Tháng Tư, nghĩ về hòa giải! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Tháng Tư, nghĩ về hòa giải!


Hàng chục vạn sinh linh đã chết trong tù cải tạo, hay trên đường tìm tự do, hay tiếp tục kháng chiến, v.v… kể từ tháng Tư đó. Những người còn sống sốt, trong lẫn ngoài Việt Nam, hẳn muốn tìm mọi cách để quên đi những nỗi đau, những chấn thương quá lớn lao này. Nhưng rốt cuộc khó một ai có thể quên!

Một hình ảnh trong poster phim Vietnam War của PBS.

Chiến tranh để làm gì? Tái lập hòa bình và tái thiết quốc gia, hay để phục vụ mục tiêu của một ý thức hệ không tưởng! Và sau chiến tranh, chính sách “hòa giải hòa hợp” cho quốc gia là gì để xây dựng lại những đổ nát và hàn gắn những vết thương?

Đó là những câu hỏi quan yếu cho mọi lãnh đạo chính trị quốc gia, trước và sau mọi cuộc chiến tranh.

Nhưng những gì xảy ra sau 30 tháng 4 năm 1975 là những biến cố gây sợ hãi tột cùng lên phần lớn người dân miền Nam. Cho đến nay nó thật sự vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Hàng chục vạn sinh linh đã chết trong tù cải tạo, hay trên đường tìm tự do, hay tiếp tục kháng chiến, v.v… kể từ tháng Tư đó. Những người còn sống sốt, trong lẫn ngoài Việt Nam, hẳn muốn tìm mọi cách để quên đi những nỗi đau, những chấn thương quá lớn lao này. Nhưng rốt cuộc khó một ai có thể quên! Cách đối phó của đa số những người khi gặp chấn thương quá lớn là tìm cách tách rời, là không muốn dính líu hay quan hệ đến những ký ức đau thương, để hy vọng từ từ quen và quên đi. Có những người sẵn sàng tha thứ, nhưng quên thì chắc là không, dù muốn. Bộ óc con người được thiết kế như thế để nhớ mối đe dọa, nhất là các đe dọa sống còn, đã từng gây kinh hoàng và ác mộng lên họ.

Không quên là nỗi khổ tâm có khi suốt đời, dù đó cũng là khả năng sống còn. Nó là hai khía cạnh đối nhau của tâm lý con người. Nhiều khi chúng ta ước gì có thể quên được những ký ức đau buồn. Những cựu chiến binh Mỹ, Úc từng tham chiến Việt Nam chỉ hai ba năm, lúc về nước vẫn có những người bị rối loạn căng thẳng (tâm lý) hậu chấn thương, PTSD. Huống chi những người đã từng vào sinh ra tử, may mắn sống sốt giữa lằn đạn, mười đến hai chục năm, chứng kiến những tình huống bi thương, tàn khốc và kinh khiếp nhất của chiến tranh. Nhưng điều đáng nói là sau chiến tranh, hòa bình vẫn không đến với họ và gia đình họ. Có người bị tù đầy, trù dập qua chính sách tồi tệ nhất mà con người có thể tưởng tượng ra đến thêm năm, mười đến mười lăm năm nữa. Những chính sách đầy hận thù và phân biệt làm cho họ không những mất những người thân thương nhất trong đời, mà còn mất tất cả tài sản, mất nhân phẩm, mất nhân cách. Họ còn bị coi là phản bội tổ quốc, bị tước hết mọi quyền công dân, nếu quả thật công dân có chút quyền gì trong xã hội đó. Nhiều người đi tìm tự do, và khi có được tự do, thì cái giá họ trả quá đắc. Cuộc sống của họ bị đảo ngược hoàn toàn. Họ không còn gì cả. Họ bị liệt kê là nguỵ quân nguỵ quyền, bị toàn bộ máy chính quyền và truyền thông lên án kết tội mấy chục năm qua, rồi bị bứng ra khỏi quê hương để mãi mãi lưu vong.

Những chấn thương quá lớn như thế, dù có được các chuyên gia hàng đầu chữa trị bởi các phương pháp khoa học và thích hợp nhất, và được hỗ trợ bởi một chính quyền với những chính sách hòa giải thật sự, thì cũng mất nhiều thời gian và cũng khó thể nào vượt qua những hệ lụy còn lại, huống chi ngược lại.

Sự đối xử hung bạo và tàn ác của bên thắng cuộc trong cuộc chiến Việt Nam đối với bên thua cuộc tưởng chừng như chưa chừng xảy ra trước đó trong lịch sử Việt Nam. Nhưng nó đã thật sự xảy ra, với mức độ và hình thức khác. Chẳng hạn, sự trả thù tàn khốc của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn, và ngược lại, đã nói lên được rất nhiều về các ý niệm tha thứ hay hận thù, khoan dung hay cực đoan, tư thù hay quốc hận, quyền lợi gia tộc hay dân tộc, vân vân, của giới lãnh đạo quốc gia trong lịch sử Việt Nam. Những tư tưởng và hành động như thế này hiển nhiên để lại những hệ quả khốc liệt, gieo những mầm móng ung nhọt, cho bao nhiêu thế hệ sau đó. Đó là một văn hóa bạo động và hận thù không lối thoát. Và nó là vòng luẩn quẩn không thể vượt qua nếu tiếp tục được bao che và bào chữa.

Vì thế cho nên tôi đồng ý rằng con đường để dân tộc Việt Nam vượt qua được sự chia rẽ hận thù chồng chất bao nhiêu thập niên qua, hay đúng hơn, gần bốn trăm năm qua, từ thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh, nếu không phải là trước đó nữa, là chính sách hòa giải đích thực. Nhưng một chính sách như thế muốn thật sự có giá trị và hiệu quả, theo tôi, đòi hỏi một số yếu tố và điều kiện căn bản sau đây.

Một, tính chính danh của chính sách đó. Nghĩa là nếu đây chỉ là mong ước của một số người, dù thành thật đến mấy, cũng không thể nào thành công vì nó không có chính danh. Ngay cả khi chủ trương này do nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay khởi xướng, điều mà họ đã từng làm trước đây với chủ trương tuyên truyền và lừa gạt là chính, thì nó cũng không mang tính chính danh. Bởi họ chưa bao giờ thật sự đại diện tiếng nói của người dân. Theo tôi thì chỉ khi nào thể chế chính trị Việt Nam thật sự dân chủ trong đó lãnh đạo chính trị quốc gia trong cả ba ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp được chính người dân bầu chọn, thì lúc đó nhà nước Việt Nam mới thật sự có chính danh và chính nghĩa để thực hiện chủ trương này.

Hai, tính công lý và nhân bản. Khi đã có chính danh và chính nghĩa, lãnh đạo chính trị quốc gia mới thật sự là đại diện tiếng nói và quan điểm của các xu hướng chính trị khác nhau. Đây là tiền điều kiện cần thiết và quan trọng để thảo luận rốt ráo và tranh luận sâu sắc với nhau một chính sách hòa giải và hòa hợp phức tạp, mang một phạm trù bao hàm thay vì loại trừ, để đưa đến các giải pháp mang lại công lý thật sự cho người Việt. Và các giải pháp này phải thật sự nhân bản, hàn gắn vết thương và xoa dịu nỗi đau, để tâm hồn của đại đa số người dân Việt Nam được thật khỏa lắp bởi tình thương và cảm thông. Chúng ta không thể thực hiện thành công mục tiêu hòa giải nếu chỉ đến từ thiện chí hay lương tri đến từ một thiểu số chưa thể xác định và chuẩn mực được những giá trị công lý và nhân bản.

Ba, tính tôn trọng sự thật lịch sử và hướng đi tương lai. Một chính sách hòa giải và hòa hợp mang tính tượng trưng, biểu kiến, thay vì mục đích hàn gắn vết thương và vượt qua nỗi đau quá khứ, sẽ không tồn tại. Muốn có giá trị lâu dài, chính sách này phải ghi nhận những lỗi lầm lịch sử, những bài học cần thiết, và những lời xin lỗi chân thành. Chính sách này cũng cần nêu ra những giá trị nền tảng lâu dài cho đất nước để tái thiết cũng như để tránh lập lại những lỗi lầm của quá khứ. Nhưng chỉ có lãnh đạo chính trị quốc gia thật sự đại diện cho toàn thể người dân và được ủy nhiệm (empowered) mới có thể hoàn thành sứ mạng khó khăn này.

Bốn, ghi nhận và nâng đỡ những nạn nhân bằng những việc làm cụ thể. Trong tương lai, lãnh đạo chính trị dân cử tại Việt Nam cần quyết định một số việc cụ thể để khắc ghi những chính sách sai lầm của quá khứ, từ cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm tại miền Bắc, đến trại tù cải tạo, kinh tế mới, đổi tiền, thuyền nhân Việt Nam v.v... Một số nơi cần được đạo luật đặc biệt do quốc hội thông qua để trở thành di tích lịch sử chính thức, và các viện bảo tàng sẽ trưng bày những câu chuyện và những chứng vật, những thảm họa chiến tranh từ mọi phía, cho đến các câu chuyện thuyền nhân Việt Nam. Điều quan trọng khác là cần phải có chính sách cụ thể để nâng đỡ bao nhiêu nạn nhân bị đối xử tàn tệ, kể cả những người đi tù mục xương, chết trong tù, và những hệ lụy đến gia đình họ. Lịch sử phải ghi nhận những sự thật này, đó là điều căn bản và bước đầu. Và sau đó là chính sách bồi thường cần thiết. Nhưng chúng ta không thể làm bất cứ điều gì trong các nhu cầu trên trong thời điểm hiện nay, khi chưa thể có tính chính danh và sự ủy nhiệm chính thức của người dân từ mọi xu hướng chính trị trên mọi miền đất nước. Sự phân biệt đối xử và sự đàn áp tồi tệ đối với các sắc tộc thiểu số tại Việt Nam cũng cần phải được lịch sử ghi nhận một cách chính thức và các chủ trương hòa giải, và các bộ luật tôn trọng các quyền căn bản của họ, kể cả ngôn ngữ và văn hóa, đối với các dân tộc thiểu số.

Năm, biết được các giới hạn của hòa giải hòa hợp. Cho dầu lãnh đạo chính trị quốc gia có thể đưa ra một chính sách hòa giải hòa hợp toàn hảo đi nữa, với các chuẩn mực nói trên, chúng ta chỉ có thể mong đợi một cách thực tế là một phần nào đó người dân sẽ hàn gắn, sẽ tha thứ cho nhau, qua thời gian vết thương sẽ được lành lặn, và hy vọng sẽ xây dựng được sự thông cảm cho nhau. Điều này tuy hơi lý tưởng nhưng không phải là bất khả. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thực tế nhìn nhận rằng sẽ có một thành phần dân tộc khác sẽ không thể thực hiện được, dù cố gắng đến mấy và dù được hỗ trợ đến mấy. Có thể là vì sự hận thù của họ là quá lớn mà họ không thể vượt qua được. Nhưng cũng có thể chính họ là những người bị những chấn thương quá lớn, bị PTSD, đầu óc của họ đã bị hư hại ít nhiều. Những người này đáng thương hơn đáng trách. Mọi giác quan của họ, từ nghe, thấy, ngửi, ném, cảm nhận hoặc linh cảm, tuy chủ quan và không dựa trên cơ sở bằng chứng cụ thể nào, nhưng đều dễ dàng đưa họ trở về quá khứ của đe dọa, đau thương, hãi hùng.

Những người ở trong trường hợp như thế không còn khả năng điều chỉnh hay chủ động phần não lý trí PRC (pre-frontal cortex), trong khi phần não Amygdala dễ dàng cưỡng chiếm mọi cảm xúc của họ. Rất nhiều người trong chúng ta được cha mẹ thương yêu, nhưng vẫn không quên được lúc năm, sáu tuổi từng bị cha mẹ dọa đem bỏ chợ, hoặc ví rằng mình là con rơi lượm ngoài chợ hay thùng rác. Cũng có những lúc bị đánh đập, chửi mắng hay dọa nạt làm chúng ta tổn thương tột cùng mà đeo đuổi chúng ta suốt đời. Nhưng những hình phạt thể xác nhiều khi không gây tổn thương và để lại chấn thương bằng những lời nói, cử chỉ khắc ghi vào bộ óc của mình. Chỉ từng đó thôi mà cả đời mình còn không quên, huống gì những chấn thương chiến tranh tâm lý làm tan nát cuộc đời. Khi những chính sách phân biệt đối xử nặng nề kéo dài nhiều thế hệ như thế, hệ quả để lại sẽ ăn sâu vào tâm khảm của nạn nhân. Cũng vì như thế cho nên chính sách hòa giải bằng các biện pháp tích cực và thích đáng nhất đối với chính sách nô lệ và đối xử tàn tệ với người da đen tại Mỹ hàng trăm năm, chính sách đối xử tàn tệ đối với người thổ dân Úc, kể cả Thế hệ Bị Đánh cắp (Stolen Generation), hay hệ thống phân biệt chủng tộc được thể chế hóa tại Nam Phi, vân vân… sẽ mất rất nhiều thời gian để phần nào đạt được kết quả hàn gắn, đoàn kết và cảm thông.

Tóm lại, hòa giải là một mục tiêu chính đáng, cần thiết và cấp bách đối với Việt Nam. Không thể xây dựng sức mạnh và phát huy tiềm năng của dân tộc để đối phó với những thử thách lớn lao bằng tinh thần rã rời và mục nát như hiện nay. Tôi hiểu được chủ trương và mục tiêu của hòa giải hòa hợp là xây dựng sức mạnh và đoàn kết. 30 tháng Tư 1975 là một cơ hội quý hiếm bị bỏ lỡ. Nhưng để thực hiện hòa giải thành công thì không thể chỉ bằng thiện chí, công lý, sự thật, tha thứ, hàn gắn hay tình thương là đủ. Khi không có thực quyền, không được ủy nhiệm, không mang tính đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị của dân tộc và cho các nạn nhân của thời cuộc, thì chính sách hòa giải sẽ không đi đến đâu cả. Có lẽ cần phải có ủy ban hòa giải độc lập quy tụ những người uy tín được nhà nước Việt Nam do dân bầu lên trong tương lai ủy quyền, đặt mục tiêu và chuẩn mực hoạt động để thực hiện nhiệm vụ cao cả này.

Tuy thế, tôi mong mỏi rằng một ngày nào đó người Việt có thể vượt qua được sự hận thù và chia rẽ chồng chất hiện nay, ước mong tôi đã trình bày nhiều lần trên trang này, để từng bước đi đến tinh thần hòa giải đích thực cho tương lai của đất nước và thế hệ mai sau. Tinh thần hòa giải khi chưa thể thực hiện tầm lớn thì, không cần phải chờ đợi, vì chúng ta vẫn có thể ở tầm cá nhân, qua tư duy và hành động chân thật của mình với người khác.


Phạm Phú Khải
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad