Phạm Bình Minh bị chửi vì ‘không thể đơn phương đóng cửa biên giới’ với Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Phạm Bình Minh bị chửi vì ‘không thể đơn phương đóng cửa biên giới’ với Trung Quốc


Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.

Trung tâm tiếp nhận, xử lý hành khách có dấu hiệu nghi nhiễm virus Corona ở Cảng Hàng Không Quốc Tế Cát Bi. (Hình: Nguyễn Dương/Zing)

HÀ NỘI, Việt Nam – “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương,” Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh được báo Zing dẫn lời hôm 30 Tháng Giêng.

Đáng lưu ý, dù đã có ba người Việt đầu tiên được xác nhận nhiễm virus Corona nhưng ông Minh đưa ra nhận định rằng “chưa đến mức đóng cửa biên giới” và rằng “hiện chỉ có hai nước đóng cửa biên giới [với Trung Quốc, là Nga và Bắc Hàn] do trao đổi qua biên giới của họ không lớn.”

Phát ngôn nêu trên của ông Phạm Bình Minh chính thức xác nhận mọi động thái của CSVN liên quan đến Trung Quốc trong đại dịch Corona đều phải nhận được sự cho phép, chấp thuận của Bắc Kinh, chứ phía Việt Nam hoàn toàn bị động.

Trên mạng xã hội, một số blogger bình luận rằng lời thú nhận của ông Minh cho thấy thái độ “hèn kém” của lãnh đạo CSVN trước Trung Cộng, dù đại dịch Corona là vấn đề y tế nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.

Trước đó, ngay cả việc ngừng nhập cảnh khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai từ ngày 26 Tháng Giêng cũng được báo đảng tiết lộ là “làm theo ý Trung Quốc.” Tờ Thanh Niên vài ngày trước dẫn lời Đại Úy Đinh Quang Chính, trưởng trạm biên phòng Cửa Khẩu Quốc Tế Lào Cai, xác nhận rằng hành động này “được làm theo đề nghị của cơ quan chức năng phía Trung Quốc.”

Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Chu, công tác tại Viện Toán Học, bình luận trên trang cá nhân: “Các quyết định của phía Việt Nam đều bị động ra đời sau phía Trung Quốc. Chẳng hạn ngừng các chuyến bay đến Vũ Hán của Việt Nam ra đời sau khi phía Trung Quốc quyết định đóng cửa Vũ Hán. Quyết định dừng các chuyến bay đến Trung Quốc của Nha Trang cũng ra đời sau khi phía Trung Quốc đã quyết định không cho người Trung Quốc ra nước ngoài. Thế còn khách du lịch ở cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn? Việt Nam tự quyết định hay phải chờ phía Trung Quốc quyết định trước? Không có lẽ phía Việt Nam sẽ lại tiếp tục dùng kế ‘Không đánh mà thắng’ – để cho Trung Quốc ‘phải tự đóng cửa khẩu trước?’”


Ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng CSVN. (Hình: Tổ Quốc)

Trong một diễn biến khác, ông Phạm Bình Minh cũng bị công luận phê phán vì là người thông qua đề nghị của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh gia hạn thời gian thí điểm hoạt động cho xe du lịch tự lái của Trung Quốc qua Cửa Khẩu Quốc Tế Móng Cái vào thành phố Hạ Long đến hết Tháng Sáu, 2020. Đến thời điểm hiện tại, chỉ thị nêu trên vẫn còn hiệu lực, dù bị dư luận phản đối kịch liệt do quan ngại virus Corona phát tán qua ngả này.

Trong quá khứ, ông Phạm Bình Minh từng bị phê phán do né tránh đề cập đến Trung Cộng tại các diễn đàn quốc tế.

Hồi cuối Tháng Chín, 2019, Luật Sư Lê Công Định từng chỉ trích ông Phạm Bình Minh trên trang cá nhân về vụ đọc diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhưng “tuyệt nhiên không dám nhắc đến tên Trung Cộng như kẻ xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam.”

Thời điểm đó, trong bài diễn văn bằng tiếng Anh được phát video trực tiếp trên nhiều mạng truyền thông quốc tế, ông Minh được ghi nhận nói vu vơ về “các bên có liên quan” (relevant parties) và “các nhà nước có liên quan” (relevant states) khi đề cập về tranh chấp Biển Đông.

“Đó là cách mà Phạm Bình Minh và đảng của ông ‘bảo vệ’ chủ quyền quốc gia, một phương cách rất khéo léo và uyển chuyển như tuyên giáo của đảng thường ca ngợi, nhằm giữ vững cơ đồ… không phải của dân tộc, mà của đảng… Người dân Việt Nam còn có thể trông mong gì hơn ở một nhà cầm quyền nhu nhược và hèn hạ như thế trước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc?” theo Facebook Lê Công Định.


© Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad