việt Nam đã kích hoạt lượng xuất khẩu phi mã vào thị trường Hoa Kỳ và tăng vọt số suất siêu lên đến khoảng 160 lần so với năm 2001 - thời điểm mà Việt Nam mới ký với Mỹ Hiệp định thương mại song phương (BTA) đầu tiên.

Chỉ trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã tạo được một lượng xuất siêu kỷ lục - lên đến hàng trăm tỷ USD - vào thị trường Mỹ.

Vào năm 2017, Việt Nam xuất sang Mỹ lượng hàng hóa tổng giá trị 41,6 tỷ USD nhưng chỉ nhập khẩu có 9,2 tỷ USD, nâng mức thặng dư thương mại lên con số 32,4 tỷ USD với Mỹ.

Đến năm 2018, Việt Nam đã đạt giá trị xuất siêu ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD, còn năm 2019 và dự kiến xuất siêu đến 38 - 40 tỷ USD vào thị trường Mỹ, càng củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 6 của Việt Nam trong số 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ.

Nhưng khác hẳn với thời ‘êm ấm’ với Tổng thống Obama mà đã chẳng phải nhận đòn trừng phạt kinh tế nào, giờ đây Việt Nam và cả nền chính trị độc tài của nó đang phải đối mặt với nguy cơ bị Trump biến thành ‘kẻ thù thương mại’, và do đó phải gánh chịu những hậu quả khó lường về bức tường thuế quan, kiểm định hàng hóa cùng những biện pháp khác mà Trump phát nổ trong thời gian tới.

Những đòn trừng phạt đầu tiên

Còn nhớ chỉ ít tháng sau khi nhậm chức tổng thống, Donald Trump đã giương cao ngọn cờ ‘công bằng và đối ứng’ - một đòn thương mại liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại cho kinh tế Mỹ’ và đòi hỏi các Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ phải thực thi những biện pháp quyết liệt về hàng rào thuế quan thương mại đối với hàng Việt Nam.

Đặc biệt, cả thép và nhôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều có thể sẽ bị đánh thuế cao do ‘đặc thù’ của những mặt hàng này. Vào đầu năm 2018, một báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết Việt Nam nằm trong số các nước mà Bộ Thương mại Mỹ đề xuất áp mức thuế quan nặng lên các sản phẩm thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ.

Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng Việt Nam, mặt hàng thép cuộn lạnh nhập vào Mỹ năm 2015 đã tăng vọt, từ 11 triệu đôla lên tới 295 triệu đôla. Biện pháp trừng phạt này chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực lên toàn bộ ngành thép Việt Nam, trong đó có nhiều sản phẩm thép do chính Việt Nam sản xuất.

Trong khi đó theo chính bản tin của Tổng cục Hải quan Việt Nam thì “giả mạo xuất xứ, đóng lại bao bì bất hợp pháp thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm và gỗ ép… từ Trung Quốc”. Cùng lúc, một số chuyên gia độc lập ở Việt Nam đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.

Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.

Chỉ một tháng sau việc bất thần tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc”, Hoa Kỳ đã khiến giới chức thương mại Việt Nam” chịu sốc thêm một lần nữa khi thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là “doanh nghiệp nhà nước” theo quy tắc thương mại toàn cầu.

Tám công ty mà Mỹ khai báo với WTO đều là những cái tên nổi đình nổi đám ở Việt Nam: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/SKYPEC), Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Thoạt nhìn, sự kiện trên có vẻ không mấy bất thường trong quan hệ các thỏa thuận giao thương đa phương quốc tế. Tuy nhiên xét về chiều sâu quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam cũng như quan hệ thương mại đa phương giữa Việt Nam với nhiều quốc gia, sự kiện này không chỉ mang tính cảnh báo hay như một động tác trừng phạt mới về thương mại của Mỹ đối với Việt Nam, mà còn có thể khiến Việt Nam bị không ít quốc gia quay lưng vì thói “gian lận thương mại” đã và đang hiển lộ một cách có hệ thống.

Vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này, bởi cả 8 doanh nghiệp nhà nước này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu.

Cho tới nay vẫn không thấy phía Việt Nam đưa ra được các chứng cứ có tính thuyết phục để bác bỏ cáo buộc từ phía Hoa Kỳ.

Nếu các nước phát triển ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ thì sẽ dẫn đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu của 8 doanh nghiệp nhà nước trên sẽ giảm sút, thậm chí các doanh nghiệp khác ngoài 8 doanh nghiệp nhà nước bị cáo buộc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cũng có thể gặp khó khăn.

Những đòn trừng phạt tiếp theo

Tháng 5 năm 2019, Bộ Tài chính Mỹ lại tung ra một đòn trừng phạt mới, hoặc chính xác là một mối đe dọa mới đối với Việt Nam.

Lần đầu tiên, Việt Nam đã suýt bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ - danh sách được Bộ Tài chính Mỹ cập nhật cứ sau mỗi 6 tháng.

Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.

Việt Nam bị Mỹ xem là một nước lũng đoạn tiền tệ vì đã cho hạ giá đồng tiền của mình một cách giả tạo.

Trong vài năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tiếp tăng tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài, nhưng cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này đã phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng - chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.

Việt Nam cũng đã ‘thỏa mãn’ tiêu chí thặng dư thương mại khi đạt giá trị xuất siêu vào thị trường Mỹ ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD vào năm 2018, không chỉ củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 6 mà còn có triển vọng leo lên vị trí thứ 5 trong danh sách 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ.

Nếu bị xem là quốc gia lũng đoạn tiền tệ, cửa vào ‘kinh tế thị trường’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam, vốn đã chẳng rộng mở gì, sẽ càng thêm hẹp lại. Khi đó, tương lai rất cận kề là theo lệnh của Tổng thống Trump, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ nâng cao mức thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ - tương tự chiến dịch nâng thuế suất đến 25% của Mỹ đối với toàn bộ 500 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Và nếu bị Mỹ đánh thuế nặng hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam sẽ lâm vào cảnh phá sản, còn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thể chịu nổi thuế suất cao mà sẽ phải rút khỏi Việt Nam, khiến nền kinh tế nước này lao nhanh vào suy thoái trầm kha và càng khiến tuổi thọ của chính thể độc đảng trở nên ngắn ngủi đến khó lường.


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad