Báo Người Lao Động cho hay, ông Phạm Bình Minh sẽ đến Mỹ từ ngày 19 đến 23 Tháng Tư, 2017. Tin tức chỉ thấy loan báo chuyến đi của ông Minh “nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước.”
Ông đến Washington vào dịp chính phủ của ông Trump đang rất bận rộn với cuộc chiến ở Syria, Iraq, Afghanistan và sự lấp ló chiến tranh nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên, trong khi những vấn đề đối nội, một số chính sách của chính phủ và đảng Cộng Hòa của ông Trump đưa ra không được Quốc Hội thông qua.
Ít nhất, người ta tin trong lịch làm việc của ông ở Washington, có việc mời tổng thống Mỹ đến dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng và thăm Việt Nam cũng như mối quan hệ mậu dịch song phương nằm trên đầu các cuộc nói chuyện của ông với Ngoại Trưởng Rex Tillerson và các viên chức khác của chính phủ Mỹ.
Ông Minh đã gặp ngoại trưởng Mỹ bên lề hội nghị G-20 ở Bonn, Đức, giữa Tháng Hai vừa qua.
Tin tức lúc đó nói rằng ông “khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện với Mỹ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí hai nước cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao.”
Hà Nội vừa muốn xuất cảng hàng hóa sang Mỹ mỗi ngày một nhiều hơn và được hưởng thuế quan ưu đãi nhưng đồng thời cũng không muốn Mỹ kích thích “diễn biến hòa bình” lật đổ chế độ.
Đây là chuyến đến thủ đô Washington đầu tiên của Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh trong nhiệm kỳ của chính phủ Tổng Thống Donald Trump.
Những ngày vận động tranh cử năm ngoái, ông Trump nhiều hơn một lần cáo buộc một số nước trong đó có Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, đã xuất cảng hàng hóa giá rẻ đủ loại ào ạt sang Mỹ, cướp công việc làm của người người dân nước này. Ông được dân chúng ủng hộ và trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Khi vừa bước chân vào Tòa Bạch Ốc, một trong những việc đầu tiên ông Trump làm là ký tuyên bố rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất nếu hiệp định được thi hành. Hiện Hà Nội vẫn đang cố điều đình với Mỹ cho một thỏa hiệp kinh tế song phương thay thế cho TPP.
Theo các con số của Tổng Cục Thống Kê, năm 2015, kim ngạch thương mại Việt-Mỹ đạt $41.43 tỷ, năm 2016 được hơn $46 tỷ. Sau hơn 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1994), mậu dịch hai chiều đã tăng tới 187 lần. Nếu so sánh với năm 1993, tức một năm trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam thì thương mại tăng tới 668 lần.
Thương mại song phương Việt-Mỹ dự trù sẽ tăng lên đến $57 tỷ vào năm 2020. Hiện nước Mỹ đang là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam. Nếu chính sách thương mại của Mỹ đối với các nước Á Châu, trong đó có Việt Nam thay đổi như ông đe dọa trong thời gian tới sẽ là mối quan ngại rất lớn của Hà Nội.
Đầu Tháng Tư vừa qua, Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius chiều 31 Tháng Ba đến gặp Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang. Dịp này ông Quang đề cập đến bức thư nói Tổng Thống Trump gửi cho ông ta ngày 23 Tháng Hai, “Khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng Việt Nam và các nước trong khu vực đảm bảo hòa bình, thịnh vượng ở Á Châu-Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.”
Dịp này, Đại Sứ Ted Osius cho biết Tổng Thống Trump “đang xem xét việc tham dự Tuần Lễ Cấp Cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào Tháng Mười Một tới” nhưng không thấy đề cập gì đến chuyện có thăm viếng Việt Nam hay không.
Chắc hẳn ông Phạm Bình Minh sẽ phải hỏi lại ông Rex Tillerson tuần tới khi hai người gặp nhau ở Washington về khả năng vừa kể. (TN)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét