Phan Kim Khánh và Drew Pavlou - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Phan Kim Khánh và Drew Pavlou



Phan Kim Khánh và Drew Pavlou

Drew Pavlou (người Úc ) có lẽ là một sinh viên đại học nổi tiếng nhứt thế giới, vì em thách thức cả hệ thống đại học Úc và chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Tàu. Sáng nay đọc câu chuyện của Drew Pavlou trên "The Australian" làm tôi liên tưởng đến một em sinh viên khác ở Việt Nam tên là Phan Kim Khánh (mà có lẽ nhiều người không/chưa nghe đến).

Drew Pavlou

Drew chỉ mới 20 tuổi, nhưng tầm nhìn và nhận thức của anh ta thì hơn độ tuổi đó nhiều. Drew là sinh viên năm thứ 3 về triết học thuộc Đại học Queensland (UQ), một đại học thuộc hàng "pestigious" (Go8) trên thế giới. Ngay từ năm đầu vào đại học, Drew đã tỏ ra là người có tố chất lãnh đạo và làm chánh trị. Em được bầu làm thành viên của University Senate (giống như thượng nghị viện của đại học) và giữ chức vụ đại diện sinh viên trong vài uỷ ban của đại học. Dù chưa đủ tuổi 20, nhưng Drew đã viết bài cho các tạp chí lừng danh như Foreign Policy, Quillette, và nhựt báo Sydney Morning Herald. Chủ đề mà em quan tâm là chánh sách ngoại giao, nhân quyền, chống nghèo đói, và đặc biệt là … chống đảng cộng sản Tàu.

Ngay từ lúc vào đại học, Drew đã nhận ra rằng đảng cộng sản Tàu đang khuynh đảo hay gây tác động xấu đến UQ. Anh ta rất quan tâm đến việc Tàu thành lập Viện Khổng Tử trong UQ, mà nhiều người xem là ổ gián điệp và tuyên truyền và tẩy não của Tàu. Drew cũng quan tâm đến viên hiệu trưởng UQ có những mối liên hệ mật thiết với đảng cộng sản Tàu. Drew cũng quan tâm đến tình hình bên Hồng Kông, và ủng hộ đấu tranh của sinh viên Hồng Kông. Nói chung, Drew tuy còn rất trẻ, nhưng suy nghĩ thì không hề trẻ, mà rất có lập trường chín chắn.

Không chỉ quan tâm, Drew còn là người hành động. Anh ta tổ chức những buổi biểu tình ủng hộ người Hồng Kông, ủng hộ người Ngô Duy Nhĩ và Tây Tạng ngay tại khuôn viên UQ. Cuộc biểu tình dẫn đến sự đụng độ giữa sinh viên Hồng Kông và sinh viên Tàu lục địa. Drew cho biết anh ta từng bị hành hung bởi những người chống biểu tình mà anh ta nghi là bọn sinh viên Tàu dưới sự điều khiển của chi bộ đảng cộng sản Tàu tại Queensland. Đảng cộng sản Tàu, qua cái loa Hoàn Cầu Thời Báo, bêu rếu Drew.




Những hành động của Drew làm cho ban giám hiệu UQ nhức đầu. Khi được đắc cử vào Senate của UQ, việc đầu tiên anh ta làm là kiến nghị cách chức hiệu trưởng vì ông này có quan hệ mật thiết với đảng cộng sản Tàu. Ban giám hiệu tìm cách hạn chế anh ta bằng cách 'vạch lá tìm sâu'. Họ kết tội anh ta là … ăn cắp bút trong tiệm bán sách của UQ. Sự thật là anh ta vào tiệm lấy cây bút để ghi lại một câu văn, và trả lại vào kệ, chớ không hề lấy. Họ kết tội Drew là dùng ngôn ngữ không thích hợp trên mạng trong những cuôc tranh luận. Tuần vừa qua, UQ ra quyết định kỉ luật Drew Pavlou bằng hình thức buộc nghỉ học trong vòng 2 năm.

Lập tức, Drew kháng nghị. Và, cả hệ thống truyền thông Úc nêu trường hợp của Drew. Họ đặt vấn đề là một nước Úc giương cao tinh thần tự do tư tưởng thì tại sao một đại học lại có hành động đi ngược lại tinh thần đó. Chẳng những đi ngược lại tinh thần tự do tư tưởng mà còn làm có lợi hay gián tiếp đồng tình với đảng cộng sản Tàu chống lại công dân Úc. Rất nhiều giáo sư (kể cả Giáo sư Clive Hamilton, tác giả cuốn sách "Silent Invasion") và nhiều chánh trị gia lên tiếng chỉ trích quyết định của UQ.

Đúng 1 ngày sau quyết định, ông Chancellor của UQ (Chancellor là chức cao hơn hiệu trưởng) tuyên bố rằng ông sẽ xem xét lại quyết định của Ban giám hiệu vì ông thấy quyết định đó không thoả đáng. Ông Chancellor cho biết ông sẽ tổ chức một phiên họp bất thường để đánh giá lại vấn đề và bảo đảm công bằng cho Drew Pavlou. Đây là một diễn biến có thể nói là rất bất thường, chưa từng xảy ra trong lịch sử UQ. Anh sinh viên Drew Pavlou trở thành người sinh viên nổi tiếng nhứt nước Úc, và có người xem anh ta là biểu tượng của đấu tranh chống đảng cộng sản Tàu.

Tôi nghĩ trong cộng đồng và giới trí thức Úc, có rất rất nhiều người ủng hộ Drew. Giới chánh khách, kể cả cấp thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao, cũng sẽ quan tâm đến trường hợp của Drew. Họ sẽ theo dõi và xem ông Chancellor giải quyết vấn đề như thế nào. Các đại học Úc đã lún sâu vào sự lệ thuộc vào nguồn sinh viên Tàu, và đã đến lúc phải giảm sự lệ thuộc này. Nhiều đại học Úc đang bàn chuyển sang nguồn sinh viên khác có cùng ý thức hệ như Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Miến Điện.

Phan Kim Khánh

Có lẽ Drew Pavlou không biết đến một 'đồng môn' của em ở Việt Nam tên là Phan Kim Khánh. Khánh là sinh viên Khoa Quốc Tế thuộc Đại học Thái Nguyên. Giống như Drew, Khánh cũng quan tâm đến chánh trị và đấu tranh cho người nghèo (vì em xuất thân từ một gia đình nghèo. Khánh viết:




“Tôi sinh ra ở làng quê nghèo, nơi mà những người thân của tôi phải dạy từ sớm trước cả tiếng gà gáy, để rồi ra đồng cấy cày, những người như bố tôi thì đi xây, đi sửa những ngôi nhà nhỏ! Họ là những người vất vả nhất mà tôi từng thấy thế nhưng tôi cũng thấy họ là những người nghèo nhất mà tôi từng gặp.

Tôi sinh ra ở nơi mà mỗi người trẻ như tôi được đi học Đại học là niềm vinh dự cho cả gia đình dòng họ, Làng tôi nhiều người học giỏi, thanh niên học từ trường danh giá cho tới những đại học bình thường, từ những ngành học Hot cho tới những ngành học mà nghe tới đã không muốn học! Họ học giỏi và ra được trường, nhưng họ chẳng xin được việc.

Tôi đi học, được chơi với những người bạn mới, họ đưa tôi đi tới những nơi sang trọng mà ở quê tôi chỉ nghĩ nó tồn tại trong phim, họ đưa tôi đi ăn những món ăn đắt tiền nếu quy giá cũng bẳng cả đàn gà bà tôi nuôi mỗi năm. Họ cho tôi những lọ nước hoa mà tôi vừa dùng vừa thấy tiếc mùi hương giá cả cân gạo. Tôi thường cau mày mỗi khi ngồi lại và nghĩ, giá như người dân quê tôi được hưởng thụ những thứ đó, chỉ 10% thôi thì có thỏa cái công họ làm lụng vất vả không?

Tôi yêu chính trị, bạn bè tôi nói tôi là chính trị gia, là người có ước mơ vĩ đại này nọ. Nhưng với tôi, làm chính trị không phải để đạt được cái gì to tát như Đại biểu Quốc hội, bộ trưởng, chủ tịch này nọ. Với tôi làm chính trị là đơn giản là san cho con đường của các em nhỏ tới trường được dễ dàng, cho đất cày của Bà con Nông dân quê tôi được mền lúa cấy lên tươi tốt. Đơn giản là cho người với người sống yêu thương nhau.”

Đọc những lời tâm sự đó, ai mà không thương em sinh viên Phan Kim Khánh. Còn trẻ tuổi như vậy mà đã có hoài bảo đẹp, trong khi đa số sinh viên ở tuổi đó chỉ lo chuyện bồ bịch, selfie, hay ăn chơi. Khánh quả là một 'rare species' trong xã hội Việt Nam.




Cũng như Drew viết bài cho tạp chí để nêu quan điểm mình, Khánh lập trang blog "Báo Tham Nhũng" và "Tuần Việt Nam" để nói lên hoài bảo đơn giản của mình. Ước mơ của Khánh hết sức đơn giản, và cũng thường hay nghe thấy trên những "đầu môi chót lưỡi" của các dân biểu, bộ trưởng và thủ tướng. Nhưng các quan nói điều đó thì được, còn Phan Kim Khánh thì không. Ngày 25/10/2017, Khánh bị tòa án tỉnh Thái Nguyên kết án 6 năm tù giam vì tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước".

Phan Kim Khánh bây giờ cũng trở thành một sinh viên nổi tiếng trên thế giới. Rất nhiều báo đài nổi tiếng trên thế giới nêu trường hợp em bị giam giữ mà theo họ là không đúng luật pháp. Tuần qua, một tổ hợp luật sư bên Mĩ gởi thơ khiếu nại lên Liên hiệp quốc về trường hợp của Phan Kim Khánh.

Có lẽ đối với vài người ở Việt Nam thì Khánh vi phạm luật pháp Việt Nam và đáng bị phạt. Nhưng luật là do người làm ra, thì người vẫn có thể thay đổi luật cho phù hợp với thế giới văn minh. Nếu Khánh ở Úc thì những gì em ấy làm là hoàn toàn hợp pháp, thậm chí còn được khuyến khích. Thật ra, nếu Khánh ở Úc thì với khả năng đó em ấy sẽ có một tương lai xán lạn. Ngược lại, nếu Drew Pavlou ở Việt Nam thì chắc anh ta cũng bị kêu án tù như Khánh, và không ai dám lên tiếng phản đối. Thế mới thấy câu "Định mệnh lệ thuộc vào địa lí" (geography is destiny) rất đúng cho trường hợp Drew Pavlou và Phan Kim Khánh.


© GS. Nguyễn Văn Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad