Những ý kiến phản đối gay gắt và mạnh mẽ đó đã dẫn đến việc ngày 19 Tháng Mười, 2019, Tổng Thống Trump buộc phải hủy bỏ dự định này dù ông vẫn cho rằng đó là “làm điều tốt đẹp cho đất nước” và ông muốn tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 tại Doral là “để không mất khoản chi phí nào cho người nộp thuế ở Mỹ.”
Những điều tiếng về việc sử dụng các cơ sở kinh doanh của tổng thống Mỹ trong các việc công không phải lần đầu được đề cập.
Trước đó, đã có nhiều lần báo chí nêu lên những cuộc thăm viếng, những quan chức chính phủ, các đoàn ngoại giao sử dụng các dịch vụ của các cơ sở kinh doanh, các dịch vụ thuộc quyền lợi của Tổng Thống Trump.
Trong Tháng Chín, tờ Washington Post cho biết, Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện mở cuộc điều tra liệu ông Trump có hưởng lợi tài chính đúng đắn hay không từ việc lưu trú của Phó Tổng Thống Mike Pence tại khách sạn của Trump trong chuyến công du bằng tiền thuế đến Ireland.
Ông Pence và đoàn tùy tùng đã lưu trú hai đêm tại Trump International Golf Links & Hotel ở Doonbeg – thị trấn nhỏ nằm trên bờ biển Tây Nam Ireland.
Trước đó, hồi đầu năm, theo báo The Guardian, chuyến thăm của ông Trump đến Doonbeg với sự bảo vệ an ninh của khoảng 3,820 thành viên cơ quan cảnh sát Ireland làm việc ngoài giờ với chi phí 7.49 triệu euro.
Khách sạn và sân golf thuộc sở hữu của ông Trump được chi trả phần lớn nhất trong hóa đơn tiền chỗ ở và thực phẩm lên tới hơn 900,000 euro.
Mặc dù là chuyến đi thăm, chi phí là của chính quyền Ireland trả, không ảnh hưởng gì đến số tiền thuế người dân Hoa Kỳ đóng góp.
Nhưng đâu phải như vậy là yên.
Có lẽ câu chuyện tách bạch rành mạch giữa cái lợi riêng và công việc chung khi một nhà kinh doanh, một tỷ phú làm tổng thống một đất nước với hệ thống luật lệ minh bạch này sẽ vẫn là câu chuyện dài để bàn thảo và theo dõi.
Ngày 19 Tháng Mười Một, 2016, một bài báo của Newsday cho rằng sẽ rất khó để tổng thống đắc cử Donald Trump giải quyết rốt ráo các xung đột lợi ích đã và sẽ xuất hiện trong thời gian sắp tới. Bài báo viết: “Việc người Mỹ đã bầu một người ngoại đạo chính trị và một doanh nhân làm tổng thống dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng đáng lo ngại, và một câu hỏi quan trọng: Ông Trump sẽ giải quyết các xung đột lợi ích có thể xảy ra giữa việc kinh doanh gia đình và việc điều hành đất nước thế nào đây.”
Ngay từ khi ông Trump mới nhậm chức tổng thống, Thượng Nghị Sĩ Carper cho rằng: “Các lợi ích tài chính của ông Trump vẫn chưa rõ ràng, một phần vì ông ta là tổng thống đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Mỹ từ chối công khai tờ khai thuế. Điều này đặt ra các nghi vấn về cách thức quản lý của ông Trump để tránh xung đột lợi ích và bảo đảm sự toàn vẹn các quyết định của hành pháp.”
Có thể việc từ chối đó phù hợp với quy định của luật pháp, những chuyện ăn ở, nghỉ ngơi, tiếp khách… của tổng thống Hoa Kỳ vẫn xảy ra xưa nay với mọi đời tổng thống trước đó và sau này, các chi phí vẫn cứ đều đều chảy. Thế nhưng, chắc chắn sẽ không mấy ai chú ý về sự tốn kém cho những chuyến đi của tổng thống, về các khoản chi này đổ vào đâu, ai hưởng lợi… Chỉ đơn giản vì các vị tổng thống đó không phải là các tỷ phú, không phải là những tổng thống có các cơ sở kinh doanh, dịch vụ riêng của mình.
Khi Tổng Thống Obama thăm Việt Nam, ông đã đến một quán bún chả ở Hà Nội để ăn tối. Rồi sau đó, quán bún chả này nổi tiếng khắp thế giới. Chủ quán đã treo tấm hình ông Obama đang ngồi cầm chai bia bên cạnh đĩa bún chả như một lời quảng cáo và thu hút đông đảo thực khách. Nhưng điều đó sẽ không bình thường trước báo chí và công luận Hoa Kỳ, nếu quán bún chả kia là cơ sở kinh doanh có cổ phần của Tổng Thống Obama.
Những lời đàm tiếu, những soi mói, những nghi ngờ từ công luận, từ các nghị sĩ sở dĩ nhiều hơn, tập trung hơn vào chủ đề chi tiêu, hành động, ứng xử của một tổng thống có vẻ khắt khe hơn, chi tiết hơn và yêu cầu gắt gao hơn khi ông tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ lại là một tỷ phú vẫn đang kinh doanh và có nhiều quyền lợi từ việc kinh doanh của mình song song với điều hành, lãnh đạo đất nước.
Với vị trí quyền lực đó, thì như tờ Newsday nhận định ngay khi ông Donad Trump đắc cử tổng thống: “Kể cả khi mọi hành động của Tổng thống mới đều làm lợi cho quốc gia và nhất quán với các chính sách của người tiền nhiệm, ông vẫn sẽ bị chỉ trích.”
Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Donlad Trump đã nhận được bức thư của Văn Phòng Đạo Đức Chính Phủ Mỹ (OGE), và đích thân giám đốc OGE Walter M. Shaub, Jr. đã khuyên tổng thống đắc cử Donald Trump nên gạt bỏ tất cả những lợi ích từ đế chế kinh doanh của mình để tránh xung đột lợi ích khi bước vào Tòa Bạch Ốc.
Thế nhưng, như đã nói ở trên, việc phân định rạch ròi giữa các hành động của tổng thống và những liên quan đến lợi ích riêng tư là vô cùng khó khăn và vẫn là một đề tài gây tranh cãi.
Trong lịch sử nước Mỹ, đã từng có những tổng thống giàu có, thậm chí là những tỷ phú như tổng thống thứ 35 (1961-1963) John F. Kennedy. Ông có tài sản ròng cao nhất: $1.1 tỷ. Hay tổng thống đầu tiên George Washington (1789-1797) tài sản đến $587 triệu… Nhưng, hầu hết các tổng thống này giàu có nhờ những khoản tài sản thừa kế để lại, không như Donald Trump giàu có nhờ sự kinh doanh tài giỏi của mình.
Và chính vì thế, “xung đột quyền lợi” (conflict of interest) giữa hai vị thế tổng thống – tỷ phú là điều tất yếu, và sự phân biệt giữa tỷ phú Donald Trump hay Tổng Thống Donald Trump không dễ dàng.
Mới đây, ngày 21 Tháng Mười, 2019 Tổng Thống Donald Trump nói rằng ông đã mất từ $2 tỷ đến $5 tỷ mà ông đã có thể thu được nếu tiếp tục công việc kinh doanh của mình thay vì tham gia chính trường.
Điều này không được kiểm chứng được với bất cứ số liệu hoặc chứng cứ nào. Tuy nhiên, nó cũng nói lên sự đan xen giữa những hy sinh và những mối lợi khi một tỷ phú đang kinh doanh ra làm tổng thống Hoa Kỳ.
Như chúng ta thấy, những người giàu và quá giàu, thường có những hành động, việc làm “không giống ai” trong hành xử. Người thì chơi sang, kẻ thì kiêu ngạo, ăn chơi khác người, người khác thì khiêm tốn… Nhưng, bất hình thức nào, thì dưới con mắt của xã hội của những người không giàu có, vẫn là hành vi “không bình thường,” khó có thể vừa lòng tất cả mọi người.
Với tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ cũng không là ngoại lệ. Lần đầu tiên, nước Mỹ có một tổng thống gây nhiều sự rắc rối nhất, hành động “chẳng giống ai” so với các tiền nhiệm của mình với những lần “vạ miệng,” với những thay đổi liên tục rất “tuyệt vời”… Thậm chí nhiều khi đã phải nhận những chỉ trích, rắc rối không khoan nhượng từ nhiều phía.
Cũng lần đầu tiên có một tổng thống đối đầu trực diện với truyền thông, bất chấp dư luận và bằng mọi cách thực hiện lời hứa của mình khi tranh cử.
Thế nhưng, sau ba năm ngồi trên ghế tổng thống Hoa Kỳ, khi mà nền kinh tế thế giới đang đối diện với những khó khăn lớn, nền kinh tế của các cường quốc khác đang lao đao, thì kinh tế Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ, vững vàng phát triển.
Đó phải chăng là những kết quả của một tỷ phú làm tổng thống tạo nên?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét