Phạm Nhật Vũ và tiến trình chuyển giao ‘cơ đồ’ cho ‘trọc phú đỏ’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Phạm Nhật Vũ và tiến trình chuyển giao ‘cơ đồ’ cho ‘trọc phú đỏ’


Bản án mà Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm vụ “đưa, nhận hối lộ”, “vi phạm qui định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG - vừa tuyên giống như một tuyên ngôn: Tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc và “cơ đồ” của đảng CSVN đã được đặt vào tay các “trọc phú đỏ”.


Phạm Nhật Vũ – người đứng phía sau chính phủ, âm thầm điều khiển nhiều bộ (từ Công an, Kế hoạch Đầu tư đến Thông tin Truyền thông,…) để có thể dễ dàng bán 95% cổ phần của AVG cho Mobifone với giá cao gấp 14 lần giá trị thật, chiếm đoạt của công quỹ 7.000 tỉ đồng – chỉ bị phạt ba năm tù (1).

Cả giới lãnh đạo đảng CSVN lẫn HĐXX Phạm Nhật Vũ đều cho rằng, ông Vũ đáng được… khoan hồng vì ngoài việc chủ động khắc phục hậu quả còn thành khẩn khai báo, khiến các viên chức cao cấp phải “nhận tội”, giúp đảng và hệ thống bảo vệ pháp luật có đủ căn cứ để xét xử vụ án đầu tiên về tham nhũng (2).

Khi khắc họa sự thành tâm và thiện ý của Phạm Nhật Vũ để giải thích cho việc tạo ra - áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” hết sức bất thường (không chỉ luật pháp chưa hề đặt định mà trong thực tế xử lý hình sự cũng chưa bao giờ có tiền lệ) đối với Phạm Nhật Vũ, có một điều mà cả giới lãnh đạo đảng CSVN, lẫn hệ thống bảo vệ pháp luật, hệ thống truyền thông chính thức cùng lờ đi: Phạm Nhật Vũ đã sản xuất như thế nào, kinh doanh ra sao để có đủ năng lực tài chính, chịu đựng cả thiệt đơn lẫn thiệt kép?

Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là một trường hợp điển hình, minh họa cho thực trạng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bị các “doanh nhân” lũng đoạn, thi nhau bán rẻ tài nguyên quốc gia, tước đoạt đủ thứ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của dân chúng để giao cho một số “doanh nhân”, hỗ trợ những “doanh nhân” này thành các tỉ phú đô la! Không phải ngẫu nhiên mà thiên hạ gọi những “doanh nhân” hối mại quyền thế để “phá sơn lâm, đâm hà bá” giàu có “nứt đố, đổ vách” là “trọc phú đỏ”!

Không phải tự nhiên mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhiều lần thừa nhận về sự tồn tại và phát triển càng ngày càng nguy hiểm, kể cả cho đảng, của các “nhóm lợi ích” – tập hợp những cá nhân hoặc là viên chức hoặc là “doanh nhân” câu kết với nhau để chia chác tài sản quốc gia, các nguồn lợi xã hội.

Nếu trước đây, việc xử lý một số “nhóm lợi ích” luôn theo khuynh hướng tha những viên chức hữu trách, chỉ “chặt đầu, lột da” các “doanh nhân” thì nay, cách xử lý hình sự Phạm Nhật Vũ trong bản án sơ thẩm xử thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG cho thấy “gió đã đổi chiều”. Khi khối tài sản của các “doanh nhân” là “trọc phú đỏ” càng ngày càng lớn, vai trò của các “trọc phú đỏ” càng ngày càng quan trọng, gánh nặng “trách nhiệm hình sự” được chuyển sang vai các viên chức hữu trách như Nguyễn Bắc Son,…

***

Cần lưu ý thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vốn đã hoàn tất và “tiền đã trao, cháo đã múc”, tình thế chỉ bị lộn ngược sau khi Phạm Nhật Vũ đột nhiên “tự nguyện” hoàn lại toàn bộ số tiền đã nhận, “thành khẩn khai báo” đã đưa hối lộ 6,2 triệu Mỹ kim cho Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải.

Đó cũng là lý do, tuy Nguyễn Bắc Son bị xem như nghi can hàng đầu trong thương vụ vừa kể, đảng ta vẫn phải tổ chức trao “Huân chương Độc lập hạng Nhì” cho “đồng chí” Son, nhẫn nại chờ đến khi “doanh nhân” Phạm Nhật Vũ quyết định “đổi chủ giữa dòng”, đảng ta mới khởi tố và biến “đồng chí” Son thành “chủ mưu”!

Ai cũng biết tại sao một số “doanh nhân” ở Việt Nam đột nhiên trở thành tỉ phú đô la chỉ trong một thời gian rất ngắn. Khi các “doanh nhân” loại này được hưởng “chính sách hình sự đặc biệt” như Phạm Nhật Vũ, đó chính là sự khuyến khích “đổi chủ giữa dòng” và từ nay, các viên chức hữu trách sẽ trở thành “con tin” của “trọc phú đỏ”.

Bởi tương quan giữa thế và lực của các nhóm trong đảng liên tục thay đổi, qua trường hợp Pham Nhật Vũ, việc “đổi chủ giữa dòng” mở ra một cơ hội mới, khuyến khích các “trọc phú đỏ” chủ động chọn “chủ” để hoán chuyển các “trọng tội” thành những “đại công” giới này sẽ sớm nắm giữ toàn bộ “cơ đồ”.

Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền rồi hệ thống bảo vệ pháp luật, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đã cũng như đang bảo rằng, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với Phạm Nhật Vũ là cần thiết vì nhờ vậy mà thu hồi được tài sản bị thất thoát do tham nhũng. Đây là một kiểu ngụy biện nguy hiểm!

Nếu thật sự muốn chống tham nhũng và thu hồi tài sản bị tham nhũng, tại sao từ giới lãnh đạo đảng đến giới lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ vẫn gạt bỏ đề nghị đưa “giàu có bất minh” vào bộ luật hình sự theo tinh thần của Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (3)?

Thất bại trong việc đề nghị hình sự hóa “giàu có bất minh” (điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự tất cả những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) khi soạn - sửa Luật Hình sự Việt Nam vào các năm 2015, 2017, một số chuyên gia pháp lý tại Việt Nam tiếp tục đề nghị xử lý các viên chức “giàu có bất minh” bằng Luật Phòng – chống tham nhũng như: Định giá phần tài sản mà viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc rồi buộc nộp thuế hoặc tịch thu sung công,… (4).

Tuy nhiên sau ba năm nâng lên, đặt xuống, tất cả những đề nghị xử lý các viên chức “giàu có bất minh” và gian dối khi kê khai tài sản đều bị gạt khỏi Dự luật sửa đổi Luật Phòng – chống tham nhũng khi Quốc hội thông qua dự luật này hồi tháng 11 năm ngoái. Nếu xác định “giàu có bất minh” là tham nhũng, chấp nhận dùng Luật Hình sự xử lý “giàu có bất minh”, chắc chắn hệ thống bảo vệ pháp luật của Việt Nam không cần đến sự “hợp tác” của Phạm Nhật Vũ. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức cũng không cần phải ca ngợi “thành tâm, thiện ý” của Phạm Nhật Vũ!

***

Nếu ngẫm cho kỹ, bản án sơ thẩm vụ “đưa, nhận hối lộ”, “vi phạm qui định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG chỉ minh định một điều: Sau khi đã cùng nhau bán đủ thứ theo kiểu đại hạ giá, để có thể triệt hạ các “đồng chí” có lợi ích khác biệt với mình, nhằm củng cố quyền lực, những đồng chí đang ở thế thượng phong trong đảng ta tiếp tục bán cả “cơ đồ” của đảng. Đáng lo là “cơ đồ” ấy bao gồm cả vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad