Những lựa chọn chiến lược của Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Những lựa chọn chiến lược của Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc



Nguồn: Shashi Tharoor, “India’s strategic options for dealing with China”, The Strategist, 10/07/2020.

Image: Tauseef Mustafa/AFP via Getty Images.

Sau cuộc đụng độ tháng trước tại cao nguyên Galwan thuộc vùng Ladakh làm 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng (số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng không được công bố), hai nước đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dai dẳng kéo dài trên tuyến tranh chấp thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn, ngay cả khi có nhiều báo cáo cho rằng hai bên đã rút quân tại khu vực xảy ra đổ máu. Quan trọng hơn, cuộc giao tranh mới đây cho thấy một xu hướng dịch chuyển trên quy mô lớn đối với địa chính trị châu Á.

Nhìn sơ qua, nhận định này có vẻ hơi quá đà. Dù gì thì Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã từng dùng quả đấm để nói chuyện với nhau trong quá khứ. Mặc dù hai nước chưa đạt được một sự dàn xếp căn cơ đối với đường biên giới dài 3.500 km đang tranh chấp, nhưng không bên nào nổ súng qua bên kia Đường kiểm soát thực tế (LAC) trong suốt 45 năm qua. Trong khi đó, thương mại song phương đã tăng lên mức 92,5 tỉ USD trong năm 2019 so với mức 200 triệu USD năm 1990.

Lẽ dĩ nhiên, căng thẳng song phương phản ánh các bất đồng đã có từ lâu và không chỉ riêng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, chẳng hạn như việc Trung Quốc thiết lập mối quan hệ đồng minh ‘trong mọi điều kiện thời tiết’ với Pakistan, hay sự nồng ấm của Ấn Độ đối với Dalai Lama, người mà Ấn Độ trao quy chế tị nạn khi ông chạy khỏi Tây Tạng năm 1959. Nhưng không một ai bị kích động từ những vấn đề trên. Khi Trung Quốc tuyên bố tranh chấp biên giới có thể phải để “các thế hệ tương lai” tiếp tục giải quyết, Ấn Độ đã tỏ ra đồng tình. Ấn Độ ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” và cố né tránh các nỗ lực do Mỹ đứng đầu để kiềm chế người láng giềng phương Bắc.




Mặc dù vậy, chính sách này lại vô hình dung tạo lợi thế cho Trung Quốc. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lợi dụng tình hình có vẻ như sóng yên biển lặng để liên tục thực hiện các cuộc xâm nhập quân sự.

Các cuộc xâm nhập này của Trung Quốc có quy mô nhỏ. Trung Quốc chiếm các vùng đất rộng vài kilomet vuông dọc theo LAC, tuyên bố hoà bình, và sau đó triển khai lực lượng củng cố khu vực lấn chiếm. Kết quả là, cứ mỗi lần diễn ra một cuộc khủng hoảng mini như vậy thì sẽ có một trạng thái “bình thường mới” được thiết lập trên LAC. Và thế đứng của Trung Quốc trên tuyến biên giới ngày càng được củng cố.

Trước khi chờ các thế hệ tương lai giải quyết tranh chấp biên giới thì lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đang mong đợi diễn biến ngoài thực địa – và rộng hơn là cán cân sức mạnh kinh tế, quân sự – sẽ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Bất cứ thoả thuận nào cũng sẽ phản ánh điều này. Đồng thời, các sự vụ ở biên giới sẽ làm Ấn Độ mất thăng bằng, và bộc lộ cho thế giới thấy rằng Ấn Độ không có khả năng thách thức Trung Quốc, huống hồ bảo trợ an ninh khu vực.

Ấn Độ đã gia cố các công trình quân sự trên tuyến LAC để tránh các cuộc đột nhập vào sâu trong lãnh thổ của mình, và hy vọng gây sức ép buộc Trung Quốc khôi phục nguyên trạng trước đây thông qua con đường ngoại giao và quân sự. Chẳng hạn, Ấn Độ có thể giành lấy một vùng đất nào đó trên tuyến LAC để tạo lợi thế mặc cả. Nhưng nói lúc nào cũng khó hơn làm.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Trung Quốc hiện không hề kiểm soát lãnh thổ của Ấn Độ. Điều này có vẻ như không đúng thực tế nếu xét tình hình cao nguyên Galwan và hồ Pangong, nơi PLA đã thiết lập các chốt kiểm soát vốn không tồn tại trước tháng 5. Tuyên bố này có thể giúp Trung Quốc cảm thấy bạo dạn hơn để tiếp tục xâm nhập, giành thêm nhiều vùng đất khác dọc tuyến LAC.

Ấn Độ cũng đã dùng đến biện pháp trả đũa kinh tế, cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc với các lý do an ninh dữ liệu. Nhiều khả năng, Ấn Độ cũng sẽ sớm cấm cửa các công ty Trung Quốc tham gia đầu tư kiếm lợi tại thị trường khổng lồ của mình. Tuy nhiên, do Ấn Độ phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm dược phẩm, linh kiện ô tô và chíp máy tính – việc cấm cản quá mức có thể dẫn đến cảnh “chưa đánh được người thì mặt đã sưng”.




Ấn Độ chỉ có 2 lựa chọn chiến lược: hoặc là khuất phục trước Trung Quốc hoặc là liên kết với khối đồng minh quốc tế đông đảo nhằm kiềm chế các tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Mặc dù Modi có vẻ như là đã đầu hàng, nhưng có lý do để tin rằng Ấn Độ sẽ lựa chọn cách thứ 2.

Đầu tiên, Ấn Độ đã gia tăng hợp tác với quân đội Mỹ. Năm 2016, Ấn Độ chốt một thoả thuận hỗ trợ hậu cần, và năm 2018, đạt được một thoả thuận an ninh liên lạc và một hiệp ước về hợp tác địa không gian.

Ấn Độ ủng hộ, ít nhất là trên lời nói, khái niệm của Mỹ về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”, và dần từ bỏ sự rụt rè trong tham gia nhóm bộ tứ do Mỹ dẫn đầu, một nhóm không chính thức gồm 4 nước (thêm Úc và Nhật Bản) tập trung đối phó với các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Những nền tảng này sẽ tạo điều kiện cho một sự chuyển dịch về chiến lược thực chất hơn.

Ấn Độ rõ ràng có động cơ để điều chỉnh chiến lược. Ngoài hành động hung hăng trên tuyến LAC, Trung Quốc đã gia tăng sự ủng hộ đối với Pakistan, bỏ ra hơn 60 tỉ USD cho tuyến cao tốc đến cảng Gwadar do Trung Quốc kiểm soát. Một “chiến lược hoà bình” đối với hai đối thủ của mình không phải là lựa chọn yêu thích đối với Ấn Độ – quốc gia từng tước quy chế tự trị của Jammu và Kashmir, công khai thách thức Pakistan.

Hơn nữa, Ấn Độ nhìn thấy có bàn tay của Trung Quốc trong những trắc trở với các nước láng giềng, đặc biệt là Sri Lanka và Nepal, nơi chính phủ cộng sản đã bắt đầu nêu vấn đề đường biên giới của mình với Ấn Độ. Trung Quốc còn tạt gáo nước lạnh vào tham vọng của Ấn Độ bằng cách phản đối Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hộ đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, ngăn Ấn Độ tham gia Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG), và đưa ra tuyên bố chủ quyền tại bang Tây bắc Ấn Độ là Arunachal Pradesh.




Đảng cầm quyền Bhratiya Janata (BJP) của Ấn Độ không phải không hứng thú với việc điều chỉnh chính sách. Vào tháng 5, hai nghị sỹ BJP đã chọc tức Trung Quốc bằng cách tham dự buổi lễ tuyên thệ online của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ấn Độ cũng chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, từ chối tham dự các diễn đàn BRI trong năm 2017 và 2019. Và Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vì những quan ngại về sự thống trị của Trung Quốc.

Nhưng vẫn còn đó những rào cản lớn tiềm tàng cản trở Ấn Độ điều chỉnh chiến lược. Cách tiếp cận như vậy sẽ đánh dấu một bước chuyển lớn khỏi mối lưu tâm truyền thống của Ấn Độ là bảo vệ nền “tự trị chiến lược” của mình – một di sản có từ hai thế kỷ chịu ách đô hộ thực dân và phản ánh vai trò của Ấn Độ trong việc thành lập Phong trào không liên kết thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Hơn thế nữa, xét về chiến lược, Ấn Độ không có ý định bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Ấn Độ vẫn phụ thuộc rất lớn vào trang thiết bị và nguồn cung vũ khí từ Nga (mặc dù gần đây Ấn Độ đã đa dạng hoá đối tác quân sự), và nước Mỹ của Donald Trump không thực sự là một đối tác đáng tin cậy. Tuy nhiên, liệu đây có phải là một giải pháp tồi tệ hơn cả sự lựa chọn cúi đầu trước Trung Quốc?

Tám tháng trước, Modi từng ca tụng “một kỷ nguyên hợp tác mới” với Trung Quốc. Mặc dù còn quá sớm để khẳng định, nhưng kỷ nguyên này có thể sẽ sớm bị chôn vùi trên các đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng ở dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Shashi Tharoor, cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và cựu bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng phát triển nhân lực, hiện đang là nghị sỹ thuộc Đảng Quốc đại Ấn Độ.


© Shashi Tharoor
    Huỳnh Ngọc Lập Biên dịch
    Nghiên Cứu Quốc Tế
Nguồn: Shashi Tharoor, “India’s strategic options for dealing with China”, The Strategist, 10/07/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad