Cảnh sát cơ động đặc nhiệm Việt Nam bị chỉ trích ‘chỉ giỏi làm màu’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Cảnh sát cơ động đặc nhiệm Việt Nam bị chỉ trích ‘chỉ giỏi làm màu’


Nhiều người nghi ngờ cho rằng lực lượng cảnh sát cơ động đặc nhiệm Việt Nam đã hoạt động rất kém hiệu quả, khác rất xa những gì từng trình diễn.

Hàng trăm cảnh sát cơ động đặc nhiệm được điều động lên xã Trung An, huyện Củ Chi, Sài Gòn, để bắt nghi can Lê Quốc Tuấn nhưng vẫn chưa bắt được. (Hình: Ngọc Dương/Thanh Niên)

SÀI GÒN, Việt Nam – Đến 5 giờ chiều Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, 2020, lực lượng gần 600 công an, cảnh sát cơ động đặc nhiệm vẫn đang “trực chiến” tại khu vực ấp Bốn Phú, xã Trung An, Củ Chi, nơi nghi can Lê Quốc Tuấn, tự Tuấn “Khỉ,” 33 tuổi, thượng úy công an quận 11, kẻ xả súng giết năm người trong sòng bạc ở Củ Chi đang lẩn trốn nhưng vẫn chưa bắt được hung thủ.

Nói với báo Zing, vợ chồng ông Sáu (54 tuổi) và bà Lan (46 tuổi) cho biết cư ngụ ở đây hơn 50 năm, chưa bao giờ gia đình ông bà phải sống trong cảnh thấp thỏm như vậy. Đêm qua (30 Tháng Giêng) ông bà phải cùng các con, cháu sang nhà người thân ngủ nhờ cho đỡ sợ. Họ không dám ngủ ở nhà.
“Tôi còn không dám đi ra sau nhà vì toàn vườn cây, ao cá. Không biết hung thủ có đang núp lùm ở đây. Mình không sợ nó bắn mà sợ nó bắt mình làm con tin,” bà Lan nói với vẻ mặt lo lắng.

Nhà bà Lan và ông Sáu cạnh ngã ba nơi lực lượng công an, cảnh sát cơ động đặc nhiệm đang tập trung vây bắt nghi can Lê Quốc Tuấn, cán bộ Nhà Tạm Giữ Công An quận 11, kẻ đã bắn chết năm người.

Bà Lan bảo buổi sáng bà coi bản tin thời sự, phát thanh viên còn cảnh báo người dân nên đề cao cảnh giác. “Nói như vậy thì ai mà không sợ cho được,” bà Lan thở dài.


Ba cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí đứng canh gác “làm màu.” (Hình: Ngọc Dương/Thanh Niên)

Tương tự, bà Võ Thị Gái (57 tuổi) cho biết hai ngày nay cả nhà bà không dám ra vườn thu hoạch rau vì sợ gặp phải Tuấn “Khỉ.” Buổi tối ngủ, bà và người nhà cũng phải giấu sẵn một cái liềm ở hiên nhà để phòng trường hợp xấu.

“Tuấn có súng thì mình cũng phải có vũ khí để phòng vệ chứ. Nó còn ở ngoài ngày nào thì tụi tui còn bất an ngày ấy,” bà Gái lo lắng nói.

Từ thực tế trên, nhiều người nghi ngờ cho rằng lực lượng cảnh sát cơ động đặc nhiệm Việt Nam đã hoạt động rất kém hiệu quả, khác rất xa những gì từng trình diễn.

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam viết nhận định trên trang Facebook cá nhân: “Trong các kịch bản diễn tập, dù ở địa hình, điều kiện nào, với đối thủ nào, đông hay ít, lực lượng cảnh sát cơ động đặc nhiệm cũng tìm được phương án hiệu quả và giải quyết nhanh gọn. Trong khi đó, sau gần 2 ngày, cũng lực lượng đó, với trang bị và phương tiện không khác, có cả sự hỗ trợ của xe thiết giáp bánh hơi, chó nghiệp vụ, 600 cảnh sát vẫn chưa bắt hoặc tiêu diệt được hung thủ nguy hiểm, dù hắn ta chỉ một mình, một súng AK. Thậm chí, bóng sát thủ cũng gần như biệt tích. Không ai dám chắc Lê Quốc Tuấn còn ở trong hay đã thoát ra ngoài vòng vây. Bởi lẽ, chắc chắn là nếu bị phát hiện mà không buông súng, hung thủ sẽ bị tiêu diệt ngay, vì đã có lệnh cho phép.”

“Kém hiệu quả nhất có lẽ là hoạt động trinh sát thực địa, đặt phương án tác chiến. Đầu tiên, khâu này là trách nhiệm của công an Củ Chi, sau đó là trách nhiệm của cảnh sát hình sự thành phố. Trong vụ Đồng Tâm, vì trinh sát kém, ba cán bộ công an đã bị rơi xuống giếng trời có sẵn và hy sinh. Trong vụ Củ Chi, thậm chí đạn lạc khi tên tội phạm xả súng còn bắn chết một con bò của dân đang ở trong chuồng,” theo Facebooker Nguyễn Hồng Lam.

“Vậy nhưng 24 giờ sau đó, ‘vòng vây đã khép chặt’ vẫn không tìm thấy bóng sát thủ. Không ai biết Lê Quốc Tuấn ‘cố thủ’ là cố thủ ở đâu, còn chui lủi trong rừng tràm ở Củ Chi hay đã vượt sang Bến Cát, Bình Dương cách bởi một con sông Sài Gòn rộng lớn. Lỗ hổng hiệu quả là không thể phủ nhận, không thể biện hộ. Dứt khoát ngành công an sẽ phải xem xét lại từ khâu tổ chức, huấn luyện. Tuy nhiên, thực tế không như mong ước này chắc chắn sẽ không gây nên tranh cãi, so sánh hay chê bai giữa lực lượng công an trong Nam ngoài Bắc như đôi lần trước đó. Bởi sau hai vụ, Hà Nội hay Sài Gòn cũng đều bộc lộ sự kém cỏi như nhau. Có khác chỉ là khác về thời điểm, diễn ra trước và sau Tết,” vẫn theo Facebooker Nguyễn Hồng Lam.


Xe bọc thép trực chiến chạy tới, chạy lui ở xã Trung An, huyện Củ Chi. (Hình: Ngọc Dương/Thanh Niên)

Bình luận của Facebooker Nguyễn Hồng Lam đã nhận được hơn 1,500 lượt like và hàng trăm phản hồi chia sẻ với phần lớn ý kiến đồng tình.

Không chỉ có hai vụ trên, cùng thời gian cả trăm cảnh sát cơ động đặc nhiệm Sài Gòn bao vây gọi hàng ông Trần Duy Chinh (49 tuổi, quê phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), nghi cầm súng định cướp ngân hàng cố thủ trong nhà nằm trong hẻm cụt trên đường Lý Thái Tổ, phường 9, quận 10.

Sau khi vây chặt từ chiều 30 đến 10 giờ sáng 31 Tháng Giêng, khi công an ập vào thì lại không thấy tăm hơi ông Chinh đâu cả. Chẳng ai biết ông này chạy thoát khi nào, bởi vì khu vực đường Lý Thái Tổ địa hình rộng thoáng, khác rất xa ở huyện Củ Chi.


Hiện trường vụ vây bắt ông Trần Duy Chinh ở quận 10, Sài Gòn. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Theo báo Bảo Vệ Pháp Luật, khi bị công an kiểm tra ông Chinh “không chấp hành và có biểu hiện chống đối.” Do ông Chinh có cầm trong tay một vật nghi giống súng và lựu đạn nên công an gọi lực lượng hỗ trợ. Tuy nhiên trước khi lực lượng hỗ trợ đến hiện trường thì không biết bằng cách nào “Chinh đã trốn thoát.”

Sau đó, Công An quận 10 cho kiểm tra, khám xét căn nhà trên và “thu giữ được một lá cờ VNCH, một khẩu súng bắn đạn bi giống K59, một số kíp nổ…Tiếp tục khám xét khẩn cấp hai căn nhà số 289 và 289/1 Lý Thái Tổ, thu giữ được các dụng cụ tự chế nhằm ‘chống đối lại lực lượng công an khi biểu tình, một số kíp nổ, mìn tự chế, pháo tự chế, nỏ bắn tên, máy vi tính, sổ thông hành…’”

Cơ quan điểu tra nhận định, ông Trần Duy Chinh “là đối tượng phản động, có liên quan đến an ninh quốc gia.” Vì vậy, Phòng An Ninh Điều Tra Công An ở Sài Gòn (PA09) khám nghiệm hiện trường và chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng để “tiếp tục xác minh và xử lý theo thẩm quyền.”


© Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad