Tại Mỹ, nhiều nhà kinh tế tiên đoán một nền kinh tế suy sụp chưa từng có, các chuyên gia này đều đồng thuận với phân tích của viện nghiên cứu Bloomberg tiên đoán 7,5 triệu nhân viên phi nông nghiệp sẽ mất việc vào tháng năm 2020 dẫn đến một tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 19%. Nhưng những điều tiên đoán trên đã không diễn ra.
Theo báo cáo của Viện Thống Kê Lao Động Mỹ (Bureau Of Labor Statistics, BLS) [1] vào ngày 5 tháng sáu năm 2020 về tình hình lao động Mỹ thì tháng năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống từ 14,7 % đến 13,3 % sau khi thị trường lao động Mỹ đã tạo ra 2,5 triệu việc làm mới . Đây là một điều ngạc nhiên nhưng phấn khởi cho toàn thế giới vì dầu thế nào đi nữa, nước Mỹ vẫn là đầu tàu kinh tế của các quốc gia khác. Vì nền kinh tế thế giới hoạt động theo hệ thống Toàn Cầu Hoá, nước này là thị trường của nước kia và ngược lại, nên sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ sẽ giúp các quốc gia khác có cơ hội trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Tuy nhiên kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ tại Mỹ thì quốc gia này đã ghi nhận thêm 19,6 triệu người thất nghiệp đưa tỷ lệ thất nghiệp lên thêm 9,8 điểm. Vì thế con số 2,5 triệu việc làm mới chỉ là bước đầu của sự phục hồi kinh tế. Nếu khuynh hướng phục hồi không tiếp tục thì tỷ lệ thất nghiệp ở mức độ 13,3 % vẫn còn là một đe doạ lớn cho kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo của Viện Thống Kê Lao Động Mỹ thì kết quả này trên thị trường lao động phản ánh sự phục hồi, tuy còn hạn chế, của các hoạt động kinh tế đã bị chặn lại vào tháng ba và tháng tư gây ra bởi dịch Covid-19 và những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh của chính phủ. Báo cáo này cho thấy sự phục hồi lao động bắt đầu sớm hơn và mạnh hơn so với con số người khai thất nghiệp.
Trong số 2,5 triệu việc làm mới này, gần một nửa, 1,2 triệu công việc đã được tạo ra trong hai lãnh vực giải trí và khách sạn. Số việc làm mới còn lại được tạo ra trong các lãnh vực khác như xây dựng (500000) , giáo dục, dịch vụ y tế (300000) và thượng mại bán lẻ (300000). Báo cáo cũng nói rằng số thất nghiệp trong các cơ quan chính quyền vẫn giảm mạnh, chủ yếu ở các chính quyền địa phương vì thiếu doanh thu thuế, đã bắt buộc phải sa thải gần sáu trăm ngàn công chức vào tháng 5, cộng thêm với số công chức thất nghiệp vào tháng tư ở khoảng chín trăm ngàn người.
Sự phục hồi lao động đã khiến tiền lương của công nhân bị giảm xuống. Tiền lương mỗi giờ của mỗi công nhân từ 29,75 USD đã giảm xuống còn 29 USD. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi châu lại tăng từ 16,8% lên 16,9% trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Âu châu đã giảm từ 14,2% xuống còn 12,4%. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ Latin cũng giảm từ 18,9% xuống còn 17,6%.
Một số nhà kinh tế có vẻ nghi ngờ về báo cáo này. Tuy nhiên cái khó của các vị này để thuyết phục người đọc là vì họ theo phe của đảng Dân Chủ. Trong số đó phải kể đến GS kinh tế Nobel Paul Krugmann, thường viết thời luận trên báo New York Times, đã có vẻ nghi ngờ rằng Tổng Thống Trump có thể đã ảnh hưởng đến các con số trong thống kê nhưng sau đó ông đã xin lỗi [2].
Ông Steven Rattner, cựu cố vấn của Tổng Thống Obama, thì nói trên Twitter rằng con số thống kế trong báo cáo của Viện Thống Kê Lao Động Mỹ (BLS) không tính tới số người coi như làm việc nhưng không có việc làm trong thời gian Covid-19 vì một lý do nào đó. Vì vậy theo ông Steven Rattner thì tỷ lệ thất nghiệp thực sự phải tính thêm 3 điểm nữa [3].
Còn ông Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế của Tổng Thống Obama và là giáo sư Harvard, thì con số thất nghiệp tốt trong báo cáo của Viện Thống Kê Lao Động Mỹ (BLS) đã được giả tạo (artificially) bằng một hệ thống trong đó chính phủ trả lương cho các công ty cỡ nhỏ và số tiền hỗ trợ này có trị giá 600 tỷ USD. Ông Furman ước tính tỷ lệ thất nghiệp thực sự phải ở vào khoảng 17,1% [4].
Hiện nay chưa ai biết rõ thị trường lao động Mỹ trong những tháng tới sẽ ra sao. Nếu kết quả đi theo khuynh hướng của tháng 5. 2020 thì tương lai kinh tế thế giới có khả năng hồi phục sớm hơn. Và như thế sẽ không còn lý do gì để Ngân Hàng trung Ương Mỹ (FED) phải ứng thêm ra 3 ngàn tỷ USD để kích thích kinh tế. Vì mọi người vẫn biết, tung tiền ra thị trường để hỗ trợ kinh tế là điều cần thiết trong lúc kinh tế bị suy sup. Tuy nhiên muốn tung tiền ra thì phải vay nợ. Mà vay thì phải trả. Nếu thế hệ này không trả nổi thì thế hệ con cháu cũng phải trả và như thế con cháu khi sinh ra đời coi như đã mắc tội tổ tông.
© Phạm Văn Vĩnh
Khoa Học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét