Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 9/3, từ Canada, con gái ông Trương Duy Nhất, cô Trương Thục Đoan nói:
''Dù họ có tuyên bao nhiêu năm chăng nữa, tôi vẫn đảm bảo và tin chắc rằng ba tôi vô tội.''
''Họ chỉ đang cố cầm tù ba tôi như một cách để không cho ba tiếp tục sử dụng ngòi bút của mình để phản biện xã hội." Thục Đoan khẳng định.
Cô cho biết chưa liên lạc được với mẹ sau khi có kết quả vụ xử, nhưng cho biết: ''Tôi đang cố gắng tìm cách liên lạc với mẹ. Và tôi biết chắc rằng cả ba và mẹ, hai luật sư bào chữa và nhiều người khác đang rất phẫn nộ về bản án đó.''
HĐXX cho rằng Trương Duy Nhất đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, tự ý ký ba công văn gửi UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc đề nghị được mua nhà đất công sản. Hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, với số tiền là hơn 13 tỉ đồng, theo báo Tuổi Trẻ.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Đặng Đình Mạnh, luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất nói, trong phiên tòa hôm 9/3, ông Trương Duy Nhất bác bỏ hoàn toàn cáo trạng.
Ông Mạnh cho biết thêm, khi tòa cho nói lời sau cùng, ông Trương Duy Nhất đã phát biểu: "Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm tin tưởng đến số phận pháp lý của tôi, điều đó giúp cho tôi thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua khổ nạn này".
"Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Nghìn năm chưa kể chuyện con con..."''Vụ án chỉ là một đòn thù chính trị đê hèn.''
Con gái blogger Trương Duy Nhất cũng phơi bày tâm sự trên trang Facebook cá nhân khi phiên tòa sơ thẩm của ba cô vừa kết thúc:
"Hơn 1 năm rồi con mới lại thấy ba, nhưng không phải là qua màn hình điện thoại mà qua tấm ảnh trên báo. Ba con vẫn vậy, vẫn cương trực, bản lĩnh và mạnh mẽ. Ba ơi, con rất vui khi thấy ảnh tuần trước và tuần này khi ra toà ba đều mặc áo con tặng. Ba biết không, con cố chọn một chiếc sơ mi màu xanh dương để gửi cho ba - màu xanh của hy vọng".
Luật sư Mạnh thông tin thêm trên Facebook cá nhân, phiên tòa được xét xử công khai với sự tham dự của đội ngũ cảnh sát tư pháp.
"Hai người em ruột của ông Trương Duy Nhất sinh sống tại Quảng Nam lặn lội ra Hà Nội để tham dự buổi xét xử anh mình, cả hai cầm tờ đơn xác nhận quan hệ gia đình theo dõi phiên tòa từ bên ngoài tường rào tòa án. Ngoài ra, ông Phan Văn Anh Vũ cũng được triệu tập đến tòa với tư cách là ngươi có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ông tận dụng phút nghỉ ngơi tại tòa để tiếp cận với hai luật sư nhờ chuyển lời đến bà Lê Thị Nga, đại biểu quốc hội để kêu oan", luật sư Mạnh viết.
Trước đó trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 28/2, luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định rằng qua quá trình trao đổi với ông Nhất và nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông có thể khẳng định rằng thân chủ của mình "bị oan".
"Qua các lần tiếp xúc tôi thấy ông Trương Duy Nhất là một người hoạt bát, đầy năng lượng và nhiệt huyết, có thái độ đấu tranh không khoan nhượng. Sức khỏe và tinh thần của ông Trương Duy Nhất rất ổn. Ông rất nóng lòng muốn ra phiên tòa này để nói lên tiếng nói minh oan cho mình."
"Có nhiều chi tiết mâu thuẫn. Chẳng hạn trong bản cáo trạng điều tra mà chúng tôi được tiếp xúc thì có ghi là ông Nhất bị bắt ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhưng thực tế ông bị bắt ở Bangkok, Thái Lan. Các thông tin này hoàn toàn có thể kiểm chứng. Ông Nhất cho hay rằng ông bị hai cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan bắt ở Bangkok, sau đó họ giao ông cho một nhóm, khả năng là cảnh sát mật vụ Việt Nam."
Luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất, thì nói với BBC Tiếng Việt sáng 28/2 rằng về phương diện pháp lý, "kết luận điều tra nói một đường, cáo trạng nói một nẻo, như thế là trong đó đã có sự bất nhất rồi."
"Chẳng hạn họ cáo buộc ông Nhất cùng một tội danh nhưng khung hình phạt họ đưa ra lại khác nhau. Kết luận điều tra kết luận hành vi của ông Nhất phạm vào Khoản 2 (với khung khung hình phạt là 5-10 năm tù) nhưng cáo trạng lại nâng lên Khoản 3 (với khung hình phạt từ 10-15 năm tù) với những chứng cứ buộc tội rất mập mờ. Trước họ tính ông Nhất gây thiệt hại cho nhà nước hơn 300 triệu đồng vào thời điểm phạm tội, nhưng nay họ tính thiệt hại ở thời điểm hiện tại thì nó lên tới hơn 13 tỷ đồng.", ông nói.
Ông Trương Duy Nhất nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đại Đoàn Kết (giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2011) tại thành phố Đà Nẵng. Ông còn được biết đến trong vai trò blogger của trang "Một góc nhìn khác".
Ông từng bị tù 2 năm tại Việt Nam với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân." Cáo trạng khi đó nói ông Nhất có các bài viết "không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng".
© BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét