Có nên giật đổ các tượng đài? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Có nên giật đổ các tượng đài?


Thay đổi lịch sử là hiện tượng thường hay xảy ra trong cao trào của một phong trào phản kháng hay một cuộc cách mạng.


Tượng Christopher Columbus ở Tòa nhà Quốc hội bang Minnesota bị người biểu tình giật đổ, tháng 6/2020. Ảnh: Evan Frost | MPR News.

Phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng quan trọng) đang diễn ra ở Mỹ sau cái chết của một người da đen George Floyd nhận được sự ủng hộ và đồng cảm của công chúng Mỹ nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc vốn tồn tại dai dẳng trong suy nghĩ của một số người da trắng Mỹ và một số quốc gia châu Âu cho rằng người da trắng là thượng đẳng.

Tuy nhiên, có một hiện tượng diễn ra trong phong trào này cần phải suy nghĩ đó là việc giật đổ tượng đài các nhân vật lịch sử da trắng có liên quan đến việc nô lệ hóa người da đen châu Phi.

Có ý kiến cho rằng việc giật đổ tượng không phải là thay đổi ký ức lịch sử mà chỉ là việc xóa bỏ việc tôn vinh một nhân vật lịch sử. Quan điểm của bài viết này cho rằng các bức tượng là một phần trong lịch sử mà những người da trắng muốn truyền lại cho thế hệ sau, việc giật đổ các bức tượng đó là hành động thay đổi lịch sử mà một số người muốn xây dựng để thay thế bằng lịch sử mà một số người khác muốn xây dựng.

Những người biểu tình đã giật đổ tượng Christopher Columbus ở Saint Paul, bang Minnesota. Thuyền trưởng Christopher Columbus là nhà thám hiểm đã mở đường cho châu Âu vượt Đại Tây Dương sang xâm chiếm và khai thác châu Mỹ, biến nhiều quốc gia châu Mỹ trở thành thuộc địa của châu Âu. Từ đó, người da trắng châu Âu đã sang châu Mỹ khai thác, xâm chiếm các vùng đất màu mỡ của châu Mỹ, biến các vùng đất này thành đồn điền trồng mía để chế biến thành đường chuyển sang châu Âu tiêu thụ.

Để có nhân công phục vụ cho việc trồng mía, một công việc vất vả mà không người châu Âu và châu Mỹ nào muốn làm, nhiều thương nhân châu Âu đã dùng vũ lực bắt người châu Phi sang châu Mỹ để làm nô lệ. Lịch sử di cư người châu Phi sang châu Mỹ đầy đau thương và nước mắt có thể nói bắt nguồn từ cuộc khám phá ra châu Mỹ của Columbus. Đó là lý do mà nhiều người biểu tình giật đổ tượng Columbus.




Thomas Jefferson, một trong những người cha lập quốc Mỹ, mặc dù vẫn khẳng định niềm tin vào việc “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” được viết trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, nhưng vẫn là một chủ nô. “Mọi người” đối với ông chỉ là những người da trắng, không có những nô lệ da đen trong đó. Jefferson sở hữu hơn 600 nô lệ trong suốt cuộc đời của ông, trong đó có 175 nô lệ thông qua thừa kế. Việc từng là một chủ nô khiến tượng của Jefferson ở Portland, Oregon bị giật đổ.
Phong trào xóa bỏ tượng của các nhân vật từng đóng vai trò “thực dân” và buôn bán nô lệ cũng lên cao ở Anh. Tượng của Edward Colston, doanh nhân, người buôn nô lệ vào thế kỷ 17 bị những người biểu tình giật đổ rồi lôi ra quăng xuống nước ở Bristol cho thấy phong trào xóa bỏ ký ức của thực dân, lật lại quá khứ đã lan sang châu Âu.

Việc thay đổi lịch sử, lật lại quá khứ không chỉ diễn ra đối với phong trào Black Lives Matter mà còn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Chẳng hạn người dân ở các quốc gia Đông Âu kéo đổ tượng Lenin năm 2014, tượng nữ thần Tự do (Bà Đầm Xòe) tại Vườn hoa Cửa Nam cũng bị tháo gỡ năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp và thị trưởng thành phố Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai, thì muốn xóa bỏ tàn tích xâm lược.


Người dân Albani kéo đổ tượng đài của nhà lãnh đạo cộng sản Enver Hoxha ngày 20/2/1991. Ảnh: Reuters.

Khi thể chế của một quốc gia thay đổi, hay một cuộc cách mạng diễn ra, con người luôn có xu hướng nghĩ rằng thời đại cũ đã kết thúc, thời đại mới bắt đầu. Việc giật đổ tượng là một phương cách tốt nhất để xóa bỏ những ảnh hưởng của thời đại cũ.

Việc giật đổ tượng Christopher Columbus có xóa bỏ được việc ông từng là người đã khám phá ra châu Mỹ, mở đường cho việc biến châu Mỹ thành thực dân của châu Âu?

Những ảnh hưởng của châu Âu đến châu Mỹ vẫn còn đó, người châu Mỹ hàng ngày vẫn đang sử dụng chữ viết Latin của châu Âu để nghiên cứu và học tập, còn người dân da đen hiện nay, con cháu của các nô lệ châu Phi ngày xưa thì vẫn sử dụng các thành tựu và phát minh của người da trắng. Nếu muốn xóa bỏ tận gốc tàn tích của người da trắng xâm lược, người da đen ở các quốc gia châu Âu phải từ bỏ tận gốc những phát minh của người da trắng, trong đó có chữ viết, điện thoại, các công trình kiến trúc, nhà cửa mang đậm văn hóa phương Tây.




Có bao nhiêu người châu Phi tham gia vào việc lật đổ các bức tượng được xem là có tính thực dân, đại diện cho chế độ nô lệ ở phương Tây sẵn sàng từ bỏ cuộc sống tiện nghi và hiện đại được xây dựng từ công lao của những nhà thực dân phương Tây như Columbus, Colston để trở về cuộc sống của ông bà, tổ tiên họ trước khi tiếp nhận văn minh phương Tây?

Nếu không có việc Columbus khám phá ra châu Mỹ thì các nhà khoa học ở các quốc gia phương Tây sẽ không có được một nguồn tài trợ dồi dào trong quá trình khai thác thuộc địa ở châu Mỹ để mà có thời gian nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ và qua đó cải thiện cuộc sống của toàn thể nhân loại. Không thể phủ nhận được quá trình thực dân hóa châu Mỹ của người châu Âu gây ra rất nhiều tội ác, nhưng cũng không thể phủ nhận những đóng góp của quá trình đó cho sự tăng trưởng của châu Âu và thế giới.


Người Việt Nam trong tương lai sẽ ứng xử thế nào với các tượng đài Hồ Chí Minh? Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Người da trắng có quyền tôn vinh tổ tiên của họ, những người mang lại cho họ một cuộc sống sung túc, tiện nghi như Columbus, Jefferson… Việc giật đổ các tượng đài lịch sử là xâm phạm vào quyền tự do tôn vinh lịch sử của dân tộc thông qua tượng đài các danh nhân trong lịch sử của người da trắng. Người da đen cũng có quyền tôn vinh những người đã đấu tranh sự tiến bộ của người da đen như Martin Luther King, mục sư, nhà hoạt động xã hội, người lãnh đạo của phong trào đấu tranh cho quyền con người của người da đen ở Mỹ hay Nelson Mandela, người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi bằng cách dựng tượng đài.




Nếu người da đen giật đổ các tượng đài mà người da trắng dựng lên, một ngày nào đó trong tương lai, người da trắng cũng sẽ hành xử tương tự với tượng của Martin Luther King và Nelson Mandela. Liệu những người da đen ủng hộ cho việc lật đổ tượng Columbus, Jefferson có chấp nhận việc tượng của Luther King, Nelson Mandela bị lật đổ?

Việc các triều đại mới lên ngôi tìm cách xoá bỏ các bức tượng của triều đại cũ là một cách để thay đổi ký ức lịch sử do triều đại cũ tạo nên, xây dựng những ký ức lịch sử mới cho triều đại mình. Đó là hiện tượng thường xuyên diễn ra trong lịch sử nhân loại, không chỉ trong mỗi phong trào Black Lives Matter. 

Một nhân vật lịch sử luôn có những điểm sáng và điểm tối. Một bức tượng được dựng lên để tôn vinh những điểm sáng, những điểm tối sẽ được các nhà sử học và mọi người phê bình trong các bài viết, phim ảnh, báo chí.

Thay đổi lịch sử bằng cách lật đổ tượng đài của nhau, tạo nên sự xung đột giữa những nhóm người khác nhau trên thế giới không phải là một cách làm hay để giải quyết mâu thuẫn, xây dựng sự tôn trọng, bình đẳng. Chúng ta nên học cách chấp nhận rằng lịch sử của nhân loại rất đa dạng và phong phú, đầy rẫy những thành tựu lẫn bất công. Những sai lầm của Columbus, Jefferson cần được lịch sử ghi nhận để hậu thế phán xét. Nhưng không vì thế mà phủ nhận tất cả những công lao của họ đã đóng góp cho lịch sử nhân loại. Từ đó, chúng ta sẽ học cách tôn trọng quá khứ của nhau, học hỏi từ những sai lầm của nhau để xây dựng một tương lai mà người da trắng và da đen đều được tôn trọng như giấc mơ của Luther King: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”.

Nhìn từ vũ trụ, tất cả chúng ta, dù là người da trắng hay da đen, đều là homo sapiens, đều cùng sống chung trên một quả địa cầu.


© Lý Minh
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad