Úc sẽ không 'bị động' trước những hành động áp bức và phá hoại ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Úc sẽ không 'bị động' trước những hành động áp bức và phá hoại ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương



Một máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc tuần tra các đảo và đá ngầm ở Biển Đông. (Nguồn ảnh: Liu Rui / Xinhua / AP / The Epoch Times)

Thủ tướng Scott Morrison đã cảnh báo rằng Úc sẽ không "bị động" trước các hành động gây mất ổn định của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi Đảng Cộng Sản trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành các hoạt động “áp bức thô bạo về kinh tế hay chính trị".

Úc đang tăng cường tham gia vào nỗ lực xây dựng lại trật tự quốc tế để làm cân bằng chiến lược cạnh tranh toàn cầu.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen vào ngày 3/8, ông Morrison lưu ý rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã trở thành “tâm điểm cho cạnh tranh chiến lược”.

Thủ tướng Úc đã nêu ra những căng thẳng liên quan đến các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ, các mối đe dọa ngày càng tăng từ sự can thiệp của nước ngoài, chiến tranh mạng và đàn áp kinh tế.




Ông nói: “Công bằng mà nói, trong năm 2020, ‘xã hội quốc tế’ của chúng ta đang đối mặt với căng thẳng. Cấu hình của quyền lực trong chính trị toàn cầu đã thay đổi và Úc cần phải ứng phó với thế giới theo cách vốn có của thế giới, chứ không phải theo cách mà chúng ta muốn thế giới trở thành".

Thủ tướng Morrison cho biết Úc sẽ không phải là kẻ đứng ngoài cuộc trong trật tự thế giới mới này và sẽ triển khai “tất cả các khả năng của chính phủ để định hình thế giới mà chúng ta muốn thấy”.

Trung Quốc và Hoa Kỳ cần phải đề cao Bộ Quy tắc Chung

Đề cập đến Trung Quốc, Thủ tướng Morrison cho biết Úc hoan nghênh sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc nhưng “kỳ vọng toàn cầu về Trung Quốc hiện cao hơn”, đồng thời Bắc Kinh phải chấp nhận rằng họ có trách nhiệm tăng cường và duy trì sự ổn định toàn cầu.

Ông Morrison nói, Trung Quốc cần phải ngừng theo đuổi “lợi ích quốc gia hoặc mong muốn hẹp” mà thay vào đó cần xem xét “lợi ích toàn cầu và khu vực rộng lớn hơn”.

Hoa Kỳ luôn được coi là một hình mẫu chuẩn cho việc này, vì nước này là một nhân tố ổn định chính trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; việc Hoa Kỳ tiếp tục tập trung và tham gia vào khu vực là rất quan trọng đối với thế giới.

Ông cho biết: “Trung Quốc và Hoa Kỳ có trách nhiệm đặc biệt duy trì ‘bộ quy tắc chung’ để xây dựng một xã hội quốc tế”.




Chính phủ liên bang gần đây đã tập trung vào chiến lược quốc phòng của Úc; đồng thời quan hệ đối ngoại tập trung vào an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện tại, Úc đang làm việc với các nước đồng minh trong khu vực bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản và Indonesia để ngăn chặn các hoạt động bành trướng và hung hãn của Bắc Kinh trong khu vực, theo AAP đưa tin vào ngày 5/8.

Trong những tháng gần đây, chính phủ Úc cũng đã có các động thái để chống lại các cuộc tấn công an ninh mạng vào các tổ chức giáo dục quốc gia và chỉ trích các chiến dịch bóp méo thông tin từ Bắc Kinh, Moscow và Thổ Nhĩ Kỳ. Bắc Kinh cũng đã kích hoạt một cuộc tranh chấp thương mại kéo dài với Úc, áp thuế nhập khẩu lúa mạch và cấm thịt bò Úc.

Thủ tướng Morrison nói rằng khi đối mặt với những thách thức này, Úc “không được thụ động”.

“Chỉ biết thôi thì không đủ; chúng ta phải áp dụng. Chỉ sẵn sàng thôi thì không đủ; chúng ta phải hành động. Hiện tại, chúng ta đang hành động ở Úc”.


Ông Morrison đề cập đến thông báo ngày 1/7 về bản cập nhật chiến lược mới, cho thấy Úc sẽ dành một khoản đầu tư kỷ lục trị giá 270 tỷ đô-la Úc (khoảng 4,47 triệu tỷ VNĐ) vào Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF) trong 10 năm tới, đẩy chi tiêu quốc phòng của Australia lên 2% GDP.

Thủ tướng Morrison cho biết: “Úc đã chi nhiều hơn cho quốc phòng của đất nước so với hầu hết các đối tác liên minh khác của Hoa Kỳ”.

“Hai phần trăm GDP của chúng ta không còn chỉ là mục tiêu; mà đó là nền tảng của chúng ta, và chúng ta sẽ chi tiêu nhiều hơn nữa… Chúng ta cần nâng cao năng lực của mình”.




Năm 2019, một số nền kinh tế lớn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có ngân sách quốc phòng giảm xuống dưới 2%, bao gồm Nhật Bản (0,93%), New Zealand (1,5%) và Canada (1,31%).

Thủ tướng Úc cũng nêu rõ những nỗ lực gần đây nhằm xây dựng quan hệ đối tác thương mại với các quốc gia “cùng chí hướng” bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, cũng như củng cố các mối quan hệ hiện có.

Ông nói: “Úc kiên quyết cam kết [duy trì] mối quan hệ đối tác Five-Eyes của chúng ta và mối quan hệ gần gũi hơn bao giờ hết của chúng ta với các nước đồng minh ở châu Âu”.

Ông Morrison khẳng định: “Chúng ta hướng tới và chia sẻ niềm tin vào các giá trị và thể chế mà Hoa Kỳ đang dẫn đầu. Chúng ta tôn trọng nhau như những đối tác bình đẳng với Hoa Kỳ. Chúng ta chia sẻ trách nhiệm. Chúng ta hỗ trợ lẫn nhau".

Phát biểu trên Sky News ngày 5/8, Ngoại trưởng Penny Wong có chung quan điểm với Thủ tướng Morrison về việc Úc cần tạo ra một khu vực “không chỉ ổn định và thịnh vượng, mà còn tôn trọng chủ quyền”.

Tuy nhiên, bà Wong cũng nói thêm rằng Úc cần phải nhận thức không chỉ về “một Trung Quốc quyết đoán hơn, có tinh thần dân tộc hơn mà còn cả một chính quyền Hoa Kỳ đang hành xử khác với cách thức mà chúng ta đã quen [trước đây] với việc Mỹ hành xử trong khu vực”.

Ngoại trưởng Úc cũng yêu cầu Thủ tướng Morrison cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ khu vực và nói rằng hiện khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn thiếu vắng sự lãnh đạo của chính phủ Úc.


© Nguyễn Minh
    NTDVN
    Theo The Epoch Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad