Lần theo thời gian, người ta không hề ngạc nhiên với trường hợp của Nguyễn Bắc Son vì đã có quá nhiều vụ tương tự xảy ra liên tiếp trong các đại án tham nhũng.
Vụ Vinashin trong suốt 5 năm cơ quan thi hành án chỉ thu hồi được 3 tỷ trong khi số tiền thất thoát lên đến 1.080 tỷ đồng. Vụ Vinalines không khá gì hơn chỉ thu được 10% số tiền mà tòa án giao cho cơ quan thi hành án.
Tháng 4 năm 2017, Cục trưởng Thi hành án dân sự Hà Nội, ông Lê Quang Tiến cho biết riêng vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, số tiền phải thi hành án là hơn 358 tỷ đồng nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng, và gần như không còn khả năng thu hồi thêm.
Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Ngân hàng ACB trên 100,146 tỷ đồng, trong đó có 100 triệu đồng án phí, phải truy nộp trên 100,046 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, nhưng tính đến cuối tháng 3 năm 2017, chỉ thi hành được 100 triệu đồng án phí và hơn 74 tỷ tiền truy nộp. Nguyễn Đức Kiên còn phải thi hành 26 tỷ 44 triệu đồng.
Có hơn 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và hơn 2.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Thị Bích Lương liên quan Ngân hàng Agribank… đều chưa được thu hồi.
Người dân chẳng những thất vọng họ còn nghi ngờ ngay cả cơ quan thi hành án đã toa rập với gia đình bị can để tiếp tục đút túi tiền hối lộ cho cán bộ hầu tránh bị tịch thu tài sản mà can phạm có dính líu tới. Theo nhiều cán bộ tư pháp cho biết sở dĩ việc thu hồi tài sản bị kéo dài, hiệu quả thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về mặt thể chế, do khâu tổ chức thực hiện, tài sản của đối tượng đã bị tẩu tán trước khi tòa án có phán quyết.
Một hiện tượng chung là khi xử một vụ đại án nào đó tòa án chuẩn bị hồ sơ quá lâu, chỉ khi câu chuyện được dân chúng gần như biết hết thì các nghi phạm mới bị đưa ra trước tòa. Họ có một thời gian dài tẩu tán tài sản bất minh kể cả khi tài sản đó quá lớn, khó chuyển đi trong lúc bình thường.
Trong thời gian gần đây chuyển tiền ra nước ngoài không còn là vấn đề khó khăn nữa. Tiền huê hồng cho việc chuyển chui qua nhiều đường giây dã giúp cho những đồng bạc bất chính luân chuyển một cách dễ dàng từ Việt Nam đi các châu lục khác kể cả Mỹ. Người ta không lạ khi có rất nhiều cán bộ Việt Nam vô tư mua nhà tại Mỹ mà không bị bất cứ cản trở nào vì họ không mang theo trong mình khi bay mà những khoản tiền rất lớn đã được chuyển đi từ trước.
Những hình thức rửa tiền đã được chuyền tai nhau trong đội ngũ cán bộ khiến họ có thể dùng những cơ sở business tại nước ngoài làm bình phong cho đồng tiền bất chính mà họ kiếm được. Việc rửa tiền đã trở thành quen thuộc đến nỗi có những số tiền lớn nhiều triệu đô la bỗng trở thành ít oi khi đã được rửa.
Ngoài ra theo Bộ Tư pháp, còn có những nguyên nhân khác khiến khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Một là, số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Ví dụ, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng và gần như không còn khả năng thu hồi thêm. Nguyên nhân này phải được làm rõ từng chi tiết xem số tiền thất thoát xảy ra từ đâu và cơ quan điều tra phải rà soát bằng được những đồng tiền nhỏ nhất để từ đó vây bắt những con cá mập còn ẩn mình trong vụ án.
Thứ hai là tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Trong trường hợp này cần quyết đoán tài sản do ai đứng tên và truy ra nguồn gốc bất kể giấy tờ sở hữu của chúng mập mờ như thế nào. Phần việc này rất dễ phát hiện từ những chuyên viên nhà đất ngoại trừ chính họ muốn có chuyện mập mờ nhằm tẩu tán tài sản.
Nguyên nhân thứ ba theo Bộ Tư pháp là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau nên ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Ví dụ vụ Phạm Công Danh, liên quan Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Vấn đề này Bộ Tư pháp phải có liên văn bản cho toàn quốc nhằm đưa ra quyền thi hành án cho các Cục Thi hành án tuân hành bản án bất cứ được xét xử ở đâu cũng đều có tư cách pháp lý như nhau.
Ngoài ra một số vụ không thể xử lý tội phạm tham nhũng do cơ chế hay do móc ngoặc ngay khi thụ lý hồ sơ nên tòa chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà không phải là tham nhũng. Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được.
Theo một chuyên gia quốc tế về vấn đề này, Ông Shervin Majlessi Cố vấn pháp luật cao cấp của Word Bank cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng thông qua quy trình truyền thống, nghĩa là qua kênh tố tụng và theo phán quyết của tòa án, thường ít mang lại hiệu quả. Do vậy, nhiều nước đã lựa chọn cách thức “tịch thu tài sản mà không cần tuyên án”. Ông cho biết “Ở Mỹ, trong một vụ việc mới đây nhất, nếu chờ quan tòa phán quyết sẽ mất rất nhiều thời gian nên lực lượng chức năng đã sử dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần tuyên án để tịch thu khoản tiền hơn 1 tỷ USD”
Theo ông Majlessi, cách thức áp dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần tuyên án ở mỗi nước có khác nhau nhưng đều có điểm chung là hướng vào tài sản bất minh chứ không phải cá nhân.
Chỉ khi nào luật pháp Việt Nam rạch ròi trong thi hành án cũng như áp dụng những biện pháp chế tài nhanh chóng, kể cả cô lập, phong tỏa tài sản của bất cứ nghi can nào khi Cơ quan điều tra bắt đầu thẩm cung. Bên cạnh đó là việc áp dụng biện pháp mạnh trong lúc thi hành án, bắt giữ những người cố tình bảo vệ, bao che, làm giả giấy tờ cho tài sản bất minh cùng hàng chục biện pháp khác. Lúc ấy may ra tài sản tham nhũng mới chạy về lại với ngân sách nhà nước bằng không câu nói biếm nhẽ của dân gian: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” vẫn là kim chỉ nam cho những người như cha con Nguyễn Bắc Son mà thôi.
Mặc Lâm
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét