Ông Trịnh Xuân Thanh đầu năm 2017 tại châu Âu |
Cô Đỗ Thị Minh Phương, bạn gái của ông Trịnh Xuân Thanh. |
Một luật sư sẽ đại diện cho Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa với tư cách người bị hại cho biết: „Trong phiên tòa khai mạc sẽ xuất hiện 4 đến 5 nhân chứng người Đức, tại đây họ sẽ tường thuật lại cảnh trực tiếp chứng kiến 2 người bị một nhóm được cho là mật vụ của Việt Nam bắt cóc hôm 23.7.2017 tại công viên „Tiergarten“, sau đó bị lôi lên chiếc xe VW T5 màu nhũ bạc. Các nhân chứng đã kịp chụp lại hình ảnh giằng co nơi công viên và chiếc xe cùng biển số Cộng Hòa Séc, liền sau đó họ báo cho cảnh sát Berlin về vụ việc bất ngờ này“.
Vị luật sư cho biết tiếp: „Trước khi phiên xử diễn ra, danh sách bị cáo cùng các nhân chứng sẽ được tòa niêm yết công khai ngay trước cửa phòng xử án, mỗi phiên xử sẽ có các nhân chứng khác nhau được triệu tập, trong số này có nhiều người Việt Nam đang định cư tại Đức“.
Nguồn tin từ lực lượng điều tra cảnh sát Đức cho biết: „Những nhân chứng người Việt có mối quan hệ rất gần gũi với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nhiều mặt“.
Một người đã tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ vụ án tiết lộ: „Tôi đã được xem bản cáo trạng cho vụ này, nó dầy trên 70 trang. Để đọc hết tập cáo trạng đó có lẽ Tòa cũng phải mất hơn 1 ngày mới hoàn thành“.
Trong thông báo của Tòa cũng cho biết: „Tổ chức vụ bắt cóc này là Tổng cục Tình báo an ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam (TC5)“, điều này loại bỏ được hoài nghi có sự nhúng tay của Tổng cục Tình báo quân đội (TC2) mà nhiều người nghi ngờ trước đó.
Theo một nguồn tin khác, có thể trong buổi khai mạc hôm 24.4 phiên tòa xét xử vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bạn gái Đỗ Thị Minh Phương tại Berlin, sẽ có biểu tình phản đối hành động bắt cóc người của mật vụ Việt Nam ngay trên nước Đức.
Theo luật pháp Đức, hiện nay bị cáo Nguyễn Hải Long, 47 tuổi, mang Quốc tịch Việt Nam, khi bị tạm giam ở Berlin, thì Đại sứ quán Việt Nam tại Đức có quyền đề nghị được bảo hộ công dân bằng các hình thức hỗ trợ pháp lý, thăm và mang thực phẩm vào trong tù.
Được biết, khi ông Long bị tạm giam, mặc dù bị cáo buộc đã hỗ trợ mật vụ Việt Nam hoàn thành việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh nhưng từ khi bị bắt cho đến nay ông Long không nhận được một sự trợ giúp nào.
Luật Đức cũng quy định, đối với những người không có điều kiện tài chính, để có một phiên tòa công bằng thì nhà nước Đức đã phải đảm nhận trả tiền thù lao cho luật sư biện hộ. Ông Long đã tự chọn một luật sư độc lập bào chữa cho mình, đó là ông luật sư Stephan Bonnel ở thành phố Leipzig miền Đông nước Đức. Thù lao cho luật sư có thể lên tới 50.000,- Euro trong toàn bộ thời gian, bao gồm cả 21 phiên xử, được dự kiến sẽ diễn ra trong 4 tháng. Với nhiều bằng chứng, vật chứng được Công tố liên bang đưa ra chắc chắn sẽ gây nhiều bất ngờ lớn tới người dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng như dư luận quốc tế.
Được biết, nghi can Long bị giam ở nhà tù Berlin và phiên tòa xét xử diễn ra ở Berlin, nhưng ông Long đã chọn một luật sư biện hộ từ Leipzig, lý do là vì ông Đào Quốc Oai cậu của ông Long đã ở Leipzig trong một thời gian dài trước khi sang Cộng Hòa Séc sống tại thành phố Brno. Trong những lần bị pháp luật thời đó truy tố trước tòa, mà báo chí Đức với những hàng tít lớn như „Băng đảng Mafia thuốc lá Việt Nam“ v.v. ông Oai đã thuê luật sư Stephan Bonnel và có lẽ đã có kinh nghiệm tốt với ông luật sư này.
Bản thân bị cáo Nguyễn Hải Long là người lao động hợp đồng thời Đông Đức cũ. Vài năm sau bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất, ông Long đã bị bác đơn xin tỵ nạn, nên sau đó đã trôi dạt sang sinh sống ở CH Séc. Ông Đào Quốc Oai đã ở Leipzig cùng với ông Long trong thời gian này, ngay sau khi nước Đức thống nhất.
Ông Stephan Bonnel, Luật sư biện hộ cho ông Long, nói rằng thân chủ của ông đã bác bỏ tất cả các cáo buộc. „Bị cáo Nguyễn Hải Long chỉ là một con tốt thí“, luật sư Stephan Bonnel nhấn mạnh.
Lê Anh
Thoibao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét