“Vọng mai chỉ khát” và bí quyết cuộc tiến binh thần tốc của vua Quang Trung Tết Kỷ Dậu 1789 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

“Vọng mai chỉ khát” và bí quyết cuộc tiến binh thần tốc của vua Quang Trung Tết Kỷ Dậu 1789


Từ “Vọng mai chỉ khát” đến "Ăn Tết tại Thăng Long"

Trận chiến Tết Kỷ Dậu 1789 vừa là kết tinh của nghệ thuật quân sự, vừa là đại diện cho tinh thần dân tộc và trí dũng của người Việt, của mảnh đất Việt yêu dấu sau hàng trăm năm chia cắt loạn lạc, tưởng như không còn sức vực dậy trước sự tấn công của ngoại bang.



Từ “Vọng mai chỉ khát” đến “Ăn Tết tại Thăng Long”

“Vọng mai chỉ khát” là tên một điển cố trong thời Tam Quốc. Vào tháng 3 năm Kiến An thứ 3 (năm 198), Tào Tháo dẫn quân xuống phía nam lần thứ ba để đánh Trương Tú. Hôm ấy, khí trời vô cùng nóng bức, binh sĩ khát khô cổ họng mà tìm mãi không thấy nước. Tào Tháo khi ấy bèn nảy ra một kế, rồi truyền lệnh trong quân rằng:

- Phía trước có một rừng mơ lớn, đi mau đến đó ăn mơ chua, có thể giải được cơn khát.

Binh lính nghe nói đến mơ chua, tức thì trong miệng ứa nước miếng hết khát, tinh thần phấn chấn hẳn lên, rất nhanh chóng đã tiến đến nơi tập kết định trước. Thực tế là không có rừng mơ nào, mà chính là mưu lược động viên tinh thần quân sĩ của Tào Tháo.

Phía trước có một rừng mơ lớn, đi mau đến đó ăn mơ chua, có thể giải được cơn khát.(Baike.baidu.com)

Gần 17 thế kỷ sau, có một vị quân chủ nước Việt áp dụng mưu lược tâm lý này, đó là vua Quang Trung. Được tin quân Thanh tiến chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ - lúc này đã là vua Quang Trung, cấp tốc kéo quân từ kinh đô Phú Xuân ra đến Nghệ An, đến cuối tháng Chạp năm Mậu Thân 1788, đoàn quân Tây Sơn đã có mặt tại núi Bân, Thanh Hóa. Tại đây, vua Quang Trung đã tổ chức một đại lễ “xuất quân” hay “đại duyệt”. Ông cho quân sĩ ăn Tết trước, ông cũng khẳng định rằng binh sĩ sẽ được ăn Tết ở Thăng Long còn to hơn, và quân đội của ông sẽ đánh cho địch một trận “cho chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn, cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (1).

Ăn Tết ở Thăng Long, tức là bằng chiến lợi phẩm từ kho đụn của quân Thanh. Cái tin này mới nức lòng những tân binh Thanh, Nghệ đang mùa đói kém làm sao. Vậy là đoàn quân của vua Quang Trung đã tiến binh thần tốc và thực sự đã ăn Tết ở Thăng Long như lời ông hứa, còn thật hơn cả rừng mơ của Tào Tháo.



Một trong những yếu tố then chốt làm nên chiến thắng Tết Kỷ Dậu của quân Tây Sơn chính là tốc độ hành binh chớp nhoáng, được sử gia nhiều đời ca ngợi là “thần tốc” và khiến hậu nhân hết sức tò mò tìm hiểu. “Ăn Tết ở Thăng Long” là một trong những nguyên nhân nhưng còn nhiều lý do khác khiến quân đội Tây Sơn nổi tiếng về tốc độ di chuyển, mà Thượng thư Lê triều là Trần Công Xán đã mô tả rằng: “Họ đi lại chỉ vù một cái… đánh không thể được, đuổi không thể kịp, xưa nay chưa từng có toán giặc nào như toán giặc ấy”.

Trước khi trả lời câu hỏi: “Làm thế nào?”, trước hết ta giải đáp câu hỏi: “Vì sao đoàn quân Tây Sơn phải hành binh thần tốc như thế?”

Nguyên nhân cuộc hành quân chớp nhoáng của quân đội vua Quang Trung

Nguyên nhân lớn nhất chính là lòng người. Xã hội Bắc Hà lúc này rất loạn lạc và chia rẽ, hoàn cảnh kinh tế lại tiêu điều xơ xác. Lòng người hoặc ngả về chúa Trịnh hoặc vua Lê, hoặc không về ai cả. Nhưng quân Tây Sơn đối với họ vẫn là một đội quân ngoại quốc thù địch (lúc này Việt Nam được chia thành 4 quốc gia). Khi tiến quân ra Thăng Long, Quang Trung chắc hẳn còn nhớ như in việc vua anh Nguyễn Nhạc bị dân Nghệ An tập kích khi ra Bắc lần trước đó.

Ngay ở quê nhà Quy Nhơn, vua Quang Trung cũng luôn phải đề phòng quân đội của Nguyễn Ánh ở phía nam. Thậm chí mối quan hệ căng thẳng với vua anh Nguyễn Nhạc cũng khiến Quang Trung không thể không đề phòng lực lượng của ông này.

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) (nguồn: Wikipedia - tác giả Bùi Thụy Đào Nguyên)

Nếu chiến cuộc với quân đội Thanh triều kéo dài mà lực lượng của họ Lê, dư đảng họ Trịnh nổi lên ở Bắc Hà, thì quân Tây Sơn của ông sẽ lâm vào cảnh tứ phía thọ địch, cực kỳ nguy hiểm.

Lòng người bất định khiến vua Quang Trung quyết tâm phải đánh nhanh thắng nhanh để tránh “đêm dài lắm mộng”.

Làm thế nào họ có thể mau lẹ đến thế?

Người Mông Cổ nổi tiếng thế giới về khả năng cơ động, đó là bởi vì họ quá thành thạo trong việc điều khiển ngựa và ngựa có thể chạy rất nhanh trên những chiến trường bằng phẳng, những vùng bình nguyên suốt dọc từ Mông Cổ sang lãnh thổ nước Nga đến tận các nước Âu Châu. Nhưng lục quân của Tây Sơn phần lớn đi bộ, một phần cưỡi voi, ngồi võng, có xe kéo chở chiến cụ, số lượng kỵ binh không đáng kể… và suốt từ Nam ra Bắc, họ phải di chuyển liên tục qua địa hình đồi núi. Vì sao họ có thể hành quân mau lẹ đến thế?

Trước hết phải xét thành phần đoàn quân Tây Sơn, hết sức đa dạng, bao gồm:

- Các binh sĩ đã có mặt ở Bắc Hà từ trước, dưới quyền của Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân.

- Thân binh Thuận Quảng, theo vua Quang Trung ra từ Quy Nhơn.

- Tân binh bị ép tòng quân tại các địa phương mà đoàn quân đi qua, nhiều nhất tại Thanh, Nghệ (Thanh Hóa, Nghệ An).

- Thổ phỉ, hải tặc, ngư dân, thương nhân, dân thiểu số vùng rừng núi phía tây nam.

Dĩ nhiên, họ không cùng xuất phát tại Phú Xuân, mà tự di chuyển dưới một lệnh thống nhất từ cấp chỉ huy đến một điểm hẹn nhất định, sau một thời gian đã hạn định. Có thể điểm hẹn đầu tiên là Nghệ An. Tuy nhiên, để một quân đội có thành phần phức tạp như thế này có thể tuân thủ răm rắp lịch trình thì phải áp dụng kỷ luật thép. Đơn cử như trong tờ chiếu của Nguyễn Huệ gửi cho Ngô Văn Sở và các tướng ở Bắc Hà trước khi ông lên ngôi năm 1788, trích đoạn bản dịch từ bản Tiếng Pháp của các giáo sĩ và bản tiếng Việt của Đặng Phương Nghi:

  1. Song le trong thời chiến tranh, mỗi lần một vị chỉ huy sai bộ hạ mình đi đánh địch, bộ hạ đó phải tuyệt đối tuân theo, người nào tử trận một cách can đảm sẽ được vẻ vang. Trái lại ai vì sợ chết mà bỏ trốn sẽ bị sỉ nhục. Bởi vậy ta cho phép xử tử tức thì những kẻ trốn bổn phận cũng như những kẻ cho địch có thì giờ dưỡng sức lại và tấn công vì hèn nhát hay vì chậm chạp; sau rồi các tướng lãnh phải báo cáo hành động của họ trong trường hợp đó.
  2.  Mỗi lần xảy ra chuyện gì liên quan đến quốc gia hay công ích, mọi người đều phải lưu ý ngay đến việc đó kẻo một sự chậm trễ nhỏ nhặt cũng có thể gây trở ngại cho công việc... Nếu bất đồ có người vì sơ suất mà quên tới nơi họp đúng giờ, ta cho phép Tư Mã và Ðại Ðô Ðốc phạt họ tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ.
  3. Nếu mỗi khi thuộc hạ quan chỉ huy chi đội hay thuộc hạ của ông đi đuổi bắt kẻ gian, đáng lẽ bảo vệ và che chở dân vô tội và hiền lành họ lại cưỡng đoạt của cải của dân chúng đáng thương sẽ đau khổ và thất vọng, vì họ phải chịu nhiều tai vạ hơn dưới thời ác quỷ Nhậm hay Tiết chế. Họ cư xử như vậy thì làm sao dân chúng yên lành được? Và làm sao gọi hành động đó là giải phóng dân chúng khỏi áp bức và làm sao phạt thủ phạm cho được? Vậy ta ra lệnh cho các sĩ quan phải công bố trong trung đội hay binh đoàn mình điều nghiêm cấm, không được lấy bất cứ vật gì của dân dù là một ngọn cỏ, như ta không ngớt tuyên cáo trước đây… bằng không, đừng mong gì ta dung thứ họ.


Mệnh lệnh của người chủ tướng nghiêm khắc đã ban ra, thấu đến tận những người lính thô kệch, ít hiểu biết nhất. Bởi vậy nên linh mục Le Roy ở Kẻ Vĩnh thấy họ đi lính “không lương, không tiền”, mà “không lấy cái gì của người Bắc hết, hoặc ăn cơm không muối, uống nước lạnh và ngủ ngoài trời” (2). Họ trị tội bọn trộm cướp rất đơn giản: có ai cáo gian là không cần phải dông dài, họ chặt đầu tức khắc. Binh lính Tây Sơn cũng không nằm ngoài luật lệ này.



Về mặt tinh thần, họ đã có kỷ luật thép ước chế, lại có thêm những động viên như lời hiệu triệu ở núi Bân - Thanh Hóa và mưu lược tinh thần theo kiểu “Ăn Tết ở Thăng Long” cho những người lính thường trong đói kém. Nhưng nó phải được cụ thể hóa bằng hành động. Quân Tây Sơn không mang theo đoàn hậu cần. Về lương thực, mỗi người tự túc mang theo lương ăn được trong vài ngày, đồ ăn hết sức đơn giản, chẳng hạn như bánh tráng, chỉ cần nhúng nước là có thể ăn qua bữa. Về trang bị, những người này trang phục đơn giản, gọn nhẹ, có những người chỉ đóng khố đi chân không. Khi ngủ thì vào các đền, chùa, miếu mạo ven đường. Vũ khí cá nhân như dao kiếm thì hầu như họ tự trang bị, còn vũ khí hạng nhẹ như súng hỏa hổ, hạng nặng như thần công, súng lớn được chuyên chở trên lưng voi, trên xe trâu, xe lừa kéo. Từ Phú Xuân ra được đến Nghệ An là có hậu cần tốt hơn vì trước đó Nguyễn Huệ đã chuẩn bị mọi thứ để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở đây. Đoàn Tượng Binh to lớn là từ các bộ lạc thần phục Nguyễn Huệ ở phía Tây dãy Trường Sơn, chứ không phải đi từ Phú Xuân ra, có vậy mới nhanh được.

Gươm và súng của quân đội nhà Tây Sơn (nguồn: Wikipedia - tác giả Bùi Thụy Đào Nguyên)

Nhưng đi nhanh vẫn cần có đủ lực lượng. Và sự tập hợp lực lượng cũng phải nhanh chóng. Một thành phần chủ lực trong đội quân Tây Sơn lại chính là những người lính Thanh, Nghệ, thực ra họ đã luôn là chủ lực trong quân đội của Bắc Hà - gọi là ưu binh Thanh, Nghệ. Những người lính này phải chạy về quê vì những biến cố tại kinh thành cuối đời vua Cảnh Hưng. Giờ họ bị “bắt lính” trở lại, như thế nào?

Tại Nghệ An, vua Quang Trung cho mời Nguyễn Thiếp đến để hỏi mưu, rồi sai Hô Hổ hầu tuyển binh Nghệ An, cứ ba người lấy một. Chỉ trong chốc lát được hơn một vạn lính. “Sự tra xét gay gắt đến nỗi người ta không biết trốn vào đâu để tránh quân dịch. Các kẻ sai nha đem chó theo để tìm người trong khu rừng bên cạnh như người ta tìm thú: người ta lấy dao xỉa vào đống rơm dùng để đun nấu” (3).

Và để có thêm thời gian chuẩn bị, vua Quang Trung cũng đã gửi thư cho tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, trong đó ông giả vờ nhún mình nhận tội, và nói rằng không biết thiên triều có chịu xá tội cho không, nên chưa dám sai sứ đi xin tha tội. Ông nắm được tâm lý dùng dằng chưa muốn chinh phạt Tây Sơn ở phía nam của vua tôi Càn Long và Tôn Sĩ Nghị do lo ngại vất vả tốn kém. Bản thân Tôn Sĩ Nghị cho rằng Tây Sơn không dám tiến quân ra Bắc và ông ta mong đợi nhiều hơn vào việc chiêu hàng vua Quang Trung. Trong thư gửi nhà Thanh Nguyễn Huệ lại viết rằng “… thần vốn là dòng dõi của quốc vương Chiêm Thành, cha ông bị mất nước nên phải trốn đến đất Tây Sơn, ấn bạc của triều trước sách phong cho vẫn còn đó”. Tôn Sĩ Nghị lại ra chiều kẻ cả, gửi thư ra lệnh cho vua Quang Trung “… phải rút quân về Thuận Hoá để chờ nghe xét xử, không được liều lĩnh làm càn, mà chuốc lấy tội.” (4)

Chiến lược đánh cấp tập của vua Quang Trung

Vì Bắc Hà lúc đó vẫn còn là một vùng đất tương đối thù nghịch với đoàn quân Tây Sơn, nên chủ trương của vua Quang Trung là không tập trung đóng quân tại đây. Ông cũng không sử dụng lối đánh du kích, tiêu hao sinh lực địch quân rồi sau đó kết thúc bằng những trận chiến lớn, như lối đánh của quân dân nhà Trần với giặc Nguyên Mông. Lối đánh du kích quân cần phải dựa vào sự nắm vững địa hình, địa vật và nhất là lòng dân địa phương. Thay vào đó, Quang Trung sử dụng lối tấn công tổng lực, ồ ạt, dựa trên ưu thế vượt hẳn về số lượng trong mỗi trận đánh, bẻ gãy từng cụm phòng thủ của địch quân như kiểu bẻ đũa. Nói cách khác, quân Tây Sơn dưới sự điều khiển của Quang Trung lấy công làm thủ, tập trung dứt điểm nhanh chóng theo kiểu “sét đánh không kịp bưng tai”, khiến địch quân không kịp cứu viện.



Và để tập trung đủ lực lượng đánh lớn, thì vua Quang Trung phải dựa vào uy tín cá nhân của mình với các lực lượng hợp thành. Những tiểu vương, bộ lạc phía Tây dãy Trường Sơn, những tướng lãnh và lực lượng hải khấu, những lực lượng du thương (lái buôn đường dài), những ưu binh Thanh Nghệ… vừa tín phục, vừa khiếp sợ người anh hùng bách chiến bách thắng của họ Nguyễn Tây Sơn.

Đến đây, có lẽ cần nhắc đến một chi tiết ngoài lề nhưng rất thú vị và có liên quan trực tiếp đến phong cách hành quân và chiến đấu theo kiểu “sấm vang chớp giật” của vua Quang Trung, đó là lá số Tử Vi của ông. Mệnh của vua Quang Trung có chính tinh Thất Sát đóng tại Thân, là vị trí đắc địa nhất của Thất Sát, giới Tử Vi gọi là “Thất Sát triều đẩu”, giống như khí thế người anh hùng đứng tại trung tâm, bốn phương hào kiệt ngưỡng vọng vái chào. Có Văn Xương, Hóa Khoa là các văn tinh, chứng tỏ người có tài năng, trí tuệ, có học vấn kiến thức. Có Tả Phù Hữu Bật hợp chiếu là nhiều tay chân trợ giúp. Có Long Trì, Phượng Các, Hóa Khoa, Hóa Quyền hợp chiếu là người phú quý, quyền lực. Nhưng Thất Sát vốn đã là sao bất thần, bất ngờ, đột ngột, như tay tiên phong dũng mãnh tốc chiến tốc thắng, lại có Kình Dương trỗi dậy, bộ Linh, Hỏa trợ giúp, càng thêm phần hỏa tốc mau lẹ, thêm bộ Tả Phù Hữu Bật như tay chân khắp nơi hỗ trợ lại càng ghê gớm… Cho nên, nếu nhìn từ phương diện Tử Vi Đẩu Số, thì không có gì lạ lùng với phong cách thần tốc phủ đầu, lấy tấn công làm phòng thủ của người anh hùng này.

Thọ Xương Giang chi chiến đồ (壽昌江之戰), tranh vẽ của nhà Thanh miêu tả cảnh quân Thanh vượt sông Thọ Xương cuối năm 1788. Phía xa là quân Tây Sơn đang rút lui (nguồn: Wikipeda)

Chúng ta hãy thưởng thức một đoạn mô tả chiến thắng Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa được ghi lại trong “Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện”

“Sau đó mở tiệc khao tướng sĩ rồi nói:

– Nay hãy ăn tết trước, đợi đến mùng bảy tháng Giêng vào thành Thăng Long khi đó lại mở đại tiệc ăn mừng. Các ngươi rồi xem lời nói của ta liệu có khoác lác hay chăng?...

Ngày 30 tết quân vượt sông Giản Thủy. Quân của trấn thủ Sơn Nam nhà Lê là Hoàng Phùng Nghĩa tan vỡ trước. Quân do thám của nhà Thanh đều bị bắt giết sạch cả nên không thể báo tin.

Từ Ổ Môn ở Thăng Long đến Hà Hồi thuộc Thượng Phúc, quân Thanh xây đồn lũy, bố trí đại pháo, bên ngoài lại ngầm chôn địa lôi phòng bị thật chắc chắn. Nửa đêm ngày mồng ba tháng Giêng năm Kỷ Dậu, binh của Huệ đến Hà Hồi, bí mật vây quanh đồn rồi dùng loa, kẻ hô người ứng tiếng vang vọng như đến mấy vạn người, khiến cho trong đồn hoảng sợ không đánh cũng tan, quân Nam thu hết quân tư khí giới.

Ngày mồng năm khi trời mờ sáng, quân Nam tiến đánh Ngọc Hồi, trên lũy quân Thanh bắn ra như mưa. Huệ ra lệnh cho chiến sĩ dùng ván gỗ để chắn xông vào trận, còn mình đích thân thúc voi từ phía sau lên. Khi phá được cửa lũy vào trong rồi, quân Nam liền vứt ván gỗ xuống, dùng dao ngắn xông vào đâm chém loạn xạ. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tứ tán, dẫm phải bẫy chôn từ trước nên bị địa lôi nổ tung chết hại rất nhiều. Quân Tây Sơn ầm ầm xông lên phá luôn các đồn Văn Ðiển, Yên Quyết.

Ðề đốc nhà Thanh Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, tri phủ Ðiền Châu Sầm Nghi Ðống đều tử trận. Nghị [Tôn Sĩ] đang ở trên cồn cát [đại bản doanh quân Thanh ở trên cồn cát giữa sông Nhị Hà, hai bên bắc cầu phao để đi lại] nghe báo một mình một ngựa chạy về bắc, tướng sĩ cũng tranh nhau qua cầu. Cầu đứt cả bọn ngã xuống sông chết đến hàng vạn. Sông Nhị Hà vì thế không chảy được…”



"Rừng mơ" là có thật và cái Tết của binh sĩ Tây Sơn ở Thăng Long năm Kỷ Dậu 1789

Hai thiên tài quân sự Tào Tháo và Quang Trung Nguyễn Huệ đều là những nhà chiến lược cổ kim xưa nay hiếm, và cũng có cả những tiểu thuật dùng khi nguy cấp như “Vọng mai chỉ khát”. Thực ra, đó không phải là điều chính yếu của bài viết này. Yếu quyết trong quân sự là biết mình biết người, uyển chuyển mưu lược, biết chiếm tiên cơ... đó là kiến thức, nhưng cũng là một bản năng trời cho, khó mà sao chép được của những nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất. Trận chiến Tết Kỷ Dậu 1789 vừa là kết tinh của nghệ thuật quân sự, vừa là đại diện cho tinh thần dân tộc và trí dũng của người Việt, của mảnh đất Việt yêu dấu sau hàng trăm năm chia cắt loạn lạc, tưởng như không còn sức vực dậy trước sự tấn công của ngoại bang.

Tinh thần ấy có những lúc tưởng như đã tắt, nhưng nó vẫn còn đó, chỉ cần có những con người chính trực quả cảm khơi dậy và dẫn dắt… Và quan trọng hơn cả, là những việc tiếp tục phải làm phía sau những chiến thắng khiến cả nước hân hoan.

Vua Quang Trung đã ước hẹn với đoàn quân mình “Ăn Tết ở Thăng Long” vào ngày mùng 7 Tết, nhưng chỉ đến trưa 30/01/1789 tức ngày mùng 5 Tết, quân Tây Sơn đã tiến vào kinh thành Thăng Long ăn mừng chiến thắng, sớm hơn dự kiến hai ngày.

Người dân đã dâng lên vua Quang Trung cành đào đỏ thắm, bánh chưng xanh trong tiếng pháo nổ khắp nơi mừng đại thắng...

Người dân đã dâng lên vua Quang Trung cành đào đỏ thắm, bánh chưng xanh trong tiếng pháo nổ khắp nơi mừng đại thắng...

Tinh thần người Việt hàng trăm năm sau vẫn còn náo nức với lời dụ ở núi Bân của vua Quang Trung:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ


   Mời xem thêm »


© Nguyên Phong
    NTDVN
* Sử liệu của bài viết được tham khảo trong các tài liệu: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” - bộ chính sử của triều Nguyễn, “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô gia văn phái, “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802” của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, “Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa” của học giả Cao Tự Thanh… Và đặc biệt chủ yếu là từ tác phẩm “Việt Thanh chiến dịch” của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính.
(1): Đánh cho chúng không còn cái bánh xe để quay về, manh giáp không còn lành lặn, cho chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ.

(2): Thư Le Roy, 26-7-1787 (RI, XII, 1910, t.535)

(3): Thư giáo sĩ Longer gửi cho Julliard (A.Launay, III, t.238)

(4): Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 586

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad