Miễn trừ trách nhiệm người tiếp tay tham nhũng: “Trò hề” để lách tội! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Miễn trừ trách nhiệm người tiếp tay tham nhũng: “Trò hề” để lách tội!


Mới đây, một số cử tri đề nghị cần có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng… nhằm giúp thúc đẩy tố cáo, giúp giảm tham nhũng.
Hình minh họa: Người dân đi qua tấm biển cố động cho Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 22/1/2021. AFP PHOTO

Phần âm thanh - Nhấp vào nút play (►) phía dưới để nghe


Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trong báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV cho biết, các cử tri cho rằng hành vi tham nhũng vặt thường diễn ra trong mối quan hệ khép kín giữa chủ thể tham nhũng và chủ thể tiếp tay tham nhũng… do đó sẽ rất khó phát hiện nếu không có tố giác từ những người tham gia. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế miễn trừ trách nhiệm thì những người tham gia mới dám tố giác.

Trốn trách nhiệm, chạy tội

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 22/2 cho biết ý kiến về đề nghị này:

“Thứ nhất, tham nhũng và hối lộ là một cặp bài trùng như hình với bóng để thỏa mãn lòng tham của đôi bên, bất chấp luật pháp. Thứ hai, về luật pháp thì ở Việt Nam có đầy đủ các luật rồi, Luật phòng chống tham nhũng, Bộ luật hình sự, cùng với nhiều nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN)… đã có quy định đầy đủ. Bây giờ đưa thêm khái niệm ‘miễn trừ trách nhiệm người tiếp tay tham nhũng’, thì đứng về mặt luật pháp không có một điều luật nào quy định khái niệm này, đó là vi phạm luật. Đồng thời khái niệm ‘người tiếp tay tham nhũng’ thì tôi cho rằng là một hình thức chính quyền tiếp tục bóp méo tiếng Việt nhằm để chạy trốn trách nhiệm, và chạy tội cho nhẹ đi.”

Thứ ba, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nếu khái niệm "miễn trừ trách nhiệm người tiếp tay tham nhũng" được luật hóa, thì sẽ biến thành trò hề trước một vấn đề trầm trọng mang tính sống còn của chế độ độc đảng toàn trị, và làm như vậy là xé bỏ luật pháp. Ông Già nói tiếp:

“Thứ tư, nếu khái niệm này được luật hóa thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất tồi tệ. Bởi vì các phe phái có thể hoàn toàn đủ căn cứ nhằm lợi dụng khái niệm này để thanh trừng lẫn nhau. Bởi vì tham nhũng hối lộ ở Việt Nam hiện nay đã trở thành bản chất, nó có hệ thống, có đường dây chặt chẽ từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp… Và người dân chúng tôi như những người khán giả coi nhà cầm quyền cộng sản diễn tuồng. Chứ còn chúng tôi không có khả năng, không có quyền hạn, không có một ai bảo vệ để tố cáo tham nhũng.”

Tóm lại, theo ông Nguyễn Ngọc Già, nếu khái niệm "miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng" được luật hóa thì nó sẽ tạo ra một xã hội Việt Nam hỗn loạn, vô chính phủ ngày càng trầm trọng… chứ không giúp giải quyết việc giảm tham nhũng, hối lộ.

Nếu khái niệm này được luật hóa thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất tồi tệ. Bởi vì các phe phái có thể hoàn toàn đủ căn cứ nhằm lợi dụng khái niệm này để thanh trừng lẫn nhau. -Nhà báo Nguyễn Ngọc Già


Cùng về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 22/2/2023 cho rằng, trong một mối quan hệ tham nhũng, có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất đó là cán bộ chủ động vòi vĩnh tiền của người dân để thông qua một hồ sơ. Trường hợp thứ hai, người dân chủ động tiếp cận với cán bộ để đưa tiền hối lộ nhằm thông qua hồ sơ một cách nhanh chóng. Trong cả hai trường hợp trên, theo ông Vũ, khi mà số tiền hối lộ nó nhỏ hơn chi phí mà người dân phải bỏ ra để đi tới đi lui nhằm hoàn thiện thủ tục hay nó nhỏ hơn lợi ích đạt được khi thông qua một dự án thì không có lý do gì mà người dân chủ động đi tố cáo cán bộ nhận hối lộ cả. Tiến sĩ Vũ giải thích tiếp:

“Chuyện nhận hối lộ bị bắt thường là do bị gài hoặc là sau khi nhận hối lộ rồi mà cán bộ quịt, không làm đến nơi đến chốn khiến người dân tức giận quay ra tố cáo mà thôi. Cho nên cái chuyện đề xuất miễn trừ trách nhiệm đối với người tiếp tay tham nhũng dù nó có vẻ giúp chống được tham nhũng nhưng về mặt thực chất nó không có tác dụng bao nhiêu cả. Tham nhũng bị phát hiện thường phải nhờ tới một bên thứ ba. Bên thứ ba này phải có đủ quyền và đủ động lực để moi ra tham nhũng".

Cũng theo tiến sĩ Huy Vũ, trong các thể chế dân chủ, bên thứ ba đó là các nhà báo và phe đối lập. Bởi lẽ, theo ông:

“Họ muốn moi ra các vụ tham nhũng để kỳ bầu cử sau họ thắng cử. Hay trong các thể chế dân chủ chưa hoàn thiện như Singapore, họ có những cơ quan độc lập nhằm điều tra tham nhũng, bởi việc moi ra các vụ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy là trách nhiệm sống còn của đảng cầm quyền, vì nếu đảng không thể tạo ra một nhà nước trong sạch thì đảng sẽ phải chịu trách nhiệm cuối cùng và người dân sẽ quyết định tính sống còn của đảng.”

Tuy nhiên, trong thể chế chính trị độc đảng hiện nay ở Việt Nam, Tiến sĩ Huy Vũ cho rằng, tham nhũng đã hiện diện ở mọi cấp, mọi ngành, thì khó mà chống được tham nhũng vì nó mang tính hệ thống. Việc khui ra một vài vụ tham nhũng điển hình (như thời gian qua), theo quan điểm của Tiến sĩ Vũ, chủ yếu là để đánh bóng hình ảnh của đảng cầm quyền và chủ yếu nhằm vào một vài cá nhân mà người đứng đầu đảng muốn loại bỏ để tăng cường quyền lực của mình.

Tiến sĩ Huy Vũ nói tiếp:

“Ai cũng biết rằng muốn chống tham nhũng thì phải tăng lương cho cán bộ, song song đó là giảm số cán bộ, để họ không muốn tham nhũng; sau đó là tăng hình phạt và giám sát kỹ để họ không dám và không thể tham nhũng. Đó là về lý thuyết. Nhưng muốn làm được theo lý thuyết như vậy thì trong hệ thống phải có một số lượng lớn người muốn đi theo hệ thống đó, muốn áp dụng một hệ thống không có tham nhũng như vậy.

Điều này là bất khả thi trong hoàn cảnh hiện nay vì khi mà mọi người trong hệ thống công quyền đang hưởng lợi trong một hệ thống vốn chấp nhận và thoả hiệp với tham nhũng, đã quen với văn hoá này, thì không có lý do gì họ lại phải từ bỏ hệ thống có lợi hiện nay để đi tìm kiếm và xây dựng một hệ thống mới.”


Do đó, ông Vũ cho rằng, muốn xây dựng một hệ thống chống tham nhũng phải cần những con người mới, ở bên ngoài hệ thống. Chuyện đó, theo ông Vũ, chỉ xảy ra khi Việt Nam có một hệ thống chính trị dân chủ. Khi mà những đảng đối lập khác nắm quyền, mang theo những con người khác, những văn hoá khác vào hệ thống thì may ra họ mới tạo ra một động lực mới để chống tham nhũng.

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

Người tố giác “có thể” thành tội phạm

Ở một khía cạnh khác về pháp luật Việt Nam hiện hành thì việc “miễn trừ trách nhiệm” như cử tri nêu ra có được coi là mới. RFA đã kết nối với Luật sư Phạm Công Út hôm 22/2 và được ông cho biết:

“Nó không mới, trong bộ luật hình sự thì đồng phạm có thể được miễn truy cứu trách nhiệm khi ‘chưa bị phát hiện mà đã tố giác tội phạm’. Nhưng ở đây người ta sử dụng vẫn là từ ‘có thể’ chứ không phải là ‘đương nhiên’ được miễn trách nhiệm hình sự. Do đó tùy theo người đồng phạm đó thái độ của họ như thế nào?

Ví dụ họ đồng phạm với 10 người mà họ chỉ khai một người, giấu hết chín người thì có thể họ không được miễn trách nhiệm. Hay số tiền có thể là 10 tỷ mà họ chỉ nói tham gia vụ án một tỷ thôi, tức là họ che giấu đi một phần tội phạm. Luật đã quy định, chẳng qua người ta xào nấu lại thôi, làm nóng lại để phục vụ cho một vụ án nào đó sắp sửa khởi tố, hoặc để giống như ‘rung chà cá nhảy’… để người nào trong nhóm đồng phạm sẽ khai báo tố giác tội phạm.”


Nhân sự việc mới mẻ này để bàn về câu chuyện bảo vệ người tố giác tham nhũng có trong Chỉ thị số 27 của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành vào năm 2019.

Nội dung Chỉ thị này cũng nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong việc có không ít trường hợp người tố cáo bị lộ thông tin và bị trả thù. Trong khi đó, theo khoản 1 điều 25 của Luật Tố cáo 2018 quy định không được tố cáo ẩn danh, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, thì cơ quan có thẩm quyền không xử lý.

Người dân họ không phải là đồng phạm, họ là người tố giác tội phạm, nhưng sẽ bị quy chụp cho một tội danh nào đó. -Luật sư Phạm Công Út


Liên quan vấn đề người dân tố cáo tham nhũng được bảo vệ như thế nào, Luật sư Út nhận định:

“Người dân họ không phải là đồng phạm, họ là người tố giác tội phạm, nhưng sẽ bị quy chụp cho một tội danh nào đó. Ở Việt Nam người ta nói, tất cả mọi công dân đều là tội nhân dự bị, khi nào bắt là bắt, lúc nào vào tù là vào tù. Do đó đối với một rừng luật ở Việt Nam thì bất kỳ người dân nào đều có thể trở thành tội phạm, ví dụ những điều luật mơ hồ như tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích của tổ chức, cá nhân’… Hay là tội trốn thuế, bất kỳ ai cũng có thể dính vào tội đó, thành ra nếu người dân tố giác tội phạm nào đó dính tới quan chức, thì trước mắt họ chưa trả lời đơn đó, nhưng có thể sẽ bị bắt vào tù và không còn tiếng nói nữa.”

Bộ Chính trị Đảng CSVN vào tháng 4 năm 2022 tiếp tục yêu cầu hoàn thiện cơ chế khuyến khích người dân tố giác cán bộ tham nhũng. Nhưng thực tế chúng tôi ghi nhận thời gian qua từ thông tin chính thống lại thấy kết quả hoàn toàn khác.

Nói như Luật sư Phạm Công Út “mọi công dân đều là tội nhân dự bị”, trên thực tế, người dân rất ít có cơ hội hay phương tiện để biểu đạt như ở các nước dân chủ. Thậm chí nếu ai nói gì trái ý người có chức quyền có thể bị trả thù, trù dập hoặc thậm chí bị bị chụp mũ là phản động...

Đơn cử như trường hợp ông Lê Anh Hùng, một người từng có 70 đơn tố cáo các trường hợp tham nhũng tại Việt Nam, đã bị bắt đưa vào nơi giam giữ bệnh nhân tâm thần.

Hay trường hợp Cựu đại úy Công an Lê Chí Thành vì tố cáo tham nhũng của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội... đã bị kết án hai năm tù giam với cáo buộc "Chống người thi hành công vụ". Ngoài ra ông còn bị truy tố tội ‘Lợi dụng các quyền tự do- dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad