Việc đáng nói không phải chuyện ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật hay không mà là cách xử lý và hình thức kỷ luật ông ta! Vừa qua, 3 cơ quan bao gồm Ban Bí thư ĐCSVN, Quốc hội và Chính phủ ban hành 3 văn bản thi hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng. Cách xử lý cũng như hình thức kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng là rất lạ kỳ và gây ra nhiều nghi hoặc cho công luận. Ngoài hình thức kỷ luật rất kỳ quặc, khó hiểu và khôi hài ra, rất nhiều người nghi ngờ ý đồ và mục đích thực sự đằng sau việc kỷ luật này. Đúng vậy, việc này rất cần được mổ xẻ và làm sáng tỏ.
Ba văn bản kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng bao gồm Quyết định của Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN (ngày 2/11/2016) “Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương”! Tiếp đến, ngày 21/1/2017, Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 về “Quyết nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng”. Và kế đó, ngày 24/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 106/QĐ-TTg “Thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng”.
Mọi người ngơ ngác hỏi nhau, việc quái gì đang xảy ra thế? Đảng viên Vũ Huy Hoàng khi đương chức là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công Thương đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và luật pháp Nhà nước, sao không khai trừ thẳng đồng chí này ra khỏi ĐCSVN mà lại áp dụng một hình thức kỷ luật kỳ quặc, chưa từng có tiền lệ, vô cùng phi lý và khó hiểu như vầy? Vậy đâu là lý do thực sự, và có ý đồ mờ ám gì bên trong không? Tôi cho rằng chẳng ai có thể trả lời được các câu hỏi này ngoài những người trong cuộc!
|
Đây quả là hình thức kỷ luật lạ lùng và khôi hài nhất từ khi có ĐCSVN đến nay! Tôi nói vậy là vì hình thức kỷ luật này chưa từng có trong lịch sử ĐCSVN. Hình thức kỷ luật này trái với Điều lệ hiện hành của ĐCSVN, nó cũng không hề có trong “Quy định xử lý kỷ luật đảng viên” (Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013) của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN. Chiếu theo Khoản 4 Điều 2 của Quy định 181 này, chỉ có 4 hình thức kỷ luật là: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức (nếu đảng viên có chức vụ) và Khai trừ. Ngoài 4 hình thức này ra, không có hình thức kỷ luật đảng nào khác. Tôi tra cứu mãi để tìm xem có hình thức kỷ luật ngoại lệ nào không, chẳng hạn “cách chức hay tước bỏ chức vụ cũ” mà một đảng viên đã từng giữ, nhưng chịu, không tìm thấy trong bất cứ một văn bản nào của Đảng. Vậy, hình thức kỷ luật “cách cái chức vụ” mà ông Vũ Huy Hoàng không còn nắm giữ nữa và thực tế đã chuyển giao cho người khác từ 6 tháng trước, thì có đúng không? Câu trả lời là không. Không chỉ không đúng mà nó rất kỳ cục và khôi hài nữa! Xin hỏi, ông Vũ Huy Hoàng có 2 nhiệm kỳ liên tiếp làm Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương (2007-2011 và 2011-2016), cớ sao chỉ “cách chức phân nửa chức vụ” nói trên của ông ta thôi? Lý do thực sự của việc này là gì vậy?
Không thể nói quyết định kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng của BBT nói trên là chưa thấu đáo, bởi đây là quyết định tập thể “với sự nhất trí 100% của 10 bộ óc trí tuệ” bao gồm những chuyên gia lão luyện về công tác xây dựng Đảng cũng như về công tác tổ chức, lý luận và thanh kiểm tra của ĐCSVN! Quyết định này được đưa ra sau nhiều lần bàn thảo kỹ lưỡng, và sau hơn nửa năm cân nhắc, mổ xẻ thận trọng, lựa chọn kỹ từng câu, từng chữ một! Không ai có thể nói rõ ý đồ thực sự đằng sau Quyết định ngày 2/11/2016 của BBT là gì, và có thể giải thích tại sao văn bản này thận trọng đến vậy mà lại có thể trái với Điều lệ của Đảng, vi phạm Quy định số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN. Không một ai có thể lý giải được điều này ngoại trừ chính những người trong cuộc!
|
Ngày 21/1/2017, Chủ tịch Quốc hội ban hành Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 của Quốc hội, và ngày 24/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/QĐ-TTg của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng. Cả 2 văn bản này của Quốc hội và Chính phủ đều đưa ra hình thức kỷ luật giống nhau từng câu, từng chữ, đó là “Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng”! Ngoài hình thức kỷ luật chưa hề có tiền lệ như đã nói, người viết bài này đang rất băn khoăn về tính pháp lý và hiệu lực của 2 văn bản nói trên, vì một khi đã “xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng” thì cũng có nghĩa là xóa luôn hiệu lực mọi văn bản hành chính (bao gồm Thông tư, Chỉ thị, Quyết định, v.v…) mà ông Vũ Huy Hoàng đã ký ban hành trong nhiệm kỳ đó trên tư cách là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Như vậy, phải chăng Đảng, Quốc hội và Chính phủ đồng thời cũng xóa hết trách nhiệm về các sai phạm và tội lỗi mà ông Vũ Huy Hoàng đã phạm phải trong nhiệm kỳ 2011-2016 hay sao? Nếu quả như vậy thì 3 văn bản kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng nói trên chẳng khác nào như một cái ô pháp lý, một cái phao cứu sinh giúp ông Vũ Huy Hoàng thoát khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc sẽ vô tội nếu ông ta bị khởi tố trước pháp luật. Đây là vấn đề rất nhạy cảm và tế nhị, ẩn chứa nhiều hệ quả khó lường, rất cần các chuyên gia luật pháp nghiên cứu, phân tích và mổ xẻ một cách kỹ càng!
Mời xem Video: Lần theo dấu vết, truy tìm thế lực bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu qua Trung Quốc?
Ngoài ra, người viết bài này xin được nói thêm: HIến pháp hiện hành (Hiến pháp 2013) không có điều khoản nào cho phép Chủ tịch Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm được quyền xóa tư cách ĐBQH hay xóa tư cách Bộ trưởng thuộc nhiệm kỳ trước (tức nguyên ĐBQH hay nguyên Bộ trưởng). Do vậy, xét về góc độ pháp lý thuần túy, thì Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 và Quyết định số 106/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 là vi hiến. Một khi phát hiện một văn bản vi hiến hoặc trái pháp luật, thì nhất thiết phải thu hồi văn bản đó càng sớm càng tốt. Nếu không thu hồi, thì có thể sẽ có nhiều văn bản kỷ luật tương tự được ban hành với ý đồ cứu các quan chức đã về hưu hoăc đã chuyển công tác khác, mà trước đấy ở vị trí cũ, họ vi phạm kỷ luật hoặc pháp luật, chẳng hạn như “Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông…” hay “Xóa tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ngài…”, hoặc ngay cả là “Xóa tư cách nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đối với đồng chí…”, v.v và v.v…
Người xưa có câu: “Pháp luật tứ chương, đạo tặc đa hữu!” (Luật pháp bủa giăng, trộm cướp càng nhiều!). Song ngày nay có người nói một cách hài ước nhưng rất chí lý rằng: “Luật pháp ngày nay là để cho người ta vi phạm một cách hợp pháp!”. Phải chăng xã hội nước ta hiện tại lại như thế này sao?
Nguyễn Đăng Quang
Blog Huỳnh Ngọc Chênh
Tài liệu tham khảo:
1/. “Trò khỉ kết thúc năm rõ khỉ” (Gs-Ts Hoàng Xuân Phú) https://anhbasam.wordpress.com/2017/02/17/11-677-tro-khi-ket-thuc-nam-ro-khi/
2/http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31165802-quyet-dinh-ky-luat-ban-can-su-dang-bo-cong-thuong-va-dong-chi-vu-huy-hoang.html
3/http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=32575
1/. “Trò khỉ kết thúc năm rõ khỉ” (Gs-Ts Hoàng Xuân Phú) https://anhbasam.wordpress.com/2017/02/17/11-677-tro-khi-ket-thuc-nam-ro-khi/
2/http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31165802-quyet-dinh-ky-luat-ban-can-su-dang-bo-cong-thuong-va-dong-chi-vu-huy-hoang.html
3/http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=32575
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét