Dù cố gắng tỏ ra lạc quan về sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia, và dù không nêu đích danh tên nước, nhưng khi ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá tình trạng “hiện nay có những nước vẫn nhòm ngó, tranh chấp chủ quyền, muốn xâm phạm độc lập chủ quyền của chúng ta”, thông qua đó kêu gọi “không chỉ giao lưu bề nổi mà Bộ Quốc phòng, Quân ủy tiếp tục đi sâu, làm sâu sắc bài học chiến tranh cách mạng, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” đã thể hiện sự gia tăng đột biến nỗi lo chủ quyền từ người đứng đầu Đảng-Nhà nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng dần cảm nhận thấy sức nóng của sự đe dọa chủ quyền, yếu tố sẽ trực tiếp gây tổn hại mạnh nhất đến quyền lực của chính ĐCSVN. Trong bối cảnh, Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại tham vọng chiếm lĩnh lấy Biển Đông, mà Việt Nam là một quốc gia mà Bắc Kinh sẵn sàng tráo đổi lợi ích quan hệ tương quan hai nước để đổi lấy lợi ích cốt lõi chủ quyền quốc gia khi cần thiết.
Chuyển biến quốc phòng từ “ba không” thành “bốn không” thể hiện sự lo lắng nhiều hơn đối với các thế lực bên ngoài, bởi ông Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam diễn giải, “tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết”.
Như vậy, dù chính sách ban đầu của “bốn không” vẫn là trấn an Bắc Kinh về chính sách quân sự không hề nao núng của Việt Nam, trước nhiều tin đồn về “liên minh với Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, chính sách này cũng theo đuổi tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kể cả “quân sự” với các nước khi cần.
Việt Nam kiên quyết, Bắc Kinh nhún nhường?
Bắc Kinh đang kết hợp giữa nhóm đội tàu quân sự và nhóm tàu “nghiên cứu hải dương học” để thực hiện cái gọi là “quyền tài phán quốc gia”, bất chấp một thực tế là xâm hại chủ quyền và quyền tài phán của các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.
Theo đánh giá của TS Đỗ Thanh Hải thuộc Học viện Ngoại giao trên East Asia Forum, Việt Nam “thận trọng nhưng kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình” nhưng liệu sự thận trọng và kiên quyết đó có làm “nhụt ý chí” của Bắc Kinh thông qua Đường lưỡi bò?
Mặc dù, Hà Nội trong năm qua cho thấy một Việt Nam ấm dần trong hợp tác quân sự với các nước Mỹ, Tây Âu và Đông Á, và đe dọa sẽ kiện Bắc Kinh ra Tòa án trọng tài quốc tế như Manila đã từng làm. Thế nhưng, học giả Richard Heydarian trong một bài bình luận trên SCMP ngày 21/12/2019, nhấn mạnh, “Bắc Kinh khó nhún nhường ở Biển Đông”, đồng nghĩa “lập trường cứng rắn” của Tập Cận Bình sẽ tiếp tục được thực thi.
Quan điểm này của học giả Richard Heydarian phù hợp với những gì đã và đang diễn ra tại Biển Đông năm 2019, thời gian chỉ chứng kiến sự “đe dọa” liên tục của Bắc Kinh với chủ quyền các quốc gia trong khu vực hơn là một động thái “thân thiện”, bất chấp Bắc Kinh đang đương đầu với các áp lực lớn đến từ tình hình Hồng Kông và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tập Cận Bình từng tuyên bố tại đảo Hải Nam vào năm 2018, “không chạy theo các quốc gia khác, và cũng không phải chịu thua áp lực từ bên ngoài”. Và Bắc Kinh đặt mục tiêu xây dựng “một trung tâm tàu ngầm kiểu Atlantis nằm sâu trong vùng biển của Biển Đông”, kết quả, một năm sau, Tập Cận Bình khánh thành tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này mang tên Sơn Đông.
Nhân Dân nhật báo, cơ quan của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thẳng thừng tuyên bố, “tàu sân bay Sơn Đông sẽ chú trọng tuần tra ở Biển Đông thay vì huấn luyện như Liêu Ninh”.
Vào tháng 12/2018, trong lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách và mở cửa tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình tuyên bố rõ ràng, “Trung Quốc sẽ không bao giờ phát triển trên sự tổn thất lợi ích của quốc gia khác nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Trung Quốc vẫn đang áp dụng quyết tâm này vào những ngày cuối năm 2019 trên vùng Biển Đông, khi nhóm tàu hải cảnh của Bắc Kinh lởn vởn trong khu vực lục địa phía Nam Việt Nam từ cuối tháng 11, theo Dự án Đại sự ký Biển Đông.
Bài học từ những lời hứa của Bắc Kinh
Giả sử rằng, Trung Quốc “hành xử kiềm chế” trong năm 2020 như cách Hà Nội đánh tiếng, thì đó cũng là “kiềm chế” giai đoạn, tất nhiên, Hà Nội phải có sự nhún nhường một cách có lợi cho Bắc Kinh, có vẻ đến từ Chính sách Vành đai và Con đường.
Nhưng sau đó sẽ thế nào?
Hãy nghĩ về mùa thu 2016, Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Mỹ Obama là “không quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông”.
Kết quả “lời hứa” là, đường băng dài hơn 3,000m, các kho chứa đạn dược, thiết bị có khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không được triển khai trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và chiếm giữ bất hợp pháp. Vào tháng 11/2019, vệ tinh của Israel phát hiện một vật thể có hình dáng của một chiếc khinh khí cầu ngay bên trên Đá Vành Khăn (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ).
“Khinh khí cầu” này sẽ giúp Bắc Kinh “thu thập thông tin tình báo quân sự, đã được nhìn thấy trên Đá Vành Khăn, cho phép Trung Quốc theo dõi tình hình khu vực một cách liên tục”.
Điều đó cho thấy rằng, năm 2020, Bắc Kinh có thể đối mặt với quyết tâm hơn của Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ASEAN, bằng… cứng rắn và quyết đoán hơn với bản chất bá quyền của mình.
Quang Thành
BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét