‘Kết thúc nhân quyền’ để xử quan chức? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

‘Kết thúc nhân quyền’ để xử quan chức?


2018 sẽ là năm mà nội dung “bắt và xử quan chức” chiếm phần chủ yếu, thay vì chỉ “bắt nhân quyền” như năm 2017. Ảnh: Nghệ tĩnh 365

Hiện tượng chính quyền Việt Nam cấp tập đưa ra xét xử án những nhà hoạt động nhân quyền cùng mức án nặng vào đầu năm 2018 có thể bổ sung một tín hiệu về chiến dịch “đốt lò” sắp đi vào giai đoạn nóng rẫy “bắt và xử quan chức”, thay vì chỉ “bắt nhân quyền” trong năm 2017.

Sau tết nguyên đán 2018, hàng loạt vụ án Hội Anh Em Dân Chủ (6 người) và những vụ xử cá nhân đối với những nhà hoạt động nhân quyền như Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân, Vũ Văn Hùng đã diễn ra gần như đồng loạt ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, với thời gian xử án ngắn gọn, kể cả xử lén lút mà không cho luật sư bảo vệ và gia đình tham dự, với nhiều mức án rất nặng nề…, cho thấy đây là một chủ trương của đảng cầm quyền và ngành tư pháp.

Trừ trường hợp Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự của anh là cô Lê Thu Hà bị bắt vào cuối năm 2015, đa số những nhà đấu tranh nhân quyền bị đưa ra xử án trên đều bị công an bắt và tống giam trong năm 2017 – năm mà nhà cầm quyền đã bắt đến gần ba chục người bất đồng chính kiến và đạt “thành tích” cao nhất về bắt bớ người hoạt động nhân quyền trong những năm gần đây.

Cho tới nay, ngoài một vài trường hợp như nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Trung Trực ở Quảng Bình chưa đưa ra xử, hầu hết những thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đều đã ra tòa. Chính quyền cũng coi như đã “tất toán” xong vụ án Hội Anh Em Dân Chủ.

Vậy bước tiếp theo của nhà cầm quyền sẽ là gì? Bắt tiếp chăng?

Tuy nhiên từ tháng Mười Một năm 2017 đến nay – tức đã qua 6 tháng, nhà cầm quyền đã chỉ bắt thêm một vụ là nhà hoạt động nhân quyền Vũ Văn Hùng – thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội giáo chức Chu Văn An, nhưng không dám quy vào tội chính trị mà chụp cho cái mũ “cố ý gây thương tích” rồi đem ra xử án, cho dù đến giờ cả công an lẫn hội đồng xét xử vẫn không hề công bố được “nạn nhân bị gây thương tích” là ai.

Số bất đồng bị bắt chỉ 1 người trong 6 tháng trên là tỷ lệ thấp hẳn so với con số gần 30 người bị bắt chỉ trong 8 tháng của năm 2017 (từ tháng Ba đến tháng Mười năm 2017).

Chủ trương của đảng cầm quyền về “hạn chế bắt phản động” ngày càng lộ rõ.

Một chiến dịch “quốc tế vận” của chính thể Việt Nam đối với châu Âu đã được tái khởi động từ tháng Mười Một năm 2017, với mục tiêu hồ sơ EVFTA được Ủy ban châu Âu trình lên Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để chính thức được phê chuẩn trong năm 2018.

Liên quan đến hiện tượng “tất toán” xử án nhân quyền vào đầu năm 2018: hiểu một cách đơn giản nhất, ngành tư pháp đã có thể nhận được chỉ đạo của đảng cầm quyền về việc phải kết thúc sớm các vụ xử “phản động” để còn bố trí lịch và đội ngũ nhân lực phục vụ cho quá trình “xử quan chức”.

“Xử quan chức” lại là kế hoạch nổi cộm trong năm 2018 và có thể kéo sang cả năm 2019. Từ cuối năm 2017, kế hoạch xử án quan chức tham nhũng đã được lên lịch với 21 vụ đại án chỉ riêng trong năm 2018, chưa kể những vụ phát sinh.

Nếu lý do trên là có cơ sở, 2018 sẽ là năm mà nội dung “bắt và xử quan chức” chiếm phần chủ yếu, thay vì chỉ “bắt nhân quyền” như năm 2017.

Chiến dịch “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng đang đầy hứa hẹn sôi sục và quay quắt, cùng “cái lò” của ông ta hứa hẹn tỏa ra hơi nóng khủng khiếp trong năm 2018 này.

Sau Đinh La Thăng, rất có thể sẽ là những cái tên quan trọng khác của giới quan chức – những “khúc củi” vừa khô vừa tươi – bị tống vào “lò”. Bản “danh sách tử thần” của ông Trọng đang và sẽ ngày càng dài ra, bắt buộc Ủy ban Kiểm tra trung ương – cơ quan duy nhất được ông Trọng khen ngợi công khai “làm việc gì ra việc nấy” – phải hoạt động hết công suất, và Trần Quốc Vượng – dù muốn hay không – cũng phải trở thành “Vương Kỳ Sơn Việt Nam”.

Trong khi Ủy ban Kiểm tra trung ương đang triển khai kế hoạch kiểm tra đến tận cấp quận huyện, thay vì chỉ là cấp tỉnh thành như trước đây, thì nhiều đơn vị của ngành tư pháp như cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đã phải huy động cả những công chức vừa về hưu nhưng có kinh nghiệm để cộng tác trở lại nhằm phục vụ hoạt động “chống tham nhũng”.

Ngoài các vụ án thuộc loại đại án và cấp quốc gia, ở nhiều địa phương cũng diễn ra ngày càng nhiều vụ kỷ luật đảng, bắt bớ và xử án nhanh chóng những quan chức tham nhũng.

Mới sau tết nguyên đán 2018, đã có vài ba công chức ngành tòa án than thở “Trên chỉ đạo xử gấp nên phải chạy bở hơi tai”.


Thiền Lâm
Calitoday

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad