“Thông tin xấu độc”
Cách đây đúng một tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông. Chỉ thị nêu rõ, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị.Theo đó, tất cả các Bộ, Ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông… đều có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin nhằm định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu độc, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá.
Bên cạnh đó, Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có nhiệm vụ tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nếu báo chí vi phạm sẽ bị xử lý.
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) từ trước đến nay luôn luôn dùng những lời lẽ mị dân và dối trá để che giấu sự thật phía sau. Chính vì vậy mà họ phải tìm mọi biện pháp, họ vận động mọi cơ quan, đoàn thể trong nước, mọi Ngành và mọi Bộ để làm sao dập tắt những thông tin mà họ nói rằng xấu độc, nhưng thực tế đó là những thông tin nói lên sự thật. - Nhà báo Lê Trung Khoa
Nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức nêu nhận xét, trước tình hình internet ngày càng toàn cầu hóa, không thể giấu diếm mãi những thông tin không đúng sự thật nữa thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải tìm cách đàn áp, đe dọa những tiếng nói trung lập và trung thực để họ không dám viết những thông tin sự thật lên nữa. Đó là lý do Nhà nước đưa ra những chính sách nhằm áp đặt những ý đồ đen tối của họ với những người viết trong nước và thậm chí cả những người Việt ở nước ngoài. Ông Khoa nói thêm:
“Theo tôi thì Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay luôn luôn dùng những lời lẽ mị dân và dối trá để che giấu sự thật phía sau. Họ định hướng dư luận bằng cách sử dụng toàn bộ những hệ thống, cơ quan báo chí của Nhà nước và không cho báo chí tư nhân xuất hiện và phát triển.
Chính vì vậy mà họ rất sợ những thông tin sự thật được đưa ra, được lan truyền, được bình luận của người dân, bởi nó sẽ làm cho việc tự diễn biến, tự chuyển hóa… mà ông Nguyễn Phú Trọng đang rất lo sợ.
Cũng chính vì vậy mà họ phải tìm mọi biện pháp, họ vận động mọi cơ quan, đoàn thể trong nước, mọi Ngành và mọi Bộ để làm sao dập tắt những thông tin mà họ nói rằng xấu độc, nhưng thực tế đó là những thông tin nói lên sự thật.”
Theo định nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thông tin xấu độc “là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, ‘đổi trắng, thay đen, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch”.
Nhà báo Nguyễn An Dân thì có cái nhìn khác. Ông nói:
“Hiện giờ thông tin xấu độc được xem là thông tin không theo định hướng của Đảng. Người ta nói sự thật mất lòng. Kể cả mình nói đúng, nói sự thật nhưng làm mất uy tín của Đảng thì Đảng cũng coi đó là thông tin xấu độc.
Báo chí Việt Nam bây giờ nhiều nhu cầu lắm chứ không chỉ nhu cầu về thông tin. Cũng có khi người viết báo có cái bức xúc của họ, muốn làm đúng tâm nhà báo. Còn về luật pháp thì quy định trong lĩnh vực báo chí lại không rõ ràng. Tùy theo quyết định cá nhân của người quản lý báo chí thôi. Khi nào mà người quản lý báo chí thấy nội dung đó họ không thích thì họ tạm xếp vào thông tin xấu độc. Còn nó xấu với ai, độc với ai thì tính sau.
Nói thông tin xấu độc là nói rất chung chung. Có khi cán bộ của Đảng ở cấp dưới họ thấy đó là xấu độc, lên tới cấp cao thì lại là thông tin tốt thì sao?”
“Âm mưu, thủ đoạn chống phá”
Từ nhiều năm qua, những từ ngữ như “chống phá” hay “thế lực thù địch” luôn được chính quyền nhắc đến trong tất cả các hình thức tuyên truyền lẫn hành động cụ thể.
“Chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch” là những cụm từ thường xuyên được lặp đi lặp lại từ trên các phương tiện báo chí truyền thông của Nhà nước cho đến các bài diễn văn của các cấp lãnh đạo cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong bài “Nhận diện, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội” trên trang web của Đảng Cộng sản, bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, viết rằng: Các đối tượng chống phá còn tập trung lựa chọn những nhân tố “điển hình”, “sám hối”, “trở cờ”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong, xem đây là nguồn tán phát trực tiếp, hiệu quả nhất những thông tin xấu, độc.
Cái gọi là chống phá nó cũng chung chung lắm. Nếu nói về chống phá thì người dân lấy phương tiện gì để chống phá chính quyền ngoài cái miệng của họ? Không ai có thể chống phá chính quyền chỉ bằng cái miệng cả. Bây giờ dân trí cao rồi, nếu anh nói chống phá một cách chung chung như vậy là anh coi thường dân trí đó. - Nhà báo Nguyễn An Dân
Nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng, không ai có thể chống phá Chính quyền chỉ bằng miệng:
“Cái gọi là chống phá nó cũng chung chung lắm. Nếu nói về chống phá thì người dân lấy phương tiện gì để chống phá chính quyền ngoài cái miệng của họ?
Người dân nói Đảng là xấu hay tốt không có nghĩa người dân đó xấu mà bản thân anh tốt đi thì người dân đâu có nói gì được. Cái quyền tự do ngôn luận như vậy mà tại sao gọi là người ta chống phá?
Không ai có thể chống phá chính quyền chỉ bằng cái miệng cả. Bây giờ dân trí cao rồi, nếu anh nói chống phá một cách chung chung như vậy là anh coi thường dân trí đó.”
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam bằng nhiều hình thức, là mục tiêu của cả hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là những năm gần đây.
Cuối tháng tư vừa qua, Báo Quân đội Nhân dân, cơ quan truyền thông của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã phát động cuộc thi báo chí “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”. Theo đó, các tác phẩm báo chí tham dự cuộc thi sẽ góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Ngay trong thời gian diễn ra Đại hội 13, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu bên lề đại hội rằng: “Chúng ta càng thành công thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng điên cuồng chống phá vì chúng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta.”
Chỉ trong 20 ngày đầu năm 2021, tòa án Việt Nam đã kết tội chín người trong đó có ba nhà báo của Hội Nhà báo độc lập với mức án tổng cộng lên đến hơn 60 năm tù giam.
© Diễm Thi
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét