Khi sách giáo khoa và giáo dục trở thành… cần câu - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

Khi sách giáo khoa và giáo dục trở thành… cần câu


Khi sách giáo khoa và giáo dục trở thành… cần câu

Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) vừa trả lời về khoản tiền 16 triệu Mỹ kim vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để soạn một bộ sách giáo khoa mới cho trẻ con ở Việt Nam. Đối chiếu trả lời này với những thông tin từng được công bố trước đây, “Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” (RGEP), rõ ràng không phải vì giáo dục!

**

Cách nay khoảng năm năm, Bộ GDĐT giới thiệu RGEP và loan báo đã vay WB 77 triệu Mỹ kim, kèm ba triệu Mỹ kim như vốn đối ứng. Tổng chi phí cho RGEP là 80 triệu Mỹ kim, chia làm bốn “phần”: 25% (20 triệu Mỹ kim) để hỗ trợ biên soạn, thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới. 50% (40 triệu Mỹ kim) để đánh giá, phân tích kết quả học tập để tiếp tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông. 20 triệu Mỹ kim còn lại (25%) dành cho “hỗ trợ phát triển chương trình” và “quản lý dự án” (1).

Theo dự kiến, RGEP sẽ hoàn tất vào năm tới (2020) nhưng mới đây, sau khi Bộ GDĐT giới thiệu 32 bản sách giáo khoa mới, cùng được biên soạn cho chín môn, dùng để dạy học sinh lớp một, vì không thấy bản nào do Bộ GDĐT trực tiếp biên soạn, nhiều người mới nêu thắc mắc: 16 triệu Mỹ kim từng vay của WB để biên soạn sách giáo khoa đã dùng vào việc gì? Phải chăng RGEP đã phá sản? Nếu đúng như vậy thì những ai phải chịu trách nhiệm?

Trước những thắc mắc vừa kể, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ phó Vụ Trung học của Bộ GDĐT – vừa lên tiếng biện giải rằng: Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa mới theo kế hoạch đã được xác định tại RGEP. Việc biên soạn sách giáo khoa đã được “xã hội hóa” để tiết kiệm chi phí và Bộ GĐĐT đang đàm phán với WB để có thể chi 16 triệu Mỹ kim từng hỏi vay WB nhằm biên soạn sách giáo khoa, vào việc “tái phân bổ cho các hoạt động cần thiết khác trong giai đoạn đầu triển khai chương trình mới”.

Theo ông Thành, Bộ GDĐT phải có tiền để triển khai biên soạn, biên tập, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa mới, trả thù lao cho tác giả. Chi tiền soạn sách giáo khoa song ngữ dành cho học sinh nhóm thiểu số, sách chữ nổi dành cho học sinh khiếm thị. Muốn “đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” còn phải: Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá. Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Mua sách cho học sinh các trường ở những vùng khó khăn mượn (2),...

***

Có rất nhiều điểm đáng chú ý mà cả công chúng lẫn báo giới nên đề nghị Bộ GDĐT trả lời: Chi phí dành cho RGEP là 80 triệu Mỹ kim, tại sao từ đầu đến cuối, ông Thành chỉ kể 77 triệu Mỹ kim vay của WB mà quên ba triệu Mỹ kim Việt Nam bỏ ra làm vốn đối ứng? Phân biện của ông Thành là… thật thà: Tiền dành cho việc thực hiện RGEP chỉ có… 16 triệu Mỹ kim, cần tiếp tục giữ lại khoản 16 triệu Mỹ kim đã “tiết kiệm” được từ “xã hội hóa” việc biên soạn sách giáo khoa này để dùng cho nhiều việc khác?

Ông Thành… thật thà thì tại sao chi phí dành cho việc biên soạn sách giáo khoa, vốn tương đương 25% tổng giá trị dự án, đúng ra phải là 20 triệu Mỹ kim lại giảm xuống còn 16 triệu Mỹ kim? Đầu năm 2017, khi công bố RGEP, Bộ GDĐT từng tuyên bố sẽ dành 50% tổng giá trị dự án cho “đánh giá, phân tích kết quả học tập để tiếp tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông”, 25% tổng giá trị dự án để “hỗ trợ phát triển chương trình” và “quản lý dự án”, nếu thật sự… thật thà, ông Thành nên cho biết, khoản 60 triệu Mỹ kim của ba “phần” ấy đang ở đâu mà Bộ GDĐT vẫn cần khoản vay 16 triệu Mỹ kim dôi dư do việc biên soạn sách giáo khoa đã “xã hội hóa”?

Đã chừa ra 40 triệu Mỹ kim để “đánh giá, phân tích kết quả học tập để tiếp tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông” mà vẫn cần giữ lại khoản vay 16 triệu Mỹ kim không xài tới để… biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện, để… đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá thì quả là… khó hiểu!

Tương tự, đã dành – giữ 20 triệu Mỹ kim cho “hỗ trợ phát triển chương trình” và “quản lý dự án” mà vẫn còn thiếu, vẫn cấu vào khoản vay 16 triệu Mỹ kim không xài tới để… bồi dưỡng cán bộ quản lý thì khác gì vẽ chân cho… rắn? Đem tính chất bốn “phần” của RGEP mà Bộ GDĐT công bố hồi đầu 2017, đối chiếu với những gì mà ông Thành vừa biện giải với báo giới về viẹc tại sao Bộ GDĐT vẫn cần 16 triệu Mỹ kim dư ra do biên soạn sách giáo khoa đã được “xã hội hóa”, không muốn cũng phải thấy, giống như nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam, giáo dục là nơi tuy… thiếu giấy, phải vay nhưng các viên chức hữu trách rất thích… vẽ voi!

***

RGEP từng được xác định là một “dự án trọng điểm trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam” và sách giáo khoa là lõi của “dự án trọng điểm” ấy. RGEP và sách giáo khoa không chỉ có chừng đó chuyện. Báo chí Việt Nam lại vừa tiết lộ thêm một chuyện mới, liên quan đến sách giáo khoa… mới: Từ năm 2015 đến nay, tháng nào Nhà Xuất bản Giáo dục (NXB GD) cũng trả… lương cho 11 viên chức hữu trách của Sở GDĐT TP.HCM.

Sau khi việc biên soạn sách giáo khoa được “xã hội hóa” (cho phép tự soạn, các địa phương có quyền lựa chọn những bộ sách đã được Bộ GDĐT thẩm định và công nhận đạt tiêu chuẩn giáo khoa), NXB GD thành lập Ban Chỉ đạo Biên soạn (BCĐ BS) Bộ sách giáo khoa miền Nam (SGK MN), 11 viên chức của Sở GDĐT TP.HCM – những cá nhân mà theo Luật Giáo dục có quyền lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh các cấp ở TP.HCM – đã được mời tham gia vào ban này.

Trọng trách mà 11 viên chức này đang đảm nhiệm tại Sở GDĐT TP.HCM tương ứng với vai trò của họ trong BCĐ BS Bộ SGK MN và bốn năm vừa qua, tháng nào họ cũng được trả… thù lao: Trưởng ban (6 triệu đồng/tháng), Phó ban (5 triệu đồng/tháng), Ủy viên Thường trực (4 triệu đồng/tháng), Ủy viên (3,5 triệu đồng/tháng). Chắc chắn điều này có liên quan mật thiết đến việc Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM không tiếc lời ca ngợi Bộ SGK MN tại một hội thảo về đổi mới chương trình và sách giáo khoa (3)…

Cho đến giờ, việc thay đổi sách giáo khoa như bước khởi đầu để “đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, tiếp thu tiến bộ của thời đại, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam và những giá trị phổ quát của nhân loại” mới chỉ cho thấy... sách giáo khoa đã bị biến thành một thứ cần câu cho viên chức đủ cấp câu… bạc cả từ ngân sách lẫn túi của bá tánh. Giáo dục sẽ còn giãy đành đạch khi bị những cá nhân được đảng “qui hoạch” đứng ra quản trị và điều hành!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad