Như tựa bài đã đặt, loạt bài của tôi cũng chỉ cố gắng thu thập thông tin về những người làm nghề này, không có ý định và điều kiện khảo sát hết ngành nghề, công việc của người Việt ở Anh và một số nước khác. Vì nó quá rộng, chắc chắn nằm ngoài khả năng. Đa số "dân rơm trồng cỏ" đều là thanh niên ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tại sao người ta sẵn sàng đánh đu phận người như thế, câu trả lời sẽ được đề cập ở trong bài.
********************************************
Năm 2000, Đồng Hới vẫn đang là thị xã của tỉnh Quảng Bình, chưa lên thành phố. Mỗi lô đất 5m mặt tiền đường Ngô Gia Tự mới hình thành, ở phường Nam Lý, rộng tổng cộng 75m2 có giá chừng 45 triệu đồng. Giá đất không cao nhưng người mua, có tiền để mua vẫn không nhiều. Khoảng 5 năm sau, đất khu vực này và nhiều khu khác ở Đồng Hới bỗng tăng chóng mặt. Đến thời điểm này, mỗi lô đã có giá từ 1,8-2 tỉ đồng, tăng vọt 40 lần trong vòng 10 năm, cao ngang ngửa với giá đất ở TP HCM, một trong những nơi đắt nhất nước.
Kinh doanh không mấy phát triển, khả năng sinh lợi của những lô đất mặt tiền này không cao, giá vẫn được đẩy lên điên khùng. Giá nào cũng có người mua. Nguyên nhân chủ yếu, tuy không được đề cập trong bất kỳ một hồ sơ báo cáo hay tài liệu nghiên cứu nào nhưng lại được tất cả người dân sở tại thừa nhận: do những người đi Anh quay trở về... phá giá. Lớp người này được xem là... thừa tiền, thừa luôn cả sự điên rồ.
Năm 2006, có người ở đường Ngô Gia Tự bán một lô đất 300 triệu đồng, bảo là lấy tiền "mua suất" xuất khẩu lao động sang Anh. Khoảng 2 năm rưỡi sau anh ta quay trở về, nằng nặc đòi mua lại chính miếng đất cũ, lúc đó chủ mới đã xây lên một căn nhà đúc 3 tấm, hết tổng cộng 1,1 tỉ. Không có ý định bán, chủ mới ra một cái giá rất tào lao, đến mức vô lý là 3,4 tỉ đồng cả đất lẫn nhà, mục đích để làm nản lòng chủ cũ khiến anh ta từ phải bỏ ý định đòi mua lại.
Không ngờ, ra giá buổi chiều, buổi tối anh chàng kia đã đánh xe hơi đến, chồng tiền ngay, đút giấy tờ nhà đất vào túi áo khoác và cho chủ nhà 3 ngày để... dọn đi! Lại nghe đâu anh ta chê ngôi nhà mới xây không vừa ý, đã có ý định đập bỏ, xây lại, nhưng sợ bị dòm ngó, dị nghị nên mới tạm gác.
Hỏi sang Anh làm gì mà lắm tiền thế, anh này ỡm ờ: "Làm vườn cho ông anh trai. Bên đó "công nhân nông nghiệp" lương cao lắm!". Những tay chơi “có kiến thức trong khu phố, có người cũng từng từ Anh quay về, có người đang rắp ranh tìm đường đi, nghe chuyện chỉ nhún vai cười khẩy: "Vẽ! giang hồ đòi lò đuôi tư sản! Trồng cần sa thì nói đại cho rồi".
Nói vậy nhưng chính đám choai choai này lại lân la tìm anh chàng kia để dò hỏi, nhờ cậy chỉ đường để họ cũng đóng tiền mua một "vé" sang Anh. Ở nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nước Anh được xem là xứ "đầu bảng" trong mục tiêu "xuất khẩu lao động". Tiền thế chân, tiền "mua suất" đi Anh luôn cao ngất ngưởng, cao hơn nhiều so với tiền mua đường xuất cảnh lậu sang "xứ vàng" một thời là CHLB Đức (để buôn lậu thuốc lá). Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Anh, ông Hoàng Lộc khẳng định: "Việt Nam và Anh chưa có hiệp ước xuất khẩu lao động. Toàn bộ những người này đều đi chui, đều là "dân rơm". Ở Anh, sử dụng lao động bất hợp pháp, chủ sẽ bị luật pháp xử phạt rất nặng nên ít người dám thuê".
Theo ông Lộc, họa hoằn lắm mới có một vài "dân rơm" may mắn xin được một chân bồi bàn, phụ việc vặt hoặc làm nail (móng tay, móng chân) chui, lương theo giờ cao nhất chừng 6-7 bảng. Tính ra có làm quần quật không nghỉ ngày nào, mỗi tuần cũng chỉ được chừng 400-500 bảng Anh. Làm 2 năm, không gặp chút bất trắc, tai nạn nào, họ thu được khoảng 40-50.000 bảng, trừ hết chi phí ăn ở, tiền đi tiền về, có tiết kiệm lắm họ cũng chỉ dành dụm chừng 15.000 bảng (xấp xỉ 500 triệu đồng tiền Việt).
Nhưng bất trắc, với những người không am tường luật pháp nước Anh, không biết tiếng Anh thì cứ gọi là xảy ra như cơm bữa. Bị bắt là mất trắng. Chỉ riêng việc đậu xe không đúng chỗ, chạy xe sai làn đường hoặc không đúng tốc độ quy định cũng đã có thể bị phạt mỗi lần hàng trăm bảng. Định cư đã trên 20 năm như ông Lộc mà những lỗi này vẫn cứ vấp thường xuyên, riêng năm 2009 đã tốn trên 1.000 bảng tiền phạt. "Dân rơm" không muốn ngồi tù vì tội nhập cư bất hợp pháp thì chỉ có nước vứt xe chạy lấy người, mất đứt cả năm lương là cái chắc. Muốn có tiền tỉ mua đất, mua nhà, sang đó họ chỉ có "trồng cỏ" chứ không thể làm gì khác”.
Điều tra viên Stephen Foote của Sở Cảnh sát London cho biết, "dân rơm" Việt Nam thường thuê những căn hộ lớn không người ở, những nhà, xưởng cũ bỏ hoang... nằm biệt lập ở các khu hẻo lánh bên rìa các thành phố lớn để lập "trang trại" trồng "cỏ" (cần sa, tài mà). Để tránh sự chú ý của người xung quanh, vườn trồng cần sa được thiết lập ở tầng áp mái hoặc tầng hầm. Tất cả cửa lớn, cửa nhỏ của căn phòng đều được bịt kín, cửa kính và các khe hở được bịt chặt bằng chăn hoặc vải bạt dày để bảo đảm không một tia sáng nào có thể lọt ra ngoài. Tất cả các khâu từ khi gieo hạt đến lúc đóng bánh... đều được tiến hành trong căn phòng này.
Cây cần sa được trồng trong các chậu nhỏ. Đất trồng, phân bón được bí mật chở từ nơi khác đến. Ngoài tự nhiên, cây cần sa cao tối đa khoảng 4m, mỗi năm chỉ thu hoạch được 1 vụ. Trồng trong chậu, cần sa chỉ cao chừng 1-2m, cứ 3 tháng cho thu hoạch một lần. Phòng trồng cần sa được thiết kế lại toàn bộ với hệ thống thông gió, giàn phun nước riêng. Cứ cách 0,5m trên trần nhà lại được gắn một bóng đèn điện 600W, thắp sáng suốt đêm ngày.
Sau khi thu hoạch, cần sa được rửa sạch rễ, treo ngược lên những giá treo lắp sẵn và sấy khô bằng quạt gió trong điều kiện đèn điện mắc dày đặc, sáng liên tục. Vì thế, phòng trồng và sấy cần sa khi nào cũng nóng hầm hập như lò bánh mỳ, độ ẩm rất cao. Thợ làm vườn ăn ngủ tại chỗ. Không rời đi đâu nửa bước, không được hít thở khí trời cho nên người họ luôn bị vắt kiệt hoặc sấy cho khô cong. Giấc ngủ cũng diễn ra dưới ánh sáng chói lóa, cộng với thái độ luôn cảnh giác nghe ngóng động tĩnh, nơm nớp lo bị cảnh sát bắt, bị băng nhóm khác đánh cướp hoặc xảy ra hỏa hoạn do chập điện... khiến thần kinh họ luôn căng thẳng và suy nhược trầm trọng.
Làm "dân rơm trồng cỏ” ở Anh thu nhập rất cao. Sau khi bán và trừ chi phí, phần tiền lãi sẽ được ăn chia theo tỉ lệ đã thỏa thuận giữa người làm công với chủ. Tùy quy mô, một trang trại chi phí mỗi mùa hết từ 20.000 - 50.000 bảng để sản xuất được từ 1.000 - 3.000 chậu cần sa, giá thị trường khoảng 200.000 - 500.000 bảng.
Tháng 8/2009, một thợ làm vườn tên là Thanh Phạm, 47 tuổi bị Tòa án Kingston Crown kết tội 30 tháng tù giam vì tội sản xuất cần sa tại một căn nhà ở Crutchfield Lane, Walton. Phạm khai nhận có thu nhập khoảng 6.000 bảng/tuần, trong khi cơ sở mà anh ta coi sóc thu lợi nhuận tới 200.000 bảng mỗi mùa, tức khoảng 800.000 bảng/năm!
Làm thuê ăn lương khổ hơn nhiều nhưng lương cố định cũng được khoảng 500 bảng/tuần, cơm ăn nước uống, mọi sinh hoạt phí chủ lo tất, lại không bị trừ thuế thu nhập như người làm thuê hợp pháp.
Dù làm thuê hay hợp tác ăn chia, đời sống của “dân rơm trồng cỏ” cũng hết sức bấp bênh. Thắp điện, dùng quạt sấy liên tục, nhiệt độ trong các ngôi nhà - trang trại thường rất cao, đến mức vào mùa đông, mái nhà có trang trại núp phía dưới không bị bám tuyết như các ngôi nhà khác. Chi tiết bất thường này đã dắt cảnh sát đưa máy dò nhiệt đến, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ.
Chiều ngày 16/3/2010, một ngôi nhà trồng cần sa ở đường Beaconview, thị trấn West Bromwich, phía tây miền Trung nước Anh bị Cảnh sát Anh khám phá, 12 người Việt, 9 nam và 3 nữ, đang trú ngụ trong căn nhà này cùng nhiều phân bón, đèn và lá phôi kim loại đã bị bắt giữ. Một nam giới trong số này bị kết án, số còn lại sau đó đều bị trục xuất.
Ngày 21/7/2010, 4 người Việt, trong đó có 1 phụ nữ và 1 bé trai 12 tuổi bị bắt giữ tại một trang trại ở thành phố Portsmouth, hạt Hampshire, miền Nam nước Anh. Dẫn tin từ nguồn của Cảnh sát London, tờ Evening Standard ngày 2/9/2010 cho biết, chỉ riêng tại thủ đô xứ sương mù, năm 2007 đã có 378 trang trại trồng cần sa bị khám phá và phá hủy, năm 2009 con số này là 692. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2010 đã có tới 253 trang trại cần sa của người Việt bị Cảnh sát London triệt phá. Trong thực tế, số trang trại chưa bị phát hiện vẫn lớn hơn rất nhiều lần so với số vụ việc bắt giữ, đủ để hình dung nguồn lợi nhuận thu được nhờ trồng và bán cần sa bất hợp pháp của người Việt ở Anh khổng lồ đến mức nào.
Thanh tra Ian Pegington của Cơ quan Hợp tác quốc tế, Sở Cảnh sát London khuyến cáo: "Những ai có ý định đến Anh và tham gia vào việc trồng tài mà nên suy nghĩ lại. Trong tình huống tốt nhất có thể, họ sẽ bị bắt, tống giam ở Việt Nam hoặc ở Anh. Hoặc trong tình huống xấu hơn họ sẽ bị bọn tội phạm đánh đập và gia đình tại việt Nam thì nợ nần chồng chất".
Ông có sẵn một loạt dẫn chứng. Ngày 6/11/2006, vào đúng vụ thu hoạch tài mà, Trần Nguyên, "dân rơm" quê ở Hà Tĩnh, làm công cho một cơ sở trồng tài mà ở Newport cách London 300km, báo cho người quản lý biết là cơ sở trồng tài mà bị mất trộm. Chủ cơ sở không tin, nghi Trần Nguyên đã tiếp tay cho bọn trộm. Hắn yêu cầu bọn đàn em đưa Trần Nguyên về London. Trần Nguyên đã bị tra tấn hết sức dã man, đồng thời bọn chúng đã gọi điện thoại về cho vợ Trần Nguyên ở Hà Tĩnh, Việt Nam đòi phải trả cho chúng 40.000 bảng Anh. Không có tiền, Trần Nguyên bị đánh đến chết. Trước khi chết, Trần Nguyên được chúng đưa trở lại Newport và vứt bỏ. Theo thanh tra Russel Tiley thuộc Cảnh sát Newport thì chi phí để điều tra vụ này đã lên tới hơn 3 triệu bảng Anh!
Trước đó, cũng vì tranh chấp quyền lợi từ tài mà, ngày 17/8/2006, một nhóm 4 tên xã hội đen người Việt đã tra khảo một đồng hương là Nguyễn Minh Thanh ngay trên phố Marestreet, Hackney, phía đông London. Nhiều người qua đường chứng kiến sự việc nhưng không ai dám can thiệp. Khi cảnh sát đến nơi, Nguyễn Minh Thanh đã bị đánh đến chết.
Lượng điện, nước để "làm vườn", do phải tưới và thắp hàng trăm bóng đèn, chong quạt gió suốt ngày đêm nên tốn rất lớn. Nếu đăng ký dịch vụ, sự tiêu tốn bất thường sẽ khiến cơ quan luật pháp chú ý. Do đó, “dân rơm” thường câu trộm từ lưới điện quốc gia và đường dẫn nước chung. Những mối nối sơ sài này chính là những cái bẫy của tử thần.
Điều tra viên Stephen Foote cho biết, ông đã từng chứng kiến và điều tra một tai nạn do chập điện dẫn đến cháy nhà thiêu sống người làm vườn không kịp chạy. Vụ bắt giữ 4 "dân rơm" ngày 16/3/2010 cũng bắt đầu khi cảnh sát điều tra về vụ cháy tại một khu mua sắm gần căn nhà mà 4 người Việt này tham gia trồng cần sa. Chính sự câu nối của nhóm người này đã gây ra vụ chập điện dẫn đến hỏa hoạn.
Tháng 1/2005, Cảnh sát Wembley, phía bắc London phát hiện xác một người đàn ông tên Nguyễn Thọ Khang trong một ngôi nhà trồng đầy cần sa. Không tìm ra thủ phạm, cái chết bí ẩn được gán cho một trong hai giả thiết: hoặc do tai nạn ngạt khí, hoặc bị cướp đột nhập vào nhà giết chết. Cả hai đều liên quan mật thiết đến cần sa trồng ngay trên sàn nhà nơi Khang nằm chết.
Cảnh sát Anh đánh giá, ở thời điểm hiện tại, 75% cần sa trên thị trường đen nước Anh do "dân rơm" người Việt cung cấp, giá trị mỗi năm lên đến hàng tỉ bảng. Nguồn lợi quá lớn nên những vườn tài mà đã thật sự trở thành mục tiêu săn tìm của đám "chim lợn", những băng đảng đường phố sở tại. Để đề phòng, ngay dưới cửa sổ của các căn phòng trồng tài mà, "dân rơm" thường đặt các bàn chông và bẫy kẹp. Khi đi ngủ, "dân rơm" luôn thủ sẵn súng ngắn, búa, gậy đánh bóng chày để sẵn sàng đánh trả nếu "chim lợn" đột nhập. Ngoài vườn, xung quanh một số "trang trại lớn", "dân rơm" còn đặt cả bẫy mìn! Vẫn không thoát. Vào năm 2004, một ông trùm tài mà tên là Nguyễn Sơn Hội vẫn bị bắn chết ngay tại trang trại. Thủ phạm bị bắt, bị kết án chung thân là J.Fyves, được xác định là thành viên nhóm giang hồ Cá Sấu khét tiếng ở nam London.
Để tồn tại, dù muốn hay không, "dân rơm" ở Anh cũng phải tự biến mình thành tội phạm, liên kết nhau thành những băng đảng giang hồ. Những vườn tài mà đã đích thực trở thành những sào huyệt, còn mỗi "người làm vườn" là một kẻ phạm pháp có băng nhóm luôn mong giữ được thiên lương . Muốn làm giàu nhanh chóng mà vẫn giữ được thân lương thiện, với "dân rơm trồng cỏ”, đó là điều hoàn toàn không tưởng!
* Kỳ sau: Gỡ bảng số giang hồ trên đồng cỏ quốc tế
Nguyễn Hồng Lam
FB lam hồng nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét