Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Một số tỉnh phía Nam không được phản đối các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương là đề nghị từ Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết ngành công thương hôm 27/12/2019 vừa qua.
Đề nghị được đưa ra vào khi yêu cầu giảm thiểu, hạn chế hoặc bỏ hẳn nhiệt điện than được nhắc lại một cách nghiêm túc hơn tại Hội Nghị COP25 về biến đổi khí hậu toàn cầu do Liên Hiệp Quốc chủ trì diễn ra tại Chile vào tháng 12/2019. Yêu cầu này cũng trở nên cấp thiết khi mà không khí khu vực miền Bắc, nhất là Hà Nội, suốt thời gian qua bị ô nhiễm nặng đến mức nguy hại.
Đề nghị của Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Trần Viết Ngãi khiến dư luận cho rằng đây là quan điểm trái chiều với xu thế sử dụng năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường.
Từ Hội Nghị COP21 về biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc chủ xướng, Việt Nam đã cam kết sẽ giảm 8% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 1990, và nếu như có được sự hỗ trợ của quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% khí nhà kính, trong đó nhiều phần đến từ nhiệt điện than.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, cho rằng đề nghị chỉ đạo các tỉnh không phản đối nhiệt điện than là một kiến nghị vô lý:
“Bởi vì các tỉnh có quyền đồng ý hay không đồng ý đặt nhà máy như vậy tại địa phương của mình, cái đó nằm trong Luật rồi. Khi làm dự án như vậy phải có sự tham khảo cộng đồng và ý kiến của chính quyền địa phương. Khi cộng đồng không đồng ý thì phải tìm cách điều chỉnh thế nào chứ không thể bắt buộc người ta đồng ý vì như vậy là trái Luật”.
“Cái thứ hai, có nhiều bài học ở Việt Nam cho thấy chỗ nào có xây dựng nhà máy nhiệt điện, dù cho là có áp dụng công nghệ mới thì ô nhiễm vẫn xảy ra. Đó là lý do tại sao nhiều tỉnh bây giờ nhận thấy khi mà đem nhiệt điện than vào địa phương thì họ gặp rất nhiều khó khăn, người dân sản xuất không được, bệnh tật gia tăng… Họ đề nghị đổi qua những dạng khác ít ô nhiễm hơn. Như điện chạy bằng khí hóa lỏng chẳng hạn, ít phát tán và không có chất thải nhiều. Hoặc là khuyến khích sự phát triển năng lượng tái tạo ở các khu vực phía Nam này rất phù hợp”.
Thiếu điện dự phòng
Hệ thống điện hầu như không còn dự phòng là lý do ông Trần Viết Ngãi đưa ra. Ông nói các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí… giữ vai trò chủ lực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng điện trong một thập niên tới, thế nhưng việc cung cấp than, khí… cho việc phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Về mặt nguyên vật liệu trong sản xuất nhiệt điện than, Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam cho biết trong khi khả năng cung cấp trong nước chỉ đáp ứng được chừng 30 đến 35 triệu tấn thì dự kiến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn, năm 2025 cần khoảng 70 triệu tấn và đến năm 2030 phải là 100 triệu tấn.
Điều này cho thấy, vẫn theo ông Trần Viết Ngãi, nhu cầu than nhập khẩu ngày càng cấp bách hơn, bên cạnh đó thì nguồn khí cũng đang suy giảm dần trong thời gian tới, vì thế tiến độ triển khai tại các dự án dầu khí như Lô B, Cá Voi Xanh bị chậm hẳn lại. Ông còn cảnh báo là hầu hết các dự án nhiệt điện than, trong Quy Hoạch Điện VII điều chỉnh, đều chậm tiến độ trong vòng 2 đến 4 năm, dẫn đến tỷ lệ 20% nguồn điện dự phòng 2015-2017 trở thành không còn dự phòng, tức thiếu hụt, bước sang giai đoạn 2021-2025.
Phản biện!
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho hay ông không hoàn toàn đồng ý với nguyên nhân thiếu hụt điện dự phòng mà ông Trần Viết Ngãi nêu ra:
“Nói là đang thiếu nhưng thực sự theo tôi đánh giá là đôi khi Việt Nam mình sử dụng điện không hiệu quả, sự lãng phí điện có rất nhiều, hoặc là tập trung cho những ngành công nghiệp tiêu thụ điện nhiều mà sinh lợi không cao và còn gây ô nhiễm nữa”.
“Nói là đang thiếu nhưng thực sự theo tôi đánh giá là đôi khi Việt Nam mình sử dụng điện không hiệu quả, sự lãng phí điện có rất nhiều, hoặc là tập trung cho những ngành công nghiệp tiêu thụ điện nhiều mà sinh lợi không cao và còn gây ô nhiễm nữa”,
TS Lê Anh Tuấn
Đồng ý rằng than có giá rẻ hơn các nguyên vật liệu khác, tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, nhưng thực tế cái giá phải trả cho vấn đề môi trường và vấn đề sức khỏe thì so ra đắt hơn những dạng năng lượng khác.TS Lê Anh Tuấn
Ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam đã bị một số khoa học gia, chuyên gia phản đối. Về mặt nhu cầu thỉ có vẻ hợp lý nhưng về mặt môi trường thì không thể chấp nhận được, là quan điểm của phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Trung Tâm Công Nghiệp Môi Trường Việt Nam:
“Nhu cầu điện của Việt Nam tăng hàng năm khoảng 10%. Trong Qui Hoạch Điện VII thì điện than đóng vai trò rất quan trọng. Gần đây do Chính phủ có một số qui định hỗ trợ giá điện, rồi sau khi thấy qui hoạch điện mặt trời và điện gió phát triển nhanh thì Việt Nam đang tính tới hướng là hạn chế điện than đi”.
“Tuy điện mặt trời và điện gió phát triển nhanh nhưng mà lại không đồng bộ vì đườn dẫn, đường truyền tải điện không có, phát triển xong rồi cũng không phát, không đưa lên lưới được. Chắc là nghĩ rằng sợ thiếu điện cung cấp cho phát triển nên ông ấy phát biểu thế. Tiếc rằng về mặt môi trường thì ý kiến đó không hợp lý”
“Tôi nghĩ định hướng chung của Chính phủ vẫn là không phát triển điện than, thậm chí Thủ tướng Chính phủ có lần nói rằng trừ những dự án nào đã đưa vào qui hoạch rồi, đang xây dựng dở rồi thì tiếp tục phát triển, còn dự án nào đang nằm trong qui hoạch mà chưa động thổ, chưa có nguồn vốn thì có lẽ cũng không nên phát triển tiếp vì hiện có những nguồn điện khác thay thế rồi chứ không nhất thiết phải phát nhiệt điện than”.
Được biết điện từ nhiên liệu hóa thạch bao gồm than ở Việt Nam hiện chiếm trên 60% tổng lượng điện tiêu thụ. Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ nói tiếp:
“Điện than, điện dầu, điện đốt từ các nhiên liệu hóa thạch chiếm 60 đến 70%. Điện gió mặt trời trong qui hoạch khoảng độ 5-7% thôi nhưng bây giờ đang phát triển vượt bậc. Tôi ước đoán là 10-15% rồi chứ không phải 5-7% như qui hoạch đâu”.
“Việt Nam đang dần dần hạn chế sử dụng điện than bằng nhiều hình thức để cho tỷ trọng các nguồn điện khác nó tăng lên và điện than ngày càng giảm đi. Còn nói bỏ ngay thì tôi nghĩ cũng khó, tương lai chắc một hai ba chục năm nữa mới bỏ được” .
Trở lại đề nghị mà Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng để chỉ đạo các tỉnh, đặc biệt một số tỉnh phía Nam, không được phản đối nhiệt điện than, báo Dân Trí trích dẫn câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Tiếp tục phát triển nhiệt điện than thì dư luận không đồng tình”.
Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường, nói rằng ông tin tưởng Chính phủ sẽ không cấm các địa phương phản đối nhiệt điện than như đề nghị của bên Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam:
“ Cũng hơi khó đấy, nhưng theo tôi nghĩ bằng cách nào chứ cách mà phát triển điện than để bù vào năng lượng thiếu hụt thì không hay lắm đâu. Cái dấu ấn để lại là khi đã ô nhiễm như vậy thì không bao giờ khắc phục được đâu. Ấn Độ và Trung Quốc đã bị ô nhiễm không khí nặng như vậy mà khả năng khắc phục thì hết sức khó khăn”.
Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 28/12/2019 đưa tin Diễn Đàn EST12 do Bộ Giao Thông Vận Tải, phối hợp cùng các Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Xây Dựng, UBND TP Hà Nội, Bộ Môi Trường Nhật Bản, Trung Tâm Phát Triển Vùng Liên Hiệp Quốc, đồng tổ chức từ ngày 28 đến ngày 30/12/2019 tại Hà Nội.
Đây là diễn đàn thường niên với mục đích thúc đẩy nhận thức chung giữa các nước châu Á về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải, xây dựng đô thị và cộng đồng an toàn hơn, tốt đẹp hơn và bền vững hơn thông qua các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển hiệu quả.
Tại Diễn Đàn, Bản Tuyên Bố Hà Nội, đề cao nhận thức và bảo vệ môi trường, đã được công bố. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên Cứu Biển Đổi Khí Hậu, Khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, cho biết đây là hy vọng đối với kế hoạch giảm thiểu điện than gây ô nhiễm không khí và bệnh hô hấp không lây nhiễm mà Bản Tuyên Bố Hà Nội đã đề cập tới.
Thanh Trúc
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét