Tình trạng trục lợi tiền cứu trợ tại Việt Nam không bao giờ chấm dứt? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Tình trạng trục lợi tiền cứu trợ tại Việt Nam không bao giờ chấm dứt?



Ảnh minh họa. Người dân ở Hà Nội ký nhận tiền từ gói hỗ trợ xã hội 62 ngàn tỷ đồng/ Courtesy: vov.vn


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Nhiều cán bộ sai phạm

Trong báo cáo gửi đến Thủ tướng Chính phủ, hôm 22/5, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết nhiều cán bộ của hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Thuận bị phát hiện có nhiều sai phạm liên quan gói hỗ trợ xã hội 62 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, cán bộ tại một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, bằng cách điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận hay tình trạng lãnh đạo xã đưa người nhà vào danh sách hộ nghèo để được nhận tiền hỗ trợ. Thậm chí, ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định, có hiện tượng thân nhân của cán bộ ở nhà lầu và đi ô tô nhưng lại thuộc diện hộ cận nghèo nhận tiền hỗ trợ trong gói 62 ngàn tỷ.

Tại Ninh Thuận, còn xảy ra tình trạng các cán bộ đã chi thiếu tiền hỗ trợ cho 6 người nghèo ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước.

Bộ LĐ-TB&XH, trong báo cáo, cũng cho biết đã kỷ luật những cán bộ vi pham như vừa nêu trong việc thực hiện gói hỗ trợ xã hội 62 ngàn tỷ.

Đài RFA ghi nhận, ngay trước khi gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ được triển khai chi cho khỏang 20 triệu người dân bị tác động bởi dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều khuyến cáo lãnh đạo cấp địa phương không được để xảy ra tình trạng cán bộ trục lợi chính sách.




Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tại Hội nghị trực tuyến triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ diễn ra chiều 27/4, đã nói rằng gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ rất quan trọng và ông mong là không một cán bộ nào bị xử lý về đảng, về chính quyền và các hình thức kỷ luật khác vì "đụng" đến gói hỗ trợ này. Ông Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn tuyên bố nếu tình trạng đó xảy ra thì là nỗi nhục của các cán bộ.

Một chính sách lớn như vậy thì đi kèm theo luôn luôn có một bộ phận giám sát của Trung ương và các tỉnh. Thế nhưng người ta dù biết rằng có sự giám sát này đi nữa thì tình trạng đó vẫn xảy ra như thường. Thành ra có thể thấy luật pháp của Việt Nam không có tính hữu hiệu và mang tính răn đe làm cho cán bộ phải sợ. Tức là có một tình huống nào thì người ta lập tức nghĩ rằng thế nào cũng xảy ra như thế, thế nào cũng bị đục khoét như thế. Thí dụ trong dịch cúm COVID-19, ai cũng nghĩ rằng rồi thế nào cũng có thất thoát tiền bạc đây, thế nào cũng có những cán bộ vô tù đây, có nhiều người bị kỷ luật đây. Thành ra phải nói là không thể nào khác hơn được, mà ngay cả Trung ương cũng cảm thấy bất lực luôn

-Luật sư Đặng Dũng
Mặc dù ba vị giới chức lãnh đạo Việt Nam ở cấp thượng tầng lần lượt cảnh báo như thế, tuy nhiên Luật sư Đặng Dũng, người từng làm việc nhiều năm tại Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong cùng ngày 27/4 đã lên tiếng với RFA rằng ông chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tiêu cực của cán bộ khi thực hiện gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ.

Tròn một tháng sau, vào tối ngày 27/5, chúng tôi nêu vấn đề với Luật sư Đặng Dũng rằng qua báo cáo mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng mà ông tiên liệu chỉ xảy ra ở hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Thuận hay còn ở nhiều tỉnh thành khác nữa? Luật sư Đặng Dũng chia sẻ ý kiến cá nhân của ông:

“Thông tin của Nhà nước không được minh bạch thành ra nếu chỉ căn cứ vào báo cáo của Nhà nước thì chúng ta không thể biết được tình hình ở tất cả tỉnh thành như thế nào. Tuy nhiên, về vấn đề tiêu cực thì ngay trong lời nói của ông Nguyễn Xuân Phúc rằng ông đã dự liệu được có những tình huống về tiêu cực như thế này, nhưng ở mức như thế nào, ở tỉnh nào, hoặc ở cấp độ nào thì chưa có thống kê. Hơn nữa gói này cũng mới được triển khai trong thời gian 1,2 tuần lễ nên cũng chưa hề có tổng kết đến tay người dân như thế nào hoặc có phát hiện tình tiết như thế nào.”

Luật sư Đặng Dũng nhấn mạnh tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ được công bố liên quan sai phạm trong thực hiện gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ, nhưng không chỉ riêng ông mà đại đa số người dân Việt Nam đều khẳng định tình trạng xà xẻo, biển thủ, trục lợi, tham nhũng của các quan chức và cán bộ địa phương luôn luôn xảy ra. Luật sư Đặng Dũng lý giải:

“Một chính sách lớn như vậy thì đi kèm theo luôn luôn có một bộ phận giám sát của Trung ương và các tỉnh. Thế nhưng người ta dù biết rằng có sự giám sát này đi nữa thì tình trạng đó vẫn xảy ra như thường. Thành ra có thể thấy luật pháp của Việt Nam không có tính hữu hiệu và mang tính răn đe làm cho cán bộ phải sợ. Tức là có một tình huống nào thì người ta lập tức nghĩ rằng thế nào cũng xảy ra như thế, thế nào cũng bị đục khoét như thế. Thí dụ trong dịch cúm COVID-19, ai cũng nghĩ rằng rồi thế nào cũng có thất thoát tiền bạc đây, thế nào cũng có những cán bộ vô tù đây, có nhiều người bị kỷ luật đây. Thành ra phải nói là không thể nào khác hơn được, mà ngay cả Trung ương cũng cảm thấy bất lực luôn.”

Không thể ngăn chặn và giải quyết dứt điểm?


Ảnh minh họa. Một căn nhà trông bề thế thuộc diện cận nghèo ở Thanh Hóa. Courtesy: baogiaothong.vn
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng là người từng tham gia làm từ thiện giúp cho các nạn nhân bị thiên tai, lũ lụt và ông cũng thường xuyên theo dõi những hoạt động cứu trợ của cơ quan Nhà nước. Ông Nguyễn Lân Thắng, vào tối 27/5 xác nhận rằng ông không lấy làm ngạc nhiên về tình trạng cán bộ sai phạm trong trục lợi chính sách cứu trợ và cũng cảm thấy rất đỗi bình thường trước những lời răn đe của giới chức lãnh đạo cấp cao, bởi vì chỉ mang tính hình thức nhằm trấn an phần nào nỗi bức xúc của dân chúng. Ông Thắng nói thêm:

“Chuyện tham ô tham nhũng nói đi thì phải nói lại. Đó là một căn bệnh trầm kha của một nền kinh tế chỉ huy. Đồng lương của công chức, cán bộ cũng như những đơn vị mà họ tham gia vào các dịch vụ công của Nhà nước thật ra rất là thấp. Thành ra nó tạo nên một sức ép cho những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước đó có xu hướng phải tìm cách xoay sở vì họ cũng có cuộc sống, có gia đình, có con cái, có rất nhiều những chi tiêu và lo toan trong khi bảng lương của Nhà nước thì rất thấp. Chính vì thế hiện tượng tham nhũng, dù cấp trên có xử một vài vụ việc nhưng không thể ngăn chặn được. Việc đó không thể thay đổi được nếu như không có những thay đổi ở nền chính trị như ở Việt Nam.”

Chuyện tham ô tham nhũng nói đi thì phải nói lại. Đó là một căn bệnh trầm kha của một nền kinh tế chỉ huy. Đồng lương của công chức, cán bộ cũng như những đơn vị mà họ tham gia vào các dịch vụ công của Nhà nước thật ra rất là thấp. Thành ra nó tạo nên một sức ép cho những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước đó có xu hướng phải tìm cách xoay sở vì họ cũng có cuộc sống, có gia đình, có con cái, có rất nhiều những chi tiêu và lo toan trong khi bảng lương của Nhà nước thì rất thấp. Chính vì thế hiện tượng tham nhũng, dù cấp trên có xử một vài vụ việc nhưng không thể ngăn chặn được. Việc đó không thể thay đổi được nếu như không có những thay đổi ở nền chính trị như ở Việt Nam

-Ông Nguyễn Lân Thắng
Truyền thông trong nước dẫn lời của ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra Đảng năm 2019, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 rằng trong 3 năm từ 2016 đến 2019 đã có hơn 1000 tổ chức Đảng và gần 55 ngàn đảng viên bị kỷ luật.

Song song đó, báo giới quốc nội tiếp tục thường xuyên đăng tải thông tin về tình trạng tiêu cực của cán bộ trong lĩnh vực tham ô, tham nhũng vẫn tiếp diễn. Điển hình, một trong những vụ việc mới nhất bị phát hiện là cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè, chia chác hàng trăm triệu đồng tiền từ thiện từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 4 năm 2019 và Thanh tra TP.HCM vừa hoàn tất báo cáo hồi trung tuần tháng 5. Hay cán bộ cấp cao nhất vừa bị tuyên án tù, liên quan một vụ đại án tham nhũng là cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương từng dẫn chứng câu nói bất hủ của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “ăn của dân không từ một cái gì” để xác quyết rằng:

“Bà Doan bảo là ‘ăn không kể thứ gì’ mà. Bất cứ cái gì cũng ăn: ăn từ hài cốt liệt sỹ, ăn cho đến thức ăn của trẻ con, thuốc men của người bệnh tật…Ăn có từ cái gì đâu. Cho nên tình trạng tham nhũng gần như là quy luật và không thể nào giải quyết được, nếu thể chế hiện nay vẫn tồn tại.”


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad