|
Hiện nay, để hiện đại hóa ngành y, để ngành y tiếp cận với những tiến bộ của y học thế giới, chúng ta đang cố gắng xây dựng ngành y theo hướng là ngành dịch vụ. Nếu quan niệm ngành y là ngành dịch vụ, thì một trong các điều kiện quan trọng là phải có sự bình đẳng giữa người cung cấp và người thụ hưởng dịch vụ.
Để ngành y trở thành ngành dịch vụ, thì việc đầu tiên, tư duy của nhân viên y tế phải thay đổi. Những nhân viên y tế với những chức danh cụ thể như bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên… là người cung cấp dịch vụ. Điều này ngược lại với tư duy ban ơn, thái độ kẻ cả của các thầy thuốc trong thời bao cấp, và cũng ngược lại với tư duy ngành y là nô lệ, tư duy ngành y phải phục vụ vô điều kiện, trong thời buổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tư duy cần thay đổi đầu tiên là mục đích của việc hành nghề y. Hãy mặc kệ ai nói gì, hãy mặc kệ những danh hiệu ảo, nhân viên y tế và cả xã hội này cần phải xác định, rằng mục đích đầu tiên khi nhân viên y tế hành nghề là để kiếm sống. Hãy đừng ảo tưởng với những lí tưởng cao cả như phụng sự này nọ. Nếu nhân viên y tế không đủ sống, nếu nhân viên y tế đói lay lắt, họ có thể tồn tại, tâm họ có thể yên để hành nghề, để phụng sự hay không? Chắc chắn không.
Vấn đề thứ hai là sự bình đẳng, giữa một bên là người cung cấp dịch vụ, hay nói theo kiểu “thị trường” là bán chất xám, kĩ năng, và một bên là người nhận dịch vụ và trả tiền. Đây thực chất là mối quan hệ mua và bán. Thuận mua vừa bán là bản chất của mối quan hệ này. Nếu người nhận dịch vụ thấy giá cả cao quá so với dịch vụ họ nhận, họ có quyền từ chối không nhận dịch vụ. Nếu bên bán thấy mình bị trả giá thấp quá, họ có quyền từ chối cung cấp dịch vụ. Đó mới là bình đẳng.
Vấn đề thứ ba là qui luật cung cầu. Nếu cung cao hơn cầu, thì người thụ hưởng có quyền lựa chọn nhiều hơn. Còn nếu cầu cao hơn cung, thì người cung cấp dịch vụ có quyền lựa chọn người để phục vụ. Nếu người bệnh lựa chọn những bệnh viện đông đúc, quá tải, thì phải chấp nhận việc không được chăm sóc kĩ càng, chấp nhận việc nhân viên y tế không dành nhiều thời gian cho họ. Nếu muốn nhận được nhiều thời gian và nụ cười mà vẫn nhanh, thì đến những bệnh viện vắng hơn, hoặc bệnh viện tư.
Tất nhiên, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Những đặc thù của ngành y cần được bảo đảm. Chính vì vậy mới có chuyện, cấp cứu không được đòi đóng tiền, mà phải cấp cứu ngay. Đây cũng là mấu chốt vấn đề. Nhiều người hiểu sự bình đẳng ở đây có nghĩa là họ có quyền cho là mình, hoặc người nhà mình, là trường hợp cấp cứu, nhân viên y tế phải phục vụ ngay, vô điều kiện.
Sự bình đẳng ở đây phải được hiểu rằng, người bác sĩ, với chuyên môn của mình, có khả năng và có quyền quyết định ca bệnh ấy có cần cấp cứu hay không. Nhưng nhiều người bệnh, người nhà họ, nhiều nhà báo, và cả một số cán bộ cao cấp, cùng những kẻ to mồm trên mạng, những người không có hiểu biết về y khoa, lại cho rằng họ có khả năng và có quyền quyết định, trường hợp nào là cấp cứu.
Những vấn đề khác, như bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế cho người nghèo, trả tiền cho người không có khả năng chi trả… thuộc về chính quyền. Đó không phải là trách nhiệm của nhân viên y tế. Chính quyền này thu thuế từ người dân, chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm an sinh cho người dân. Nhân viên y tế đi làm để kiếm sống, chính quyền phải có nhiệm vụ làm sao cho nhân viên y tế được trả công tương xứng với dịch vụ mà họ cung cấp. Chính quyền không thể cho rằng đó là việc của nhân viên y tế và người dân, rồi mặc kệ họ xử lí với nhau.
Bình đẳng là tư duy chủ đạo trong việc xây dựng ngành y là ngành dịch vụ. Ở đây không có chỗ cho sự ban ơn, cũng không có chỗ cho tư duy nô lệ, hầu hạ vô điều kiện. Trên tinh thần đó, không thể nào có chuyện bị chèn ép, bị hành hung mà vẫn phục vụ. Đó là tư duy nô lệ.
Võ Xuân Sơn
FB Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét