Trân trọng với chữ nghĩa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Trân trọng với chữ nghĩa


“Tiếng Việt còn, nước Việt còn,” nhưng không phải là thứ tiếng Việt tối mù lai căng như hiện nay. Hơn 40 năm trở lại quê nhà, nhiều người nghe tiếng Mẹ mà không hiểu. Tình trạng này, nếu tiếp tục vài ba chục năm nữa, ngôn ngữ Việt Nam sẽ ra sao?


Kính gửi đến những ai có lòng với chữ nghĩa.

Ấn Quang Đại sư, thuộc phái Tịnh Độ Tông của Trung Quốc, thế kỷ XIX, đã từng có phát biểu, đề cao “chữ nghĩa:”

“Chữ nghĩa là của cải quý báu nhất trong thế gian, có thể khiến kẻ phàm thành thánh, biến kẻ ngu thành trí, kẻ nghèo hèn thành phú quý, kẻ tật bệnh trở thành khỏe mạnh. Đạo mạch thánh hiền được lưu truyền thiên cổ; kinh doanh nuôi sống mình và gia đình, để của cải lại cho con cháu, không việc gì chẳng nhờ vào sức lực chữ nghĩa. Nếu trên đời không có chữ nghĩa, hết thảy sự lý sẽ đều chẳng thành lập được, con người cũng chẳng khác gì cầm thú!”

Vậy thì muốn sống cho ra con người cần phải biết quý chữ nghĩa. Người xưa, không phải chỉ biết quý chữ nghĩa theo nghĩa bóng, mà còn trân quý chữ nghĩa đã viết ra trên giấy, in thành sách. Thời ông Nội tôi, khoảng đầu thế kỷ 20 thôi, một tờ giấy có chữ, một trang sách rách, nhất thiết không vứt bỏ, mà phải đem đốt hay tốt hơn, bỏ vào miệng, nhai mà nuốt! Thời nay, sách, chữ đem gói xôi, lót nền nhà hay dùng làm giấy vệ sinh. Chữ nghĩa cũng là một nhu cầu thiết yếu của con người, cứ nhớ đến những ngày trong nhà tù, một mảnh báo gói mắm ruốc theo những chuyến thăm nuôi, từ ngoài gửi vào, đem rửa sạch, thay phiên nhau mà đọc.

Biết quý chữ nghĩa thì phải trân trọng với chữ nghĩa. Một nhà văn tự trọng không có cái tâm bừa bãi với chữ nghĩa mà phải cân nhắc mỗi khi hạ bút, chữ phải đúng nghĩa, đúng nơi, đúng thời. Trong một bài trước, tôi đã có nói đến trường hợp… hay văng tục trong chữ nghĩa của nhà văn Bùi Bảo Trúc, nhưng ông lại là người cân nhắc, chịu tra cứu, dùng đúng chữ, đúng nghĩa. Người như vậy đương nhiên là người luôn luôn khó chịu, bực mình khi thấy ai dùng chữ bừa bãi, chữ sai nghĩa, không đúng nơi.

Một tác giả, ông Nguyễn Ngọc Hoa, trong một bài viết khi Bùi Bảo Trúc qua đời, đã nói rằng ông chính là người bị sửa lưng vì chữ nghĩa, và ông đã nhắc lại một câu nói quen thuộc của Bùi Bảo Trúc là: “Cậu thấy không, chúng nó dốt không thể tả!”

Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa, một người bạn thân của Bùi Bảo trúc cũng đã công nhận: “Ông khó tính chừng nào với tình yêu và với người tình thì lại khó tính gấp bội với văn chương chữ nghĩa.”

Ký giả Đinh Quang Anh Thái trong một bài viết tưởng niệm cũng đã nhận xét về Bùi Bảo Trúc: “BBT còn căn dặn tôi khi đặt bút viết điều gì nếu không hiểu cặn kẽ thì phải tra cứu vì chữ nghĩa không phải trò chơi đùa. Lời dặn thể hiện cá tính của anh khi ngồi vào bàn viết. Bài anh viết, từng câu, từng chữ, là sự chọn lựa, cân nhắc, ngay cả những từ ngữ dung tục, sỗ sàng anh mắng những người anh cho là bất xứng.”

Người ta biết đời viết văn của Bùi Bảo Trúc có sự hỗ trợ không phải một, mà là bốn cuốn từ điển trên bàn viết của ông.

Ngay những ca sĩ hát sai lời ca của tác giả, Bùi Bảo Trúc cũng không chịu được và đã kiên nhẫn giải thích và phê phán không tiếc lời.

Bây giờ chữ nghĩa trong thiên hạ càng ngày càng vô… nghĩa và rối bời, không còn ra cái thể thống gì nữa! Trong nước chữ nghĩa được “sáng tạo” một cách bừa bãi, nhiều khi trở thành một thứ ngôn ngữ xa vời, lai căng, khó hiểu. Ở hải ngoại, người viết không khỏi bị ảnh hưởng, một phần thiếu cân nhắc, dễ dãi với mình. Nếu chúng ta cứ viết đại, viết ẩu thì liệu rồi, ngày mai đây, con cháu chúng ta, lớn lên sẽ dùng, viết chữ Việt như thế nào?

Chưa nói đến những chữ thông thường bị dùng sai, ghép từ Hán Việt một cách ngô nghê kệch cỡm, trong khi ngôn ngữ của chúng ta, có nhiều phần trăm là Hán Việt, nếu không thấu rõ, tra cứu sẽ rất dễ bị nhầm lẫn. Một nhà văn tự trọng không bao giờ chủ quan, tin cậy vào sự hiểu biết của mình, vì sự hiểu biết nào mà không bị giới hạn!

Không phải một nhà văn giỏi là một nhà văn không bao giờ nhờ cậy đến những cuốn từ điển, nói khác đi, là nhờ đến kiến thức của những người khác. Không biết thì hỏi những người biết hơn mình. Có ngạo mạn như Cao Bá Quát, tự đắc là tài giỏi nhất thiên hạ, cho rằng mình giữ hết hai bồ chữ, thì thế gian cũng còn lại hai bồ chữ khác mà mình chưa biết.

Chữ nghĩa có nhiều cái bẫy rất tinh vi, bởi vậy mới có người lầm “huy hoắc” với “huy hoàng,” hay “hồng nhan đa truân” với “hồng nhan đa đoan!” Một mình biết chẳng sao, nhưng làm văn hóa viết lên để có người nhầm lẫn hay tin theo là có tội với… chữ nghĩa và hậu thế!

Chính kẻ viết bài này, đôi khi cũng lấy làm khó chịu, phải thốt nên lời hay viết thành bài, vì không thể chấp nhận được lối dùng chữ nói và viết của trong nước, thì bị một người làm báo trẻ của thế hệ hôm nay lên lớp: “chữ nghĩa là sáng tạo, phải chấp nhận, sao cứ ca ra cẳng rẳng hoài vậy!”

“Tiếng Việt còn, nước Việt còn,” nhưng không phải là thứ tiếng Việt tối mù lai căng như hiện nay. Hơn 40 năm trở lại quê nhà, nhiều người nghe tiếng Mẹ mà không hiểu. Tình trạng này, nếu tiếp tục vài ba chục năm nữa, ngôn ngữ Việt Nam sẽ ra sao?

Chúng ta đã bỏ nước chạy lấy người ra đây, bây giờ lại đang bị làn sóng đỏ văn hóa, ngôn ngữ bén theo gót. Nói rõ là “bén gót” cho đến Bolsa. Mới hôm qua, mới bước vào một ngân hàng ở góc đường Westminster và Brookhurst, thành phố Westminster, kẻ hèn ngoại bát tuần này được một cô nhân viên trẻ đẹp, vồn vã hỏi rằng: “Mình cần gì?”

Như vậy điều quan trọng khẩn thiết là hải ngoại chúng ta đừng du nhập thứ ngôn ngữ trong nước ra đây một cách tùy tiện vô ý thức, bằng cách với báo chí thì copy và paste nguyên văn một bài báo của trong nước, với truyền thanh, truyền hình thì dùng nguyên bản tin viết sẵn của các nhà báo quốc nội. Ngoài ra những chương trình ca nhạc, những show giải trí được “cho không” từ trong nước, hay đính kèm những món quà “khuyến mãi” theo tinh thần của nghị quyết 36, rõ ràng là một mối di hại lớn cho văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.

Đã thua súng đạn, không có lẽ giờ đây, chúng ta lại thờ ơ để thua văn hóa:

“Nhìn lại xưa, có tội với tiền bối,
Nghĩ mai sau mang lỗi với hậu sinh!”



Huy Phương
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad