Cám ơn hoa đã vì ta nở - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Cám ơn hoa đã vì ta nở


Đọc câu trên chúng ta có thể mỉm cười: Thi sĩ quá chủ quan. Bông hoa nở vì đến ngày, đến giờ hoa phải nở! Hoa không nở vì ai hết.

Một gia đình người Việt Nam đón Lễ Tạ Ơn. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)

Nhưng cũng nên rộng lượng một chút. Trong lịch sử loài người, Tô Thùy Yên không phải là người đầu tiên thốt lên những lời lẽ chủ quan như vậy.

Hãy coi những Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving.

Từ hàng chục ngàn năm trước, khi các bộ lạc sống bằng nông nghiệp mở lễ hội sau mùa gặt hái thành công, họ cũng làm Lễ Tạ Ơn. Họ tỏ lòng biết ơn đối với tất cả trời, đất, trong đó có các vị thần mưa, thần gió, nắng, thần lúa, thần bắp… đã giúp cho mùa màng tốt tươi, con người no đủ.

Nhưng Trời Đất có cố ý tạo mưa thuận gió hòa giúp đám người thành kính đó hay không?

Có hay không, câu trả lời không quan trọng.

Trời Đất có thể cố ý giúp con người. Cũng có thể không có ý định nào hết.

Bông hoa có thể nở đúng lúc cho mình coi; cũng có thể chỉ là sự tình cờ.

Nhưng lòng biết ơn là điều đáng kể.

Biết ơn chứng tỏ một tấm lòng khiêm cung. Tạ ơn Trời Đất khi gặt hái thành công nghĩa là con người không nhận lấy tất cả công trạng về mình. Nếu không có mưa thuận gió hòa, không có đất đai màu mỡ, không có những thổ dân đã sống trên mảnh đất đó nhiều đời chỉ cho lúc nào gieo bắp và vun đắp thế nào, hoặc không chỉ cho muốn bắt cá phải chọn chỗ nào, thì những người “Hành Hương” (Pilgrims) khó đạt được mùa màng sung túc vào mùa Thu năm 1621 ở Plymouth Rock.

Những người Pilgrims đi trên con tàu Mayflower từ Plymouth, nước Anh, tới Plymouth, Massachusetts cuối năm 1620. Trước họ đã có những di dân từ Anh, Pháp sang Châu Mỹ lập nghiệp. Cái tên Pilgrims là do đời sau đặt cho họ, chính họ tự gọi mình là nhóm “Ly khai.” Họ ly khai khỏi Giáo Hội Anh Quốc, chạy sang Hòa Lan sống. Không hài lòng, họ đi nhờ chiếc tàu Mayflower qua Châu Mỹ, chiếm một phần ba nhân số trên tàu đó.

Họ chọn Plymouth Rock làm nơi định cư vì đất trống; thổ dân sống trong làng đó là bộ lạc Patuxet một chi nhánh của sắc dân Wampanoag trong vùng này. Trước đó mấy năm, họ đã chết hết sau một trận dịch đậu mùa.

Mùa Đông đầu năm 1621 khốn khó vô cùng. Trong số 102 người cùng đi tàu Mayflower, đến đầu mùa Thu năm 1621 chỉ còn 46 người sống sót. Nhưng vào Tháng Ba năm đó, họ gặp Tisquantum, thường gọi là Squanto, một người Patuxet còn sống sót nhờ may mắn! Chính Squanto chỉ cho nhiều di dân mới cách làm rẫy, bắt cá, kiếm sống, bằng tiếng Anh!

Squanto “may mắn” vì năm 1614 anh ta bị một bọn người Anh bắt cóc, đem về Châu Âu, bán làm nô lệ ở Tây Ban Nha. Anh ta sống ở nước Anh cho đến năm 1619 thì mua được đường về châu Mỹ. Về tới làng Patuxet thì anh biết cả làng đã chết hết rồi. Tháng Ba, 1621, anh tình cờ về làng cũ thì gặp các di dân mới đến!

Những di dân mang tên Pilgrims đã xây dựng nhiều nền tảng cho xã hội Mỹ Châu sau này, trong đó có lẽ có cả Lễ Tạ Ơn. Họ đã tổ chức hội ba ngày vào Tháng Mười Một, 1621, có cả 91 người thuộc sắc dân Wampanoag tham dự. Dân Mỹ biết ơn những người khai phá lập nên quốc gia mới này. Nhưng nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều, có khi lật ngược những điều mà các “tổ phụ” từng tin tưởng.

Các Pilgrims không cảm ơn Trời Đất nói chung, nhưng tạ ơn Đấng Thượng Đế mà họ tôn thờ theo cách hiểu của họ. Chính vì tín ngưỡng riêng biệt đó mà họ “ly khai” khỏi nước Anh. Họ không qua vùng đất mới để xây dựng một xã hội tự do tín ngưỡng. Họ muốn lập ra trên đất Mỹ Châu một cộng đồng những người cùng tín ngưỡng, không có những người khác.

Trong số những người chống lại chủ trương trên là Roger Williams. Ông ta cũng đi tị nạn, tới Massachusetts năm 1631. Vì ông tin vào quy tắc “nhà nước không được xâm phạm vào đời sống tín ngưỡng của người dân.” Do đó, chống chính quyền Anh và Giáo Hội Anh Quốc. Nhưng ông không sống được ở Massachusetts vì ý kiến tự do tín ngưỡng trái ngược với đám đông. Ông lại bị xua đuổi, phải qua sống nơi bây giờ là tiểu bang Rhode Island. Ở đó, ông tiếp tục tuyên dương quy tắc tự do tín ngưỡng. Trên căn bản, đó là quyền tự do của mỗi cá nhân sống theo tiếng nói của lương tâm mình.

Williams viết: “Loài người có khả năng và có khuynh hướng muốn sống khác nhau. Điều đó không có gì mới.”

Không mới, nhưng vẫn phải có người nói ra, can đảm tuyên ngôn điều đó và những người khác cùng tổ chức một xã hội sống theo quy tắc đó. Đó chính là căn bản cho tu chính án thứ nhất bảo vệ tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, viết trong hiến pháp Mỹ. Ai sống ở Mỹ tức là đang được hưởng những quyền tự do đó, tự nhiên như thở khí trời, mà đó là một di sản của những người như Williams để lại.

Chúng ta cùng bày tỏ lòng biết ơn với những người đã xây dựng các định chế tự do dân chủ trên mảnh đất này từ ba, bốn thế kỷ trước. Họ không biết chúng ta, cũng không tranh đấu để bảo vệ các quyền tự do cho chúng ta đang hưởng. Nhưng chúng ta vẫn muốn bày tỏ lòng biết ơn.

Cũng như khi thi sĩ nhìn bông hoa nở trước mắt mình, thốt lên một lời cảm tạ.


Ngô Nhân Dụng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad