Bản tin ngày Biển Đông (cập nhật ngày 28 tháng 4 năm 2020) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Bản tin ngày Biển Đông (cập nhật ngày 28 tháng 4 năm 2020)


Tàu khảo sát địa chất HD8 của Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Malaysia bước sang ngày thứ 13. Dữ liệu cho thấy, ngày 28/4 tàu HD8 bắt đầu vòng khảo sát thứ 12 từ 03:08 theo giờ UTC.

Cập nhập tin tức và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 28/4.



Cận cảnh Biển Đông: Tàu khảo sát địa chất HD8 của Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Malaysia bước sang ngày thứ 13. Dữ liệu cho thấy, ngày 28/4 tàu HD8 bắt đầu vòng khảo sát thứ 12 từ 03:08 theo giờ UTC. (Bản đồ chỉ để minh họa vị trí hoạt động của tàu HD08)

Tình hình nổi bật

Phát ngôn viên Chiến khu miền nam Trung Quốc Li Huamin, ngày 28/4, cho biết tàu khu trục USS Barry của Mỹ đã đi vào vùng lãnh hải 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. “Các lực lượng của Trung Quốc [hải quân và không quân] đã bám sát, theo dõi, nhận dạng, cảnh báo và trục xuất tàu chiến Mỹ”. Theo Thời báo Hoàn cầu, đây là lần đầu Chiến khu miền Nam Trung Quốc chủ động thông báo về hoạt động “xâm phạm bất hợp pháp” của tàu chiến Mỹ vào quần đảo Hoàng Sa và cũng là lần đầu kể từ tháng 11/2018, thông báo được đưa ra ngay trong ngày mà phía Mỹ thực hiện những hoạt động kiểu như vậy.

Trung Quốc ngày 27/4 thông báo lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông kéo dài 3,5 tháng từ 12h00 ngày 1/5 đến 12h00 ngày 16/8; phạm vi áp dụng là từ vĩ tuyến 12 trở lên phía Bắc, đến đường ranh giới vùng biển Quảng Đông - Phúc Kiến (bao gồm Vịnh Bắc Bộ). Đối tượng cấm hoạt động là tất cả các loại tàu đánh bắt và tàu phụ trợ, trừ thuyền câu.

Báo Sina ngày 26/4 cho biết Trung Quốc dự định sửa đổi Luật Cảnh sát Vũ trang Nhân dân. Dự thảo sửa đổi đã được đệ trình lên cuộc họp lần thứ 17 Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 nhằm củng cố tổ chức, chỉ huy, mở rộng phạm vi trách nhiệm của cảnh sát vũ trang để đối phó các vấn đề trong nước cũng như thực thi pháp luật trên biển.




“Thành phố Tam Sa” Trung Quốc ngày 24/4 tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 2019. Theo đó, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn trên biển “Tam Sa” đã tiếp nhận tổng cộng 23 vụ việc trình báo sự cố trên biển, điều động 39 lượt tàu thuyền,15 lượt máy bay tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thành công 115 người gặp nạn, đạt tỷ lệ thành công 100%.


Góc nhìn Quốc tế

+ Đông Nam Á:

Học giả Richard Heydarian, chuyên gia phân tích của Philippines và Greg Poling, CSIS (Mỹ), ngày 27/4, nhận định các nước cần cùng nhau lên tiếng để tạo sức ép ngoại giao, chính trị kiềm chế Trung Quốc. Richard Heydarian cho rằng Trung Quốc lợi dụng khoảng trống an ninh do dịch Covid để hành động gây bất ổn khu vực; các nước ASEAN nên có một tuyên bố đa phương chung phản đối Trung Quốc. Greg Poling cho rằng trong vai trò chủ tịch ASEAN, Việt Nam có thể kêu gọi các nước trong khu vực phối hợp lên án hành động và gây sức ép chính trị lên Trung Quốc.

Ông Antonio Carpio, Cựu Thẩm phán Philippines, ngày 27/4, tại diễn đàn FOCAP kêu gọi tuần tra chung giữa Philippines với Malaysia, Việt Nam ở Biển Đông để gửi thông điệp đoàn kết trước việc Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Ông cho rằng Philippines cần nghiêm túc cân nhắc việc tham gia các cuộc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông nếu Trung Quốc tiếp tục những hành động quyết đoán.

David Koh Wee Hock, cựu chuyên gia của Viện Iseas-Yusof Ishak (Singapore), ngày 26/4, cho rằng "tình cảm anh em" giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể là giải pháp cho Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc, như khi ký hiệp định phân định biên giới năm 2000. Tuy nhiên, việc xây dựng lại quan hệ Việt - Trung như năm 2000 không dễ dàng vì: (i) cả hai nước đặt lợi ích quốc gia lên trước ý thức hệ; (ii) Việt Nam không có giá trị kinh tế và chính trị đối với Trung Quốc để Trung Quốc coi là anh em; và (iii) Bắc Kinh đã bao vây Hà Nội bằng cách tăng cường quan hệ với Lào, Thái Lan, Campuchia, thúc đẩy các nước này xa lánh Việt Nam.

+ Châu Âu - Mỹ:

Ông Dov Zakheim, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 27/4, cho hay Trung Quốc đang cố thiết lập sự đã rồi ở Biển Đông. Việc Trung Quốc công bố thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa, cũng như đưa ra cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, không thể củng cố cho những yêu sách chủ quyền đầy tham vọng của nước này ở Biển Đông. Phần lớn hành động gần đây của Trung Quốc là sự tiếp tục cách hành xử của nước này trong những năm qua.




Học giả Derek Grossman, Viện RAND (Mỹ), và James Rogers, Viện Henry & Jackson, ngày 27/4, cho rằng hành động Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực. Việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam mới đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa là rất nguy hiểm và “không thể chấp nhận được.” Các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước có vai trò lớn trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp cần lên án những hành động như vậy.

Học giả Gregory Poling, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Mỹ), ngày 27/4, bình luận trên Nikkei Asian Review, cho rằng vùng trời là giới hạn hành động tiếp theo của Trung Quốc. Gregory Poling dự báo rằng sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không hay cơ sở thu thập tín hiệu radar và thông tin tình báo ở Bãi cạn Scarborough. Bình luận thêm về việc Trung Quốc thành lập hai quận mới và đặt tên 80 thực thể ở Biển Đông, Greg cho rằng đây là kế hoạch trong nhiều tháng hoặc nhiều năm của Trung Quốc nhưng bây giờ mới được thông qua một phần là do Trung Quốc nhìn thấy cơ hội vào thời điểm này, một phần là do xu hướng dân tộc chủ nghĩa gia tăng gần đây ở Trung Quốc.

Mark J. Valencia, học giả Mỹ làm việc ở Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, ngày 27/4, cho rằng không chỉ Trung Quốc mà những bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác và cả Mỹ, đối thủ số một và cũng là quốc gia chỉ trích Trung Quốc nhiều nhất, vẫn duy trì hoạt động ở Biển Đông. Việc dư luận thế giới chỉ lên án những hoạt động của Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền (propaganda) của Mỹ.




Cận cảnh Biển Đông

Tàu khảo sát địa chất HD8 của Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Malaysia bước sang ngày thứ 13. Dữ liệu cho thấy, ngày 28/4 tàu HD8 bắt đầu vòng khảo sát thứ 12 từ 03:08 theo giờ UTC.


Cận cảnh Biển Đông: Tàu khảo sát địa chất HD8 của Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Malaysia bước sang ngày thứ 13. Dữ liệu cho thấy, ngày 28/4 tàu HD8 bắt đầu vòng khảo sát thứ 12 từ 03:08 theo giờ UTC. (Bản đồ chỉ để minh họa vị trí hoạt động của tàu HD08)


© Nghiên Cứu Biển Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad