Người Việt lệch pha với thế giới về quan niệm chính trị? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Người Việt lệch pha với thế giới về quan niệm chính trị?


Tác giả cho rằng hoạt động chính trị đơn thuần là một khuynh hướng khả năng của mỗi người


Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ 13. Đây là lúc diễn ra nhiều thông tin sự kiện chính trị và khi xét kỹ thì thấy nhiều quan niệm chính trị của người Việt đang lệch pha so với thế giới.


Ai có khả năng?


Lâu nay nhiều người giữ lối nhận thức rằng những người hoạt động chính trị phải có tầm cỡ ghê gớm lắm, phải có tài chính mạnh, các mối quan hệ và truyền thống gia đình chính trị lâu đời.


Hoặc nhiều người nhìn vào các lãnh đạo chính trị qua cương vị họ đang nắm giữ để rồi hoảng hốt về bộ máy nhân sự hàng nghìn vạn người mà nhân vật chính trị đang đứng trên, để rồi thấy mình như bé bỏng khó thể nào đạt được tầm cỡ như vậy nên bỏ đi ước mơ làm chính trị.



Ngược với đó tôi cho rằng hoạt động chính trị đơn thuần là một khuynh hướng khả năng của mỗi người, nó không khác bao nhiêu so với những người có ham thích với chơi chim, nuôi cá cảnh hoặc vẽ tranh.


Một người có trình độ học thức, có năng khiếu diễn giải thuyết phục, quen làm việc và tiếp xúc với các vấn đề chính trị xã hội, thì hoàn toàn có thể được vun đắp đào tạo trở thành một nhà chính trị. Hoạt động chính trị theo đó cũng có thể xem như một lĩnh vực ngành nghề trong đời sống xã hội.


Nếu như đời sống chính trị dân chủ, có nhiều đảng phái và tổ chức hội đoàn độc lập, thì đó sẽ là những ngôi trường đào tạo hình thành lên các nhà hoạt động chính trị. Thông qua các sinh hoạt vận động một người sẽ sớm được đào tạo kỹ năng chính trị và trưởng thành.



Bởi vậy ở nhiều nước trên thế giới có dàn lãnh đạo chính trị khá trẻ, có khi chỉ mới 30, 40 tuổi. Còn nếu thực tế chỉ có duy nhất một đảng phái chính trị như Việt Nam thì đương nhiên sẽ làm hạn chế đi số người có cơ hội được tham gia vào môi trường đào tạo để có thể trở thành lãnh đạo chính trị.


Và cũng do thiếu những sinh hoạt có tính chất đào tạo khiến mất nhiều thời gian hơn mới cho ra một lãnh đạo chính trị và tuổi đời người làm chính trị trở lên cao hơn.


Tác giả cho rằng thân thế sự nghiệp gia đình có cũng tốt, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định một người có thể trở thành lãnh đạo chính trị.


Quan trọng là năng lực


Nền chính trị nhiều nước cho thấy, với cơ chế dân chủ và sinh hoạt chính trị phong phú, những người chỉ với hai bàn tay trắng, hoặc có rất ít những điều kiện về tiềm lực kinh tế hay quan hệ gia đình, chỉ với năng lực và tố chất bẩm sinh thì họ vẫn có thể thành công.


Tổng thống Obama là một ví dụ, bố là người Kenya, mẹ là một nhân viên ngành ngoại giao cấp thấp, hai đời chồng, ông Obama từng sống ở Indonesia nơi người bố dượng thứ hai mang quốc tịch và rồi sống ở Hawaii với ông bà ngoại.


Ông Obama chỉ bằng nỗ lực tự học và cơ chế đa đảng dân chủ mà được vun đắp trở thành lãnh đạo chính trị. Bằng tài năng nhãn quan chính trị của mình ông thấy rằng nước Mỹ nên có các chính sách đường lối phát triển như thế nào, ông đã thuyết phục được người Mỹ về điều đó và họ bầu ông làm Tổng thống.


Hoặc như ông Bill Clinton tổng thống Mỹ trước đó, bố mất sớm, mẹ là một y bác sĩ, ông cũng qua trường luật học hành mà lên, không có tiềm lực gia đình tài chính hay quan hệ gì đặc biệt.


Hay như Thủ tướng Nhật Suga mới đây là con một nông dân ở nông thôn xa đô thị, cũng nhờ quá trình tự học và làm việc mà trưởng thành.



Như thế không như nhiều người Việt nghĩ, với cơ chế dân chủ thì tiềm lực kinh tế hay thân thế sự nghiệp gia đình có cũng tốt, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định một người có thể trở thành lãnh đạo chính trị. Ban phát bổng lộc


Nhiều người Việt nghĩ rằng lãnh đạo chính trị là người nắm quyền sinh sát và có thể ban phát bổng lộc cho thân thuộc.


Trong khi ở nhiều nước người hoạt động chính trị phụ thuộc vào luật pháp, họ không nắm giữ quyền lực sinh sát hay ban phát bổng lộc của các ông vua quan thời phong kiến.


Người hoạt động chính trị dựa chủ yếu vào những lý lẽ biện giải về các sự vật sự việc, có phương hướng tầm nhìn dẫn dắt công chúng. Người hoạt động chính trị dựa chủ yếu vào tri kiến và một khả năng nhất định về sự thuyết phục.


Qua bầu chọn mà thành người giữ cương vị lãnh đạo, hết nhiệm kỳ lại trở về với chỉ hai bàn tay.


Bên cạnh những người hoạt động chính trị thì có bộ máy chính quyền, hay bộ máy hành chính, bao gồm các công chức được ký hợp đồng trả lương. Lãnh đạo chính trị không có quyền hành bao nhiêu với bộ máy hành chính.


Tổng thống Trump chỉ có quyền với bộ máy chính phủ bao gồm các bộ trưởng do ông và đảng của ông lựa chọn, ông chẳng có quyền gì với một nhân viên hành chính trong các phòng ban ở các quận hay thành phố. Những việc ông có thể làm là đưa ra các dự luật mà muốn đạt được thì phụ thuộc vào sự thuyết phục và tính đúng đắn xác đáng của nội dung vấn đề.


Cần có gương mặt đẹp?


Tác giả cho hỏi liệu bộ máy chính trị của Việt Nam phản ánh phần nào tầm mức nhận thức của dân chúng.


Để ý lâu nay thì thấy nhiều lãnh đạo có gương mặt bị cho là không đẹp trong khi nhận thức nhiều người dân vẫn e ngại với những người có nét mặt đanh thâm trầm, mà nhiều người cho rằng đó là nét mặt của âm mưu thủ đoạn.


Nhiều vị lãnh đạo có lẽ cũng buồn rầu với nét mặt của mình nên đôi khi cố ý nở nụ cười để xóa bỏ đi nét khắc khổ ảm đạm trên gương mặt.


Trong cuốn sách Lược sử loài người của tác giả Noah Harari người Israel, bằng những lý giải về tình dục, giới tính và môi trường xã hội, ông cho biết với sự phát triển của xã hội loài người thì quan niệm và biểu hiện của nét đẹp và quyền lực cũng có khác.


Trong hầu hết lịch sử những người đàn ông có ảnh hưởng lớn đều phải sặc sỡ khoa trương, như những tù trưởng da đỏ châu Mỹ với lông chim cắm trên mũ hay những vị vua Ấn Độ tô điểm bằng lụa là kim cương.



Ông trưng ra hình ảnh cho biết, một người đàn ông quyền lực ở thế kỷ 18 như vua Louis XIV của nước Pháp ăn mặc như một vũ công với tóc giả, tất dài, giày cao gót. Nhưng ở thế kỷ 21 một người đàn ông uy quyền chưa bao giờ trông buồn tẻ và ảm đạm như ngày nay, cuốn sách lấy hình Tổng thống Obama làm dẫn chứng.


Nhìn ra thực tế bên ngoài để ý thì thấy vị cựu thủ tướng Nhật Bản ông Abe Shinzo hay ông thủ tướng mới thay thế Suga đều có nét mặt ảm đạm, nét mặt đăm chiêu cố hữu của người dành toàn bộ thời gian trong ngày cho các suy tính chính trị.


Cho nên đó là một cách để hiểu về nền chính trị và gương mặt chính khách.


Sự chuyên nghiệp và năng lực công việc vượt trội cũng được bộc lộ qua nét mặt nghiêm nghị hoặc chỉ hơi tươi của những lãnh đạo chính trị Nhật Bản trên các bức ảnh chụp.


Tựu chung lại bộ máy chính trị của Việt Nam phản ánh phần nào tầm mức nhận thức của dân chúng, nhiều quan niệm chính trị của người Việt lệch pha so với thế giới.


Do thể chế kiểu khác cho nên đã tạo ra những nhận thức sai lệch nhưng phản ánh đúng hiện trạng, nhiều người dân cảm thấy tham vọng chính trị là vượt quá khả năng, họ tuyệt vọng từ bỏ đi ước mơ chính trị của mình.


Để mở rộng cơ hội cho nhiều người tham gia vào đời sống chính trị và đạt được thành công, cần nâng cao nhận thức hiểu biết về một đời sống sinh hoạt chính trị đúng đắn là như thế nào.


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội.



© Ngô Ngọc Trai
    BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad