Quỳ luận: Tổng quan về văn hóa quỳ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Quỳ luận: Tổng quan về văn hóa quỳ


“Quỳ là hình thức đồng hóa sâu sắc nhất của văn hóa thống trị đối với kẻ bị trị. Kẻ thống trị biến kẻ bị trị thành thấp bé đến mức ngang hàng động vật đi bốn chân để chăn dắt. Ngược lại kẻ bị trị quỳ lâu sẽ nhầm tưởng mình là động vật không còn đủ khả năng đi hai chân và đáng bị cho kẻ khác chăn dắt. Nó là sản phẩm đặc trưng của thể chế độc tài không thể chối cãi. Quỳ làm cho con người nhu nhược mất hết khả năng phản kháng. Ở đâu có sống quỳ, ở đó có độc tài. Sự vĩ đại của chế độ độc tài là tạo ra thói quen sống quỳ cho mọi công dân để phục tùng cho lòng tham vô hạn của nó”.


Văn hóa không bao giờ là sản phẩm thuần nhất. Trong một cộng đồng, ít nhất luôn tồn tại hai thứ văn hóa đối lập: văn hóa của kẻ thống trị và văn hóa của kẻ bị trị. Kẻ thống trị tạo ra trật tự tôn ti để đè đầu cỡi cổ kẻ bị trị. Ngược lại, kẻ bị trị luôn nuôi mầm phản kháng để vươn lên thoát khỏi thế bị đè đầu cỡi cổ. Văn hóa của dân gian, văn hóa của những dân tộc thiểu số, kể cả văn hóa của các nước thuộc địa phản kháng, văn hóa thực dân đều thuộc văn hóa bị trị. Hai thứ văn hóa đối lập này, theo Foucault, sẽ luôn tương tác và tạo ra thế quân bình trong tổng thể văn hóa chung.

Tất nhiên, thế quân bình ấy chỉ là lý tưởng, bởi cuộc sống luôn xuất hiện sự so lệch trong tương tác quyền lực. Do quyền lực thống trị thường chiếm ưu thế trấn áp, đè bẹp làm tê liệt quyền phản kháng của kẻ bị trị, cho nên người ta thường nhầm tưởng chỉ có một thứ văn hóa thuần chất do kẻ thống trị tạo ra.

Tôi gọi hiện tượng đồng hóa văn hóa ấy là văn hóa quỳ. Khái niệm quỳ ở đây mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: quỳ gối và sống quỳ.

Ở nghĩa đen, hành động quỳ gối có gốc từ trong nghi thức tôn giáo, tất nhiên là tôn giáo được hình thành do quá trình chính trị hóa. Theo thần thoại Hy–La, từ sau khi Prometheus bị Zeus hành hình một cách man rợ, loài người bắt đầu biết sợ hãi, buộc phải quỳ gối trước quyền lực để tồn tại. Họ phải quỳ để cúng tế, cầu xin thần linh tha thứ và ban ân huệ. Các tôn giáo sau đó ra đời theo cách ấy và hành động quỳ đã mang nghĩa sống quỳ trong tính tượng trưng của nó. Thực chất quyền lực thế gian đã đẻ ra các nghi thức tôn giáo ấy chứ không phải các ông Jesus Chris, Mohamed, Siddhartha Gautama đã nghĩ ra. Những ông này chỉ nghĩ đến tình thương và sự bình đẳng chứ không buộc thiên hạ phải sống quỳ.

Hành động quỳ trong tôn giáo chỉ là hình thức của lối sống quỳ trong đời sống thực tế. Lễ triều phong kiến luôn bắt đầu bằng hành động quỳ của các quan trước ông vua. Đến lượt dân vào cửa quan cũng phải quỳ trước khi tấu trình điều gì đó. Trong học đường, học sinh phải quỳ trước thầy cô; và trong gia đình, con cái phải quỳ trước ông bà, cha mẹ. Tất cả những ai ở vị thế bề trên đều được kẻ dưới xem như thánh thần.

Một băng đảng cũng có nghi lễ lâu la quỳ trước đại ca trong làm lễ kết nạp.

Nho giáo còn tạo ra nghi thức quỳ lạy Thiên triều cho các ông vua chư hầu, biến các nước xung quanh mãi mãi thành nhược tiểu.

Văn hóa quỳ có khi được khuếch trương thành văn hóa đỉnh cao và chi phối cả hệ thống ngay trong xã hội hiện đại. Muốn leo lên ghế để bắt người khác quỳ, người ta phải quỳ trước cái ghế cao hơn. Muốn có học hàm giáo sư, phó giáo sư để bắt học sinh quỳ, thậm chí danh hiệu anh hùng để người đời sùng bái, người ta phải biết “lễ độ”, tức phải quỳ để cầu xin các loại bề trên…

Một điều dễ thấy là kẻ hay quỳ trước người khác mới hay bắt người khác quỳ trước mình.

Cứ thế, khi thấy quỳ có được lợi lộc, lối sống quỳ lập tức trở thành một thứ tín ngưỡng đồng bóng, một căn bệnh rất khó hóa giải bởi đến lúc không ai thấy quỳ là nhục.

Quỳ là hình thức đồng hóa sâu sắc nhất của văn hóa thống trị đối với kẻ bị trị. Kẻ thống trị biến kẻ bị trị thành thấp bé đến mức ngang hàng động vật đi bốn chân để chăn dắt. Ngược lại kẻ bị trị quỳ lâu sẽ nhầm tưởng mình là động vật không còn đủ khả năng đi hai chân và đáng bị cho kẻ khác chăn dắt. Nó là sản phẩm đặc trưng của thể chế độc tài không thể chối cãi.

Quỳ làm cho con người nhu nhược mất hết khả năng phản kháng. Ở đâu có sống quỳ, ở đó có độc tài. Sự vĩ đại của chế độ độc tài là tạo ra thói quen sống quỳ cho mọi công dân để phục tùng cho lòng tham vô hạn của nó.


Chu Mộng Long
FB Chu Mộng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad