Tập Cận Bình Đối Mặt Những Thực Tế Khó Chịu - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Tập Cận Bình Đối Mặt Những Thực Tế Khó Chịu


...Bên trong những giọng điệu đắc thắng là một xã hội manh mún. Độc đoán ý thức hệ không phải là hướng đi đúng cho phát triển đất nước. Qua đại dịch, cách đối phó Covid giữa Mỹ và một số nước độc tài cho thấy rõ mô hình nào tốt hơn...

Tập Cận Bình đang chạy đua với thời gian. Hào quang bùng nổ kinh tế ban đầu, sự ngăn chặn thành công đại dịch đang mờ dần. Truyền thông quốc tế tiếp tục đón mừng hiệu quả vaccine và tỉ lệ chích ngừa khắp các nước, các nền kinh tế khác đang bắt đầu ghi nhận con số tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, chủ tịch Tập vẫn tiếp tục ca ngợi sự độc đáo và thế thượng phong của người Trung Quốc. “Phương Đông đang lên và phương Tây đang đi xuống” - ông cao giọng trong một diễn văn hồi năm ngoái.

Các quan chức chóp bu, các nhà phân tích hàng đầu đón nhận và thổi phồng thông điệp của họ Tập; họ vạch ra chiều hướng đi xuống của thị phần kinh tế toàn cầu của châu Âu và Nhật Bản, nhấn mạnh sự chia rẽ chính trị, chủng tộc của Hoa Kỳ. Cựu thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc He Yafei khẳng định chắc chắn Mỹ sẽ “thấy sức mạnh của họ ngày càng “lực bất tòng tâm”, trong nước lẫn quốc tế… Đây là xu thế lịch sử… Cán cân quyền lực và trật tự thế giới sẽ tiếp tục nghiêng về phía Trung Quốc và sự phát triển Trung Quốc không ai ngăn cản được”.



Nhưng ẩn trong sự huênh hoang là một sự thật bất ổn: Tự thân xã hội Trung Quốc đang phân rã một cách phức tạp và đầy thách thức. Phân biệt giới tính, chủng tộc, đang lan tràn; lại thêm luận điệu hận thù dân tộc ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng. Giai tầng sáng tạo (doanh nhân và học giả - ND) lại vật vã với giai tầng cai trị hẹp hòi. Bất bình đẳng giữa nông thôn thành thị vẫn dai dẳng. Những chia rẽ này ngăn cản sự tham gia của các thành phần xã hội vào cuộc sống tri thức, chính trị, mà nếu không giải quyết, sẽ có khả năng làm hỏng sức sống kinh tế quốc gia. Khi Tập muốn thúc đẩy sáng chế trong nước và tiêu thụ nội địa, thành công của ông phải dựa vào sự ủng hộ của trí thức và doanh nghiệp – những thành phần mà chủ trương của ông ta lại đang tước mất quyền của họ. Và khi ông ta xiển dương “mô hình Trung Quốc” cần đáng nhân rộng, chính những chia rẽ này làm mờ đi khát vọng và ảnh hưởng của Trung Quốc. Trừ phi Tập nhanh chóng hàn gắn rạn nứt ấy thì giấc mơ “Hồi sinh Trung Hoa vĩ đại” sẽ chẳng có gì đáng nói.

QUY KẾT NẠN NHÂN

Trong khi quan chức Trung Quốc thường nhắc tới chia rẽ chủng tộc gây tai ương cho Hoa Kỳ thì họ ít nhìn thấy sự phân rẽ gia tăng mà họ nuôi dưỡng trong chính nước mình, qua các phân ranh chủng tộc và địa lý. Họ tìm cách loại bỏ tập quán tín ngưỡng văn hóa ở khu tự trị của các khu vực Tân Cương, Tây Tạng; hoặc mức độ ít hơn chút là Nội Mông, và đưa họ (như khu hành chánh đặc biệt Hong Kong) vào diện theo dõi và kiểm soát, nhằm duy trì sự ổn định chính trị. Năm 2019, Trung Quốc chi 216 tỷ USD cho an ninh nội địa, bao gồm an ninh quốc gia, duy trì trật tự, do thám nội bộ, và dân quân vũ trang – gấp ba lần hơn chi phí chính phủ của 10 năm trước, hơn (chừng 26 triệu USD) tiền phân bổ cho quân đội của họ.


Ở Tân Cương, một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị cầm giữ trong trại lao động cải tạo. Tỉnh này đứng thứ 21 về số dân Trung Quốc nhưng đứng hàng thứ ba về chi phí an ninh. Người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và nhóm người Hồi giáo Thổ từ lâu bị phân biệt đối xử nhiều cách, như cấm không cho làm việc trong khách sạn, hay một số nghề ở các vùng khác. Các chuyên gia hiếm khi cất tiếng. Như một học giả đưa ra trong một phỏng vấn với tờ South China Morning Post: “Đôi lúc chính sách của chúng ta quá rộng rãi, đối xử quá ưu đãi, nhưng hiệu quả không ra gì. Nhưng, đôi lúc chúng ta lại mạnh tay trấn áp. Vì vậy, chúng ta không nắm vững chính sách và thực thi kém cỏi”.

Nhiệm kỳ của Tập cũng đối đãi không thỏa đáng với phụ nữ. Chỉ có một phụ nữ nằm trong hàng ngũ cấp cao của lãnh đạo đảng Cộng sản (gồm 25 ủy viên Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ) và phụ nữ chỉ chiếm 4,9% trong số 204 ủy viên trung ương đảng quyền lực nhất. Ngay cả trong 90 triệu đảng viên toàn nước cũng chỉ có 27,9% là phụ nữ.

Báo cáo cách biệt giới tính toàn cầu 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá bất bình đẳng giới tính qua một loạt chỉ số về kinh tế, chính trị, giáo dục, và sức khỏe. Họ xếp Trung Quốc hạng 107 trong 144 nước – thấp hơn thứ hạng 69 vào năm 2013, bốn năm đầu cầm quyền của Tập. Sự tham gia phụ nữ vào lực lượng lao động cũng sụt giảm nhanh chóng. Báo cáo của Viện Peterson về kinh tế cho biết, khoảng cách giới tính tham gia lực lượng lao động nới rộng từ 9,4% vào năm 1990 lên 14,1% vào năm 2020, và phụ nữ Trung Quốc làm ra tiền thấp hơn chừng 20% so với đồng nghiệp nam. Hơn 80% sinh viên tốt nghiệp đại học nữ cho biết họ gặp tình trạng phân biệt giới tính trong khi tìm việc; những việc không thường xuyên dành cho nam giới, hay đòi hỏi ứng viên nữ có chồng, có con, để thời gian làm việc của họ không bị gián đoạn vì sinh đẻ.



Dư luận trong nước xung quanh các vấn đề như thế ngày càng phân cực. Nhận định nữ quyền thường gặp các đả kích cay độc, có tính dân tộc cực đoan. Người dẫn chương trình Bái Dĩ lên án các nhà nữ quyền “len lỏi vào đất nước, kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền… và đẩy mạnh lịch trình ‘bài Trung Quốc’ của họ”. Hồi tháng Tư, diễn đàn mạng xã hội Douban đóng các tài khoản của hàng chục nhóm cổ vũ nữ quyền – trong đó, có nhóm hô hào không cưới chồng, có con, hay cần đến nam giới – vì đưa ra các ý tưởng bị coi là cực đoan. Diễn đàn mạng lớn nhất Trung Quốc, Weibo, cũng đóng tài khoản các nhóm nữ quyền với lập luận, họ phát tán “thông tin sai trái và nguy hiểm”. Bản thân giám đốc của hãng cũng cho là các nhà nữ quyền “đang kích động hận thù và phân biệt giới tính”.

Các nhà nữ quyền Trung Quốc vẫn không chịu cúi đầu. Có vài người kiện Weibo ra tòa án – một số được trả lại tài khoản – và khẩu hiệu “phụ nữ, đoàn kết lại” có được 50 triệu lượt người xem khi nó lan tràn trên Weibo. Đầu năm nay, một nhóm nữ nghệ sĩ sáng tạo một tác phẩm xếp đặt, trong đó, họ phủ lên một ngọn núi với hơn 1000 tin nhắn Internet xúc xiểm từng được gởi tới các nhà nữ quyền – một “bảo tàng bạo lực mạng”. Thất bại của chính quyền chống lại thái độ đe dọa trực tuyến được hiểu rộng rãi như sự ủng hộ ngấm ngầm cho thuật diễn ngôn. Thật sự, theo nhận xét của Leta Hong Fincher, phụ nữ tuyên bố không muốn lập gia đình hay có con được xem chẳng khác gì hành động chống nhà nước Trung Quốc, đang nôn nóng thúc giục sinh đẻ trước nguy cơ tỉ lệ sinh tụt giảm thảm hại.

NỖI THẤT VỌNG CỦA GIỚI SÁNG TẠO (TRÍ THỨC VÀ DOANH NHÂN)

Một lực chia rẽ tương tự đang xảy ra giữa các giới quan chức và giới sáng tạo. Ý chí của Tập Cận Bình bắt buộc mọi tư tưởng phải phục vụ lợi ích của đảng Cộng sản đã hạn chế năng lực những người có sức sáng tạo nhất, bao gồm giới học giả và nhà doanh nghiệp, theo đuổi những ý tưởng, những sản phẩm, vượt xa tầm câu thúc của đảng Cộng sản hẹp hòi. Tập Cận Bình kêu gọi các trường đại học phải là “pháo đài lãnh đạo của Đảng”, và Bộ Giáo dục nói rõ rằng “thành quả ý thức hệ và chính trị” là những yếu tố quan trọng nhất trong việc đánh giá năng lực học tập.

Đảng Cộng sản thậm chí khuyến khích sinh viên vạch mặt những giáo sư có bài giảng thách thức tính chính danh của đảng; hàng tá các viện sĩ bị phê phán hay bị sa thải vì phát tán các “bài giảng sai trái” về những vấn đề liên quan Hong Kong, Nhật Bản và Covid-19. Bằng cách khống chế phát ngôn, Bắc Kinh đã hạn chế năng lực đưa ra các quyết định có tính dự báo.

Một số trí thức phản ứng lại. Nhà kinh tế học nổi tiếng Chính Nguyện Phong, chẳng hạn, lập luận rằng, nếu Trung Quốc muốn trở thành đầu tàu tri thức và ý thức hệ toàn cầu thì Trung Quốc cần “bao dung hơn, linh hoạt hơn, và tự do hơn đối với tầng lớp trí thức”. Diệp Kính Khuông, giáo sư Đại học Bắc Kinh (cố vấn cấp cao của đảng Cộng sản), đề xuất gỡ bỏ một số rào cản hành chánh về sự tham gia của các học giả với các đối tác ngoại quốc. Ông lập luận: “Cách quản lý giao lưu đối ngoại hiện tại vượt ra khỏi giới hạn lý trí”, mục đích nhấn mạnh điều đó, “sẽ ảnh hưởng chất lượng đánh giá của các chuyên gia về các vấn đề quốc tế và những đề xuất chính sách”. Mạnh dạn nhất là, trong hai bức thư gởi Tập Cận Bình viết trong giai đoạn cao điểm đại dịch hồi tháng 3-2020, cựu ủy viên trung ương đảng Đào Sĩ Linh cực lực phê phán tập quán chỉ báo cáo những tin tốt, cảnh báo sức phá hoại sáng kiến, sự linh hoạt, trọng tâm, và trách nhiệm cá nhân” trong xã hội thay vì mọi cái đều phải tập trung vào kẻ quyền lực cao nhất.

Tiến trình thanh lọc về chính trị đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ. Tập trấn áp nội dung các video game, chỉ trích các công ty điện toán không kiểm duyệt sát sao dữ liệu sai trái trên diễn đàn của họ, và tìm cách bảo đảm, các nhà điều hành công nghệ không được tách xa ảnh hưởng chính trị. Các lãnh đạo tiếng tăm ngành công nghệ công khai chỉ trích sự can thiệp của chính quyền; và họ gặp phải sự đối xử hà khắc.

Cuối năm 2020, khi nhà sáng lập Alibaba, ông Mã Vân (Jack Ma), chỉ trích chính quyền quan liêu, quá dài tay điều chỉnh những vấn đề phức tạp, cản trở đổi mới, thì việc ra mắt cổ phần được dự trù lần đầu tiên của công ty công nghệ tài chánh, Ant Financial, bị thu hồi chỉ vài ngày sau. Rồi vào năm 2021, Bắc Kinh chống lại đại học của Jack Ma có chương trình tập huấn làm ăn cạnh tranh dành cho các nhà doanh nghiệp; họ cắt chức chủ tịch đại học của ông ta, kiên quyết thay đổi nội dung giảng dạy (theo một báo cáo, đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ Jack Ma thiết lập mạng lưới đặc biệt có thể thách thức quyền lực của Đảng). Từng người một, các nhà doanh nghiệp công nghệ thượng thặng – Jack Ma, Giang Dĩ Minh của ByteDance, Hoàng Dĩ Minh của Pinduoduo, Pony Ma của Tencent – hoặc rút khỏi vị trí dẫn đầu tập đoàn họ sáng lập, hoặc tự lui vào bóng tối.

TRUNG QUỐC CHIA HAI (TWO CHINAS)

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp nhận thái độ “chắc như bắp” chung quanh sự trỗi dậy kinh tế liên tục của đất nước. Chắc chắn, họ đạt những mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng qua hơn bốn thập kỷ, có cả 16 năm tăng trưởng “hai con số”. Tháng Giêng rồi, Tập Cận Bình tuyên bố thắng lợi trong công tác xóa nghèo tuyệt đối (nghĩa là những ai sống ở mức 28 USD hay ít hơn mỗi tháng). Tuy nhiên không lâu trước đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường làm chấn động người dân Trung Quốc bằng việc tiết lộ quốc gia có 600 triệu người - tức 40% dân số - sống ở mức 140 USD hay ít hơn mỗi tháng. Mặc cho tuyên bố của Tập, Bắc Kinh không thể giải quyết sự bất bình đẳng dai dẳng, phản ánh hình ảnh kinh tế xã hội của đất nước: Thật sự Trung Quốc đã phân ra làm hai.



Một phần trăm chóp bu ở Trung Quốc giàu có hơn 50% dưới đáy. Một báo cáo của ngân hàng trung ương năm 2019 cho biết, trong 30.000 hộ ở đô thị, có 20% sở hữu 63%tổng số tài sản; trong lúc 20% hạng thấp nhất chỉ sở hữu 2,6% tổng số tài sản xã hội. Toàn Trung Quốc, 20% hạng cao nhất thu nhập gấp 10,2 lần 20% hạng nghèo nhất. Kết quả, chỉ số Gini (cho biết sự bất bình đẳng tính từ 0 đến 1) đạt 0,47 - nằm trong những nước cao nhất thế giới, bỏ khá xa mức mà chính quan chức Trung Quốc tự nhận là sẽ mất ổn định.


Quỹ Tiền tệ Quốc tế phân tích, bất bình đẳng như thế bắt nguồn từ bất bình đẳng giáo dục và tiếp tục hạn chế tự do dịch chuyển (như các chuyển đổi công nghệ giúp tăng cao lương cho công nhân có tay nghề cao). Nhà kinh tế học đại học Stanford, Scott Rozelle, phân tích chi tiết các thất bại của Bắc Kinh trong việc không đưa ra kịp thời cơ hội học tập – cả về tiếp cận lẫn chất lượng – cần thiết cho nhiều người ở nông thôn có thể tham gia hữu hiệu vào cuộc cách mạng công nghệ nhanh chóng nổ ra. Các tác động lâu dài thật đáng kể: Bất bình đẳng thu nhập cao sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế, tính bền vững, làm suy yếu đầu tư, và chậm cải cách kinh tế.

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

Cái giá đặt bên lề (disenfranchisement) - về chính trị và kinh tế - các thành phần quan trọng trong xã hội Trung Quốc có thể thoảng qua nhưng về lâu về dài rất sâu xa. Bằng cách từ chối đối phó thách thức mà phụ nữ phải đối mặt, không cho họ có quyền tự chọn hướng đi, có nguy cơ Bắc Kinh sẽ đánh đổi một GDP tương lai thấp hơn, sinh đẻ ít hơn, và xung đột xã hội nhiều hơn. Bất bình đẳng thu nhập kéo dài sẽ trói tay quan chức Trung Quốc trong việc thúc đẩy sức tiêu dùng và tăng trưởng nội địa lành mạnh.

Đòi hỏi phải trung thành với ý thức hệ sẽ tạo ra nguy cơ chảy máu chất xám kéo dài. Một khảo sát cho thấy người Hong Kong ở độ tuổi từ 15 đến 30 cho biết 57,5% muốn di cư khi có điều kiện; một khảo sát riêng rẽ khác về người trưởng thành Hong Kong cho thấy, 42,3% số họ muốn ra đi. Trong năm 2019, hơn 50.000 người Hong Kong di cư vì lý do chính trị. Khả năng Bắc Kinh thu hút tài năng, trí tuệ khoa học hàng đầu vốn đã hạn chế sẽ càng tệ hại hơn khi các người ngoại quốc chứng kiến các cuộc tấn công vào các nhà doanh nghiệp và học giả hàng đầu Trung Quốc.



Tình trạng phân hóa trong nước của Bắc Kinh cũng tác động đến bang giao với các nước khác. Cư xử lạc hậu của chính quyền với phụ nữ sẽ làm hỏng quyền lực mềm của họ và làm mất đi khái niệm “Mô hình Trung Quốc” mà nhiều nước định noi theo. Vi phạm nhân quyền ở Tân Cương khiến cho các công ty đa quốc gia muốn tìm nơi cung ứng thay thế, và việc đàn áp ở Hong Kong khuyến khích các công ty ngoại quốc dịch chuyển hoạt động của họ đến các nơi khác ở châu Á, chẳng hạn Singapore.

Canada, EU, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ đều áp dụng lệnh trừng phạt những ai trực tiếp chịu trách nhiệm các chủ trương như thế và chống lại các doanh nghiệp sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương; EU cũng quyết định sẽ không xem xét thông qua Hiệp ước đầu tư toàn diện với Bắc Kinh, trừ trường hợp quan chức Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phản trừng phạt của họ. Mọi hy vọng mà ông Tập muốn Trung Quốc chiến thắng ở Olympics 2008 tái diễn ở Olympics Mùa Đông năm 2022 đang tan biến vì ngày càng có nhiều nước tham gia tẩy chay một phần hay toàn phần. Nếu Tập Cận Bình không sửa sai, “Trung Quốc mộng” của ông sẽ trở thành Ác Mộng của chính mình.

*****

Bài đăng trên Foreign Affairs ngày 28-5-2021 của tác giả Elizabeth Economy, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Hoover-Đại học Stanford.

   Mời xem thêm »


© Nguyễn Long Chiến Biên dịch
    TheNewViet
Chú thích: Elizabeth Economy, "China’s Inconvenient Truth" Foreign Affairs - May 28, 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad