Trong khi một nguồn tin khác nói, “Đây chỉ là tin đồn, ông Minh đang bị giam tại B34, Hà Nội và không có chuyện có chuyện tự tử!”
Trên mạng xã hội facebook, nhiều facebooker “loan tin” này sau đó lấy xuống và thay bằng các bình luận hết sức dè dặt.
Một nguồn tin thứ ba của Người Việt bình luận, “Nhiều khả năng có ai đó muốn trừ khử ông Minh vì lo ngại ông này và Vũ Nhôm sẽ khai ra các nhân vật tham nhũng ở cấp cao hơn nữa.”
Tại Việt Nam, khi mà thông tin bị bưng bít, các sự việc liên quan đến “nhạy cảm chính trị” chỉ khi nào được đàng CSVN “bật đèn xanh” thì báo chí mới được loan tin. Theo thông lệ, nhiều tin đồn luôn xảy ra trước, nhất là các trường hợp liên quan đến việc bắt giữ hay “thanh trừng” lẫn nhau trong guồng máy chính trị, hay sức khỏe lãnh đạo chóp bu.
Ông Trần Văn Minh, sinh năm 1955, nguyên là phó bí thư Thành Ủy, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng từ năm 2004 đến 2011, giai đoạn ông Nguyễn Bá Thanh là bí thư Thành Ủy Đà Nẵng.
Ông Minh bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 17 Tháng Tư, 2018, vì liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, người bị cáo buộc tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước,” “Trốn thuế,” “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Cùng bị bắt với ông Minh còn có 6 quan chức cao cấp khác, trong đó có cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng (2011-2014) Văn Hữu Chiến, sinh năm 1954. Tất cả các quan chức này đều dính tới “Vũ Nhôm.”
Theo cáo buộc được báo Lao Động trích dẫn, ông Trần Văn Minh “đã có vi phạm rất nghiêm trọng về quy chế làm việc, vi phạm các quy định về quản lý đất đai: Đã làm thất thu và thất thoát gần 2,000 tỷ đồng (khoảng 100 triệu Mỹ kim), vi phạm về quản lý sử dụng tài sản nhà nước.”
Vào thời điểm ông Minh bị bắt, truyền thông Việt Nam cho hay rằng “trong thời gian làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ 2006 đến Tháng Bảy, 2011, ông Minh đã bán trực tiếp hoặc gián tiếp hàng loạt nhà đất công cho Vũ ‘Nhôm.’”
Trang “Soha” cho hay, “Trên đường Bạch Đằng – là con đường giá trị nhất Đà Nẵng, ông Vũ ‘Nhôm’ mua được gần 9 nhà đất công sản.”
“Nhiều nhà đất công sản khác cũng về tay Vũ ‘Nhôm’ bằng nhiều hình thức.”
Một nhà đất công sản nằm bên sông Hàn được ông Vũ “Nhôm” mua và xây dựng thành nhà hàng trong thời gian ông Trần Văn MInh làm chủ tịch Đà Nẵng. (Hình: Soha) |
Theo “Soha”: “Các nhà đất công sản đó gồm: nhà, đất tại 7 Bạch Đằng, bán giá 10,735 tỉ đồng cho ông Vũ “nhôm” vào Tháng Chín, 2009; Nhà, đất 45 Nguyễn Thái Học, bán cho công ty IVC (công ty Vũ “Nhôm” vào năm 2007); Nhà, đất 49 Nguyễn Thái Học (năm 2009, ông Phan Văn Anh Vũ nhận chuyển nhượng toàn bộ ngôi nhà và đất tại 49 Nguyễn Thái Học); Nhà, đất tại số 2 Hải Phòng (năm 2010, Công ty TNHH Minh Hưng Phát, mua với giá trên 3 tỉ đồng).”
“Ngoài ra, còn có nhà, đất tại 319 Lê Duẩn (năm 2010, bán cho công ty CP Xây Dựng Bắc Nam 79, rồi chuyển đổi tên người nhận chuyển quyền sử dụng đất sang ông Phan Văn Anh Vũ); Nhà, đất tại 36 Bạch Đằng (năm 2009, Công ty CP Xây dựng 79 mua với giá 35,460 tỉ đồng); Nhà, đất 38 Bạch Đằng (năm 2008, công ty CP Xây Dựng 79 mua với giá 10,898 tỉ đồng).”
Ngoài nhà, đất công sản, nhiều dự án được bán cho các công ty của Vũ “Nhôm” hoặc có dính đến Vũ “Nhôm” cũng trong giai đoạn ông Trần Văn Minh làm chủ tịch.
“Dự án khu đô thị Harbour Ville của công ty Mega (năm 2008); Dự án Phú Gia Compound, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (mua bán 2007 và năm 2009 chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất sang cho người thân ông Phan Văn Anh Vũ); Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010) hay Công viên An Đồn (năm 2010) cũng của Vũ “nhôm.”
Sau khi ông Minh bị công an bắt tạm giam để tiếp tục điều tra, truyền thông Việt Nam ít nhắc đến nhân vật này nữa. Gần đây nhất, hôm 9 Tháng Tám, 2018, báo Lao Động loan tin, “Ban Chấp Hành Đảng Bộ thành phố Đà Nẵng đề nghị kỷ luật ông Trần Văn Minh – cựu chủ tịch UBND thành phố với hình thức khai trừ đảng.”
Chấn động gần đây nhất, hôm 18 Tháng Chín, 2018, công an khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú thêm 8 quan chức cao cấp ở Sài Gòn và Đà Nẵng liên quan đến vụ Vũ “Nhôm.”
Các quan chức ở Đà Nẵng bao gồm: Đào Tấn Bằng (43 tuổi, cựu chánh Văn Phòng Thành Ủy Đà Nẵng, cựu phó chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng, nay là bí thư Đảng Ủy Khối Các Khu Công Nghiệp Đà Nẵng), Nguyễn Viết Vĩnh (40 tuổi, cựu trưởng Phòng Quản Lý Đô Thị Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng, nay là giám đốc Cảng Vụ Đường Thủy Nội Địa), Nguyễn Văn Cán và Phan Xuân Ít, cùng 64 tuổi, đều là cựu chánh và phó chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng.
Còn tại Sài Gòn, ngoài ông Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, cựu phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn), là Đào Anh Kiệt (61 tuổi, cựu giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường ở Sài Gòn), Lê Văn Thanh (56 tuổi, phó chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn), Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, trưởng Phòng Đô Thị, Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn).
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét