Nếu luật báo chí có tác dụng, nếu hội nhà báo và cơ quan chủ quản đủ dũng cảm để bảo vệ đồng nghiệp của mình - tôi tin rằng sự việc "gạt tay trúng má" sẽ không thể tạo tiền lệ giới hạn quyền tác nghiệp và thông tin của báo giới.
Trước báo giới, mặc dù có thừa nhận đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát hình sự huyện Đông Anh và phóng viên Quang Thế tại hiện trường vụ án tài xế taxi tử vong ở cầu Nhật Tân, tuy nhiên đại diện công an Hà Nội đã phủ nhận chuyện đánh người. Ngoài việc chuyển đổi hành vi đấm vào mặt thành "gạt tay trúng má" phóng viên thì công an còn khuyến mãi thêm một biên bản phạt 14,5 triệu đồng với phóng viên Quang Thế vì:
- Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt, chụp ảnh tại khu vực cấm,
- Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt,
- Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức cá nhân với mức phạt,
- Đỗ xe mô tô trên cầu,
- Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Hiện trường vụ án theo luật nếu không có lực lượng chức năng mặc đồng phục bảo vệ, không có băng phân cách khu vực giới hạn theo quy định của pháp luật thì không thể tuỳ tiện định giá đó là "bí mật nhà nước".
Từ trước đến nay, lực lượng công an đã quá quen với kiểu "cấm quay phim chụp ảnh" tuỳ tiện nên luôn ngăn cản người khác ghi hình nên đã luôn xảy ra xô xát.
Tôi không quá ngạc nhiên với việc cấm ghi hình ở các khu vực công cộng, các phiên toà công khai.. Nếu thích, chỉ cần mang một tấm bảng hiệu đỏ đến nơi xảy ra sự việc, công an hoàn toàn có thể cướp giật, đập máy ảnh và bắt giữ người sử dụng điện thoại tại khu vực đó. Việc này hẳn các bạn đã từng tham gia biểu tình và đi dự các phiên toà rõ hơn ai hết.
Sự việc xảy ra đối với phóng viên Quang Thế hôm nay, đã từng xảy ra với rất nhiều bloggers, với những người dân bình thường khi chứng kiến nhiều sự việc có liên quan đến công an nơi công cộng.
Nhà báo có thể tự bảo vệ mình không?
Nếu luật báo chí có tác dụng, nếu hội nhà báo và cơ quan chủ quản đủ dũng cảm để bảo vệ đồng nghiệp của mình - tôi tin rằng sự việc "gạt tay trúng má" sẽ không thể tạo tiền lệ giới hạn quyền tác nghiệp và thông tin của báo giới.
Tại sao ông đại tá Ngọc lại có thể hồn nhiên gọi cú đấm vào mặt đến chảy máu là "gạt tay trúng má"? Đó là vì tâm lý cả nể, sợ va chạm với công an xưa nay của nhiều nhà báo.
Một lý do khác dung túng cho sự lạm quyền của công an chính là mỗi vị tổng biên tập của các tờ báo trong nước đều là đảng viên. Cơ chế tự kiểm duyệt của các vị TBT này khá nhanh nhạy do định hướng bởi Ban tuyên giáo và bởi quyết định lựa chọn của từng cá nhân.
Sự lạm quyền của công an ít nhiều bắt đầu từ sự cam chịu và sợ hãi của nhiều người.
Để không còn ai bị "gạt tay trúng má" đến toé máu như Quang Thế hôm qua, các nhà báo chỉ còn một lựa chọn là phải lên tiếng và đưa sự việc ra trước toà án để xét xử.
Mẹ Nấm
(Dân Làm Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét