Mô hình tam trụ hay tứ trụ cho nhiệm kỳ đại hội 13 ĐCSVN? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Mô hình tam trụ hay tứ trụ cho nhiệm kỳ đại hội 13 ĐCSVN?



Các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam rời hội trường nghỉ giải lao tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội ngày 25/01/2016.



Hôm 14 tháng 9 năm 2020, tạp chí The Diplomat có bài viết của tác giả David Hutt tiêu đề ‘Three-Horse Race for Vietnam’s Next Communist Party Chief’. Tạm dịch là ‘Cuộc đua tam mã vào vị trí lãnh đạo nhiệm kỳ tới của đảng cộng sản Việt Nam’.

Mở đầu bài viết, tác giả khẳng định Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng Một và không thể trì hoãn bất kể đại dịch COVID-19 có diễn biến thế nào chăng nữa. Ủy ban Trung ương mới gồm 180 ủy viên sẽ được bầu chọn từ 1.600 đại biểu toàn quốc và các vị trí quan trọng nhất sẽ có thay đổi nhân sự.

Câu hỏi được đặt ra vào lúc này là ai sẽ giữ chức Chủ tịch nước, bởi có những đồn đoán có thể có sự hợp nhất vĩnh viễn giữa vị trí Chủ tịch nước và vị trí Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.




Vào đầu những năm 1990, mô hình “tứ trụ” được triển khai với bốn vị trí quan trọng gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội - do bốn người đảm nhiệm. Lãnh đạo dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng đến năm 2018, mô hình này bị phá vỡ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch nước đương nhiệm là ông Trần Đại Quang.

Một số chuyên gia cho rằng, đây là một động thái của ông Trọng để đạt được quyền lực tối đa. Một số khác cho rằng, việc hợp nhất như vậy là việc làm tiện lợi, không gây bất ổn cho Bộ Chính trị vào giữa nhiệm kỳ.

Nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp nói với RFA rằng, lúc đầu người ta định là đại hội đảng 13 diễn ra vào cuối tháng 1 năm 2021. Bây giờ họ quyết định lại là sẽ tổ chức vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2021. Ông phân tích thêm về đồn đoán “tam trụ hay tứ trụ”:


“Ngày 5 tháng 10 tới đây thì Hội nghị Trung ương 13 họp bàn về nhân sự. Tình trạng cho đến nay phải nói là không có gì thay đổi so với quyết định đã có từ Hội nghị Trung ương 12 vào tháng 5 vừa rồi. Trong Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi có mấy điểm sau:

Thứ nhất là ông Trọng phải nghỉ. Thứ hai là có hai ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư là ông Vượng và ông Phúc. Gọi là tiền ứng cử viên thì đúng hơn. Thứ ba là sẽ quay lại chế độ tứ trụ, là bốn người chứ không phải ba người như bây giờ. Thứ tư là người ta sẽ phải chọn chỉ có một người quá tuổi được ở lại để làm Tổng bí thư thôi. Không thể nhiều hơn. Đây là bốn điểm rất quan trọng và đúng với thực tế.

Hiện nay bà Ngân không nằm trong chỗ những người cạnh tranh chức Tổng bí thư, nhưng không loại trừ việc bà Ngân có thể làm Tổng bí thư. Không ai loại trừ được.”





Theo điều lệ đảng hiện hành thì người giữ chức vụ Tổng bí thư sẽ không được giữ chức này quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức này hai nhiệm kỳ liên tiếp nên nhiệm kỳ tới ông sẽ nghỉ. Nếu ông Trọng muốn làm nhiệm kỳ thứ ba thì thay đổi điều lệ đảng.

Về mặt ngoại giao, theo tác giả David Hutt, người đứng đầu đảng cộng sản không đại diện cho nhà nước hay chính phủ. Vì vậy, việc các chính phủ phương Tây chào đón người đứng đầu đảng cộng sản trong chuyến thăm cấp nhà nước sẽ thể hiện sự chấp nhận ngầm đối với hệ thống độc đảng toàn trị của Việt Nam, như trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng đến thăm Hoa Kỳ vào năm 2015. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Trong thực tế, Lào và Trung Quốc là hai nước hợp nhất hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước làm một từ nhiều chục năm trước. Việc này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công tác kiểm soát chính sách đối ngoại và đối thoại với chính phủ các nước phương Tây.


Các đại biểu dự lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội ngày 21/1/2016. AFP

Theo nhận định của tác giả, nhiệm kỳ tới ông Trọng sẽ không giữ vị trí lãnh đạo trong dàn lãnh đạo nữa. Ông Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của ông Trọng và là Thường trực Ban bí thư Ban chấp hành Trung ương, là người dẫn đầu thay ông Trọng. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lại đánh giá Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên sáng giá cho chức Tổng bí thư.

Ông Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của ông:

“Chức vụ Tổng bí thư không hẳn là quan trọng nhất, nhưng từ đấy nó mới ra những vị trí khác. Bởi nguyên tắc lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam là tập thể lãnh đạo. Tập thể lãnh đạo thì họ sẽ bầu rồi chỉ ra ai làm ứng cử viên Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc Hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng. Nếu chưa xác định được ai là Tổng bí thư thì khí xác định ai là Thủ tướng.




Chức chủ tịch nước và chức chủ tịch Quốc hội là hai chức rất dễ xác định, hay nói đúng hơn là không khó xác định. Chức Tổng bí thư phải được xác định trước thì sau đó mới đến chức Thủ tướng. Còn một điều nữa là Tổng bí thư và Thủ tướng phải là hai người ở hai miền khác nhau. Không thể ai ông cùng một miền. Từ khóa 7 đến bây giờ là nó thế rồi. Nó không thành văn nhưng nó thành quy định rồi.”


Một ứng cử viên khác cho ghế Tổng bí thư được ông David Hutt nói tới là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Tác giả lập luận rằng chính ông Trọng cũng từng là Chủ tịch Quốc hội trước khi ông ngồi ghế tổng bí thư vào năm 2011, tức là đã có tiền lệ cho con đường thăng tiến này.

Bà Ngân là Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016. Đây là một trong bốn vị trị chính trong hệ thống “tứ trụ” của Việt Nam, dù chức vụ này thường được coi là ít quyền lực nhất trong bốn chức vụ. Tuy vậy có ý kiến cho rằng đảng chưa sẵn sàng cho một nữ Tổng Bí thư.

Nếu bà Ngân không được bầu vào chức Tổng bí thư vào nhiệm kỳ tới thì bà Ngân được cho là sẽ nghỉ hưu Bộ Chính trị. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu bà Ngân đi tiếp thì ai sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Quốc hội?

Một số chuyên gia cho rằng bà Trương Thị Mai là người sẽ được thay thế vào vị trí Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ tới để thực hiện cam kết rõ ràng của đảng về sự bình đẳng.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói về điều này:

“Khả năng hầu như chắc chắc bà Mai sẽ làm Chủ tịch Quốc hội. Bà Mai làm ủy viên Bộ Chính trị khóa này là khóa thứ hai. Thứ hai nữa là trong tứ trụ phải có nữ theo quy định. Chức này từ rất lâu nó không phải là một chức trong tứ trụ. Nó là một chức rất bé. Chỉ từ đại hội đảng khóa 8 tới nay nó mới nằm trong Bộ chính trị.”




Tác giả David Hutt trích dẫn từ một bài viết của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp vào tháng Năm rằng, người kế nhiệm của bà Ngân có thể sẽ là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, hoặc ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Nếu đảng muốn duy trì một đại diện nữ ở vị trí tứ trụ, bà Mai sẽ nắm ghế này. Nếu kinh nghiệm được đặt trên giới tính, ông Chính có cơ hội tốt hơn.

Sau Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) của Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam diễn ra hồi tháng 5 năm 2020, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc viết rằng, nếu một ngoại lệ được chấp thuận thì có khả năng cao là ngoại lệ sẽ cho trường hợp ông Trần Quốc Vượng và ông ta sẽ là Tổng Bí thư tiếp theo vì lý do kinh nghiệm.

Ngoại lệ ở đây là tuổi của ông Vượng và sức khoẻ của ông. Ông Vượng sẽ 67 tuổi vào năm 2021 và 72 tuổi vào đại hội 14. Liệu ông ta sẽ là Tổng Bí thư một nhiệm kỳ hay ông cũng giống ông Trọng (nghỉ hưu ở độ tuổi 76), được cho thêm một ngoại lệ và nghỉ hưu ở độ tuổi 77?


© Diễm Thi
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad