Trong những tin nhắn cuối cùng gởi về nhà, Phạm Thị Trà My đã viết: “Con thương ba mẹ nhiều”, “Con chết vì không thở được”.
Không phải người thân của em, nhưng khi đọc được những tin nhắn kia một cảm giác đau thương xâm chiếm trong tôi. Bởi, tôi, em và nhiều nạn nhân trong thùng container kia đều cùng dòng máu Việt. Tôi cảm nhận được một cái chết không hề dễ chịu chút nào với cái lạnh, thiếu oxy xâm chiếm để giết từng người.
Ra đi vì không chịu nổi Cộng sản
Người Việt không có truyền thống xa nhà, xa quê hương, tính phiêu lưu, khám phá... để đến một vùng đất mới lập nghiệp. Bởi thế, trong gần bốn nghìn năm lịch sử, người Việt không có mấy cộng đồng bên ngoài biên giới quốc gia.
Tuy nhiên, từ ngày cộng sản từng bước áp đặt sự cai trị trên lãnh thổ Việt Nam, người Việt không ngừng bỏ làng, bỏ nước ra đi. Bỏ nước ra đi khi quê hương đã im tiếng súng, để thấy cộng sản còn đáng sợ hơn chiến tranh.
Năm 1954, khi Hiệp định Gieneve được ký kết và thực thi, đã có gần một triệu người miền Bắc phải rời bỏ quê hương vào Nam vì lo sợ chủ nghĩa cộng sản. Lịch sử đã chứng minh qua những người đã ở lại, lo sợ của người bỏ xứ ra đi không sai.
Khi cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam vào tháng 4/1975, thiết lập sự cai trị trên toàn cõi Việt Nam, thêm một lần nữa hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi. Họ phải đối mặt với cướp biển, cướp rừng, cưỡng hiếp, làm mồi cho cá, thú hoang... Máu người Việt thẫm đỏ biển Đông, loang rơi tại nhiều cánh rừng ở Đông Nam Á. Dù đi bằng cách khác nhau nhưng họ có chung lý do, chạy trốn sự cai trị độc đoán, hà khắc của cộng sản và chính quyền của nó để mưu tìm cuộc sống tốt hơn.
39 người chết trong thùng container hôm nay không phải lần đầu tiên xác người Việt được phát hiện trên chặng đường tìm cách vào các nước châu Âu để lao động, và chắc chắn sẽ không phải lần cuối cùng.
Ra đi để tìm cuộc sống tốt hơn
Tôi được một người bạn quê Nghệ An kể rằng: Trong xóm anh có một ông từng đi lao động chui ở Anh hơn 10 năm. Lúc quay về nước ông không hài lòng với những gì ở quê hương và chỉ muốn trở lại Anh, nhưng vì các con cần bố nên ông đành phải ở nhà. Với ông, dù sống lậu, làm việc bất hợp pháp, nhưng cuộc sống ở đó vẫn tốt hơn trong nước.
Theo BBC tiếng Việt, ông Phạm Ngọc Tuấn, anh trai của nạn nhân Trà My gia đình ông đã phải trả một phần khoản phí 30 nghìn bảng để được đưa vào Anh.
Tại sao một số người Việt chấp nhận bỏ ra một khoảng tiền lớn, bất chấp nguy hiểm để vào các nước châu Âu? Lý do không ngoài tiền và mong muốn cuộc sống tốt hơn theo kiểu, “hy sinh đời bố cũng cố đời con” được ở quốc gia mà ban đầu họ sống bất hợp pháp.
Bởi số tiền kia trong tay không hề nhỏ, ở trong nước nếu chăm chỉ, đầu tư đúng sẽ trở nên giàu có. Tuy nhiên, họ vẫn phải sống trong một xã hội đầy bất an, thiếu công bằng, với đầy hiểm nguy vây quanh, rình rập. Bệnh tật, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, hoặc những lý do trên khiến họ phải tán gia, bại sản.
Người Việt cần thấy trách nhiệm trước cái chết của đồng bào
Trong khi nhiều người Anh thương xót, tưởng nhớ, cầu nguyện cho 39 con người xấu số kia, thì nhiều người không ngại ngần lên án nạn nhân. Chính quyền cộng sản Việt Nam gần như vô cảm trước cái chết của công dân mình. Cho đến lúc này họ chưa có bất kỳ sự lên tiếng nào.
Họ biện minh bào chữa cho đảng, chính quyền, những người ra đi chỉ cá nhân, không thể đại diện cho xã hội. Các nạn nhân kia đáng lên án vì làm xấu hình ảnh Việt Nam. Người không đồng tình với cộng sản lại mỉa mai, một số nạn nhân từng ủng hộ nhà cầm quyền trong nước sao phải bỏ nước ra đi...
Thực tế, những nạn nhân này đáng thương hơn đáng trách. Cho dù họ có thể sai lầm đã tự đưa mình vào cái chết. Nhưng mỗi người dân Việt có lương tri sẽ ít nhiều thấy trách nhiệm của mình trong đó.
Nếu chúng ta làm cho nước Việt tốt hơn, người dân có được những phúc lợi tốt, pháp luật thật sự vì con người, bình đẳng, kỷ cương. Một quốc gia mà bất kỳ ai siêng năng sẽ có được một cuộc sống đầy đủ, tử tế... Tôi tin, chắc chắn sẽ có mấy người bỏ nước ra đi trong một chặng đường đầy hiểm nguy như thế.
Nhiều người trong đó có tôi và bạn sẽ nói do đảng cộng sản cai trị, làm mọi việc trở nên tồi tệ. Điều này hoàn toàn không sai. Tuy nhiêu, tại sao dân Việt trở nên ươn hèn đến vậy? Cộng sản tệ đến vậy mà vẫn cứ tiếp tay, để cho họ đè đầu cỡi cổ dân mình? Để chúng ta chỉ còn con đường bỏ nước ra đi.
Tôi nghĩ người Việt không thể đổ hết lỗi lên đầu nạn nhân, có như thể chính mỗi người và quốc gia này mới có thể tốt lên được.
Gần 75 năm dưới sự cai trị của đảng cộng sản dân Việt đã bớt đói nghèo, nhờ đánh đổi bằng sức lao động rẻ mạt của công nhân. Một lao động siêng năng trong một nhà máy ở Việt Nam, đồng lương của họ rất khó để có được nhà, phương tiện đi lại đủ an toàn, con cái học hành đảm bảo tại gần nơi làm việc. Điều này hoàn toàn khác xa với các nước tư bản, dân chủ.
Một đất nước mà quan chức, đảng viên cộng sản, người giàu có quá nhiều đặc lợi, quản lý xã hội kém, người dân thiếu an toàn thì người dân sẽ còn tìm mọi cách bỏ nước ra đi để mưu cầu cuộc sống tốt hơn.
© Võ Ngọc Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét